Một chàng thanh niên nhìn cuộc đời bằng cặp mắt bi quan, luôn tự ti vào bản thân và nghi ngờ người khác. Với anh, thế giới chẳng có gì ngoài bất công, mâu thuẫn; trong thế giới đó, con người khó có thể có được hạnh phúc. Bỗng một ngày, chàng thanh niên nọ bắt gặp lời phát biểu của một triết gia nọ. Rằng “Thế giới vô cùng đơn giản và con người có thể hạnh phúc ngay lúc này”, “thế giới đơn giản đến từng ngóc ngách.”
Vốn là người bi quan buồn bã, chàng thanh niên không thể chấp nhận phát biểu này. Bởi thế, anh đã đến tìm gặp người triết gia đó để tranh luận. Thế rồi qua các đêm, cuộc tranh luận đã đi hết từng vấn đề cơ bản trong đời sống xã hội, dựa trên lí thuyết của tâm lí học Adler. Và Dám bị ghét, cũng chính là tác phẩm đầu tiên, tiền đề, đưa chàng thanh niên đến Dám hạnh phúc về sau.
*Cre ảnh: Page Nhã Nam
Tâm lí học Adler trên hành trình kiếm tìm đáp án cho câu hỏi lớn cuộc đời
Có lẽ, đến cuối cuộc đời, người ta vẫn mãi trăn trở với những câu hỏi, tưởng chừng cá nhân nhỏ nhặt nhưng lại quyết định đến tư tưởng, hành động, lối sống. Rằng “Ta là ai, từ đâu đến và ta tồn tại trên cõi đời này vì mục đích gì?” Hay “Đến cuối cùng, hạnh phúc được định nghĩa như thế nào? Suốt quãng thời gian đã qua, ta có thực sự được hạnh phúc?” Thậm chí, tới lúc nhắm mắt xuôi tay, không ít người vẫn cảm thấy tiếc nuối quá khứ. Vì dường như họ đã bỏ phí quá nhiều thời gian bởi sự tự ti, thiếu can đảm mà không dám tiến lên theo đuổi mơ ước, đam mê; bởi lo sợ trước ánh nhìn, đánh giá của người khác mà không dám hành động, nói ra chủ kiến cá nhân; hay bởi những dằn vặt về sai lầm xưa cũ khiến người ta không còn đủ dũng khí đối diện với hiện tại…
Và những trở trăn, dằn vặt về bao câu hỏi lớn cuộc đời đó, đã được bộ đôi tác giả, Kishimi Ichiro cùng Koga Fumitake thể hiện trong cuốn sách là bestseller, bán được 3 triệu bản tại Nhật Bản có tên Dám bị ghét. Một tác phẩm dựa trên lý thuyết của tâm lí học Adler, xây dựng dưới dạng thức cuộc đối thoại trong năm đêm giữa hai người: chàng thanh niên khát cầu tranh luận, kiếm tìm chân lí và vị triết gia như đã thấu tỏ khổ đau lẫn mọi sự phức tạp, hư vinh trọn một kiếp đời.
Alfred Adler, nhà tâm lí học được mệnh danh là một trong “ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại”, sánh ngang với Freud và Jung. Nhưng Freud phác họa cấu trúc nhân cách con người gồm ba phần cơ bản là: cái Nó – phần Vô thức, cái Tôi – phần Ý thức, cái Siêu tôi – phần Tiềm thức. Và đặc biệt Freud nhấn mạnh đến vai trò của phần Vô thức. Tâm lí học của Freud cho rằng tâm lí con người giống với tảng băng trôi mà ý thức chỉ là bề nổi rất nhỏ, phần chìm của tảng băng thuộc về miền vô thức, chiếm tỉ trọng lớn quyết định hướng di chuyển của tảng băng. Điều đó đồng nghĩa với việc Freud thừa nhận rằng, “quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại”.
Còn Adler, khi nhìn nhận tâm lí con người và cuộc đời, lại lí giải rằng “cuộc đời là do ta lựa chọn.” Tức con người hoàn toàn có thể đạt được sự tự do về mặt ý thức và điều chỉnh được suy nghĩ, hành vi của mình. Để quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại cũng chỉ là ý thức, cách người ta lựa chọn đối diện với thực tại mà thôi.
Và trong suốt những buổi trao đổi liên miên giữa chàng thanh niên cùng vị triết gia, từng lý thuyết cơ bản đó trong học thuyết của Adler về “tâm lí học cá nhân” dần hé lộ. Qua trải nghiệm của chàng thanh niên, những ví dụ anh đưa ra cùng sự dẫn dắt của người học giả, từng khía cạnh, như một sự “giải thiêng” về lĩnh vực tâm lí được đưa đến, nghiệt ngã mà thẳng thắn. Về “Hãy phủ nhận sang chấn tâm lí”, “Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người”, “Bỏ qua nhiệm vụ của người khác”, học cách “phân chia nhiệm vụ” trong cuộc sống; “Trung tâm thế giới nằm ở đâu?” và “cảm thức cộng đồng”; “Sống hết mình Ngay tại đây, vào lúc này.”
Để độc giả có thể giật mình nhận ra, cách nhìn nhận thế giới và con người đó, ai chẳng biết và dễ dàng nói ra. Nhưng rõ ràng, từ lý thuyết đi đến hành động là cả một quá trình gian nan, bởi cái cốt lõi để thay đổi hành động một người cần phải thay đổi tư duy của người đó. Vì thế, tâm lý học Adler được thể hiện một cách sinh động, sâu sắc trong cuộc đối thoại giữa hai con người thuộc hai thế hệ hiện lên không chỉ đơn thuần đề ra một lý thuyết, cách tiếp cận vấn đề mà hơn cả, đó là “tâm lí học của lòng can đảm”, khích lệ con người dám làm, dám nghĩ, dám tiến bước, dám khẳng định cái tôi, dám thể hiện sự tồn tại, “dám bị ghét” và hơn hết cả là “dám có được hạnh phúc”.
*Cre ảnh: page Nhã Nam
Cái tôi, mục tiêu cuộc đời và sự phân chia công việc
Dưới hình thức một cuộc đối thoại trải dài nhiều ngày, Dám bị ghét đã chuyển tải những kiến thức tâm lí học tưởng chừng khô khan, khó hiểu đến với độc giả một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu qua hàng loạt ví dụ cùng lời giải thích chân thực, sống động, cặn kẽ. Từ người mắc hội chứng Hikikomori đến cô gái mắc chứng đỏ mặt khi gặp người mình thích, từ đứa trẻ không muốn học bài đến những lứa tuổi nổi loạn, từ chính cuộc sống bản thân chàng thanh niên đến ngay mối quan hệ giữa đình của vị triết gia… Tất cả, gần gũi tới nỗi khiến người ta có thể bất thốt: dường như ta đang nhìn thấy chính bản thân trong mỗi câu chuyện nhỏ đó.
Để rồi ta nhận ra, những điều triết gia nói, những gì chàng thanh niên chiêm nghiệm được dựa trên lí thuyết tâm lí học Adler đang phần nào đưa ra hướng giải quyết các vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật Bản nói riêng, xã hội hiện đại hôm nay nói chung, về một lớp người vẫn đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng căn cước và ý thức hệ. Với họ, thế giới chán ngắt, bức bối này tràn ngập mâu thuẫn. Họ mang nặng một kí ức vụn vỡ, bước đi vô định ở hiện tại mà hướng tới một tương lai mịt mờ. Họ mất đi mục đích sống, phong kín cánh cửa trái tim, tự nhốt bản thân lại trong phòng hay tiêu cực hơn là tìm đến cái chết như một cách giải thoát.
Và tất cả, lại quay về phạm trù cái tôi với những câu hỏi lớn của cuộc đời. Buộc người ta phải đối diện, như cách vị triết gia đã buộc chàng thanh niên nhận thức bản thân là ai, muốn giải quyết nỗi “bất hạnh” anh gặp phải, cần đi tới căn nguyên của mối quan hệ giữa người với người trong ba mục tiêu cuộc đời, phân chia nhiệm vụ để không vướng bận với nhiệm vụ của người khác, sống để cống hiến hết mình cho cộng đồng ngay tại đây, vào lúc này. Bởi bản thể con người, chỉ cần tồn tại thôi đã là một sự tồn tại vô cùng có ý nghĩa, theo cách này hay cách khác, với người này hay người kia.
Ai cũng có thể hạnh phúc, ai cũng có thể thay đổi bản thân để thế giới trở nên tốt đẹp hơn: “Chấp nhận bản thân. Nếu biết chấp nhận bản thân như vốn có, xác định được “điều mình có thể” và “điều mình không thể”, ta sẽ hiểu rằng lợi dụng hay không là nhiệm vụ của người khác, và sẽ thấy việc tin tưởng vào người khác trở nên dễ dàng hơn.” “Lời nói dối cuộc đời lớn nhất, đó là không sống “ngay tại đây, vào lúc này” mà chỉ chìm đắm trong quá khứ, mơ mộng về tương lai, chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cả cuộc đời, tưởng rằng mình đã thấy gì đó.” “Bạn bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Bạn chỉ thiếu “can đảm” mà thôi. Nói một cách khác, bạn không đủ “can đảm để dám hạnh phúc”. […] Bởi can đảm để dám hạnh phúc bao gồm cả “can đảm để dám bị ghét” nữa […] Chỉ khi dám bị người khác ghét bỏ, chúng ta mới có được tự do, có được hạnh phúc.”
Tâm lí học Adler với lý thuyết về cái tôi, mối quan hệ xã hội giữa mỗi cá nhân, sự phân chia nhiệm vụ, cảm thức cộng đồng, cách con người sống để có được hạnh phúc thoạt nghe tưởng như toàn lời lẽ sáo rỗng, thiếu tinh thần trách nhiệm hay tựa một thứ luận điệu mê hoặc con người sống gấp, sống vội. Nhưng qua cuộc tranh luận không nhượng bộ giữa chàng thanh niên và vị triết gia, tâm lí học Adler, hiện hình trong thái độ con người sẵn sàng “dám bị ghét” lại mang ý nghĩa tích cực cùng giá trị thực tiễn rất cao. Bởi “Đời người chỉ sống có một lần…” (Thép đã tôi thế đấy). Và tất nhiên, sống tận lực, tận hiến, sống trọn từng phút từng giây của hiện tại với tinh thần cống hiến hết mình cho nhiệm vụ của bản thân không có gì là đốt cháy thời gian hay trốn tránh trách nhiệm hết.
Là một cuốn sách được xây dựng trên một hệ thống hệ thống lí thuyết tâm lí cụ thể, nhưng với hình thức đối thoại tự sự cởi mở giữa hai con người, Dám bị ghét cuốn hút, dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm, kích lệ mỗi người đến lối sống tích cực, dám can đảm thay đổi tư duy, nắm lấy tự do, tiến tới hạnh phúc. Và đưa một ấn bản Dám bị ghét gần như hoàn thiện từ hình thức tới khâu nội dung dịch thuật là một nỗ lực rất lớn của Công ty Nhã Nam trong việc truyền tải tri thức; đồng thời, tạo tiền đề, tâm thế để một năm sau, Dám hạnh phúc đến với độc giả Việt Nam.
Nguồn : https://reviewsach.net/dam-bi-ghet/
Đọc thêm: