Ở bệnh viện nọ…
Có một bác sĩ chữa bệnh theo phương châm, tư vấn để bệnh nhân trân trọng những giây phút cuối đời và tự quyết định về sinh mệnh của chính họ.
Có một bác sĩ chữa bệnh theo phương châm đồng hành cùng bệnh nhân, thúc đẩy người bệnh chiến đấu với bệnh tật đến giây phút cuối cùng.
Và có một bác sĩ, đứng giữa hai thái cực, lặng thầm đắn đo, lặng thầm chiến đấu theo một cách rất riêng, vì nguyện vọng cá nhân, cũng vì người bác sĩ điều trị.
Chiến đấu với cái chết để tìm đến sự sống
Mang một kết cấu tác phẩm cực kì rõ ràng, lớp lang, ba chương truyện của tiểu thuyết Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào là ba câu chuyện về ba cái chết khác nhau của ba bệnh nhân, có cùng điểm chung: đều mắc bệnh nan y và chỉ sống được trên cõi đời trong một khoảng thời gian rất ngắn sau khi bệnh tình được phát hiện. Vốn sinh mệnh những con người tuổi đời quá trẻ đó những tưởng phía trước còn rất dài. Nhưng cái chết đau đớn vẫn, cứ vậy xuất hiện trên cơ thể họ, buộc họ phải đấu tranh và lựa chọn sống, đối diện với bệnh tật, với người thân, với chính họ trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại ra sao?
Hoàn cảnh đấy, đồng thời buộc người bác sĩ phải kiên định lập trường điều trị như thế nào. Khi người bệnh ngày càng có xu hướng trở thành những người gần gũi hơn với với họ, từ người dưng, đến đàn em khóa dưới, cuối cùng, là người bạn thân thiết từng kề vai sát cánh bấy lâu.
Quá nhiều mâu thuẫn được đặt ra xuyên suốt cuốn sách. Để rồi, dưới mái nhà vẫn được coi như tồn tại của các khía cạnh đối lập giữa những hi vọng và tuyệt vọng, cái chết và tái sinh, tử – sinh luôn song hành thì sự sống con người, có lẽ thể hiện trước hết ở chính nghị lực, sự dũng cảm, lòng kiên định chiến đấu của người đó dù biết có thể là vô ích, để tìm ra đường sống ngay trong cái chết cận kề.
Như chàng trai Hamayama Yuugo trong chương truyện Cái chết của một nhân viên văn phòng đã kiên cường chống đỡ căn bệnh máu trắng. Như cách cô sinh viên Kawasumi Marie đã mạnh mẽ đối diện với căn bệnh ALS. Và như cách, phó viện trưởng Fukuhara, bác sĩ ngoại khoa thiên tài của bệnh viện Musashi no Shichijuuji, chưa một lần buông xuôi tin tưởng về hai chữ “kỳ tích” trong điều trị đã mang đến sự tích cực cho bệnh nhân thế nào.
Tín ngưỡng, lẽ “sống” họ mang nặng trong tim có thể đau đớn, có thể cực đoan mà đổi lại, có thể chỉ là vô ích. Tuy nhiên vô ích không đồng nghĩa với vô nghĩa. Bởi con người chiến đấu vì niềm tin, vì một tương lai bất chấp mọi xác suất, tỉ lệ, chẳng phải là cách họ chọn để tận hiến những giây phút ít ỏi của cuộc đời hay sao? “Em hãy bảo với con rằng/ Bố mất rồi, nhưng bố đã mất trong lúc chiến đấu./ Vì thế, con phải thật nỗ lực và sống cuộc đời của chính mình nhé.”
Nhưng với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và người bác sĩ mang theo gánh nặng sinh mệnh của người bệnh, nếu nói rằng họ đã có sức mạnh đối diện với xác suất sinh – tử trong cuộc đời chính họ ngay từ đầu, thì đó chắc chắn là nói dối. Người ta có được sự mạnh mẽ, khi người ta hiểu thấu giá trị của sự sống không đơn thuần nằm trong những thứ tỉ lệ lạnh lùng được liệt kê. Mà ở việc họ đã sống mà không hối tiếc đến tận giây phút cuối đời.
Chấp nhận cái chết cũng là một cách để có được sự sống
Chiến đấu đến giây phút cuối cùng của tận cùng sinh mệnh, để giành lấy sự sống.
Nhưng chấp nhận cái chết một cái thảnh thơi, thanh thản nhất, cũng là một cách chứng tỏ, con người ấy đã đấu tranh và đã sống một cuộc đời không hoài tiếc.
Đây chính là điều bác sĩ Kiriko, người vẫn được mệnh danh Thần chết của bệnh viện Musashi no Shichijuuji luôn tâm niệm. “Bị giằng co bởi cái chết, con người dễ mất đi cách sống. Cuộc sống đã mất đi cách sống như vậy thì khác gì so với cái chết? Ngược lại, chẳng phải chúng ta cũng có thể nói chết khi vẫn duy trì cách sống cũng giống như là sống sao?”
Vì vậy, với những bệnh nhân sinh mệnh chỉ còn như ngọn đèn trước gió, Kiriko không ngần ngại, thẳng thắn nói với người ấy về cái chết sẽ tớibằng thái độ, có lẽ hết sức lạnh lùng: “Giờ không phải lúc chúng ta nên tranh luận vấn đề bác nhà có tử vong hay không, phí phạm thời gian. Tử vong là chắc chắn. Sang năm bố anh sẽ không còn nữa đâu ạ.”
Nhưng đến tận cùng, Kiriko có thể thẳng thắn nói về sinh mệnh của một người, bởi hơn ai hết, có lẽ chính anh đã nghĩ cho sự sống người bệnh nhiều hơn bất cứ ai. Cuộc sống hiện tại, và cả cuộc sống sau khi người ấy đã ra đi. “Mọi người nên làm gì trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi bác mất.” “Nếu nghĩ mình bị mắc bệnh là điều vô lí, chúng ta sẽ muốn chống lại nó. Nhưng nếu nghĩ căn bệnh là một phần của mình, thái độ của chúng ta sẽ thay đổi. […] Thời điểm vứt bỏ hi vọng không thể đạt tới, chúng ta đã sẵn sàng tìm ra hi vọng mới.”
Bởi thế, chiến đấu với bệnh tật cho hi vọng mong manh là mạnh mẽ. Thì chấp nhận buông bỏ để tận hưởng trọn vẹn những giây phút cuối cùng được nhìn ngắm bầu trời, sống bên người thân, làm điều mình muốn hay đơn giản, là quyết định chính sinh mệnh của bản thân, chẳng phải cũng là một điều hết sức kiên cường người bệnh có thể làm hay sao?
Giống ông lão Hashida mất chỉ sau một tuần ngừng điều trị nhưng đã có được quãng thời gian ngắn ngủi hiếm hoi, thoát nỗi hành hạ thể xác mà có khoảng lặng bình yên cho tâm hồn. Và cũng như cô gái trẻ Marie, có thể mìm cười trước khi nhắm mắt sau tất cả khổ đau cô đã phải chịu đựng.
Trên chặng đường chiến đấu với bệnh tật, bệnh nhân và bác sĩ song hành và cùng phải chịu đựng những nỗi đau riêng cả về thể xác lẫn tinh thần. Vậy nên, chấp nhận cái chết như một điều tất yếu không phải là yếu đuối, càng không phải buông bỏ. Mà đó, như một minh chứng, cho quãng thời gian mọi người đã cùng nhau, sống và chiến đấu đến hi vọng cuối cùng; đã trải qua những giây phút đắn đo, khổ đau, hi vọng, tuyệt vọng rồi phút giây thanh thản từ tận đáy sâu tâm hồn.
Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào
Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào, những gì cuốn tiểu thuyết này viết đều là về cái chết.
Cái chết hiện hình trọn vẹn trong ba chương truyện, thậm chí, ngay tựa truyện, từ “cuối cùng” cũng như mang theo phần nào dáng hình “cái chết” ở đó.
Nhưng, viết về cái chết nhiều đến thế, điều tác giả Atsuto Ninomiya hướng đến lại không chỉ là chữ “tử”, mà có cả chữ “sinh”, tức sự sống và sinh mệnh con người.
Bởi có lẽ, chỉ khi đối mặt với “cái chết” nhiều đến thế, việc được sống mới trở nên ý nghĩa biết bao. Chết và sống, trên trang văn Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào, mâu thuẫn, đối lập nhưng thực sự, vốn tất cả lại tựa hai mặt một đồng xu; đều trong cùng một bản thể con người. Trong cái chết, có hi vọng sự sống; và giữa đời sống ngắn ngủi nhưng có quá nhiều biến cố của đời người, thật không ai, lường trước được tương lai.
Và hiện hình sống – chết đó, đã được tác giả gửi gắm trọn vẹn vào hình tượng hai bác sĩ những tưởng mang quan điểm hoàn toàn khác nhau, đến nỗi trở thành sự đối chọi gay gắt: Fukuhara là sự sống, Kiriko là cái chết. Nhưng trải qua tất thảy, người thân, người bạn họ trân trọng đối diện tử sinh, mà đến giây phút cuối đời vẫn canh cánh nghĩ ngợi và vai trò như cây cầu tâm tưởng, nối kết hai cậu bạn tài năng và đầy kiên định; họ mới nhận ra rằng, lý tưởng cả hai theo đuổi vốn là sự bù đắp cho nhau. Chiến đấu với bệnh tật, buông bỏ điều trị để tận hưởng phần đời ít ỏi, tất thảy đều cùng hướng đến điều thiêng liêng nhất: hai chữ sinh mạng, hai tiếng con người.
Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào, mang theo đau thương, chết chóc mà khiến những người kiêu hãnh, tự hào nhất về thiên chức nghề nghiệp rằng sinh mệnh người bệnh nằm trong tay họ, cũng phải cay đắng nhận ra sự thật nghiệt ngã: Người bác sĩ dẫu tài giỏi đến đâu, cố gắng nhiều thế nào, họ vẫn chỉ là con người, chẳng phải thiên thần nắm trong tay khả năng cải tử hoàn sinh, thay đổi vận mệnh. Điều họ có thể làm, chỉ là cố gắng chữa trị, cố gắng lắng nghe, vì bệnh nhân, và vì y đức mỗi người.
Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào, tiểu thuyết được cấu trúc rất mạch lạc: Ba phần truyện là sự tăng tiến dần mức độ gắn kết giữa bệnh nhân với bác sĩ điều trị. Nhưng trong các chương truyện như một câu chuyện vừa ấy, lại được viết theo nhiều phương thức khác nhau: nhật ký viết dưới điểm nhìn bệnh nhân hay nhật ký viết dưới điểm nhìn bác sĩ song hành cùng lối tự sự; tất cả, đưa đến cho độc giả cái nhìn đa chiều, đa diện về cái chết lẫn sinh mệnh trong một không gian gần như khép kín: không gian bệnh viện.
Bác sĩ cuối cùng dưới tán hoa anh đào, tựa truyện thật sự gợi đến nhiều liên tưởng. Người “bác sĩ cuối cùng” ấy là ai và tại sao lại “dưới tán hoa anh đào”? Là bác sĩ Kiriko, bác sĩ Fukuhara, hay người bạn thân, cũng là đồng nghiệp của họ, bác sĩ Otoyama chăng? Hẳn có lẽ không phải nhưng có lẽ, lại cũng có thể là tất cả, là bất cứ ai. Những người biết trân trọng sinh mạng, biết tìm chữ “sống” dù bằng cách này hay cách khác, thậm chí ngay trong “cái chết” cận kề.
Tựa như chữ “cuối cùng” xuất hiện bên cạnh cụm từ “dưới tán hoa anh đào” mang nghĩa kết thúc để mở ra mùa xuân và sự tái sinh vậy.
Nguồn : https://reviewsach.net/bac-si-cuoi-cung-duoi-tan-hoa-anh-dao/
Đọc thêm bài review của tác phẩm có cùng đề tài: