Bi Kịch Cuối Cùng là một câu chuyện đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho độc giả. Buồn ngủ với những tình tiết khởi đầu nhiều rối rắm như mê cung nhưng rồi sau tất cả là một bất ngờ tột đỉnh, đúng với tính chất của một thước phim trinh thám cổ điển thuần suy luận đỉnh cao.
“Hãy mở cái phong bì ra, nếu ngày 20 ta không gọi cho ông”
Một tên giả trang kỳ dị với bộ râu xanh chết tiệt đã ghé văn phòng thanh tra Thumm và kể cho ông ấy nghe một câu chuyện hoang đường.
Hắn ta trả một số tiền lớn hậu hĩnh, chỉ để vị thanh tra về hưu kia cất giùm chiếc phong bì, và ngày 20 hằng tháng hắn sẽ gọi điện để kiểm tra. Hắn còn cẩn thận dặn dò, nếu đến ngày mà không thấy cuộc gọi, tức là hắn đã chết, lúc ấy ngài thanh tra có toàn quyền sử dụng chiếc phong bì.
Nếu không phải vì văn phòng thám tử của ngài Thumm đang sắp sửa chết đói đến nơi, thì hẳn ông đã tống khứ tên điên kia ra khỏi cửa. Thế nhưng vì món tiền hậu hĩnh quá, cực chẳng đã, ngài chép miệng nhắm mắt mà làm.
Tên râu xanh còn kèm thêm một điều kiện khá buồn cười, đó là nếu Thumm mở phong bì, thì phải có thêm một người chứng kiến, đó là Durry Lane, một nghệ sĩ diễn kịch tuổi già đức cao vọng trọng ở trong vùng. Hắn ta tin tưởng ngài Lane như vậy, bởi ông ấy là một trong những thám tử dị thường nhất thế giới.
Được rồi, cứ chờ xem. Vị thanh tra nghĩ thầm. Ngài đã mơ đến viễn cảnh được mở phong bì ngay trong tháng này. Thế nhưng bất ngờ đã không xảy ra, gã râu xanh alo đều đặn hơn ngài tưởng.
Mọi chuyện bị rơi vào quên lãng bởi Thumm bị cuốn vào vòng xoáy của một vụ án khác, lần này là một vụ kì dị hơn, trộm sách tại viện bảo tàng
Nghệ thuật vĩnh hằng & tuyên ngôn của những kẻ trộm sách
Mọi tên trộm đều đạo chích vì tiền, trừ những kẻ lập dị. Tên trộm sách ở viện bảo tàng Britannic là một ngoại lệ như thế.
Hắn trốn theo đoàn người đi bus thăm viện bảo tàng, lẻn đến đánh cắp cuốn sách Kẻ hành hương mê đắm một cách dễ dàng mà không bị ai nghi ngờ. Cho đến khi Thumm & ngài Lane đến để điều tra về vụ mất tích của một nhân viên bảo vệ ở đó, tình cờ họ phát hiện ra vụ trộm.
Tên đạo chích dị thường đã trộm một cuốn sách quý hiếm, và rồi thay thế nó bằng một cuốn sách thậm chí còn quý hiếm hơn. Có thể bỏ qua mọi vấn đề về tiền bạc bởi chỉ cần bán một trong 2 cuốn sách kia thôi là có cả gia tài bạc triệu, vậy mà hắn không cần, thậm chí còn trả lại sách kèm 100$ phí sửa chữa. Mục đích thật sự của y là gì? Điều gì khiến y hành động lạ thường đến thế? Chẳng lẽ trên đời này lại có một kẻ tôn thờ sự vĩnh hẳng của nghệ thuật mà bỏ qua những thực tại vật chất?
Càng tìm hiểu, họ càng khẳng định, tên râu xanh mà Thumm gặp ở văn phòng hôm nọ, rất có thể lại chính là kẻ trộm sách ở viện bảo tàng hôm nay. Vấn đề lớn ở đây, hắn là ai?
Và rồi hắn mất tích, mất tích thực sự
Mật mã để lại – 3HS wM
Ngài thanh tra Thumm dường như đã phát điên lên khi thấy cái phong bì là một đoạn mã. 3HS wM. Khi lần theo những bí ẩn từ đoạn mã, họ đã điều tra ra những sự thật kinh hoàng.
Mọi bí ẩn đều xoay quanh ngài Shakespeare và bí mật động trời 300 năm trước. Có những kẻ sẵn sàng sống chết để bảo vệ bí mật đó, cũng có những kẻ muốn bước qua quá khứ, mang những thứ tốt đẹp nhất ra ánh sáng
Sau tất cả, có một kẻ lặng lẽ vô tình phát giác & đứng giữa cuộc chiến ấy, để rồi trong một tình thế hiểm nghèo, đã chỉ có thể chọn một trong hai, hoặc bảo vệ, hoặc phá hủy nó.
Khi một người có một thứ gì đó quan trọng để bảo vệ, đó là lúc họ trở nên mạnh mẽ
Một cuốn sách dẫn dắt độc giả một cách khéo léo, một cuốn trinh thám cổ điển thuần suy luận, mặc dù vẫn có những màn rượt đuổi ngoạn mục, những pha hành động như một bộ phim Hollywood, thế nhưng đến cuối cùng, những dấu vết tội ác để lại đều được giải quyết bằng những suy luận logic đầy sắc bén.
Điểm không đáng yêu của Bi kịch cuối cùng là đã tô vẽ nên một màn sương mờ xung quanh nghệ sĩ kịch Shakespeare. Tất cả mọi vấn đề hóc búa đều được đặt ở ngay cạnh vị huyền thoại sống này. Với những ai biết về Hamlet & kịch Shakespeare thì sẽ rất hứng thú, thế nhưng những thám tử của thời hiện đại ắt hẳn sẽ rất rối trí với những cái tên lặp đi lặp lại như Hamlet, tiến sĩ Ales hay là ngài Sedlar. Ở những cung đoạn rối rắm ấy, độc giả có thể nói là hơi…buồn ngủ.
Thế nhưng chịu đựng được qua cơn buồn ngủ ấy, là một món quà đầy bất ngờ được Ellery Queen trao tặng cho những trái tim biết kiên nhẫn.
Bức màn sau sân khấu, kẻ thủ ác cuối cùng, kẻ đã giết chết một người và cướp đi thành quả của bức mật mã trong phong bì khi ấy, hắn bỏ lại một ẩn số lớn. Không dấu vết, không bằng chứng (vì mọi thứ đã bị nổ tung khi có một quả bom hẹn giờ được cài sẵn). Ai sẽ tìm ra thủ phạm?
Về ẩn số cuối cùng, tác giả đã rất công bằng khi trước đó, mọi dữ kiện để khám phá ra hung thủ đều được công khai. Những chiếc chuông, cái đồng hồ của Maxwell, cái rìu phá tan hoang mọi thứ, tất cả đều nhằm một mục đích, chỉ điểm tên hung thủ.
Và khi nghe lời giải của ngài Lane ở chương cuối cùng, độc giả có thể sẽ phải té ghế.
Sau tất cả, hắn đã bảo vệ được bình an thành quả đằng sau chiếc phong bì, và vận chuyển về nước Anh một cách an toàn. Một báu vật của nhân loại, thật xứng đáng để bảo vệ.
Một con người gần đất xa trời lại có thể làm được một điều không tưởng ấy, ắt hẳn phải có một ý chí đủ lớn.
Đúng là, khi có một thứ gì đó quan trọng để bảo vệ, ấy là lúc con người ta trở nên thật mạnh mẽ!
Khép lại Bi kịch cuối cùng, độc giả sẽ đủ sự mãn nhãn khi được tận hưởng sự bất ngờ phá cách trong cách suy luận trinh thám cổ điển, đồng thời cái kết đặc sắc ấy cũng đủ gợi lên những dư âm trong lòng mỗi người.
Thiện và ác, đúng và sai, thật khó để phán xét. Bi kịch cuối cùng, chính ở ở chỗ đó.