Thế giới xuất hiện một căn bệnh lạ: bệnh tiêu biến. Người mắc bệnh ban đầu sẽ mất đi tên gọi, dần dần là danh tính ở trên mọi giấy tờ, nhân dạng và cuối cùng là sự biến mất vào hư không. Trong bối cảnh bệnh tiêu biến đã phát triển thành dịch bệnh, làm cho thế giới ngày một tiêu điều, một cô bé và một cậu bé, quyết định dân thân vào hành trình đến tận cùng thế giới trên chiếc xe Super Cub vận tốc 60km/h.
Khủng hoảng căn cước và cảm thức con người mất đi căn cước là đề tài trở đai trở lại, bao trùm lên các sáng tác văn chương Nhật Bản thời hiện đại bất kể trong tiểu thuyết kinh điển hay những tác phẩm thị trường, phi chính thống như light novel. Vì thê, hẳn với nhiều độc giả, văn học Nhật luôn mang đến một sự nặng nề nhất định với sự ngột ngạt, nỗi cô đơn, cảm giác mông lung, vô định…
Nhưng, trường hợp nào cũng có ngoại lệ. Và Tabinideyou, horobiyuku sekaino hatemade – Hành trình đến tận cùng thế giới là một ngoại lệ như vậy. Trong tác phẩm xuất hiện của vô vàn những con người mất đi căn cước: tên gọi, quá khứ, nhân dạng… song lại không tạo sự tuyệt vọng mà đến cuối cùng, thứ đọng lại ở câu chuyện ấy vẫn là hi vọng vào ngày mai. Như hành trình đến tận cùng thế giới của hai nhân vật chính, là một hành trình của tương lai, không có điểm đến cũng chưa biết khi nao dừng lại.
Nếu xét về nội dung, Hành trình đến tận cùng thế giới không phải một cuốn sách có nội dung khó hiểu. Tác phẩm có cốt truyện hết sức đơn giản: Thế giới bỗng xuất hiện một căn bệnh lạ: Bệnh tiêu biến và căn bệnh đó nhanh chóng lan ra như một đại dịch: ai cũng có thể mắc phải, không có thuốc phòng bệnh, càng không có thuốc chữa bệnh. Ban đầu, người bệnh sẽ mất đi tên gọi cùng sự tồn tại trên toàn bộ giấy tờ, những gì liên quan tới họ. Tiếp đó, người ấy sẽ mất đi màu sắc: cơ thể dần nhạt phai cho tới một ngày dường như trong suốt tới mức ánh sáng có thể xuyên qua người. Cuối cùng, người đấy sẽ tiêu biến hoàn toàn khỏi thế giới lẫn tâm trí những ai ở lại: kí ức về họ đều trở nên hết sức nhòe mờ.
Trong bối cảnh căn bệnh hoành hành, có một cô bé và một cậu bé 16 tuổi chớm bước vào giai đoạn đầu tiêu biến quyết định bỏ lại trường học, bỏ lại thành phố, cùng nhau đi đến nơi tận cùng thế giới trên một chiếc Super Cup. Và trên hành trình đó, hai người gặp được những bệnh nhân khác, nhận được sự giúp đỡ của họ để có thể tiếp tục vững bước trên quãng đường dài sắp tới.
Nhưng, đơn giản không có nghĩa là thiếu chiều sâu, dễ hiểu không có nghĩa là thiếu đi giá trị nhân văn làm day dứt trái tim người đọc. Bởi, trước hết, ở một thế giới như dần trở nên “trắng xóa” vì căn bệnh tiêu biến mà tình người vẫn khắc khoải nơi đây.
Một cô bé, một cậu bé 16 tuổi, đã từng là bạn học cùng lớp nhưng hiện tại họ còn chẳng nhớ nổi danh tính của nhau, đã quyết định nương tựa trên chặng đường dài không có đích đến cụ thể. Mối quan hệ của họ, từ lâu đã vượt qua mối quan hệ bạn bè hay người đồng hành thông thường, nhưng nói là tình yêu lại cũng không đúng. Chỉ đơn giản rằng, hai người đó, từ lâu đã cần đến nhau, người này cần sự xuất hiện, tồn tại của người kia để chứng minh rằng bản thân vẫn đang sống, có một nhân dạng và được nhớ đến trong thế giới dần lụi tàn. Sự gắn kết bằng tình người, bằng hai con tim cùng chung nhịp đập, biết quan tâm, biết sẻ chia, biết lo lắng, biết hi sinh vì nhau đã đưa hai đứa trẻ 16 tuổi tiến được xa trên chặng đường dài như thế.
Thứ tình người bàng bạc đó, còn hiển hiện trên từng chương, qua từng câu văn, con chữ, qua từng người mà cô bé và cậu bé gặp gỡ. Chẳng còn ai có danh tính, họ chỉ biết gọi tên nhau bằng những danh xưng, đại từ phiếm chỉ, bất định: giám đốc, thư ký, sếp, bác sĩ, công chúa… Nhưng, danh tính có thật sự quan trọng không khi ai cũng sẵn sàng dang tay giúp đỡ, cưu mang lẫn nhau. Nếu như không có sự giúp sức thật tâm, hết mình, không vụ lợi từ những con người tốt bụng chẳng rõ danh tính ấy, có lẽ, hai cô cậu học sinh 16 tuổi chẳng thể đi xa. Mà phải chăng, chính trong hoàn cảnh thế giới dần lụi tàn, con người biết cuộc đời mình là hữu hạn, người ta có thể dễ dàng hé mở lòng mình với người khác hơn.
Mở lòng để yêu thương và đón nhận yêu thương. Để dù tan biến, dù chẳng còn ai nhớ đến người ấy tên là gì, thì những tình cảm đã trao, vẫn còn mãi: “Mình không thể đi một mình từ thủ đô đến. Mình và cậu ấy giúp đỡ lẫn nhau, nên giờ mới có mặt ở đây. Lại càng không thể đi bộ mà phải nhờ vào cậu xe Cub chạy 60km/h này”, “Dù vậy, nếu chỉ có hai đứa và xe Cub, bọn mình cũng chẳng thể làm được trò trống gì. Mấu chốt là đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người dọc đường, và nhờ vả, quấy rầy cũng không ít”. Quả thực, hai tiếng tình người, càng trong hoạn nạn lại càng tươi đẹp hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, Hành trình đến tận cùng thế giới đâu chỉ là câu chuyện về tình người, mà đó còn là câu chuyện rất đẹp về lòng ham sống, về ước mơ, khát khao, hi vọng, về việc sống tận lực, tận hiến, sống sao cho trọn vẹn quãng thời gian còn lại, dẫu quãng thời gian ấy còn lại thật ngắn ngủi. Bởi vốn dĩ “Cái quý giá nhất của con người ta là đời sống, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình.” (Thép đã tôi thế đấy)
Chính do lòng ham sống, vì không muốn phí phạm những phút giây tươi đẹp của cuộc đời ngắn ngủi còn lại, không muốn mãi bi lụy với căn bệnh tiêu biến quái ác, cô bé và cậu bé đã bước trên hành trình đến tận cùng thế giới. Một hành trình mang đầy tính tượng trưng: cuộc đời hai người có thể là hữu hạn nhưng hành trình họ đi sẽ kéo dài mãi, cũng như khát vọng, ước mơ của con người, đâu có giới hạn, đâu chịu sự chi phối của biên giới hay bệnh tật?
Chính bởi tình yêu cùng một lòng yêu cuộc sống mà ông giám đốc và cô thư ký không ngồi yên đợi ngày tiêu biến mà họ đã tạo dựng một nông trại xanh mướt rau củ. Họ không biết ngày họ sẽ ra đi, bản thân họ hẳn cũng biết rằng, bệnh tình của ông giám đốc mỗi lúc một chuyển xấu, tiến triển nhanh hơn bệnh tình cô thư ký. Nhưng họ vẫn sống, vẫn nở nụ cười hẳn vì họ hiểu: đến tận lúc này, họ mới thực sự sống cuộc đời họ mong muốn, làm việc họ yêu thích, được ở cùng người họ yêu thương.
Chính vì chấp niệm với ước mơ được cô bé, cậu bé khơi dậy sau khi sếp gặp hai người mà anh có thể đứng dậy sau đau thương bạn bè tiêu biến, nỗi tuyệt vọng bởi bản thân cũng sắp biến mất để hoàn thiện giấc mơ: đưa chiếc máy bay chạy bằng sức người cất cánh trên bầu trời. Phải, dẫu chỉ còn một ngày để sống, dẫu sắp tiêu biến thì sao? Con người vẫn có quyền thực hiện mơ ước, có quyền được cất cánh trên bầu trời xanh cơ mà. Và tin chắc, bản thân sếp lúc biến mất, đã rất mãn nguyện vì không bỏ lại công sức của bản thân, của đồng đội cho sự nghiệt ngã của số phận mà bệnh tật quái ác gây lên.
Và cũng nhờ tình thương kích thích lòng ham sống, lòng nhiệt huyết của cô bé, cậu bé đã truyền cho công chúa tinh thần dũng cảm. Để cô dám dấn thân, dám bước đi khám phá thế giới, khám phá năng lực tiềm tàng sâu trong bản thân bằng chính đôi chân của mình. Quyết định ấy, không đơn thuần chỉ là sự dũng cảm. Đấy còn chứa đựng tinh thần của con người dám đi từ không gian “trong này”, không gian “an toàn” để tới không gian “ngoài kia”, một nơi có thể hiểm nguy trùng điệp song đầy màu sắc cùng bí ẩn kì thú.
Một cuốn truyện, mang nội dung đơn giản cùng hệ thống nhân vật không quá đồ sộ, phù hợp để độc giả đọc trong một buổi tối. Nhưng có lẽ, vì đơn giản, dễ hiểu quá, những gì tưởng chừng là đao to búa lớn, là ẩn ức sâu trong tâm lý con người được viết lên bằng một chất giọng, văn phong giản dị tới thuần khiết mà Hành trình đến tận cùng thế giới lại càng khiến trái tim độc giả thêm day dứt. Câu chuyện nói đến một căn bệnh lạ, song cách tác giả triển khai tình tiết lại không nhằm mục đích kể lể rằng: căn bệnh đó xuất phát từ đâu, cách trị bệnh như thế nào. Điều Yorozuya Tadahito hướng đến là cách người ta đối diện trước bệnh dịch như ra sao. Thế giới đã hoang tàn, đổ nát và như sắp đến bờ vực tuyệt vong, con người dường như cũng chẳng thể để lại gì cho cuộc đời: tên gọi, kí ức, quần áo,… đều biến mất. Vậy, con người sẽ là ai? Giữa cuộc đời bao la biết chắc thế nào cũng có ngày biến mất không dấu vết, con người tồn tại để làm gì?
Câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhẹ, giản dị đến vô cùng ấy đã hướng độc giả, về lại những câu hỏi muôn thủa nhưng chưa giờ thôi nhức nhối tới giá trị của con người giữa cuộc sống. Yorozuya Tadahito nêu vấn đề, rồi chính ông đưa ra hướng giải quyết: con người có thể mất đi, nhưng những ghi chép tồn tại trên giấy, trên đá, trên cát,… sẽ còn tồn tại mãi. Rồi, khi trang sách đã khép, độc giả chợt nhận ra một điều hết sức nhân văn: Dẫu có tiêu biến, dẫu mất đi căn cước, con người vẫn mãi trăn trở, day dứt trong mâu thuẫn “Sống hay không sống, tồn tại hay không tồn tại”. Và khát khao thể hiện cái tôi, nguyện vọng được khẳng định bản ngã, ước mơ được chứng minh bản thân đã, đang sống giữa cuộc đời mãi là khát khao tự thân, đáng quý, đáng trân trọng.
Hành trình đến tận cùng thế giới, tưởng xa mà hóa gần, tưởng vô hình mà lại đầy hữu hình: tận cùng thế giới là nơi cậu, tận cùng thế giới là nơi ta còn tìm thấy yêu thương “Nhưng mà, chỉ cần ở bên cậu, thì tớ đi đâu cũng được”. Kể cả tận cùng thế giới. Hay là đáy địa ngục. Bất cứ chốn hư vô nào”. Dù tương lai thế giới có tiêu biến, dẫu ngày mai con người chẳng còn hiện hữu trên cuộc đời, nhưng hai bóng hình nhỏ bé đó, hẳn chẳng còn nuối tiếc bởi họ đã sống, đã yêu thương, đã gặp gỡ và tiếp lửa tin yêu tới những ai họ đã gặp. Như những câu thơ từng xuất hiện trong cuốn sách Hạt giống tâm hồn – Từ những điều bình dị:
“Nào ai dám chắc mình còn có ngày mai
Dù bạn còn xuân hay mái đầu đã bạc
Và hôm nay có thể là cơ hội cuối
Để bạn mở lòng với những người bạn yêu thương.”
Mọt Mọt review
Nguồn : https://reviewsach.net/hanh-trinh-den-tan-cung-the-gioi-yorozura-tadahito/