Sau bao nhiêu năm bị nghi ngờ, bị săm soi, phán xét… tài năng và con người của Trần Vàng Sao đã được ghi nhận lại một cách chính thức, công bằng và xứng đáng. Tuyển tập “Bài Thơ Của Một Người Yêu Nước Mình” đã được vinh danh trong Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư năm 2021, tác phẩm mang nội dung như tựa đề, với lối viết dung dị mà chân thành như cách nhà thơ chọn bút danh.
Tuyển tập gồm 32 bài thơ của Trần Vàng Sao, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chọn lọc, trong đó có những bài thơ đã in trên một số báo và tạp chí, cùng nhiều bài thơ chưa công bố do gia đình lưu giữ, đã được trân trọng giới thiệu tới độc giả vào năm 2020, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phát hành.
“Bài thơ của một người yêu nước mình” – bài thơ nổi tiếng nhất của Trần Vàng Sao, sáng tác vào tháng 12/1967, được bình chọn là một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX.
Dung dị tựa bút danh Trần Vàng Sao!
Trần Vàng Sao, “Bài thơ của một người yêu nước mình”, một bút danh quốc kỳ và một tấm lòng yêu nước, mượn chữ của nhà văn Phạm Xuân Nguyên.
Không phải kiểu dễ gợi hình gợi cảm, cũng không phải dạng chạy theo xu hướng để có thể treo lên những dòng trạng thái trên mạng xã hội, thơ của Trần Vàng Sao như người tập nói, giản đơn nhưng không tùy tiện, dung dị mà hết mực chân thành.
Đọc thơ của Trần Vàng Sao, bỗng nhớ Chế Lan Viên đã tỏ bày như thế này trong “Sổ tay thơ” năm 1973:
“Xưa tôi hát và bây giờ tôi tập nói
Chỉ nói thôi mới nói hết được đời
Bao giờ thuộc hết tiếng của đời, ta xin hát lại
Khúc hát hay, đâu có lắm lời.”
Chế Lan Viên từng làm rúng động thi đàn Việt Nam khi vừa mới 17 tuổi với tập thơ đầu tay “Điêu tàn”, viết về những sự phi thường độc đáo mà người được khó lòng thấu hiểu được hết, như tuyên ngôn nghệ thuật của Trường thơ Loạn:
“Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên.
Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại, nó xáo trộn Dĩ Vãng, nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó…”
Nhưng rồi sau Cách mạng Tháng Tám, khi đã bắt gặp mặt trời chân lý và thấm nhuần ánh sáng cách mạng, Chế Lan Viên không còn “hát” những nỗi đau trong bế tắc và tang thương hòng trốn tránh thực tế nữa, mà ông “nói” về những điều bình dị thường nhật của nhân dân của đất nước để “nói hết được đời”, rồi mới cất giọng hát lên những khúc sử thi hào hùng, và trở lại với thế sự ở tuổi xế chiều.
Thuộc thế hệ sinh sau Chế Lan Viên hai thập kỷ, Trần Vàng Sao lớn lên khi cách mạng đang sôi trào. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, chàng sinh viên Nguyễn Đính của Đại học Huế mang trong mình tấm lòng nhiệt thành với đất nước đã đi theo tiếng gọi đấu tranh của phong trào sinh viên học sinh, cùng tham gia biểu tình, rải truyền đơn, vận động tuyên truyền và viết bài cho tập san. Năm 1965, Trần Vàng Sao lên chiến khu, công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế.
Dù ở đâu, qua thời kỳ nào thì hồn thơ của Trần Vàng Sao cũng sáng, mà giọng thơ thì luôn bình dị, gần gũi, dường như là đang “nói”, không cấu trúc ngắt nhịp đồng bộ, không tu từ, không trường phái, thậm chí xuống dòng cũng chẳng viết hoa!
“tôi yêu đất nước này như thế
như yêu cây cỏ ở trong vườn
như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
nuôi tôi thành người hôm nay
yêu một giọng hát hay
có bài mái đẩy thơm hoa dại
có sáu câu vọng cổ chứa chan
có ba ông táo thờ trong bếp
và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen”
Đọc thơ của Trần Vàng Sao, chợt nhận ra chẳng cần phân tích nữa, mọi câu chữ đều đơn giản thật thà và dễ hiểu như lời trần thuật, chỉ cần dùng trái tim để cảm nhận, cũng đủ để thấy lòng trĩu nặng mà thổn thức.
Dẫu muộn, vẫn hơn là không có gì!
Ngày 12/11/2020, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tổ chức chương trình giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao. Tròn một năm sau đó, vào ngày 12/11/2021, tác phẩm được trao giải B tại Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư, với 100% số phiếu thuận từ hội đồng chuyên môn. Sự trùng hợp này âu cũng là một cái duyên.
Giải thưởng này có muộn không? Có muộn! Vì thương thay, con người ấy đã về cõi thiên thu được ba năm rồi.
Thế nhưng, dẫu muộn, vẫn hơn là không có gì!
Cuộc đời Trần Vàng Sao đã từng vì một “tai nạn” mà bị cô lập, bị nghi ngờ, bị hạn chế xuất hiện trên các phương tiện chính thống. Nhưng thời đoạn khắc nghiệt ấy đã qua, những con người bảo thủ một thời kẻ còn người mất. Đất nước mở cửa, những giá trị đích thực dần được trả lại vị trí xứng đáng.
“Của Caesar hãy trả cho Caesar.”
Mong hương hồn nhà thơ thanh thản. Mong con cháu nhà thơ luôn giữ trong tim niềm tin yêu, hãnh diện và tự hào về cha ông của mình.
Những lời khen tặng và tri ân.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Nguyễn Quang Thiều – viết trong lời tựa tập thơ:
“Thơ Trần Vàng Sao chính là cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào… Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, giận dữ ông, giày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông… và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông.”
Tại buổi ra mắt ấn phẩm “Bài thơ của một người yêu nước mình”, nhà văn Phạm Phú Phong nhận định:
“Thơ Trần Vàng Sao thể hiện một quan niệm về đất nước và nhân dân đã đi qua một cuộc chiến tranh với tất cả sự dữ dội, tàn khốc, trần trụi đến mức tàn nhẫn, với bao nhiêu người đã chôn vùi sự sống và tuổi thanh xuân của mình trong đó, nhưng không phải để bi quan, hư vô đến vô nghĩa mà luôn có cái nhìn ấm áp ở tương lai. Đặc điểm nổi bật trong cấu trúc thơ anh là vào cuối bài thường dùng những câu đồng cảm “vật ngã tương giao” với thiên nhiên, với thời tiết để soi rọi niềm tin vào sức sống của con người.”
Nói về Trần Vàng Sao, nhà văn Mai văn Hoan chia sẻ:
“Trần Vàng Sao yêu nước theo cách riêng của mình, yêu quê hương theo cách riêng của mình, yêu mẹ, yêu chị, yêu đồng chí, đồng đội cũng theo cách riêng của mình. Trong những tháng năm đất nước chia cắt, ngoài khát vọng thống nhất, ông còn có khát vọng hòa hợp dân tộc.”
Nguồn : https://reviewsach.net/bai-tho-cua-mot-nguoi-yeu-nuoc-minh/