Sau “Cô gái ngoan” – Tác phẩm bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times và USA today, Mary Kubica trở lại với tiểu thuyết “Khi ánh đèn vụt tắt”. Lần trở lại này, Mary Kubica không làm độc giả thất vọng khi cô đã thoát ra “cái bóng” tác phẩm trước, để mang đến diện mạo mới cho câu chuyện. Tác phẩm “Khi ánh đèn vụt tắt” được đánh giá là một câu chuyện đáng sợ và thông minh với những cú ngoặt tuyệt vời mà ta chẳng thể nhìn thấy trước.
Mary Kubica – Làn gió mới của tiểu thuyết – Mỹ
Đối với nhiều độc giả, Mary Kubica là một cái tên khá mới. Sinh ra và lớn lên ở Chicago, cô theo học ngành lịch sử và văn chương Mỹ tại đại học Miami ở Oxford Ohio.
Lần đầu ra mắt công chúng năm 2014 với tác phẩm “Cô gái ngoan”, được đánh giá vô cùng xuất sắc với những tình tiết thót tim, các bước ngoặt không thể đoán trước. Mary Kubica trở thành tác giả có tác phẩm bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times ngay từ lần ra mắt đầu tiên.
Vì để lại dấu ấn trong lòng độc giả, “Khi ánh đèn vụt tắt” được kỳ vọng vượt qua cái bóng của sản phẩm đầu tiên. Mong muốn bạn đọc một lần nữa ngụp lặn trong những trang văn với tình tiết gay cấn nghẹt thở.
Liệu “Khi ánh đèn vụt tắt” có phải là một tiểu thuyết đáng mong chờ đến vậy?
Hai dòng thời gian – là thực hay mơ
“Khi ánh đèn vụt tắt” là tiểu thuyết vô cùng đặc biệt, Mary đã gây ấn tượng với người đọc ngày từ những trang sách đầu tiên “Tâm trí ngự trị cõi riêng của nó có thể khiến thiên đàng thành địa ngục và địa ngục hoá thiên đàng”.
Tác phẩm có hai chương lớn, được lặp lại xuyên suốt tác phẩm: “Eden” và “Jessie”. Tượng trưng cho hai dòng thời gian song song cùng chảy trong cuốn tiểu thuyết, một bên là thực còn bên còn lại là mơ.
Jessie
Tác phẩm mở đầu với thực tại của Jessie, cô ở trong bệnh viện chăm mẹ Eden đang trải qua những ngày cuối chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Vì mẹ Eden mà Jessie đã thức mấy ngày nay. Tuy nhiên vào cái đêm mà Jessie ngủ thiếp đi nhờ thuốc ngủ thì cũng là cái đêm cô rơi vào thế giới mà không biết là thực hay mơ. Ở đó Jessie phát hiện ra mình thật sự không phải Jessica Sloane, người tên Jessie và mang số hiệu an sinh xã hội của cô đã chết từ lâu rồi. Từ đây, Jessie rơi vào một hố sâu rắc rối, cô mê man giữa thực và mơ. Cô bắt đầu hành trình kinh hoàng nhất để tìm lại chính mình.
Eden
Mary đã đẩy dòng thời gian về 20 năm trước, khi mà mẹ của Jessie là Eden bắt đầu tình yêu của mình với Aaron – chồng của bà và đáng lẽ ra phải là bố của Jessie. Tuy nhiên bi kịch ập đến khi Eden không thể có con dù đã cố gắng rất nhiều. Nếu như Eden không thể có con vậy thì Jessie là ai, Jessie có phải là con của Eden và Aaron không? Phải chăng có một sự thật nào đằng sau đó?
Mary Kubica vô cùng xuất sắc khi chỉ dùng ngôi thứ nhất cho toàn bộ tác phẩm. Điều này khiến người đọc như nhập vào nhân vật để trải nghiệm chính câu chuyện ấy. Lúc là Jessie mê man giữa tỉnh và mơ, chạy theo những ảo ảnh mà cô tự tạo ra trên hành trình tìm lại chính thân phận của mình. Lúc thì lại là Eden khát khao muốn làm mẹ, muốn có một đứa con đến mức phát điên, đau khổ và dằn vặt nhưng cũng hạnh phúc khi có được Jessie.
Tất cả mọi tình tiết đều được Mary Kubica dựng lên vô cùng hoàn hảo, dù là hai dòng thời gian song song với hai câu chuyện chẳng hề ăn khớp về mặt thời gian, nhưng Mary đã khiến cho nó trở nên vô cùng hợp lý.
Trong khi….
Jessie mải miết, hối hả trên hành trình đi tìm lại lai lịch của bản thân. Cô quay trở về nhà cũ của cô và mẹ. Cô nhìn thấy bức ảnh của Aaron – người mà cô chắc chắn là cha mình. Cô nhìn thấy ông ở trên đường, đuổi theo ông trong vô vọng. Ai cũng nghĩ cô gặp ảo giác, chỉ có cô tin rằng tất cả đều là thật.
….Thì khi đó
Eden được Mary Kubica kể lại câu chuyện của bà một cách thật nhẹ nhàng. Như viết từng dòng nhật ký theo dòng thời gian từ năm 1996 đến 2016. Nhật ký của Eden đã từng bước giải đáp cho từng thắc mắc đang dằn vặt Jessie. Từ việc bà và Aaron đã muốn có con như thế nào cho đến việc Eden đã hạnh phúc đến mức nào khi có Jessie và Jessie thật sự là ai và vì sao bà lại gắn cho Jessie một cái tên và số an sinh của một đứa trẻ đã chết?
Mỗi chương sách “Jessie và Eden” nối tiếp nhau thay phiên nhau xuất hiện và chương sau lại là những lý giải vô cùng thỏa mãn cho những bí ẩn mơ hồ của chương trước.
Càng khát khao, càng thiếu thốn
Mỗi cuốn tiểu thuyết gửi gắm những giá trị nhân văn về cuộc đời. Độc giả sẽ biết được “Trong cuộc sống hãy thận trọng khi bạn cầu mong”. Con người càng khát khao mong muốn điều gì thì sẽ càng thiếu thốn.
Eden khát khao một đứa con đến vô cùng tận, bà có thể đánh đổi tất cả mọi thứ để có một đứa con. Thậm chí đã có lúc Mary khiến cho Eden trở thành một con người khác, một con người xấu xa trở thành một kẻ cắp chỉ vì khát khao có một đứa con quá lớn. Vì khát khao ấy quá lớn nên ông trời đã cho bà Jessie nhưng để đổi lại bà đã phải trả giá bằng tình yêu của mình với Aaron và cả đời phải sống trong tội lỗi.
Jessie không khao khát điều gì bằng việc được gặp lại mẹ Eden để tìm ra được sự thật mình là ai và cha của cô là ai. Chính vì điều này cô đã phải trả giá bằng cả sức khoẻ, tình yêu và công việc. Cô đã bị kẹt giữa thế giới ảo ảnh hỗn loạn giữa tỉnh và mơ mà cô tự tạo ra. Nhưng đến cuối cùng kết quả cô nhận lại được là gì thì không ai có thể đảm bảo.
Nhiều khi trong cuộc sống nên biết dừng lại và trân trọng những gì mình đang có.
Một cái kết nhẹ nhàng
Mary Kubica đã làm vô cùng tốt khi đã có thể khiến cho độc giả không thể rời mắt với cách xây dựng cốt truyện và nhân vật quá thông minh, có đôi phần đáng sợ. Tuy vậy nếu cái kết mang tính bước ngoặt gây bất ngờ thì sẽ còn làm cho người đọc mãn nhãn hơn rất nhiều.