Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeSách Văn Học Cổ ĐiểnNhững Nụ Hôn Điện Ảnh – Con trai ánh sáng.

Những Nụ Hôn Điện Ảnh – Con trai ánh sáng.

Bên trong vỏ bọc êm dịu và mong manh của từ ngữ, là dòng chảy tự sự đầy ám ảnh và cũng đầy mâu thuẫn, giăng ra một cuộc tìm kiếm điên cuồng về cội nguồn và rồi lạc lõng vẫy vùng trong một vòng xoáy đầy nhục cảm. “Những Nụ Hôn Điện Ảnh” của Éric Fottorino là một cuốn tiểu thuyết tôn vinh điện ảnh Pháp của thế kỷ XX, tôn vinh những bậc thầy về ánh sáng và bóng tối, đồng thời ở một miền sâu xa hơn chạm đến sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Những nụ hôn điện ảnh reviewsachnet
Ảnh: nhanambooks

“Những nụ hôn điện ảnh” (tựa gốc “Baisers de cinéma”) là cuốn tiểu thuyết thứ tám trong văn nghiệp của Éric Fottorino, nhưng thực ra cuốn sách đã được thai nghén từ 13 năm trước khi trình diện độc giả một cách hoàn chỉnh vào năm 2007. Chia sẻ với nhà báo Antoine Silber (10/12/2007), Éric Fottorino tiết lộ rằng ông đã viết khoảng 20 trang vào năm 1994, nhưng rồi ông đã dừng lại, vì nghĩ rằng bản thân không có đủ trình độ cho một cuốn sách như vậy. Đến năm 2005, sau khi đưa ra công thức “Monde” mới, Éric quay lại với nó, và như nước chảy xuôi dòng, ông viết trong mọi lúc rỗi, nhanh nhưng không liên tục. Đó là quá trình mà “Những nụ hôn điện ảnh” ra đời, nắm bắt ý tưởng, khó khăn, ngắt quãng, nhưng vẫn tràn đầy tâm huyết và đam mê.

Được giới phê bình văn học Pháp đánh giá cao, “Những nụ hôn điện ảnh” mang về cho Éric Fottorino giải Fémina năm 2007, tuy nhiên cuốn sách khá nhạt nhòa tại thị trường Việt Nam sau khi được xuất bản theo hợp đồng nhượng quyền giữa NXB Gallimard và Nhã Nam.

Rõ ràng, đây là một tác phẩm kén người đọc.

Con trai ánh sáng.

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất, xuôi dòng tự thuật của Gilles Hector, một luật sư hình sự, một người đàn ông từng thất bại trong hôn nhân. Vị sếp tại văn phòng luật nơi Gilles làm việc, mang theo một niềm đam mê sách bất tận thành lập một nhà xuất bản nhỏ, đã khuyến khích Gilles tiểu thuyết hóa câu chuyện về cha mẹ anh. “Con trai ánh sáng” là cái tên đầu tiên mà Gilles Hector nghĩ tới cho cuốn sách của mình, vì cha anh là bậc thầy ánh sáng.

Cha anh, Jean Hector, là một nhiếp ảnh gia trường quay và sau này trở thành người chỉ đạo ánh sáng, còn mẹ anh chỉ hiện hữu trong một thông tin duy nhất:

“Tôi không hay biết gì về nguồn gốc của mình. Tôi sinh ra tại Paris từ một người mẹ không biết mặt còn bố tôi chuyên chụp ảnh các nữ diễn viên. Ít lâu trước khi qua đời, ông mới thổ lộ với tôi rằng, tôi có mặt trên đời này là nhờ một nụ hôn điện ảnh.”

Vậy đó, có mặt trên đời này nhờ một nụ hôn điện ảnh, một manh mối hết sức mơ hồ, ngoài ra thì không còn thông tin nào khác. Nhưng Gilles vẫn lao mình đi tìm mẹ, theo cách riêng của anh, không hỏi cha, mà lặng lẽ xem đi xem lại những bộ phim điện ảnh mà cha anh từng làm việc cùng. Và rồi tại rạp chiếu phim vào cái ngày mà Jean qua đời, Gilles gặp Mayliss lần đầu tiên. Một cuộc chạm mặt rồi lướt qua nhau, không hề làm quen, có lẽ lúc ấy Gilles sẽ chẳng biết rằng đây là người phụ nữ thứ hai gây ra trong anh một nỗi ám ảnh, sau mẹ anh.

Phần phía sau cuốn sách là một vòng xoáy đầy nhục cảm, tưởng rời rạc nhưng vẫn móc nối vào tuyến chính câu chuyện. Tác phẩm kết thúc tại giây phút thanh thản của Gilles, thoát khỏi mọi ám ảnh, bởi lẽ anh được “giục sống”.

Phong cách quen thuộc của Éric Fottorino, ông chỉ vén lên những góc của bức màn chứ không xóa tan đi mọi bí ẩn mà ông đã tạo ra, chừa lại không gian cho trí tưởng tượng của người đọc được bay bổng.

Éric Fottorino đã dành rất nhiều tâm huyết để bằng con chữ của mình phục dựng nét đẹp của bộ môn nghệ thuật thứ bảy, đề cập đến lời thoại trong phim, cảnh quay, nhà làm phim thuộc thế kỷ XX, Paris hiện ra giữa hai tranh màu sáng tối, về một thời đã qua đầy mỹ lệ.

Những nụ hôn điện ảnh reviewsach
Ảnh: gioradio

Sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái.

“Ý nghĩa sâu kín của cuộc đời tôi hẳn là lánh xa một người bố đang hiện hữu và không ngừng tìm kiếm một người mẹ đã biệt tích.”

Đây không phải là câu văn trong “Những nụ hôn điện ảnh”, nó thuộc về tác phẩm “Vách đá” của nhà văn Olivier Adam, mà Éric Fottorino đã mượn làm lời đề từ cho cuốn tiểu thuyết thứ tám của mình. Một chi tiết tinh tế, vô hình chung đã khẳng định, Mayliss – người được xem là nữ chính, người cùng với Gilles có được những khoảnh khắc thăng hoa nhất, mãnh liệt nhất, điên cuồng nhất… cũng chỉ đóng vai trò như một đòn bẩy trong nỗi ám ảnh về tình mẹ của Gilles mà thôi. Jean Hector mất và Mayliss De Carlo xuất hiện, ngay trong một ngày, sự sắp xếp đầy ý vị.

Gilles và cha anh không hiểu nhau. Gilles chưa cố gắng để hiểu, cha anh cũng không mở lòng với con. Gilles chỉ mải miết đuổi theo bóng dáng của một người mẹ mà anh không hề biết.

Trong bao gương mặt mơ màng của những nữ tú trên màn ảnh rộng, Gilles tìm một người có đôi nét giống bản thân mình, mà thậm chí anh còn không biết cô ta có diễn hay không, không biết tên, không biết mặt, chỉ có trực giác mách bảo rằng cô có thể là mẹ anh. Gilles kiếm tìm nhưng không chắc muốn tìm thấy. Một trạng thái tâm lý đầy mâu thuẫn. Một nỗi ám ảnh.

Tác giả đặt góc quan sát về mối quan hệ trong gia đình, sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái, về cả mối quan hệ yêu đương và ngoại tình… những sự muôn đời, tưởng chừng đơn giản nhưng đầy phức tạp. Bằng giải Fémina, Éric Fottorino đã tạo được dấu ấn của riêng mình trên địa hạt văn chương trù phú này, có lẽ một phần nhờ sự trợ lực đầy kỳ công và đắt giá của những chi tiết điện ảnh.

Những nụ hôn điện ảnh review
Ảnh: nhanambooks

Dấu chấm hỏi to đùng ở bìa sách.

“Những nụ hôn điện ảnh” khi xuất bản ở Việt Nam năm 2015, được Nhã Nam khoác lên mình chiếc bìa tông đen trắng và tựa đề mang màu vàng ánh kim, tất thảy tạo nên một sức hút khó tả, đẹp đẽ, huyền bí và quyến rũ. Sẽ không quá lời khi nói rằng, chiếc bìa này đã phần nào chi phối quyết định mua sách của độc giả.

Thế nhưng, trên bìa sau của cuốn sách, Nhã Nam đã chọn in lời bình của Michel Abescat:

“Éric Fottorino kể về thời ấu thơ của mình với một nghệ thuật sáng – tối tinh tế…”

reviewsachnet Những nụ hôn điện ảnh

Điều đáng nói ở đây là, Éric Fottorino không hề “kể về thời ấu thơ của mình” trong “Những nụ hôn điện ảnh”, người kể là Gilles Hector – nhân vật chính! Tác phẩm không phải là hồi ký hay tự truyện, cũng không phải là cuốn sách dựa trên câu chuyện có thật nào, vì thế hẳn nhiên là, tác giả Éric Fottorino hoàn toàn không xuất hiện trong câu chuyện. “Những nụ hôn điện ảnh” là một cuốn tiểu thuyến với tuyến nhân vật chính hoàn toàn hư cấu, trên nền bối cảnh Paris thế kỷ XX.

Không hiểu là nhà báo Michel Abescat viết không rõ ràng, hay người chuyển ngữ thiếu chính xác, nhưng việc chọn in một lời nhận xét dễ gây ấn tượng sai lệch về nội dung như thế ở phần bìa sách (và thậm chí ở cả phần giới thiệu trên hầu hết các website chính thức) thực sự đã khiến độc giả phải đặt dấu chấm hỏi cho nhóm biên tập của Nhã Nam.

Hiểu thêm về tác giả Éric Fottorino.

Éric Fottorino sinh ngày 26 tháng 8 năm 1960, tại Nice – viên ngọc quý của vùng Côte d’Azur, thành phố biển xinh đẹp phía Nam nước Pháp.

Tác giả Eric Fottorino reviewsachonly
Tác giả Èric Fottorino

Lúc nhỏ Éric vốn không mang họ Fottorino. Cha thân sinh của Éric, gọi là Maurice Maman, một người Do Thái Maroc sinh ra ở Fez, từng đến học y khoa ở Pháp và gặp Monique Charbrerie tại đây. Hai người không thể kết hôn vì gia đình Công giáo của Monique phản đối. Monique trở thành mẹ đơn thân, đặt tên con là Éric Chabrerie. Khi Éric 10 tuổi, bà kết hôn với một nhà vật lý trị liệu tên Michael Fottorino, từ đó Éric theo họ bố dượng. Nhiều năm sau Éric Fottorino mới liên lạc được với cha ruột. Ông dành nhiều tình cảm cho cả hai người cha của mình.

Sau khi học Luật, Éric nhận bằng tốt nghiệp Khoa học Chính trị từ Viện Nghiên cứu Chính trị ở Paris (IEP) và bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà báo tự do vào những năm 1980. Éric Fottorino gia nhập nhật báo Le Monde năm 1986, bắt đầu ở vai trò phóng viên cao cấp, sau đó trở thành Tổng biên tập, rồi Giám đốc xuất bản, tháng 01/2008 ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng quản trị của La Vie–Le Monde và đảm nhiệm đến tháng 12/2010. Năm 2014, Éric Fottorino đồng sáng lập tờ báo Le 1.

Éric Fottorino là một nhà báo giỏi, đồng thời cũng là một nhà tiểu luận, một tiểu thuyết gia xuất sắc, đã nhận được một số giải thưởng lớn.

Hiện tại, Éric Fottorino đã bước qua tuổi 62, ông sống hạnh phúc với vợ, bà Natalie Thiriez, họ có với nhau bốn người con gái. “Những nụ hôn điện ảnh” được ông đề tặng cho cô con gái đầu của mình: Dành tặng Alexandra, tức “Zouzou”

Nguồn : https://reviewsach.net/nhung-nu-hon-dien-anh/

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên