Với giọng văn đầy phóng túng của Mạc Ngôn , “Trâu Thiến” hiện ra bình dị và có phần thô tục, phô bày trần trụi đời sống ở một vùng nông thôn Trung Quốc trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa.
Chuyện chàng Song Tích!
Là đối tượng xuất hiện ngay từ tựa đề tiểu thuyết, và tồn tại song hành suốt cả 12 chương truyện, cho đến khi chết đi rồi vẫn còn gây nên một trận oanh động, thì chắc mẩm “Trâu thiến” là chuyện của chàng trâu mang tên Song Tích rồi!
Chuyện nghe ra khá dài dòng tỉ mỉ, nhưng thực chất chỉ xảy ra trong vỏn vẹn một tuần, được kể theo lời của La Hán – thằng bé chăn trâu.
Vào khoảng hạ tuần tháng 4 năm 1970, lão Đổng – nhân viên trạm thú y công xã, một chuyên gia thiến trâu về làng của La Hán để thiến ba con trâu đực là Lỗ Tây lớn, Lỗ Tây nhỏ và Song Tích. Tình trạng ở làng thiếu thức ăn cho trâu trầm trọng, trâu lại là gia súc lớn, là tư liệu sản xuất, giết trâu là phạm pháp. Giết cũng không được mà nuôi cũng không xong. Tiến thoái lưỡng nan. Buộc phải thiến trâu đực để kiểm soát số lượng.
Quá trình anh em nhà Lỗ Tây bị cắt dái cũng khá thuận buồm xuôi gió, vì chúng chưa từng giao phối, dẫu cũng có suy nghĩ lung lắm nhưng của quý bé quá nên lực bất tòng tâm. Riêng Song Tích thì khác, tuổi trẻ khí thịnh, lại có cái vốn để mà hành sự, thành ra 30 con trâu cái trong đội đều đã bị nó nhảy lên lưng làm chuyện bậy bạ. Tình hình là Song Tích đã giao phối quá nhiều khiến mạch máu bên trong nở to ra rồi, thiến thì được nhưng e là khó cầm máu. Lão Đổng đã bảo như vậy nhưng chú Mặt Rỗ – người phụ trách chăn nuôi ở thôn lại cứ nhất thiết đòi thiến Song Tích cho bằng được.
Thế là xuất hiện vấn đề. Vết thương sau thiến của Song Tích không nhanh lành như hai bạn mà ngày càng trở nặng. Dẫu được lão Đỗ – người chuyên chăm sóc trâu của đội sản xuất và nhóc La Hán mất ăn mất ngủ trông nom, nhưng tình trạng vẫn ngày càng xấu. Hai người đành dắt trâu lên trạm thú y công xã – cách làng hơn 10 cây số – để cầu lão Đổng cứu chữa. Đến nơi thì đã là 9h30 tối, trạm đóng cửa, chẳng kêu được ai. Canh ba nửa đêm hôm đó, Song Tích tắt thở.
Sáng hôm sau khi biết được tin, lão Đổng xin giấy chứng nhận trâu chết vì bệnh truyền nhiễm để tránh liên lụy bản thân. Chủ Nhiệm Tôn – người cai quản “trâu khẩu” trong toàn công xã đã ký giấy chứng nhận trâu chết vì bệnh truyền nhiễm, phải giữ lại thiêu hủy làm phân bón.
Đấy, 11 chương đầu chỉ quẩn quanh cái chuyện cắt dái và chăm sóc vết thương “hậu thiến” của thằng Song Tích ấy thôi, nhà văn của vùng đất Cao Mật đã dựng nên một dàn nhân vật thú vị, tái hiện đời sống nhân dân dưới chế độ mà chỉ cần có cái gốc bần nông cố nông trung nông chính là tốt.
Chương cuối, một “chuyện kinh động đất trời” xảy ra vào ngày 1 tháng 5 năm 1970, tức là 3 ngày sau khi Song Tích chết. Đẩy mọi sự lên đỉnh cao của trào lộng và mỉa mai chế độ.
Lại không còn là chuyện trâu thiến nữa!
Thế là chuyện gì?
Thứ nhất, nguy cơ bùng nổ dân số.
“Nhưng xã hội cũ không hề nghe đến chuyện thiến dái người, xã hội mới lại có chuyện này…”
Thiến trâu, thiến… cả người.
Nổi tiếng là quốc gia rộng lớn và đông dân, tính đến tháng 12/2020, Trung Quốc vẫn đang nắm giữ kỷ lục là quốc gia có dân số đông nhất trên thế giới. Vào thời điểm điều tra dân số đầu tiên, năm 1953, con số được tiết lộ là 582 triệu dân; cuộc điều tra dân số thứ năm, năm 2000, tăng trưởng gần gấp đôi với 1,2 tỷ dân.
Bắt đầu từ giữa những năm 1950, chính phủ Trung Quốc đã thông qua và tiến hành thực hiện các biện pháp và chương trình kế hoạch hóa gia đình nhằm kiểm soát gia tăng dân số.
Trong bối cảnh đó, khi lão Đổng dọa chú Mặt Rỗ rằng thiến xong con trâu, tôi sẽ thiến nốt ông luôn thì không ngờ kẻ bị dọa cười to: “Thiến tôi thì đâu cần đến tay bác sĩ thú y như ông…” vì Mặt Rỗ đã nhờ bệnh viện thiến để thực hiện sinh đẻ có kế hoạch theo chủ trương của nhà nước!
Lại không còn giản đơn là chuyện trâu thiến nữa, mà liên quan đến vấn đề dân số tăng nhanh và áp lực tiềm ẩn của một cuộc bùng nổ dân số tại Trung Quốc thời bấy giờ, lại kết hợp trong thời kỳ Đại Cách mạng văn hóa với những giá trị cào bằng về nông thôn, sinh ra nhiều sự phi nhân đạo, xem thường tính mệnh con người.
“Trâu là tư liệu sản xuất, là gốc rễ, là tính mệnh của công xã. Người chết, công xã không thèm quan tâm đâu, nhưng trâu chết ngay cả bí thư đảng ủy công xã cũng sẽ bị điều tra đấy!”
Thứ hai, quan tham ăn phần của dân.
Từ tháng 10 năm 1949, sau chiến thắng của Đảng Cộng sản, tiến đến thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người ta bắt đầu tung hô xã hội mới, chê bai xã hội cũ. Đặc biệt trong Đại Cách mạng Văn hóa, chính quyền tự vỗ ngực xưng tên là bình đẳng, bác ái, làm theo năng suất, hưởng theo nhu cầu, xây dựng một nơi mà giai cấp tư bản và địa chủ hoàn toàn bị xóa bỏ, lại tích cực tuyên truyền lập trường giai cấp:
“Xã hội cũ chẳng có gì tốt cả, xã hội mới cái gì cũng tốt; bần nông cố nông trung nông không có chỗ nào xấu, không phải bần nông cố nông trung nông không có chỗ tốt.”
Bần nông cố nông trung nông được trọng dụng, giữ nhiều vị trí có quyền có thế. Nhưng cũng có quyền thế bé hơn và quyền thế lớn hơn, như cán bộ ở thôn làng thì quyền hành bé hơn cán bộ ở công xã. Rồi thì chức bé hơn luồn cúi chức lớn hơn song song với việc ăn chặn của người dân không quyền thế. Rồi thì chức lớn lạm quyền, tham lam. Một cơ cấu chính quyền mà người nắm quyền thiếu trí tuệ lại nhiều mưu mẹo xảo quyệt, ra sức hút máu người dân đến tận cùng.
Theo giấy chứng nhận cái chết của Song Tích là chết vì bệnh truyền nhiễm, phải giữ lại thiêu hủy làm phân bón. Cái bệnh truyền nhiễm này vốn là cái cớ mà lão Đổng lấy ra để khỏi liên lụy bản thân, cũng là mưu kế của lão Đổng và tay chủ nhiệm Tôn trên công xã cố tình giữ lại xác Song Tích để lấy thịt chia nhau đón mừng ngày Quốc tế Lao động.
Thế nhưng vô tình trong thịt và nội tạng của Song Tích lại có chứa một loại vi khuẩn vô cùng độc hại, ở nhiệt độ 3000 độ C nó vẫn có thể chạy nhảy tung tăng. Bởi vậy mà cảnh hơn 300 cán bộ công chức của công xã bị ngộ độc do tranh ăn thịt Song Tích chính là sự mỉa mai một cách trực diện vấn đề tham quan, quan tham ăn phần của dân.
Thứ ba, chính trị rối ren.
“Một chuyện kinh động đất trời, kinh động nhân tâm…đến cả ủy ban cách mạng trung ương… Theo phân tích của các chuyên gia phá án, kẻ gây án có khả năng là những đặc vụ được phái đến từ Quốc Dân Đảng Đài Loan, tất nhiên cũng không ngoại trừ là thuộc giai cấp đối kháng ẩn tàng trong nước…Các thôn tiến hành quản thúc thật chặt bốn thành phần phản động trong thôn mình, ngay cả chuyện đi đái đi ỉa cũng phải có dân quân kèm…”.
Như thế, đâu chỉ là chuyện “trâu thiến” nữa? Mà gần như là bóc trần thực trạng chính trị thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, bên ngoài thì có Quốc Dân Đảng ở Đài Loan, bên trong thì có những phe phái không tán đồng với Mao Trạch Đông. Một nền chính trị hết sức rối ren, và tất nhiên, khó mà lâu bền nếu không chịu thay đổi.
“Người không nói”, một khi lời nói ra đều mang theo sức nặng.
Tác giả “Trâu thiến” tên thật là Quản Mô Nghiệp. Ông sinh năm 1955, trong một gia đình nhà nông nghèo tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Từ Đại nhảy vọt đến Đại Cách mạng Văn hóa, từ nạn đói khiến cả gia đình lay lắt đến khi bị đuổi học vì thuộc “phần tử xấu” mà chế độ áp đặt… Trong suốt những năm tháng loạn lạc bất ổn ấy, cha mẹ vẫn thường khuyên ông có chuyện gì thì giữ lại trong lòng, đừng nên nói ra ngoài, im miệng là tốt nhất! Chính vì vậy mà sau này, Quản Mô Nghiệp đã chọn bút danh Mạc Ngôn với ý nghĩa là “người không nói”.
Lấy bút danh là “người không nói”, nhưng nhà văn lại chẳng ngại tiếp cận và đưa vào trang viết của mình những đề tài như tình dục, lịch sử, chính trị Trung Quốc, bao gồm cả những giai đoạn lịch sử có phần nhạy cảm và động chạm vào quyền uy cả nước nhà. Dĩ nhiên, là đưa vào một cách khéo léo, tưởng như viết về những điều bình dị ở nông thôn nhưng lại ẩn tàng sự lố bịch của một chế độ.
“Trâu thiến” đơn cử là một tác phẩm như thế! “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa” của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa (5/1966 – 10/1976) là 10 năm thuộc giai đoạn lịch sử khá nhạy cảm mà ít nhà văn nào dám viết và viết ra sách lại không bị cấm ở Trung Quốc đại lục như Mạc Ngôn.
Mạc Ngôn khẳng định chưa bao giờ để nỗi sợ kiểm duyệt làm ảnh hưởng đến việc chọn đề tài:
“Quốc gia nào cũng có những hạn chế nhất định đối với các nhà văn. Ở một góc độ nào đó, nó có thể là yếu tố tích cực, giúp nhà văn tập trung vào phương diện nghệ thuật của văn học.”
“Người không nói” vẫn luôn nỗ lực viết ra những tác phẩm bám rễ vào mảnh đất Cao Mật quê hương mang nhiều thông điệp giá trị đến bạn đọc.