Nếu như văn hào Lev Tolstoy đã tái hiện một nước Nga rộng lớn thời Sa hoàng trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình thì có thể nói, biên sử nước Nga trước và trong những năm đầu chính quyền Xô Viết non trẻ đã được thể hiện trọn vẹn và sống động trong bộ tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của văn hào Mi-kha-in Sô-lô-khốp. Nhưng bên cạnh Sông Đông êm đềm, nước Nga cách mạng, nước Nga của riêng Sô-lô-khốp còn được tái hiện xuyên suốt văn nghiệp của ông, từ những tiểu thuyết Đất vỡ hoang, Họ chiến đấu vì Tổ quốc tới những truyện ngắn như Truyện sông Đông, Thảo nguyên xanh, Số phận con người… Có thể nói, văn chương Sô-lô-khốp đã tiếp tục kế thừa đồng thời khơi mở mạch nguồn văn học Nga không chỉ trong quá khứ mà còn tới hiện tại và mãi tương lai.
Mi-kha-in Sô-lô-khốp, cuộc đời và tiểu sử.
Sô-lô-khốp là đại văn hào vĩ đại của nước Nga Xô viết. Nhưng trước khi trở thành một nhà văn, Sô-lô-khốp là một chiến sĩ Hồng quân, một người chí sĩ cách mạng hoạt động sôi nổi. Với ông, trọn vẹn trong trái tim luôn là nước Nga cách mạng và con người Nga kiên cường cả trong chiến tranh, trong quá trình xây dựng đất nước hay trong thời bình phải đối mặt với những vết thương chưa lành.
Sô-lô-khốp sinh năm 1905 tại làng Kru-gi-lin, thị trấn Vi-ô-xen-xkai-a thuộc tỉnh Rô-xtốp trên vùng thảo nguyên sông Đông. Bố ông là một nông dân người Cozack còn mẹ ông xuất thân từ gia đình một nông dân người Ukraina. Có thể nói, chính chất nhiệt thành, dữ dội của dân Cozak quyện hòa cùng chất ngọt ngào, nồng ấm của con người Ukraina bên vùng thảo nguyên xanh mát đôi bờ sông Đông hiền hòa đã làm nên con người Sô-lô-khốp vừa sục sôi, nhiệt tình, vừa ấm áp, nồng hậu trong sâu thẳm tâm hồn nhạy cảm được nuôi dưỡng từ hương thơm cỏ mật cao nguyên và nước ngọt sông Đông.
Bước vào tuổi 13, Sô-lô-khốp đã tình nguyện thôi học, gia nhập Hồng quân khi Nội chiến Nga bùng nổ. Tới năm 17 tuổi, ông bắt đầu cho ra đời những tác phẩm đầu tay – các vở kịch tuyên truyền cách mạng và truyện ngắn đầu tiên – Cái bớt được ông hoàn thiện và cho ra đời khi ông 19 tuổi.
Nội chiến kết thúc, năm 1922, Sô-lô-khốp chuyển tới thủ đô Mát-xcơ-va, xin được chân kế toán cho một văn phòng nhà đất vào năm 1923. Với khát vọng theo đuổi nghiệp văn chương, chàng trai trẻ mười tám đôi mươi ấy đã hăng hái hòa mình vào bầu không khí nghệ thuật sôi động, sự hối hả trong công cuộc xây dựng, tái thiết nước Nga Xô viết ở thủ đô. Đây cũng là quãng thời gian Sô-lô-khốp cho in hai tập truyện ngắn Truyện sông Đông và Thảo nguyên xanh (1926); đặc biệt là bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ Sông Đông êm đềm (1927-1940) tái hiện lại cả biên sử nước Nga trong 10 năm từ 1912 tới 1922.
Chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống Phát xít Đức nổ ra vào năm 1941, như nhiều nhà văn khác, Sô-lô-khốp tạm gác việc sáng tác những tác phẩm thời bình để chuyển ngòi bút viết lên những tác phẩm đậm tính thời sự như tập truyện ngắn Khoa học căm thù hay tiểu thuyết Họ đã chiến đấu vì tổ quốc.
Hòa bình lập lại song Sô-lô-khốp vẫn tiếp tục viết lên những tác phẩm có đề tài chiến tranh. Nhưng chiến tranh khi này được nhìn dưới con mắt của con người kinh qua cuộc chiến, sống trong thời bình nhìn lại quá khứ đau thương mà tác phẩm Số phận con người chính là kết tinh chủ nghĩa nhân văn, chiêm nghiệm của Sô-lô-khốp qua tháng năm binh đao khói lửa đó. Những câu hỏi lớn ông đặt ra trong tác phẩm: “Liệu con người có thể vượt qua vết thương chiến tranh để xây dựng cuộc sống yên bình hay không” vẫn mãi là câu hỏi nhức nhối cả nhân loại trong hôm nay, mãi về sau.
Với những đóng góp to lớn về trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt ở sự phát triển của thể tự sự, qua các tác phẩm đồ sộ mang đậm dấu ấn dân tộc cũng như thời đại, Sô-lô-khốp là một trong số ít nhà văn Xô viết được trao tặng Giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1965.
Sông Đông êm đềm – biên sử nước Nga thời nội chiến
Nhà văn cách mạng nổi tiếng người Brazil, Jorge Amano đã đánh giá Sông Đông êm đềm: “có thể sánh ngang với Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy”. Thực vậy, bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ này của Mi-kha-in Sô-lô-khốp đã khắc họa lên 10 năm biên sử nước Nga đầy biến động. 10 năm đó trải dài từ trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất, tới những năm Thế chiến nổ ra cuốn con người vào vòng binh đao khói lửa, đến giai đoạn nước Nga chìm trong nội chiến, và cuối cùng, con người qua bão táp lịch sử vẫn kiếm tìm “một cuộc sống đỡ nhọc nhằn”.
Trọn vẹn bao biến động ấy như được cô đọng trong các câu chuyện xảy ra ở hai bờ Sông Đồng, qua ánh mắt, trải nghiệm cuộc đời của chàng trai người Cozak có tên Grigori Melekov. Grigori đem lòng yêu mến Acxinhia, vợ người hàng xóm. Để ngăn cản mối tình sai trái này, gia đình ép buộc Grigori cưới Natalia. Nhưng rồi Grigori đã cùng Acxinhia bỏ trốn để Natalia ở lại với sự ê chề, tủi hổ vì bị người chồng mới cưới bỏ rơi.
Nhưng Sông Đông êm đềm không phải là bộ tiểu thuyết diễm tình về những cuộc tình ngang trái. Mà tác phẩm ấy như kết tinh cả cuộc đời một con người, cũng là hành trình một dân tộc. Grigori sinh ra, lớn lên trong thời đại Sa hoàng, dưới thời phong kiến gia trưởng hà khắc với những mâu thuẫn gia đình gay gắt. Anh bị bắt đi lính, tham gia vào Thế chiến thứ Nhất, phải nếm đủ khắc nghiệt, đau thương chiến tranh, sự dối trá, lừa lọc cuộc đời. Bước ra chiến trận chưa bao lâu, bản thân Grigori lại bị cuốn vào vòng xoáy của những tranh chấp trong nội tại nước Nga. Cuộc đời anh gắn với hai người phụ nữ nhưng tới cuối cùng bản thân Grigori vẫn vò võ trong nỗi cô đơn vô tận của một tâm hồn chứa đựng đau thương, vỡ vụn binh đao khói lửa gây ra. Lần lượt chứng kiến từng người anh yêu thương ra đi, bước sang sườn dốc bên kia cuộc đời, tài sản Grigori còn lại chỉ là đứa con trai độc nhất cùng vết thương chiến trận hằn sâu nơi tiềm thức.
Sông Đông hiền hòa, nuôi dưỡng lòng nhiệt thành tới cuồng si của dòng máu con người Cozak. Đôi bờ sông Đông êm đềm lặng lẽ chứng kiến từng biến động lịch sử. Nhưng ẩn sâu trong sự êm đềm đó luôn là những đợt sóng ngầm cuộn trào sẵn sàng cuốn người ta chìm sâu vào xoáy nước nghiệt ngã. Song tới cuối cùng, đôi bờ sông Đông vẫn là biểu tượng cho quê hương, cho hai tiếng bình yên để một cõi lòng gánh nhiều thương tổn như như Grigori bồi hồi nhớ lại, lặng lẽ tìm về.
Với dung lượng đồ sộ cả về mặt dung lượng, thời gian trải dài, bối cảnh rộng lớn, hệ thống nhân vật mở rộng phức tạp… có thể nói, Sông Đông êm đềm là bộ sử thi tiểu thuyết không chỉ thể hiện rõ nhất cho chủ nghĩa hiện thực nhân đạo của Sô-lô-khốp mà còn mang những đặc trưng tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực Xã hội Chủ nghĩa. Ở đó, tác giả vừa tái hiện lên những sự thật, dẫu là tàn nhẫn nhất của lịch sử, vừa lên tiếng phê phán, tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vừa tạo dựng được các cá nhân hết sức tiêu biểu, điển hình cho đa dạng lớp người, con người Nga trước và sau Cách mạng tháng Mười. Đồng thời, ẩn dưới con chữ của Sông Đông êm đềm vẫn luôn là trái tim khắc khoải của Sô-lô-khốp về hai tiếng con người, về một tinh thần Nga bất diệt dẫu chịu đắng cay, vùi dập vẫn kiên cường đứng vững, tiến bước về tương lai. Như Grigori – người của thế hệ trước bồng trên tay đứa con – tượng trưng cho thế sau trở về nhà, mở ra “toàn bộ cái thế giới bao la đang hiện lên rạng rỡ dưới vừng mặt trời lạnh lẽo.”
Truyện ngắn, kết tinh tâm hồn Nga, tâm hồn Sô-lô-khốp.
Truyện ngắn là mảng thể tài Sô-lô-khốp vẫn luôn theo đuổi từ những ngày đầu sáng tác. Các tập truyện ngắn ông xuất bản: Truyện sông Đông, Thảo nguyên xanh, Khoa học căm thủ… không chỉ thể hiện tâm hồn con người miền sông Đông, nơi Sô-lô-khốp sinh ra, lớn lên, hoạt động cách mạng, sáng tác văn chương mà rộng hơn, ở đó còn gửi gắm chất Nga, tâm hồn con người nước Nga giản dị, chính trực mà nhiệt thành, nồng hậu, tự trọng, dũng cảm và kiên cường.
Truyện sông Đông, Thảo nguyên xanh là hai tập truyện ngắn thuộc thời kì sáng tác đầu của Sô-lô-khốp. Và cũng có thể nói chăng, đây là khúc dạo đầu, chuẩn bị để ông sáng tác bộ tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm sau này. Sông Đông êm ả với những cổn thảo nguyên xanh đã nuôi dưỡng tâm hồn con người nơi đây vừa hiền hòa như nước, như cỏ, như cây nhưng cũng vừa tạo lên nét cá tính cuồng nhiệt như dòng xoáy của người đàn ông cùng sự chân thành, giàu vị tha như đất mẹ của người phụ nữ. Những con người đấy, những cá tính đó, những tâm hồn ấy bước vào trang văn Sô-lô-khốp với tất cả sự trân trọng qua bút pháp hiện thực chủ nghĩa ngày một được mài dũa sắc nét. Thời gian qua đi, những sự kiện nóng bỏng của lịch sử liên tiếp xảy đến, đau thương thăng trầm liên tục hằn in lên đôi bờ sông Đông. Song cùng sự phát triển của lịch sử, cũng có sự chuyển giao thế hệ của lớp người. Lớp thanh niên mới mang trong mình dòng máu nồng nhiệt của cha ông dần trưởng thành với lý tưởng mới “bảo vệ chính quyền Xô Viết, hướng tới cuộc đời tương lai.”
Và sự sắc sảo trong nghệ thuật truyện ngắn của Sô-lô-khốp càng được khẳng định ở tập truyện Khoa học căm thù được ông sáng tác trong những năm tháng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Một tập truyện vừa mang tính tuyên truyền nhưng vẫn mang đậm dấu ấn nghệ thuật riêng trong cách Sô-lô-khốp tái hiện hiện thực chiến tranh, khắc họa hình tượng người chiến sĩ Hồng quân, đặc biệt là tinh thần trung kiên, một lòng vì Tổ quốc, vì lý tưởng, vì chiến thắng phía trước của cả dân tộc.
Truyện ngắn là lát cắt đời sống, lát cắt cuộc đời con người. Nhưng truyện ngắn của Sô-lô-khốp còn là kết tinh nghệ thuật tự sự đặc sắc bên cạnh chất Nga, tâm hồn người dân Nga Xô viết thấm sâu vào máu thịt một nhà văn được nuôi dưỡng bằng dòng nước mát, cỏ thơm của đôi bờ Sông Đông êm đềm.
Số phận con người và hình tượng con người thời hậu chiến.
Đề tài chiến tranh là một đề tài gần như xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Sô-lô-khốp. Chiến tranh cùng con người chiến trận xuất hiện trong văn chương ông với muôn hình muôn vẻ. Và ở truyện ngắn Số phận con người (có nơi gọi Số phận con người là một truyện vừa) đó là bóng hình con người thời hậu chiến qua hình ảnh người cựu binh Sokolov và chú bé Vania.
Dẫu chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương quá khứ vẫn hằn sâu nơi tâm tưởng khiến người cựu binh Sokolov luôn chìm trong ám ảnh dằn vặt, đau đớn. Sokolov vô tình gặp Vania và nhận cậu bé làm con nuôi giữa chuỗi ngày day dứt đó. Hai con người, hai thế hệ gặp nhau ở điểm chung cùng chịu mất mát chiến tranh mang lại. Họ nương tựa vào nhau, kể cả giữa phút giây cơ cực nhất. Một truyện ngắn chứa đựng nhiều nỗi đau, cũng chứa đựng câu hỏi đầy nhức nhối của thời đại: con người có thể quên đi quá khứ để tiến về tương lai được không? Nhưng vượt trên tất cả, tinh thần nhân đạo chủ nghĩa đã đưa Số phận con người vượt thoát bi quan, bi lụy mà trở thành bài ca về tình người, về hi vọng: “Và tôi nghĩ rằng có một người Nga mạnh mẽ và vững vàng, kề vai bố có một con người đang lớn dần lên và cũng sẽ trở thành một người lớn, rất có thể sẽ vững vàng và chiến thắng mọi trở ngại trên con đường của mình, nếu Tổ quốc kêu gọi…”
Trọn một kiếp đời, trọn sự nghiệp sáng tác, Mi-kha-in Sô-lô-khốp đã luôn kiên định đi theo chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Cũng có thể nói, Sô-lô-khốp đã đưa “khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn” của nghĩa hiện thực cách mạng đạt tới độ chín nghệ thuật tự sự. Tác phẩm của ông, bởi thế không đơn thuần chỉ là những thước phim lịch sử ghi lại bằng ngôn từ cả chiều dài của cả nước Nga cách mạng, của cả dân tộc Nga Xô viết mà đó còn là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lâu bền trong đời sống văn học nghệ thuật thế giới.
Mọt Mọt
Nguồn : https://reviewsach.net/mi-kha-in-so-lo-khop/
Đọc thêm: