Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeSách Trinh ThámTên Của Trò Chơi Là Bắt Cóc – Khi tất cả đều...

Tên Của Trò Chơi Là Bắt Cóc – Khi tất cả đều đóng vai kẻ ác

Tên Của Trò Chơi Là Bắt Cóc của Higashino Keigo tiếp tục gây ấn tượng với độc giả nhờ tài kể chuyện lắt léo và điều đặc biệt nhất trong tác phẩm này, không một nhân vật nào đóng vai chính diện

Có lẽ Keigo chưa đọc Nghệ thuật ẩn mình của Hacker Kevin Mitnick, bằng không ông sẽ phải viết lại cuốn tiểu thuyết này. Tên của trò chơi là bắt cóc là một tiểu thuyết khá hay, khá kịch tính với cái kết tương đối bất ngờ, thế nhưng tác phẩm văn học này thiếu quá nhiều logic và phi thực tế, khó có thể xếp nó ngang hàng với những sản phẩm trinh thám đỉnh cao của chính tác giả như Phía sau nghi can X hay Bạch Dạ Hành.

Dẫu sao màu sắc u tối chủ đạo của toàn bộ tác phẩm cộng với bối cảnh khác thường của câu chuyện, cuốn sách này vẫn xứng đáng để độc giả nhấm nháp bên một ly cafe dịp cuối tuần!

Tên của trò chơi là bắt cóc - Higashino Keigo - reviewsach.net
Ảnh: Skynovel

Khởi đầu với câu chuyện là một vụ bắt cóc khác thường

Có một anh chàng vốn là nhân viên Marketing của một công ty Agency nho nhỏ, là một người ngạo mạn trẻ tuổi vì thường chiến thắng ở những cuộc cạnh tranh từ lớn đến bé. Anh ta coi cuộc đời này vốn chỉ là trò chơi, và trong bất kỳ một hoàn cảnh nào, một trò chơi bất kỳ nào, anh ta đều khát khao giành chiến thắng bằng mọi giá.

Ấy thế mà rồi một ngày đẹp trời, gã thất bại. Kế hoạch quảng bá sản phẩm xe hơi cho một client (khách hàng- thuật ngữ của các agency) lớn bị hủy vào phút chót, chỉ vì gã phó giám đốc dở hơi nào đó lạnh lùng nói không! Và ông giám đốc kia chỉ đích danh gã là kẻ kém cỏi, phải loại bỏ trong chiến lược quảng bá sắp tới!

Những kẻ kiêu ngạo thường hay chiến thắng, và khi họ bỗng chốc thất bại, họ thường hành động tự phát một cách điên rồ. Anh nhân viên đáng thương kia cũng không phải là ngoại lệ. Gã uống say bét nhè, rồi vô thức phóng xe bạt mạng tới nơi ở của vị phó giám đốc, mục đích ban đầu chỉ đơn giản là đấu võ mồm với ông ấy, nhưng rồi một sự cố bất ngờ xảy ra ngoài dự kiến khiến cho cuộc đời gã thay đổi sang một ngã rẽ mới.

Gã rình mò và bắt gặp một cô gái trốn ra khỏi biệt thự của ông giám đốc kia ngay trong đêm. Điên rồ bám theo trong vô thức, tiếp cận làm quen và gã không quá bất ngờ khi cô gái kia là tiểu thư lá ngọc cành vàng của “kẻ mà ai cũng biết là ai đó”! Bạn đọc thoáng chốc bị cuốn theo hành trình của 2 con người xa lạ bỗng chốc sát lại gần nhau trong một kế hoạch điên rồ – kế hoạch cho một trò chơi bắt cóc.

Rõ ràng là một vụ bắt cóc khác thường, với nhân vật chính tự giả dạng mình là nạn nhân của vụ bắt cóc, còn hung thủ dàn dựng dù nghiệp dư nhưng cộng với cái đầu thông minh bất thường, gã khiến cho phần còn lại của trò chơi trở nên hoàn hảo không tỳ vết.

Thế nhưng chính cái lúc mà trò chơi đáng nhẽ phải hạ màn, nó lại đi theo một hướng khác mà gã và cả độc giả cũng không ngờ tới, hay nói đúng ra là chính Higashino Keigo đã đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tác phẩm hay, nhưng đã sai ngay từ khi khởi đầu

Tên của trò chơi là bắt cóc

Ảnh: Skybook (Đoạn này là cảm nhận, có cho biết trước một vài phần nội dung của tác phẩm, độc giả cân nhắc đọc tiếp)

Tác giả Keigo thời đi học hẳn là dân tự nhiên, ông diễn giải mọi thứ theo logic của toán học mà quên mất cuộc sống còn có 2 môn xã hội học và tâm lý học. Dường như Higashino quên mất khái niệm về tâm lý tội phạm, một điểm nhấn bất thường khiến cho ánh hào quang của tác phẩm này phần nào bị che mờ.

Về mặt xã hội học, không có tiểu thư lá ngọc cành vàng nào ở cái xã hội hiện đại mà không có mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Ngay cả những nơi bị kiểm duyệt gắt gao như Trung Quốc thì vẫn còn đó Weibo để người ta khoe ảnh mình lên mạng. Nhiều độc giả sẽ phản biện rằng đây là năm 2002 – khi tác phẩm này ra đời thì mạng xã hội vẫn chưa còn phổ biến như bây giờ. Nhưng đừng quên là chúng ta thời ấy vẫn còn đó Yahoo – luôn có nơi cho người trẻ tỏa sáng! Với những đối tượng trẻ trung mới lớn, mê chụp hình và đặc biệt là con gái xinh đẹp thì càng mê mẩn việc đăng ảnh cho cả thiên hạ thấy, không có lẽ gì mà cô con gái của vị giám đốc kia lại không có lấy một bức hình trên mạng!

Vậy mà anh chàng thông minh đóng vai nhân vật chính của chúng ta lại không nhận ra ngay từ đầu rằng mình đã bị cô gái ấy xỏ mũi, và tin 100% vào thân phận đặc biệt của cô ta. Về mặt xã hội học mà nói, điểm này hoàn toàn phi logic!

Về mặt tâm lý học tội phạm Keigo nên bay sang Trung Quốc tìm Lôi Mễ để bổ sung khẩn cấp kiến thức tội phạm. Bởi lẽ 3 nhân vật chính trong câu chuyện này lạnh lùng và chuyển biến đến mức không thể tin nổi!

Một nữ sinh bé bỏng như “Juri” lại có thể lạnh lùng giết người – dù bộc phát – nhưng sau đó ngay lập tức ổn định tâm lý và thoải mái quan hệ tình dục ngay ở nơi gần thi thể nạn nhân nơi mình đã sát hại? Thông thường thì một người nếu không phải là sát thủ giết người hàng loạt thì không thể nào đủ bình tĩnh để hành động như vậy, huống hồ đây chỉ là một cô bé tuổi đời còn quá trẻ, và lần đầu tiên giết người.

Một nhân viên Marketing đủ thông minh để dàn dựng vụ cướp tiền một cách hoàn hảo, nhưng anh ta lại không đủ kiến thức để truy tìm thông tin về con gái vị giám đốc kia, đồng thời lại lộ ra nhược điểm chết người khi sử dụng điện thoại sim giả để liên lạc với gia đình nạn nhân bị bắt cóc. Có lẽ tác giả không hề biết rằng, kể cả khi dùng điện thoại nặc danh nhưng gọi ở cùng một địa điểm thì cảnh sát hoàn toàn có thể xác định được nhân dạng (không cần quan tâm tới thời gian gọi là bao nhiêu) của người gọi nếu liên kết với những sim điện thoại gọi ở gần đấy ngay tại thời điểm đó – bởi những số điện thoại này đều truyền tín hiệu tới trạm phát sóng gần nhất! Và trong cuốn sách này, hung thủ còn sử dụng một sim giả để gọi liên tục ở nhiều nơi! Nếu gã không biết tính đến khả năng cảnh sát theo dấu vết dựa vào sim điện thoại, thì 100% gã sẽ bị tóm mà không hiểu tại sao (Độc giả nên đọc thêm cuốn Nghệ thuật ẩn mình – series viết về Hacker và tội phạm mạng để hiểu vì sao hành động gọi điện thoại này lại dễ dàng bị truy tìm dấu vết)

Tóm lại, ngay từ khi khởi đầu, một câu chuyện phi thực tế đã được tạo ra, dưới vỏ bọc hoàn hảo nhưng 100% sai logic khi tính đến cái gọi là phạm tội hoàn mỹ. Thế nên Tên của trò chơi là bắt cóc thật khó để được xếp ngang hàng với những tác phẩm trinh thám hiện đại, nơi mà công nghệ thông tin, chứng cứ và pháp y đóng vai trò quyết định, chưa kể đến sự trợ giúp hoàn hảo đến từ các chuyên gia khắc họa chân dung tâm lý tội phạm!

Có quá nhiều điểm phi logic như vậy nhưng độc giả yêu trinh thám cũng đừng buồn, bởi riêng việc khắc họa một thế giới mà chỉ hoàn toàn là những kẻ xấu tồn tại như tác phẩm này của Keigo, cũng đủ để chúng ta thêm nó vào danh sách cần phải đọc rồi! Bỏ qua những yếu tố tâm lý học, logic học kể trên thì những hoạt động bắt cóc đều diễn ra một cách hoàn hảo và cái kết mở đủ để người đọc đoán già đoán non cũng được xem là một thành công của Keigo rồi!

Thay cho lời kết

Higashino vẫn cay độc với phụ nữ như vậy, khi luôn biến họ thành kẻ ác đội lốt dưới lớp vỏ xinh đẹp và thông minh. Và dù cho hoàn cảnh hiểm nghèo đến mức nào rồi họ – những người phụ nữ mảnh mai vẫn kiên cường tìm được lối ra cho mình. Từ Yuhiko, Naoko và nay là Juri, có lẽ những ai có cái nhìn tốt về phụ nữ nên bớt đọc những tác phẩm của ông lại, nếu không sẽ luôn gieo rắc ánh nhìn hoài nghi và ác cảm tới một nửa thế giới ở khắp mọi nơi!

Đàn ông ở trong tác phẩm của ông luôn tự cho mình là thông minh, rốt cuộc sau cùng cũng chỉ là một quân tốt trên bàn cờ.

Có lẽ độc giả đã không còn xa lạ với tác giả Higashino Keigo và những tác phẩm đình đám kiểu uất ức và cay nghiệt như vậy của ông, nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng riêng tác phẩm được xuất bản vào năm 2002 này ở Nhật đã ngay lập tức được dựng thành phim vào 1 năm sau đó. Bộ phim Điện ảnh G@me dựng theo nguyên tác Tên của trò chơi là bắt cóc này đã thành công vang dội và đạt được Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản (tương đương giải Oscar ở Nhật)

Tên của trò chơi là bắt cóc – Khi con người phải khoác lên mình những lớp mặt nạ

Xét một cách công tâm, Game no na wa Yukai – Tên của trò chơi là bắt cóc còn chứa rất nhiều lỗ hổng về mặt logic, sự bất hợp lý về mặt tình tiết, sự thiếu liền mạch trong suy nghĩ, nội tâm nhân vật; vì thế nội dung câu chuyện trở lên có phần hư cấu, xa rời thực tế. Bởi vậy, nếu so Tên của trò chơi là bắt cóc với những tiểu thuyết khác có tính logic, liên kết, lớp lang cao trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Keigo-sensei, có thể nói đây như một nốt trùng xuống, khiến độc giả, dù không đến nỗi quá thất vọng song vẫn lại chẳng đủ để thỏa mãn. Nhưng dẫu thế nào, đây vẫn là một tác phẩm đáng đọc, bởi trầm vào nội dung, là những trăn trở đầy nhân sinh của tác giả về muôn mặt con người trong cuộc sống.

Một cuốn tiểu thuyết chưa thật trọn vẹn

Xuyên suốt tác phẩm, có thể thấy, Sakuma vì muốn “chơi” Katsuragi để tìm xem ai sẽ là kẻ chiến thắng, người cao tay hơn mà bày ra thiên la địa võng, suy trước tính sau, dự kiến trước mọi tình huống phát sinh… trong trò chơi bắt cóc do anh giả tưởng và đạo diễn. Mọi yếu tố được xây dựng nhằm tạo lên một phi vụ hoàn hảo. Làm cho người chơi, người sáng tạo ra cú lừa này, vừa được chơi, vừa được vui, vừa được trả món nợ khi Sakuma bị Katsuragi loại ra khỏi dự án anh đã đổ vào biết bao tâm huyết, nhất là vừa lấy lại được danh dự, thể diện trước lời nhận định chẳng mấy hay ho mà Katsuragi dành cho anh: “Không biết cách đọc thấu nhân tâm, cách suy nghĩ còn hời hợt, lần tới phải giao cho người biết nhìn xa trông rộng.

Và tưởng chừng như kế hoạch của Sakuma đã hoàn toàn đi đúng theo những gì anh ta dựng lên. Katsuragi dễ dàng bị anh ta đánh lừa, bị anh ta quay như chong chóng. Đỉnh cao của kế hoạch Sakuma tạo lập, có lẽ nằm ở cách thức anh ta phát hiện, cắt đuôi cảnh sát lẫn việc anh ta xác lập phương thức giao nhận tiền.

Nhưng kế hoạch Sakuma đầy tâm đắc, ngay từ đầu đã xuất hiện một lỗ hổng lớn không thể lấp đầy: Sakuma quá ngây thơ mà tin mọi lời Juri – Chiharu nói. Không xét sâu xa, nhưng quả thực rất khó tin và quá đỗi khiên cưỡng khi một anh chàng vốn thông minh, làm việc theo nguyên tắc, luôn lạnh lùng suy xét giải quyết mọi chuyện như Sakuma, lại dễ dàng nghe rồi tin theo mọi lời của một cô gái mới lần đầu gặp mặt: danh tính của cô ta, những lời chối đầy sơ hở: không mang theo điện thoại, để quên tin nhắn thoại ở nhà bạn, không cho Sakuma đi xe đến gần nhà cô bạn đó, những lần Sakuma để cô ta tự do ở nhà hay các cuộc điện thoại trao đổi giữa cô ta với Katsuragi… 

Quá nhiều vấn đề ở JuriSakuma không nhìn ra được; và chính sự tin tưởng dễ dàng ấy làm cho kế hoạch của Sakuma thất bại ngay từ trong trứng nước. Vậy, đây là sai lầm của Higashino Keigo khi xây dựng hình tượng nhân vật Sakuma Shunsuke hay là dụng ý của ông? Để nhằm khắc sâu một nhân vật, tưởng rằng thông minh lõi đời nhưng thực chất lại “không biết cách đọc thấu nhân tâm”, “cách suy nghĩ còn hời hợt”, “không biết nhìn xa trông rộng”?

Bên cạnh sai lầm chí mạng ngay từ nước đi đầu tiên của riêng Sakuma, Tên của trò chơi là bắt cóc còn chứa đựng những lỗ hổng không nhỏ cả về mặt tình tiết lẫn diễn biến tâm lý của nhân vật. Kế hoạch Sakuma xây dựng còn nhiều kẽ hở, nhưng trong tính phức tạp và hai mặt của trò chơi này, kẽ hở ấy có thể dễ dàng được bỏ qua. Bên cạnh đó, sự phát triển tính cách nhân vật lại có phần sắc lạnh, thiếu tính logic: mọi con người xuất hiện trong tác phẩm với bóng hình hết sức nhạt nhòa, để rồi cuối cùng, độc giả có thể tự hỏi, liệu rằng những nhân vật ấy có thật sự cần thiết? Ngay cả, “Juri” cũng chỉ như một con rối, gần như nghe theo mọi sự sắp xếp của Katsuragi. Quả thực, hiếm có tác phẩm nào trong sáng tác của Higashino Keigo lại xuất hiện nhiều nhân vật “thừa” đến như Tên của trò chơi là bắt cóc.

Từ lý thuyết kịch của Willam Shakespeare đến vờ kịch mang tên: Tên của trò chơi là bắt cóc

Lý thuyết kịch, hay còn gọi là lý thuyết kiềm chế biểu cảm, là lý thuyết dùng những thuật ngữ trong kịch học, xuất phát trước tiên từ quan niệm về kịch hóa, trong những vở kịch của Willam Shakespeare, sau đấy được KennethErving Goffman kế thừa và xây dựng thành hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh.

Luận điểm then chốt của lý thuyết kịch là kiềm chế biểu cảm. Để thực hiện kiềm chế biểu cảm, các cá nhân trong tương tác xã hội luôn tìm tòi thông tin về đối tác. Những thông tin có thể rút ra từ kinh nghiệm của những tương tác trong quá khứ, sự tự giới thiệu, tài liệu liên quan hoặc ít nhất là phong cách ăn mặc, hoạt động của nhau. Nguyên nhân xuất phát từ việc cá nhân, khi xuất hiện trước đám đông muốn được đám đông công nhận, hoặc cá nhân đó nghĩ rằng đám đông sẽ không nhận họ. Vì vậy, họ luôn phải tạo ra và duy trì các biểu cảm phù hợp với hoàn cảnh, dù biểu cảm này không thích hợp với con người thực của cá nhân đó. Đây chính là quá trình lặp lại vô tận việc mang – tháo bỏ những lớp mặt nạ khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống, xã hội.  

Cũng giống như game Mặt nạ thanh xuânSakuma đã sáng tạo ra và cũng giống như, quan điểm của anh ta về cách thức con người tồn tại giữa cuộc đời: “Tùy theo tình cảnh, mọi người đều mang những chiếc mặt nạ tương ứng. Tuyệt đối không được làm chuyện gì khiến mặt nạ của họ có nguy cơ bị tháo xuống”, “Thế giới này là một trò chơi, trong đó chúng ta thi xem chiếc mặt nạ mình mang phù hợp với hoàn cảnh đến mức độ nào.” Không rõ, khi sáng tác Tên của trò chơi là bắt cóc, Higashino Keigo có tham khảo lý thuyết kịch không. Nhưng quả thực, đã có một sự liên văn bản, liên lý thuyết không nhỏ giữa những trang văn của Keigo-sensei với lý thuyết kịch hóa trong tương tác xã hội của William Shakespeare.

Và xuyên suốt tác phẩm, Keigo-sensei đã không ngừng xây dựng lên những con người mang mặt nạ, duy trì mặt nạ cho tới tận trang văn cuối cùng. Một Sakuma chưa một lần được sống thật với bản thân từ khi còn là đứa trẻ, đến tận lúc trưởng thành, liên tục thắng các trò chơi mục tiêu cuộc đời, anh ta vẫn không ngừng khoác lên những lớp ngụy trang, sống theo kế hoạch đến gần như máy móc. Một Juri – Chiharu đã luôn mang mặt nạ ngay khi rời nhà Katsuragi, tới tận phút cuối trực diện đối mặt với Sakuma, trên mặt cô vẫn là chiếc mặt nạ dối lừa. Một Katsuragi Katsutoshi, luôn ở trong bóng tối điều khiển cục diện, đã thay đổi mặt nạ khi đứng trước mặt Sakuma, nhưng vẫn không ngừng gợi ý kẽ hở trò chơi, như một sự tự tin vốn có của kẻ có tài dành đến đối thủ. Những kẻ mang mặt nạ trên trang văn của Keigo –sensei , như muôn vàn khuôn mặt mà con người tạo ra trước các mối tương tác trong quan hệ xã hội giữa người này cùng người kia, người nọ và người khác. Bởi, con người luôn là một chủ thể phức tạp với những suy nghĩ, tình cảm, bí ẩn riêng, hay những thói hư tật xấu chẳng thể dễ dàng công khai trước cộng đồng.

Tuy nhiên, lý thuyết kịch lại là một quan điểm tiêu cực về tương tác giữa con người với con người; cũng như trò chơi bắt cóc, đến cuối cùng được nhắm đến nhằm che giấu sự thật đầy tàn khốc và đẫm máu. Rồi từ đó, Keigo-sensei đã lần nữa, đặt một câu hỏi đầy tính khắc khoải nhân sinh: Con người, liệu có thể sống mãi với lớp mặt nạ trên gương mặt hay không? Và con người, không lẽ để đạt được mục đích, chẳng thể sống thật với bản thân mình. Mà sống mãi với những chiếc mặt nạ giả tạo, con người, có thật sự hạnh phúc? 

Keigo-sensei, gợi lên câu hỏi, rồi chính ông, cũng lại khá khéo léo, trả lời câu hỏi này. Chẳng ai có thể mãi sống giả tạo, con người ai chẳng có khao khát được khẳng định cái tôi cá nhân, muốn được sống là chính mình. Nếu không như vậy, Sakuma đã chẳng tâm sự rất nhiều với Juri – Chiharu về quan niệm cuộc sống, về tuổi thơ. Mà Sakuma, muốn tranh tài cùng Katsuragi, chẳng phải cũng vì muốn được Katsuragi công nhận đó sao? 

Vậy nên, dẫu rằng chưa thật hoàn hảo, dẫu rằng còn nhiều yếu tố khiến độc giả hoài nghi về tính logic của tác phẩm; Tên của trò chơi là bắt cóc vẫn là một cuốn sách chở nặng tâm tư, tình cảm của Higashino Keigo. Đồng thời được xây dựng dưới hình thức trò chơi, Tên của trò chơi là bắt cóc càng gần gũi hơn với một vở kịch được dàn dựng; và lý thuyết kịch, qua đó càng được thể hiện linh hoạt, sâu sắc.

Hiếm có tác phẩm nào, Higashino Keigo lại kể dưới ngôi kể thứ nhất, nhân vật chính xưng tôi như Tên của trò chơi là bắt cóc. Nhưng chính ngôi kể ấy lại góp phần làm cho những sự thiếu hợp lý trong truyện trở nên có phần hợp logic hơn. Bởi góc nhìn cá nhân luôn mang tính chủ quan, người trong cuộc, chẳng khi nào suy xét sự việc sáng suốt hơn những ai đứng phía ngoài câu chuyện. Và sự tương quan giữa lý thuyết kịch và Tên của trò chơi là bắt cóc, là ngẫu nhiên hay có chủ đích, thì đến cuối cùng, Keigo-sensei cũng đã khá thành công, khi gợi lên những kiếp người, sống gắn liền với muôn vàn bộ mặt.

Mọt Mọt.

Nguồn : https://reviewsach.net/ten-cua-tro-choi-la-bat-coc/

Đọc thêm sách cùng tác giả Higashino Keigo đã được review:

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên