Một chàng trai có khả năng “nhìn thấy số thời gian còn lại của cuộc đời người khác” đã yêu một cô gái có thời gian sống chỉ còn hữu hạn ngắn ngủi. Để rồi, việc đếm từng ngày trôi qua anh và cô bên nhau, chỉ như một chuỗi ngày nghiệt ngã, anh đang đếm từng khắc ngọn lửa sinh mệnh của người anh yêu thương cạn kiệt.
Sinh mệnh, cái chết, người ra đi, kẻ ở lại, ký ức, hiện thực, tương lai và thương yêu, tất cả là gì; trong một cuộc đời con người hữu hạn như vậy?
Anh
Trước hết, cần phải nhấn mạnh một điều rằng, Anh sẽ lại đếm ngày phải nói tạm biệt em là một cuốn tiểu thuyết mang cấu trúc khá đặc biệt. Với bốn chương truyện chính được kể qua điểm nhìn ngôi kể thứ nhất từ chàng trai sinh viên Y khoa năm nhất Sasaki Naoto, chủ thể tự sự của đại từ “anh” trong nhan đề tác phẩm, cả thiên tiểu thuyết, như được tạo dựng như những trang nhật kí được đánh số ngày. Nhưng lại khác với những cuốn nhật kí vẫn đề ngày tháng ứng với chính chủ nhân của, Anh sẽ lại đếm ngày phải nói tạm biệt em, lại dùng số đếm thay cho tháng ngày. Và số đếm ấy, không thuộc về chủ thể tự sự mà thuộc về phần giá trị sinh mệnh còn lại của người con gái Naoto dành trọn tình yêu.
Vốn mang năng lực đặc biệt, cũng là yếu tố tạo nên khía cạnh kì ảo cho tác phẩm này của Masaki Kiritomo, chàng sinh viên Y khoa những tưởng hết sức bình thường như Naoto, lại nhìn thấy được “số thời gian còn lại của cuộc đời người khác.” Song bất cứ ai anh thấy được số đếm trên đầu, quỹ thời gian họ trên cõi đời, chẳng còn lại là bao. Từ lúc anh còn là đứa trẻ, lần đầu nhìn thấy số ngày sinh mệnh của bà anh tới khi trưởng thành, nhìn thấy con số lạnh lùng, nghiệt ngã lần nữa hiện trên đầu cô gái anh thương yêu đã như vậy. Không rõ năng lực này Naoto từ đâu mà có, và cũng chẳng biết ngày nào năng lực ấy biến mất.
Nhưng với bản thân Naoto, mang theo khả năng đặc biệt, chỉ là một gánh nặng đè nén trên vai anh hơn chục năm trời. Để chàng trai đấy, thấy bản thân đớn đau trong nỗi bất lực thế nào. Khi anh biết người thân sẽ ra đi, mà chẳng thể làm gì hơn; khi anh biết quỹ thời gian của người đó là hữu hạn ngắn ngủi, mà anh chẳng thể làm thế nào để kéo dài sinh mạng cho họ. Điều anh làm được, chỉ là nhìn từng ngày người ấy, tiến gần hơn tới cửa tử; dù cho, ngày còn bé xíu hay đã vào khoa y mang theo khắc khoải sâu kín, tìm cách, cứu người. “Mặc dù tôi có thể thấy trước được “cái chết” của Miu nhưng tôi lại không có được sức mạnh để ngăn cản điều đó. Việc tôi có thể làm là sợ hãi chờ đợi cái chết của cô ấy và bằng lòng chấp nhận nó mà thôi.”
Anh, chàng trai trẻ nhìn thấu thời gian sinh mệnh và cũng sớm nhìn thấu sự mong manh của một kiếp đời; tựa cánh hoa anh đào, ngay cả trong sự nở rộ rực rỡ, đã luôn ẩn chứa sự lùi tàn. Nên ở anh, chứa đựng đầy những mâu thuẫn, giằng xé của một kẻ: biết mà không thể làm gì và muốn tiến đến nhưng rụt rè, sợ hãi, bất lực. Nên, không thể trách anh thiếu quyết đoán bởi vốn dĩ, thứ năng lực báo “sự chết” thay vì báo “sự sống” này vốn đã đè nặng trái tim, tâm hồn anh suốt quãng thời gian khôn lớn, trưởng thành. Khiến chàng trai trẻ, luôn ngờ vực giữa vô vàn câu hỏi tại sao. Phải, tại sao lại là anh, tại sao lại trao cho anh thứ khả năng nghiệt ngã đến vậy và anh có năng lực đó, để làm gì?
Chỉ để chứng kiến, lần lượt từng người quanh anh ra đi trong vô vọng ư? Hay, hơn cả là cho anh hiểu, giá trị sinh mạng và dù anh yếu đuối, vô lực, không thể kéo dài quỹ thời gian của một ai đó, thì anh cũng có thể làm cho, quãng thời gian hữu hạn ngắn ngủi của họ trở nên ý nghĩa.
Yêu thương nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn, khả năng “nhìn thấy số thời gian còn lại của cuộc đời người khác” là chi tiết hư cấu tác giả Masaki Kirimoto sáng tạo lên. Nhưng cảm xúc dồn nén, từng suy nghĩ, cử chỉ của Naoto lại rất mực chân thật. Về ý nghĩa cuộc đời và cách chàng trai trẻ trân trọng sinh mệnh mong manh của từng cá nhân, trước hết, là những người gắn bó với anh, hơn bất kì ai. Mà chẳng phải, nỗi khắc khoải với tha nhân đấy, là điều tiên quyết, cho ai muốn theo đuổi ngành Y, cùng cả những ai, theo đuổi nghiệp cầm bút đó ư?
Em
Như đã nói, tiểu thuyết Anh sẽ lại đếm ngày phải nói tạm biệt em có cấu trúc khá đặc biệt. Sự đặc biệt đến từ những trang tựa nhật kí Naoto viết, không phải là ngày cá nhân của anh mà lại gắn liền với sinh mệnh của em, cô gái tên Minehara Miu đấy. Và một sự thật rằng, không phải đến lúc bị Naoto phát hiện quỹ sinh mệnh ngắn ngủi, Miu mới biết thời gian của em chỉ còn tính từng ngày. Mà vốn dĩ, Miu đã sớm biết tương lai của em, về căn bệnh nan y chưa tìm ra nguyên nhân em mắc phải như một sự di truyền thế hệ.
Nhưng một Miu gắn liền với bệnh viện từ ngày thơ ấu, cũng có quyền sống trọn vẹn quỹ thời gian của riêng em chứ? Chiến đấu kiên cường để học hỏi, để yêu và được yêu, để từng ngày trôi qua, mỗi phút mỗi giây, đều thật đáng quý. Nên Naoto và trang văn Masaki Kirimoto mới có một Miu giàu nhiệt huyết, nhiệt tình đến vậy. Dưới điểm nhìn của cái tôi Naoto, dường như “cái chết” không hề tồn tại trong suy tưởng của cô gái với niềm yêu sống đến cuồng nhiệt đó.
Tuy nhiên, vì mọi thứ với Miu là hữu hạn, bất cứ việc gì với em cũng là một sự chạy đua mà phải chăng, em có thể lãng quên đi tử – sinh. Hoặc, vốn bản thân em cần chôn chặt những xao động trong lòng vào niềm ham sống, để chính em, không bị nhấn chìm trong nỗi tuyệt vọng của một bệnh nhân, tiên liệu sẽ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.
Và, dù em kiên cường đến đâu, mạnh mẽ thế nào, em vẫn chỉ là cô gái nhỏ, khát khao được sống ngay cả khi số phận em có bất hạnh; nên nội tâm em cũng chất chứa đủ mâu thuẫn, buồn đau đằng sau dáng vẻ hay nói, hay cười em vẫn thể hiện. Một Miu lặng thầm, yếu đuối, mong manh, hoang mang trước nỗi hoài nghi về sự tồn tại ngắn ngủi của em giữa cuộc đời như chỉ thể hiện cho Naoto thấy. “Nhưng nếu chỉ cần nói “chỉ cần đang sống đã là tuyệt vời” thì người không thể sống được như người khác là em đây sẽ ra sao? Những người như papa của em sẽ thế nào? Những người có cuộc sống ngắn ngủi như papa và em thì có ít ý nghĩa sống hơn người khác hay sao?”
Một Miu bất ổn chỉ còn 300 để sống, để yêu, bên một Naoto ngờ vực, mỗi người như tiếng gọi định mệnh dành cho nửa còn lại. Rằng những ai thuộc về cùng một thế giới nhiều đớn đau, những ai có duyên, có tình nhất định sẽ vượt được thời gian và cách trở, tìm thấy nhau. Để rồi, chính mỗi người, lại trở thành điểm tựa tinh thần, động lực cho người kia, cho tương lai hữu hạn phía trước và cho tương lai vô hạn sau này.
Nhưng bên cạnh ý nghĩa như cuốn nhật kí được kể bằng số đếm, cấu trúc của tiểu thuyết Anh sẽ lại đếm ngày phải nói tạm biệt em còn đặc biệt ở cách tác giả tạo lập sự đan xen của những mẩu truyện “Cuộc hội ngộ” và “Kỉ niệm về sách tranh” giữa hai chương đầu tác phẩm. Hai mẩu truyện được kể bằng một “cái tôi” khác, được lưu dưới dạng văn bản, là những đoạn truyện Miu viết nhưng có lẽ, cũng chính là hi vọng và trải lòng của em. Trang viết tản mát, tựa một cuốn nhật kí nhỏ khác, song song trong tổng thể câu chuyện, ngỡ rằng chẳng ăn nhập với mạch truyện chính. Nhưng tận cùng, đó lại là sự nối tiếp cùng cuốn nhật kí lớn Naoto đang viết. Từ “hội ngộ” đến “chia li”, từ kỉ niệm sách tranh “con mèo triệu kiếp” tới “con mèo kiếp đầu tiên”; mọi sắp xếp nhỏ nhặt, tinh tế Masaki Kirimoto tạo lên, đã làm tăng thêm tính định mệnh cho trang văn anh.
Bởi dù chứa đựng những yếu tố kì ảo, nhưng trọn vẹn, Anh sẽ lại đếm ngày phải nói tạm biệt em vẫn là tác phẩm thực đến tàn nhẫn nhưng cũng chứa đựng niềm hi vọng sống tới đớn đau. Điều đó, thể hiện ở ngay tiêu đề tác phẩm, không phải “vĩnh biệt” mà là “tạm biệt”, và từ “lại”, tựa lời dự báo, cho sự chuyển kiếp cùng vòng lặp luân hồi của con người. Mà nội tại tác phẩm, cũng chứa đựng hàng loạt hình ảnh tượng trưng cho yếu tố tái sinh đó. Miu và Naoto được “kết nối” dưới tán hoa anh đào, loài hoa biểu tượng cho mùa xuân, sự sống. Hay biểu tượng về loài mèo “triệu kiếp”, “kiếp đầu tiên” cũng hướng trường liên tưởng, về một giống loài vẫn được quan niệm, có 9 kiếp sống mãnh liệt trên đời…
Nên, có “đau lòng”, hay “bi ai”, thì Anh sẽ lại đếm ngày phải nói tạm biệt em chưa khi nào, là một áng văn của nỗi tuyệt vọng. Ở tác phẩm ấy, ngập tràn niềm tin yêu của những con người tin rằng, người ta “thác là thể xác”. Bởi thế, tác phẩm của Masaki Kirimoto còn như hướng tới cả chữ “thiền” trong Phậ giáo vậy.
Nguồn : https://reviewsach.net/anh-se-lai-dem-ngay-phai-noi-tam-biet-em/