Rinko, một cô gái trẻ bỏ nhà ra đi từ năm 15 tuổi do những bất đồng trong cuộc sống với người mẹ phóng túng. Trải qua quãng thời gian sống cùng bà ngoại, khi bà mất, Rinko sống đơn độc, một mình và làm việc chăm chỉ, cần mẫn tại các quán ăn với ước mơ một ngày trở thành đầu bếp. Trong đấy, thời gian lâu nhất Rinko đã làm việc ở một tiệm ăn Thổ Nhĩ Kỳ. Và đây cũng là giai đoạn, cô gặp gỡ rồi yêu một anh chàng người Ấn Độ.
Hai người quyết định sống chung. Nhưng một ngày đi làm về, Rinko phát hiện người đàn ông cô yêu đã biến mất cùng toàn bộ số đồ có giá trị trong căn hộ của họ. Tuyệt vọng, Rinko ôm lọ tương gạo duy nhất còn sót lại, cũng là kỷ vật bà ngoại để cho cô, lên chuyến tàu đêm trở về căn nhà ngày trước cô bỏ đi. Và lúc này, Rinko nhận ra, cô đã mất đi tiếng nói.
Vốn Rinko chỉ định về nhà lấy cắp số tiền mẹ cô tiết kiệm nhưng ngờ đâu mục đích chưa thành mà đã bị mẹ phát hiện. Không tiền, không thể giao tiếp bằng lời nói bình thường và cũng không có một nơi cụ thể muốn đến; khi mọi mục đích dường như trở nên mờ mịt, bỗng Rinko nảy sinh ý nghĩ sẽ mở một tiệm ăn dựa trên kinh nghiệm cùng tình yêu ẩm thực cô tích lũy bao năm.
Quán ăn ấy, sau này thành hình đã được đặt tên là Quán ăn Ốc sên, những người xung quanh thì đồn thổi: đó là quán ăn giúp biến mọi điều ước thành hiện thực.
(C) Page Kim Đồng – Wings Books
Quán ăn Ốc Sên – Quán ăn tụ hội của những trái tim lầm lạc
Tựa đề tác phẩm: Quán ăn tìm lại tình yêu như đã phần nào hé lộ nội dung câu chuyện, rằng quán ăn được tác giả Ito Ogawa miêu tả, được cô gái Rinko mở ra, không phải nơi phục vụ đơn thuần nhằm kiếm tiền, duy trì cuộc sống mà hơn cả, nơi ấy xuất hiện, trước hết tựa một địa điểm cho tâm hồn vụn vỡ của Rinko trú ngụ, và về sau, để những con người gặp khó khăn trong cuộc sống, đổ vỡ về mặt tình cảm, tinh thần tìm về sự đồng cảm, an ủi dịu nhẹ.
Quán ăn tìm lại tình yêu – Quán ăn Ốc Sên, bé nhỏ, khiêm nhường, giản dị, được lập nên từ một coo gái mang trái tim chằng chịt vết sẹo, hoài nghi cùng vỡ vụn trỏng mọi mối quan hệ. Đó như chiếc vỏ ốc ấm áp che chở cho Rinko và những tâm hồn thương tổn. Như một ngôi nhà di động, dù bằng các bước tiến chậm chạp nhưng chắc chắn, đưa người ta vượt thoát khỏi khổ đau, lo âu để tiến tới tương lai tươi sáng hơn.
Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, dịu dàng được kể từ điểm nhìn thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, tác giả Ito Ogawa đã xây dựng lên cả một thể giới truyện hết sức gần gũi, chân thực. Chân thực như những dòng nhật ký, những lời tâm sự vừa giản dị mà cũng thật thấm thía của một cô gái trải đủ sai lầm, vấp ngã, thất bại, đau thương của tuổi trẻ. Bởi vậy, tình tiết, sự kiện được kể ra; những nhân vật được nhắc đến, đều như được rút ra từ tâm can, khắc họa sống động đứng trước mỗi độc giả vậy.
Đó là người chú hàng xóm bị vợ bỏ, người phụ nữ gần đất xa trời vẫn không thôi nhớ về tình cũ, đôi bạn trẻ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. cặp trai gái muốn tiến đên hôn nhân nhưng còn e dè về hoàn cảnh,… thậm chí là một chú thỏ cũng có thể gặp vấn đề tâm lý để được người chủ nuôi tốt bụng đưa đến gặp Rinko. Tất cả, đều mang theo một phần trái tim rạn nứt hay những lo âu rất khó để giải quyết hay nói rõ thành lời ngoài đời thực như vậy đó.
Và xây dựng chân dung những cá nhân như vậy, nhà văn Ito Ogawa như khắc họa lên muôn kiếp người trong xã hội Nhật Bản hiện đại luôn đeo trên khuôn mặt vẻ ngoài tưởng chừng mạnh mẽ nhưng ẩn sâu tâm hồn lại mong manh, dễ vỡ khôn cùng. Đồng thời, để mỗi độc giả, như soi chiếu, từ đấy thấy được một phần bản thân, tâm hồn trong những dáng hình thương tổn ấy. Bởi quả thực, ai có thể tự tin nói rằng mình chưa từng bị bỏ rơi, ai có thể nói rằng chuyện tình cảm của mình luôn trải đầy hoa hồng, ai có thể nói rằng chưa từng đi qua những cảm xúc ngập ngừng của quãng thời gian tình đầu mới chớm nở; và có thể khẳng định rằng, chưa một lần cảm thấy cô đơn, khổ đau trước cuộc sống còn nhiều nghiệt ngã này.
Rinko – Cô gái biến ước mơ thành hiện thực
Nhưng giữa muôn mặt kiếp người trong Quán ăn tìm lại tình yêu thì hình ảnh Rinko – xưng tôi – chủ quán vẫn nổi bật hơn hết thảy. Cô gái ấy đã giúp bao nhiêu người tìm lại tình yêu, đã giúp bao người biến ước mơ thành hiện thực; nhưng liệu Rinko có khi nào tự hỏi: Đến bao giờ, cô mới có thể tìm lại tình yêu của chính mình? Gặp trở ngại trong giao tiếp với chính mẹ ruột, rời bỏ quê hương chỉ với khao khát không bao giờ phải nhìn thấy mẹ nữa; mà rồi cô gái đó lại trở về với sự thất bại đến không thể thảm hại hơn trong tình yêu. Mất tất cả: tiền bạc, sự nghiệp, tương lai, người mình yêu thương và ngay chính tiếng nói riêng cô cũng không giữ được; gần như cuộc sống lúc ấy của Rinko là một màu đen tối.
Vì vậy, nhớ đến ẩm thực, mở Quán ăn Ốc Sên, với Rinko trước tiên như một cách trốn chạy, thứ nữa là cách an ủi chính bản thân cô rồi mới đến việc xoa dịu tâm hồn người khác. Có phải thế chăng mà những món ăn Rinko nấu, không chỉ được nấu bằng một trái tim chân thành hết mực của con người yêu ấm thực từ tận đáy lòng; mà còn là sự đồng cảm, thấu hiểu của cô gái đã như trải qua đủ đau thương đời người để có thể mở rộng tấm lòng trước mọi nỗi đau, tinh tế nhìn thấu tâm hồn những người xung quanh.
Như đã nói, vì được kể ở ngôi thứ nhất nên mọi tình tiết diễn ra trong Quán ăn tìm lại tình yêu như những dòng tâm sự theo chiều tuyến tính của một cuốn nhật ký. Cũng có những xao động trong việc hòa lẫn giữa không gian, thời gian hiện tại – quá khứ khi thực khách thưởng thức xong món ăn và câu chuyện của họ được gợi về. Nhưng gần như , diễn tiến sự kiện ở cuốn tiểu thuyết này không có quá nhiều xao động.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa Quán ăn tìm lại tình yêu không có bước ngoặt nào đáng kể. Vẫn có bất ngờ được tạo nên: ấy là thân thế của Rinko cùng những vướng mắc tưởng chừng không thể tháo gỡ trong mối quan hệ giữa cô và mẹ. Để rồi khi nút thắt được gỡ bỏ cũng là lúc bao vụn vỡ tắc nghẽn ở Rinko ùa ra tưởng chừng thêm một lần đánh gục tinh thần cô . Nhưng cũng lần nữa, ẩm thực, đồ ăn lại giúp đưa Rinko về với cuộc sống. Bởi, sứ mệnh của cô, sứ mệnh của Quán ăn Ốc Sên trên chặng đường hàn gắn tình yêu vẫn chưa thể dừng lại.
Shokudo Katatsumuri – Quán ăn tìm lại tình yêu là một trong số ít những cuốn tiểu thuyết viết về đau thương, đổ vỡ nhưng lại được viết bằng một giọng văn tinh tế, đằm thắm, dịu dàng và rất mực nhẹ nhàng. Viết Quán ăn tìm lại tình yêu, quả tình tác giả Ito Ogawa không nhằm xoáy sâu vào vết thương để tạo nên sự ám ảnh, nhức nhối cho độc giả mà ngược lại, câu chuyện như một liều thuốc, một món ăn tinh thần để xoa dịu thương tổn mà trái tim con người phải gồng gánh. “Hoài niệm quá. Trước đây tôi từng biết đến cảm giác này ở đâu đó rồi. Hình như tôi rơi vào trạng thái Deja vu thì phải. Thế rồi, khi tôi lần theo sợi chỉ của kí ức, cánh cửa quá khứ mở ra một hình bóng thân thương. Là tấm lưng của bà, khi bà đứng trong nhà bếp được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Tình cảm ẩn chứa bên trong hộp cơm mẹ chú Kuma làm và cơm bà ngoại nấu rất là giống nhau. Trong thoáng chốc, khi đang nhai những hạt cơm, tôi ngỡ rằng mình sắp rơi nước mắt.”
Nhưng không phải vậy mà Quán ăn tìm lại tình yêu không gây ấn tượng mạnh với độc giả. Tác phẩm vẫn phảng phất nét buồn thương man mác, sự mông lung, bất định hết sức đặt trưng của văn học Nhật Bản. Tuy nhiên, vượt thoát nỗi đau buồn khắc khoải, Quán ăn tìm lại tình yêu nhẹ nhàng, ngọt ngào ngay cả khi người ta cô đơn, lạc lõng nhất. Sự ngọt ngào đến từ các món ăn Rinko nấu bằng cả trái tim, tâm hồn; từ giọng văn nhẹ nhàng sâu lắng của tác giả Ito Ogawa thấm dần vào tâm hồn. Tất cả như đang xoa dịu đi những khó khăn, vất vả đang bủa vây lấy con người giữa cuộc sống bộn bề, căng thẳng tới nghẹt thở, nhiều âu lo và cũng muôn vàn khắc nghiệt này.
Mọt Mọt