“Làm Bạn Với Hình Làm Tình Với Chữ” là cuốn sách kể về những vui buồn của người làm nghề copywriter, quảng cáo hay được gắn nhãn mác là nghề sáng tạo ý tưởng.
Bước chân vào thế giới Marketing, có thể bạn sẽ biết trong tủ sách lập nghiệp quảng cáo có những cuốn sách chuyên ngành bạn buộc phải đọc, có thể kể đến như Ngấu nghiến, nghiền ngẫm, Ý tưởng này là của chúng mình, Một với một là ba, Đời Quảng Cáo, Hiệu ứng chim mồi….
Còn nếu bạn đang phân vân lựa chọn nghề copywriter-quảng cáo sáng tạo với một ngành nghề nào khác của thế giới Marketing đầy rộng lớn ấy, thì cuốn sách Làm bạn với hình làm tình với chữ của tác giả Bút Chì sẽ là chìa khóa giải đáp thắc mắc cho băn khoăn đó một cách đầy đủ nhất.
Quảng cáo- Nghề của những ý tưởng và những nụ cười
Câu chuyện số 1 : ý tưởng
Xin được trích dẫn những câu chuyện buồn cười được nêu ra trong cuốn sách để bạn biết thế nào là một ý tưởng quảng cáo tốt.
…Sau thời gian huấn luyện nghiêm ngặt, chú muỗi con thực hiện chuyến bay đầu tiên trong đời. Khi trở về nhà, muỗi bố ân cần hỏi: “Thế nào con trai? Thế giới ngoài kia có tuyệt vời không?”. Muỗi con khoái chí trả lời: ” Quá tuyệt vời bố ơi. Con bay đến đâu, mọi người vỗ tay chào đón nồng nhiệt đến đó!”
Copywriter là nghề mà chữ copy được đặt trước chữ writer. Khi chưa thành thạo, hãy viết đúng thay vì viết hay, hãy copy ý tưởng của người khác và nhào nặn nó, nhưng khi đã “đủ lông đủ cánh”, bạn phải sáng tạo ra ý tưởng của riêng mình. Nói một cách rất “nghề” đó là, hãy ngu theo cách của riêng bạn!
VÀ RỒI SỚM MUỘN GÌ, Ý TƯỞNG CỦA BẠN CŨNG BỊ ĐẬP MỘT CÁCH KHÔNG THƯƠNG TIẾC.
Có thể nói, ý tưởng là thứ yêu cầu bắt buộc đầu tiên mà một copywriter cần phải có, phải đủ độc và đẹp để tự trang bị cho chính mình như một cái mũ bảo hiểm trước khi bị ném vào sọt rác.
Nhắc đến ý tưởng, thì ngay cả cách phỏng vấn cho vị trí copywriter cũng không hề đơn giản
Câu chuyện số 2: Phỏng vấn
Đây là một trong những trích dẫn khá tâm đắc được lấy ra từ cuốn sách cho những bạn có cơ hội thể hiện mình với nhà tuyển dụng.
“Dường như khi người ta đã thực sự chín về độ tuổi, bản lĩnh lẫn tài năng, khi đó họ mới đủ tự tin để khiêm tốn về mình.
Sau khi gửi đi thông báo tuyển dụng copywriter với yêu cầu về tư duy sáng tạo, thông thạo tiếng Việt, am hiểu văn học nghệ thuật…, trong đó “phải có khả năng nhìn thấy điều người khác không nhìn thấy” là yêu cầu bắt buộc, hồ sơ bay về tới tấp.
Trong hàng trăm lời lẽ hoa mỹ, nổi bật hơn cả là bộ hồ sơ chữ đen nền trắng, khiêm tốn giản dị. Duy nhất một dòng chữ không có thêm bất kỳ hình ảnh nào khác.
“Chẳng có gì ngoài yêu cầu bắt buộc như quý vị đã nói”
Sự khác biệt ngay lập tức ghi điểm, và tác giả được đích thân creative director mời đến phỏng vấn.
-Chúng tôi khá ấn tượng với hồ sơ của bạn
-Cảm ơn!
-Bạn đã có chút kinh nghiệm làm quảng cáo chưa?
-Cũng có chút chút
-Bạn có thể đưa ra ví dụ
-Tôi tự quảng cáo cho công việc hiện tại của mình
-Công việc hiện tại của bạn là gì
-Phiền ông cho xem bàn tay trái
-Để làm gì cơ chứ?
–Xem chỉ tay, đoán vận mệnh!
Tất nhiên đây chỉ là một câu chuyện khá buồn cười, dĩ nhiên là anh chàng thầy bói kia hoàn toàn có thể đáp ứng đúng yêu cầu “có khả năng nhìn thấy điều người khác không nhìn thấy” như nhà tuyển dụng mô tả. Nhưng dĩ nhiên là tạm thời độc giả có thể cười sảng khoái trước khi đến với trải nghiệm nghiêm túc hơn từ nhà tuyển dụng.
Đừng quên: Trong một môi trường quảng cáo sáng tạo, tiếng cười là điều kiện không thể thiếu!
Câu chuyện số 3: Điều kiện cần của một copywriter
(Nguồn ảnh minh họa : Fanpage của Làm bạn với hình làm tình với chữ)
“Khi là cộng sự của nhau, creative director cho biết, ngày ấy tôi được chọn chỉ vì một lý do: anh nhận thấy niềm đam mê trở thành copywriter của tôi không chỉ rực lên trong ánh mắt, lại còn máu lửa trong lời nói và hành động, LỚN HƠN BẤT KỲ AI ảnh từng gặp. Lúc đó ở tuổi tôi, lửa nghề của anh cũng máu đến thế là cùng, không máu hơn, vì máu hơn dễ tăng huyết áp.
Ba tháng sau khi tốt nghiệp đại học bôn ba, X phóng portfolio đến chục agency tìm kiếm cơ hội trở thành copywriter.
Chín Agency không hồi âm, nhưng X vẫn tin hồ sơ đang được xem xét. May mắn lần một, agency thứ mười gọi X.
Buổi phỏng vấn diễn ra rất mượt mà. Cuối buổi, creative director bắt tay X rất chặt: “Cậu có góc nhìn trẻ trung. Nhưng đối với chúng tôi, trẻ trung chưa đủ vào thời điểm này. Chúng tôi đang cần người già, một người có thể vào việc ngay lập tức. Hãy tìm nơi phù hợp với cậu, và quay lại sau một năm”.
Chỉ một ngày X đã quay lại. Lần này trong X khác hẳn “X của ngày hôm qua” từ đầu tóc đến trang phục, cũ mèm như ông cụ. X nhắn với tiếp tân: ” Nhờ cô nói với creative director có một ông già muốn gặp”. May mắn lần hai, X được chọn.
Quảng cáo- là copywriter chứ không phải là content writting
Rất nhiều mẩu tin tuyển dụng đăng trên các diễn đàn, group Marketing nói rõ là tuyển copywriter, nhưng thực chất lại là content writing, thậm chí đáng buồn hơn là content-SEO
Viết bài đăng blog, 1000 từ trở lên hoặc viết bài đăng facebook, đó là content writting
Viết một vài câu headline ngắn cũn, giới thiệu định vị sản phẩm của một nhãn hàng, một thương hiệu nào đó, gọi là copywriter.
Content để bán hàng (content facebook) hoặc để nâng thứ hạng website có được vị trí tốt trên các công cụ tìm kiếm (content SEO) tính tiền theo bài viết, mấy chục ngàn một bài dài tận mấy trang
Copywriter cả mấy tháng có khi nghĩ ra có một hai dòng văn, giá mấy nghìn đô cho mấy dòng cụt lủn ấy.
Đó là khác nhau cơ bản của nghề copywriter-viết mẫu quảng cáo sáng tạo ý tưởng.
Còn trong cuốn sách Làm bạn với hình, làm tình với chữ này, tác giả Bút chì lại khéo léo trả lời qua một chương sách hỏi đáp.
Viết quảng cáo khác viết văn thế nào, thưa anh?
Có hai sự khác biệt lớn. Thứ nhất, viết quảng cáo phải “cáo”, còn viết văn phải “văn”.
Quảng cáo là “THƯ TÌNH ĐƯỢC TÀI TRỢ” ướt đẫm thông điệp bán hàng. Viết cho cả thế giới mà lại cứ như viết riêng cho một người. Hãy xem nhãn hàng là bạn, và người tiêu dùng là người yêu tương lai. Và rồi bạn viết cho người yêu tương lai (nhưng không biết đó là ai) cù cưa với người ấy năm này tháng nọ, để người ấy (bây giờ hay mãi mãi) chỉ yêu mỗi bạn.
Tiếc rằng, người ấy rất hay “có mới nới cũ”, lòng trung thành với bạn không bằng lòng trung thành của một chú cún.
Quảng cáo sáng tạo không đảm bảo lòng trung thành. Quảng cáo sáng tạo dồn dập cũng không đảm bảo lòng trung thành. Chỉ khi người ấy không có nhiều lựa chọn, hoặc một đám cưới hoặc một đám ma, may ra lòng trung thành mới cao.
Trong khi viết văn, bạn kể lại trải nghiệm đời thường, hoặc sắp xếp lại sự tưởng tượng.
Và thứ hai, viết quảng cáo là tập thể, viết văn là cá thể. Trong quảng cáo, không có tấc đất nào cho chủ nghĩa anh hùng cắm dùi. Quảng cáo là nhiều cái dùi cắm trên một tấc đất.
Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn thử sức với nghề quảng cáo?
Lời khuyên tôi không có, nhưng nếu gợi ý, sẽ như thế này: hãy tìm hiểu về ngày công nghiệp khiêu dâm
Anh nhận thấy quảng cáo và khiêu dâm có điểm giống nhau?
Vâng. thật ngại khi đặt “sáng tạo” và “xôi thịt” trên cùng một mâm. Tuy nhiên tôi chưa có nhiều trải nghiệm phong phú nào khác ngoài hai lĩnh vực này, nên nhận thấy giữa quảng cáo và khiêu dâm có những nét tương đồng kỳ lạ!
Thứ nhất, nó là ngành không phải ai muốn cũng làm được. KÉN CHỌN TÍNH CÁCH hơn nhân cách.
Thứ hai, không yêu cầu bằng cấp. Chỉ cần bạn chứng minh năng lực phù hợp.
Thứ ba, nó đòi hỏi hàm lượng sáng tạo cực cao. Cũng bấy nhiêu đó, nhưng bạn phải tự làm mới mình, phải luôn “phẹt” ra những điều khác lạ để đối tác không thấy chán.
Thứ tư, quảng cáo mang tính KỶ LUẬT hơn cảm hứng. Khi nghe “action” là bạn phải diễn. Không ai rảnh đợi bạn có hứng rồi mới cứng. Cứ cứng trước, tự khắc có hứng.
Thứ năm, nếu không có cộng sự ăn ý, bạn chỉ làm quách cho xong việc.
Thứ sáu, bạn có cơ hội giao lưu với nhiều đối tác. Có khi cùng một thời điểm.
Thứ bảy, có những giải thưởng khích lệ giúp bạn không ngừng phấn đấu.
Thứ tám, nó vô cùng cạnh tranh. Khi bạn đang diễn trong này, thì ngoài kia danh sách hàng đợi sẵn sàng đóng thuế không lương.
Thứ chín, nó không hề NHÀN NHÃ VÀ DỄ DÀNG như nhiều người lầm tưởng. Nó bào mòn cơ thể và tinh thần bạn từng phút một. Bạn luôn bị kẹp chặt giữa hai gọng kìm “trên đe, dưới búa”. Trên là người quản lý, yêu cầu sáng tạo bất chấp mọi quy tắc. Dưới là khách hàng, yêu cầu điều chỉnh không có quy tắc nào. Làm riết đâm nản. Nả sinh buồn. Buồn sinh bệnh. Bệnh sinh lý
Còn điểm khác nhau? À ngành khiêu dâm có kiểu tự sướng. Quảng cáo thì không nhé, chỉ có hợp xướng, nhiều người chơi.
Những cuộc chia tay không lý do với nghề làm quảng cáo
Thế giới agency có thể sẽ không phù hợp với một số người, vì những lý do được chia sẻ rất thật:
Mùi tiền: Làm quảng cáo không bao giờ giàu, nếu bạn định nghĩa giàu là ăn trắng mặc trơn, nhà cao cửa rộng. Sẽ không giàu tiền giàu bạc, nhưng giàu bạn giàu bè. Những hạt mầm quan hệ sẽ có lúc đơm hoa kết trái.
Mùi tù: Cho dù là cánh diều, rất hiếm khi bạn hoàn toàn tự do làm những điều mình thích. Diều bay lên, bay cao, bay cao nữa, nhưng cuối cùng vẫn phải chạm đất. Vì diều bị ràng buộc bởi sợi dây. Sợi dây hữu hình là giới hạn an toàn trong ngành. Sợi dây vô hình là giới hạn sáng tạo trong bạn.
Mùi khét: quảng cáo cũng khét như rơm chứ không phải lúc nào cũng thơm như thịt. Bạn mất hứng thú với môi trường safari. Bạn ước ao một khoảng lặng, có trăng thơm trên đầu, đất lành dưới chân. Cứ bước đi. Nếu công việc không mang đến niềm vui, thật khó cho bạn nỗ lực tột cùng.
Sau cùng, tác giả Bút chì không quên chốt một câu: Copywriter, nó là nghề của sự lựa chọn. Bạn có thể tình cờ trở thành copywriter hoặc art director, nhưng để đi xa, chắc chắn, đó phải là sự lựa chọn. Nếu muốn trở thành triệu phú đô la, bạn nên theo nghề buôn. Buôn bán tàu bè, ve chai lông vịt gì cũng được. Nếu muốn trở thành triệu phú ý tưởng, quảng cáo là nghề tuyệt vời. Tiền mua được hạnh phúc. Ý tưởng cũng mua được hạnh phúc.
Chắc hẳn bạn đã từng hạnh phúc điên đảo khi đào thấy một ý tưởng đáng đồng tiền bát gạo. Chào mừng bạn đến với thế giới quảng cáo. Không phải bây giờ thì là bao giờ?
Sau cùng của cuốn sách là lời tâm sự chân thành của tác giả với những người đang có ý định manh nha đến với nghề quảng cáo. Những trái tim hài hước, cá tính và khác biệt với phần còn lại, đam mê và máu lửa sẽ tồn tại được với nghề. Dù có “cười ra nước mắt” thì những con người ấy vẫn ngày ngày lặng lẽ tạo ra những sản phẩm sáng tạo để đời.
Để kết thúc bài review về cuốn sách gối đầu giường của những người làm nghề Quảng cáo, xin được giới thiệu đến độc giả link facebook của cuốn sách:
Độc giả có thể ghé thăm fanpage này để “cùng cười, cùng khóc”, để “ăn nằm” với những người trong ngành Quảng cáo.
Nguồn : https://reviewsach.net/lam-ban-voi-hinh-lam-tinh-voi-chu-cuoi-ra-nuoc-mat-voi-nghe-sang-tao/