“Lỗi – Error 404” là câu chuyện chân thật của nữ blogger Plaaastic, lột tả trần trụi thế giới cô đơn, lạc lõng, hỗn loạn của con người mang trong mình một “sát thủ giấu mặt”: Trầm cảm.
Plaaastic trả lời phỏng vấn:
– Tóm tắt cuốn sách của bạn trong 3 từ?
– Thật, thật và thật.
Tự truyện của một người điên biết mình bị điên.
Error có nghĩa là “lỗi”.
Thông báo Error 404, HTTP 404 hay 404 Not Found… là một mã phản hồi chuẩn của giao thức HTTP chỉ ra rằng trình duyệt web có thể kết nối với một máy chủ, nhưng máy chủ không tìm thấy thông tin/trang web yêu cầu. Đây là nghĩa đen.
Thực tế, một món hàng lỗi thường sẽ bị dồn kho rồi tiêu hủy hoặc đưa ra bán hạ giá. Vậy, một con người bị lỗi thì phải làm thế nào?
Plaaastic cảm thấy bản thân là một sản phẩm lỗi. Cô, bị trầm cảm từ bé.
“Lỗi – Error 404” gồm 4 phần, viết về cuộc đời xuôi theo mạch cảm xúc của tác giả.
Plaaastic sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ anh chị đầy đủ, cơ thể khỏe mạnh, đầu óc thông minh. Thế nhưng, bé con Plaaastic ngày nào không được trải qua một tuổi thơ tràn đầy tình thương ấm áp, được vui đùa, nghịch ngợm như nhiều đứa bé khác. Thay vào đó cô được lập trình như một con robot, phải học giỏi, phải giỏi nhiều thứ và đừng có chơi với những đứa “đầu đường xó chợ”.
Cô có gia sư từ ngày đầu tiên học mẫu giáo, ngoài ra còn học múa ballet, học dance sport, học tiếng Pháp, học tiếng Anh, học MC, học đàn, làm mẫu ảnh… Kết quả như mong đợi của mẹ là cô học cái gì cũng giỏi, làm cái gì cũng hay, nhưng tâm hồn cô gần như hoang vắng, dần dần vỡ vụn.
Mẹ không quan tâm cô, mẹ chỉ muốn thấy kết quả tốt về mọi mặt của cô, nếu nhỡ bị điểm 6 là ăn tát, nếu nhỡ làm sai việc gì là bị đánh gần chết theo nghĩa đen. Còn bố cô thì chẳng biết con nhỏ học lớp mấy nữa. Một đứa bé mà từ sáng đến tối lịch học kín đến từng phút, bạn bè có được là do dùng tiền để mua “sự vui chơi cùng”. Bảy tuổi, lần đầu tiên có ý niệm muốn chết. Chín tuổi, lần đầu tiên bị người quen thân của bố mẹ lạm dụng. Nói khách quan thì phát điên là điều dễ hiểu!
Cuộc đời Plaaastic đầy chất kịch nghệ, cô trải qua rất nhiều chuyện, làm được rất nhiều việc, suy nghĩ rất nhiều điều… bởi vậy cuốn sách hình thành từ rất nhiều mảnh ghép, được kể gãy gọn không dài dòng, lại mang cảm giác khá loạn, như chính sự hỗn loạn tận sâu tâm hồn của cô gái trẻ này.
Cô có vài nét đời tương tự Lisa (Angelina Jolie thủ vai) trong Girl Interrupted, lại có vài nét tính cách tương tự Trình Ca (Anh biết gió đến từ đâu – Cửu Nguyệt Hi). Trình Ca đã gặp được Bành Dã, còn Plaaastic gặp được Nam để đón những tia sáng buổi bình minh lạ lẫm, để lần đầu tiên kể từ rất lâu rồi, cô thực sự muốn biết, ánh nắng sắp lên mang tới cho cô điều gì.
Trầm cảm.
Trầm cảm là khởi đầu mọi ngọn nguồn trong “Lỗi – Error 404”.
Mọi người thường sẽ diễn tả trầm cảm như thế nào? Một nỗi buồn tồi tệ ngày qua ngày và kéo dài không dứt?
Theo tâm lý học, trầm cảm không chỉ là sự vắng mặt của niềm hạnh phúc mà nó còn là sự thiếu vắng đi sức sống hay nguồn sinh lực. Trong khi trải qua trầm cảm, người bệnh cảm thấy đời sống dường như vô nghĩa, những năng lượng tinh thần bên trong thôi thúc họ thực hiện những công việc hằng ngày cạn kiệt ngay cả khi một ngày mới bắt đầu.
Plaaastic bị trầm cảm. Không rõ nguyên nhân, có thể bẩm sinh, có thể một phần do tác động từ những mối quan hệ trong gia đình. Không rõ từ khi nào, có thể sinh ra đã lỗi, cũng có thể là áp lực vô hình từ một gia đình nghệ thuật và giàu có, từ một người bố không quản con và một người mẹ luôn đánh đập con dưới danh nghĩa yêu thương. Tất cả đều không rõ ràng. Điều rõ ràng duy nhất là cô bị trầm cảm, kéo theo hàng loạt hội chứng khác: ngược đãi bản thân, mất ngủ trầm trọng, rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu, rối loạn khuynh hướng tâm thần.
Không phải cô không vui được, cũng không phải cô không tin rằng cô sẽ vui. Cô hiểu rằng đời có lúc nọ lúc kia, và sẽ có một ngày cô có thể ngủ yên được một lúc. Vấn đề ở đây là, cô mệt mỏi vì điều đó. Cô mệt mỏi vì cô phải đi lên chỉ để đi xuống, dù cô ở dưới đáy và biết rằng ngày mai sẽ ngoi lên được, nhưng rồi cô cũng biết cảm giác nghẹt thở này sẽ quay lại sớm thôi. Cô mệt mỏi và lúc nào cũng căng thẳng.
“Tôi chạy, tôi trốn, nhưng tôi trốn tìm một mình và chạy khỏi cái bóng của bản thân, nên tôi có nhận ra hay không nó cũng tóm được tôi rồi.”
Plaaastic chỉ có hai trạng thái: 0 hoặc 100.
Cô làm rất nhiều và làm tốt tất cả. Quán quân, thủ khoa, nhà vô địch, cái gì cô cũng làm, miễn là để cho cô yên, để cho cô yên. 0 và 100 – chỉ ở hai trạng thái, chứ không phải dao động ở hai trạng thái.
Với người trầm cảm như Plaaastic, thật đáng khâm phục vì cô thành công hơn phần lớn người cùng tuổi, cô dùng năng lực của bản thân để đập tan mọi định kiến cho rằng trầm cảm chính là kẻ hèn nhát trốn tránh hiện thực, để cô có thể điên một cách ngông nghênh, giẫm lên mọi lời đàm tiếu.
Xin đừng phán xét! Xin hãy lắng nghe!
“Và, điều kỳ diệu là, hạnh phúc là một thứ bạn có thể không có nhưng bạn vẫn có thể cho đi.”
Plaaastic ghét cuộc sống của bản thân, nhưng không ghét cuộc đời, Trái Đất, vũ trụ này. Cô không có niềm tin nào vào ngày mai của bản thân, nhưng cô luôn tràn đầy hi vọng vào những người xung quanh.
Bất chấp những chứng bệnh tâm lý mà chính bản thân đang phải chịu đựng, Plaaastic cống hiến cho cuộc đời và xã hội mà chẳng nề hà kể công. Cô đến Nepal làm từ thiện, sống và nuôi một đàn trẻ con ở trên một cái làng còn khổ hơn cái làng nghèo nhất ở Mù Cang Chải. Cô một tay tập hợp và dẫn dắt một đội nhảy bởi những người khuyết tật, câm, điếc, rồi đưa họ đi lưu diễn khắp châu Âu với sự tài trợ của Liên Hợp Quốc – trao cho họ niềm vui và ánh sáng hi vọng. Cô nuôi rất nhiều người em, mà nếu không có cô, cuộc đời họ không biết sẽ trôi về đâu…
Plaaastic không nói về những việc cô làm, cô chỉ làm thôi, không hề khoa trương.
Cô truyền cảm hứng cho nhiều người qua thời trang và những mẩu chuyện trên blog, trên forum. Cô cứu được nhiều người, nhưng không cứu được bản thân.
“Có tất cả, nhưng mãi mãi cảm thấy không là gì cả, mãi mãi là như thế.”
“Lỗi – Error 404” là một cuốn sách kén người đọc, nó chỉ dành cho những ai thực sự muốn lắng nghe, muốn cảm thông, muốn thấu hiểu thế giới nội tâm tự tiếng lòng sâu thẳm nhất của người bị trầm cảm. Thấu hiểu quả thật rất khó, bởi nếu dễ thì trầm cảm đã không trở thành căn bệnh ngày càng đáng sợ như vậy. Nhưng chí ít hãy chọn lắng nghe chứ không phải phán xét. Hơn ai hết, họ cần được tôn trọng và yêu thương, thay vì giáo điều sáo rỗng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm.
Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, số người tự tử hàng năm lên tới 36.000 – 40.000 người, cao gấp 3 – 4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Trầm cảm chịu trách nhiệm cho 75% các vụ tự tử kể trên, còn lại 22% là do nghiện rượu, ma túy, cờ bạc và chỉ có 3% do tâm thần phân liệt, động kinh.
Xin hãy lắng nghe và yêu thương khi còn có thể, đừng lặp lại những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian qua, để rồi cuối cùng chỉ còn lại những việc làm muộn màng ngụy biện cho cái gọi là “nghĩa tử là nghĩa tận”.
“Khi bạn chết đi, cả thế giới bỗng yêu thương bạn.” – Đã quá trễ rồi, có đúng không?