90-20-30 Bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ kể về chuỗi ngày thực tập của cô bé “20” tại agency “No eye deer”. Dưới ngòi bút đầy kinh nghiệm của Huỳnh Vĩnh Sơn, một copywriter tự xưng” dễ xài nhất đồng bằng sông Cửu Long”, bạn đọc phần nào hiểu hơn về những ý tưởng, cách diễn đạt câu chữ và lồng trong những bài học vỡ lòng đó là câu chuyện nghề sáng tạo hiện lên với đầy đủ những thăng trầm mà bất cứ bạn trẻ nào mới đặt chân vào ngành sáng tạo đều nên biết.
Mở đầu độc lạ
Là sách của một copywriter chứ không phải một cây viết bình thường, “sói ăn chay” Sơn chọn cách kể lại những bài học thông qua câu chuyện của một Gen Z xin thực tập agency, vị trí copywriter. Từng nhân vật trong câu chuyện được giới thiệu độc đáo thông qua mẫu truyện tranh ngắn “Chào sân”. Trong đó, các nhân vật đại diện cho các phòng ban của agency và họ hiện lên đầy vui tươi, sức sống với những nét tính cách đặc trưng của nghề nghiệp mình. Chị Account xinh đẹp, mạnh mẽ, trong túi đầy son, miệng mồm hổ báo, luôn khắt khe, yêu cầu cao đối với bộ phận Creative. Anh Management Director cool ngầu đi làm với độc một bộ suit đen và cặp kính râm, chả bao giờ thấy ở văn phòng vì lúc nào cũng bận “đi khách”.
Hết phần chào hỏi, tác giả bắt đầu “chào hàng” những bài học mang tính nguyên tắc về câu chữ thông qua cuộc hội thoại dí dỏm của hai nhân vật chính là em 20 và anh 30. Kẻ thực tập, người mentor cùng nhau tung hứng giúp người đọc có cái nhìn sơ lược về cấu trúc câu chữ như cách phân chia đoạn chính phụ, viết sao cho đúng đề, đúng tầm thương hiệu,… Bên cạnh đó, “Sói ăn chay” cũng không quên bổ sung một vài trang web “văn mẫu” như Adweek, BrandsVietnam để tham khảo và học hỏi. Chỉ qua một phần giới thiệu sinh động, ngộ nghĩnh, tác giả không chỉ tạo ra bước đột phá trong cách viết mà còn giúp các bạn trẻ không bị nhàm chán và thêm phần hứng thú.
Câu từ và ý tưởng
Những trang tiếp theo tiếp tục là 90 ngày phiêu lưu ở agency của cô bé “20”. Một mặt, tác giả nói nhiều về cách lên ý tưởng, phương pháp tư duy để có thể khơi nguồn sáng tạo: “liên tưởng”, “đuổi hình bắt chữ”,”chơi chữ”,… Qua đó bạn đọc thấy được quá trình tạo dựng ý tưởng không phải ngồi cắn bút mà ra. Đó là thành quả của việc học hỏi không ngừng , phối kết hợp nhiều góc nhìn và liên hệ với kiến thức thu lượm của bản thân.
“Có ý tưởng hay mà viết không ra thì cũng vứt?”. “Sói” tiếp tục mách ta các mẹo để chuốt từ, chuốt câu sao cho hay, gọn. Cắt từ, tuần tự, siết chữ là ba trong vô số thủ thuật được tác giả đề cập. Song song với những mẹo hay là những lỗi mà ngay cả các copywriter gạo cội vẫn còn mắc phải như huề vốn, cảm tính, lệch sắc thái,… Vị coppywritter gạo cội chia sẻ rằng dù làm nghề bao năm thì với ngôn ngữ, ta vẫn chỉ là người học việc, thế nên sai lầm là không thể tránh khỏi.
Các bài học tuy sắp xếp có phần lộn xộn nhưng nhờ vào cách kể lôi cuốn và các ví dụ “sát thực tế chiến đấu”, bạn đọc vẫn sẽ nằm lòng những bài học này một cách trơn tru, hiệu quả.
Lời tự sự của một copywriter
Có thể nói một phần không nhỏ làm nên sự hấp dẫn của cuốn sách chính là những tâm sự rất đời của tác giả về bao xúc cảm buồn vui trong nghề. Những lời thủ thỉ, tâm tình của hai anh em 30 và 20 sẽ giúp ta thấm thía được phần nào sự khó khăn mà một copywriter phải đối mặt. Áp lực từ cơm áo, gạo tiền, cái nghề được cho là lận đận, thiếu ổn định. Chưa kể người làm nghề luôn phải đầu tư nhiều để trau dồi kiến thức, bắt kịp xu hướng mà lương bổng nhận lại chả được bao nhiêu.
Mặt khác áp lực từ khách hàng cũng thử thách lòng yêu nghề của nhiều bạn trẻ, mỗi lần không đúng yêu cầu lại sửa lên, sửa xuống, xỉu up, xỉu down. Lắm lúc khách hàng bình phẩm: ”Cái chữ “trầm tính” nghe TIÊU CỰC quá, không phù hợp với hình ảnh người đàn ông sâu sắc, ít nói mà thương hiệu chị hướng đến”. Công việc nào cũng có cái vất vả đằng sau bề ngoài hoàng nhoáng của nó. Điều quan trọng là mỗi người phải chuẩn bị cho bản thân một bản lĩnh thật to và cái da mặt thật dày để bám trụ và phát triển trong cái nghề đào thải gắt gao này.
Những tâm sự của tác giả dưới lời bộc bạch của anh 30 được đan xen vào từng phần xuyên suốt quyến sách quả thực tạo những điểm nốt trầm điểm xuyết giữa những tràng cười rộn rã. Khi đọc những dòng ấy, ta không khỏi dừng lại, nghiền ngẫm liệu bản thân có đủ năng lực và đam mê để dấn thân vào cái nghề tưởng không khó mà khó không tưởng này không?
Cuộc vui nào cũng có hồi kết
Những ngày cuối cùng kì thực tập của 20 cũng là lúc mà độc giả sắp phải gấp lại quyển sách, tác giả ôn lại những gì đã học thông qua các chuyện “Ngày 87: Ôn tập”, “ Ngày 88: Em 20 tuổi, em học 20 điều” và kết thúc bằng những lời nhắn nhủ của một mentor khi chứng kiến thực tập của mình dang rộng cánh bay rời tổ: “ Quảng cáo không quan trọng lắm đâu”; “Hành nghề dễ đau khi mang nhiều ảo tưởng”; “ Là đồng đội, không là bà nội”;… Có lẽ khó tìm được quyển sách nào lại gắn kết sâu sắc với độc giả như vậy. Từng câu, từng chữ sao thật nặng tình khiến ta cảm thấy bịn rịn như trước lúc chia ly. 90-30-20 thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời và sẽ mãi đọng lại trong lòng các độc giả.
“ Tuổi trẻ em ơi… 100 trái tim trong lồng ngực.
Là tuổi tham lam muốn có cả bể trời.
Là tuổi nhỏ thấy cái gì cũng lớn.
Là tuổi lơ ngơ đối mặt thử thách đầu đời…
…Tuổi trẻ của anh là men say
Nay đã qua cơn chếnh choáng.
Ta không bao giờ thấy tuổi trẻ trôi qua.
Ta chỉ ngoái đầu nhìn lại thấy nó không còn nữa.
Anh nhìn lại.
Thấy tuổi trẻ là em.
Mãi như vậy nhé mầm non sáng tạo”
Đối với những bạn trẻ có đam mê với nghiệp copywriter, đây là quyển sách” đưa em vào đời” hay và sâu sắc bởi không chỉ là kiến thức mà còn là hành trang tâm lý bước vào agency quảng cáo. Còn đối với phần đông bạn đọc, quyển sách giúp ta hình thành tư duy ngôn ngữ cũng như tạo dựng một cái nhìn sơ bộ về cái ngành nghề mới mẻ nhưng cũng lắm sứt mẻ này.
Nguồn : https://reviewsach.net/90-20-30-bai-hoc-vo-long-ve-y-tuong-va-cau-chu/