Cô sinh viên trẻ Kae chuyển tới một ngôi nhà trọ gần trường sư phạm cô đang theo học. Tại đây, Kae vô tình tìm thấy một cuốn sổ cũ trong góc tủ mà trước đó, chưa một lần cô mở hết cánh tủ ra. Và cuốn sổ lạnh hơi người ấy, chính là một cuốn nhật ký, đã làm thay đổi cả suy nghĩ, hành động, tình cảm lẫn cuộc đời Kae sau này.
Cuốn nhật ký lặng im nằm sâu trong góc tủ
Được tác giả Shizukui Shusuke lấy cảm hứng từ chính câu chuyện có thật xảy đến với cuộc đời anh: Chị gái của Shizukui Shusuke, một giáo viên tiểu học, đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Sau khi lo liệu hậu sự cho chị xong, gia đình anh tìm thấy những di vật người chị ấy còn để lại dương thế “khi xếp tủ đồ trong nhà”. Những di vật nhỏ bé, chuyên chở ăm ắp kỉ niệm, tình cảm cá nhân như đã thôi thúc Shizukui viết lên tiểu thuyết Nhật ký bị lãng quên.
Nhật ký bị lãng quên, tên cuốn sách như chở nặng tâm tư tác giả vào từng con chữ.
Nhật ký bị lãng quên, mở ra cả không gian ký ức, bằng chương mở đầu, là lời tự thuật của cô giáo Mano Ibuki vào ngày trước kì tổng kết; đồng thời, mở ra cả không gian hiện tại trong dòng chữ đầy yêu thương, dịu dàng cô gửi gắm vào cánh thư hướng tới chàng trai tên Takashi: “Gửi Takashi…”
Nhật ký bị lãng quên, là cuốn nhật ký đã luôn nằm lặng im trong góc sâu ngăn tủ mà cô gái trẻ Kae từ ngày chuyển vào khu nhà trọ mới, chưa một lần phát hiện ra bởi cô gái ấy có thói quen, không bao giờ kéo hết cửa tủ. Phải tới khi hoàn cảnh đầy đưa, Kae mới nhận thấy, dấu ấn của người chủ cũ, vẫn còn lưu lại, yên lặng, bình dị, nép mình nơi góc tối.
Nhật ký bị lãng quên, như chiếc hộp pandora thần diệu. Một khi đã mở ra, bao chuyện quá khứ, bao bí mật sẽ hé lộ. Nhưng đây lại là chiếc hộp pandora giúp chữa lành vết thương lòng cho một con người, là điểm tựa để người đó có thể vững bước trong hiện tại, đồng thời, mạnh mẽ, kiên định hướng về mai sau.
Bởi vậy, Nhật ký bị lãng quên cũng tựa sợi dây nối kết quá khứ – thực tại – tương lai; nối kết tâm hồn những con người có duyên, có tình.
Cuốn Nhật ký bị lãng quên, hẳn sẽ tiếp tục đi vào quên lãng nếu không có một Kae vô tình lục tìm ngăn tủ. Nhưng chỉ là “lãng quên” thôi, không phải là “xóa bỏ.” Như đốm lửa nhỏ vẫn được ủ ấm, chỉ chờ một ngọn gió thổi qua là bùng lên thành ngọn lửa rực rỡ. Những gì “lãng quên” vẫn luôn lưu dấu trong tiềm thức con người, ngủ yên nơi góc tối ký ức, chỉ chờ một tác động bên ngoài, là lại cồn lên mạnh mẽ.
Nhật ký bị lãng quên, con chữ ghi bằng mực đen có thể phai mờ theo năm tháng. Nhưng những gì thuộc về “nhật ký tâm hồn” mà người ta ghi tạc bằng cả tấm lòng, tâm tưởng vẫn sẽ còn mãi.
Chuyện về những con người cô đơn
Dẫu là cuốn tiểu thuyết “dịu dàng”, “nhẹ nhàng”, “tinh tế” về tình yêu, tình người, tình đời thì có lẽ, trước hết, Nhật ký bị lãng quên vẫn là câu chuyện về những kiếp đời cô đơn, buồn tủi, lạc bước vô định giữa dòng đời.
Tác phẩm có muôn mặt kiếp người với đủ hoàn cảnh sống, lứa tuổi, cá tính.
Là những em học sinh tiểu học vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Nhưng không vì vậy mà các em không có gánh nặng, âu lo, không có những thời khắc, các em tự thu mình lại như cách để phản kháng, để tự bảo vệ bản thân trước bao điều quá xa lạ ngỡ rằng quá sức chịu đựng của một đứa trẻ.
Là cô sinh viên trẻ Kae, hậu đậu, vụng về, nhạy cảm, tự ti và luôn khép kín. Song nàng thiếu nữ tuổi mới ngoài đôi mươi đó, lại cũng là người tốt bụng, ngọt ngào, dịu dàng, sống nội tâm đồng thời tinh tế hơn bất cứ ai. Chính bởi trong con người Kae có quá nhiều mâu thuẫn và bản thân cô gái trẻ đang phải đứng trước ngã rẽ cuộc đời mà Kae luôn vô định giữa những chọn lựa hay có phần thiếu quyết đoán vào thời khắc phải đưa ra quyết định cho riêng bản thân cô. Kae nhu mì, có nét trong trẻo hết sức thơ trẻ. Kae mang trong tâm hồn nỗi lo âu hết sức trưởng thành. Và Kae, sống một mình xa nhà trong căn hộ một người, không bạn thân, đã đơn côi xiết bao.
Là Hana, bạn thân của Kae, đang vật mình nơi đất khách trong hoàn cảnh của một du học sinh sống xa quê hương, xa bè bạn, xa người tình cô đã yêu bằng trọn trái tim nồng nhiệt tuổi trẻ. Hana, thái cực đối lập với Kae mà khi đối diện với hoàn cảnh xa xứ, cũng trở nên quá đỗi nhỏ bé, yếu đuối, mong manh.
Là chàng họa sĩ trẻ tài năng, đầy hoài bão Ishitobi. Một con người nghệ sĩ luôn mang nỗi u hoài bảng lảng phảng phất qua nét mặt, hành động và nét u buồn, hoài vọng đó còn hiện lên ngay trong tác phẩm của anh. Ishitobi, con người sống ở hiện tại, mà tâm lại vẫn như chu du nơi miền quá vãng.
Hay đó còn là cô giáo Ibuki, người đã xưng tôi ở chương mở đầu tác phẩm nhưng về sau, bóng dáng cô giáo lại chỉ còn hiện lên trên trang sách qua những lá thư, ghi chép cô ghi lại ở cuốn nhật ký bị lãng quên nơi góc tối. Cô giáo Ibuki tràn đầy năng lượng tích cực, nhưng cuộc sống của cô, vẫn không thiếu phút giây cô độc. Mà chẳng phải, bởi cô đơn, dằn vặt, tự mâu thuẫn nên cô Ibuki đã không ít lần gửi gắm tâm sự vào cuốn nhật ký, ghi chép cá nhân đấy sao?
Và đó còn là hàng loạt cá nhân khác xuất hiện trên trang văn của Shizukui Shusuke. Dẫu khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp, tính cách thì họ luôn gặp nhau ở giao điểm mang tên “cô độc.” Sự cô độc khi họ nhận ra, mình chơ vơ, lạc lõng thế nào trước cuộc sống xoay vần. Niềm đơn thương khi họ biết rằng, giữa họ với người họ yêu thương, như luôn tồn tại hố sâu ngăn cách không thể lấp đầy. Cả nỗi cô đơn khi ở một mình, họ mới bàng hoàng thảng thốt, họ chẳng có một nơi thật sự để về, hay một người, thực sự là “bè bạn.” Tựa câu hát của bài Con bù nhìn, mỗi lần, lại trở đi trở lại như xoáy sâu thêm cảm thức đơn độc nhức nhối ấy.
“Cậu vẫn khỏe chứ? Đã quen với cuộc sóng thành phố chưa? Có bạn nào chưa?…
Làm gì có ai.
Lên Tokyo cũng được một năm rưỡi rồi.
Sao tôi thấy buồn bã, cô đơn đến thế.”
Khắc họa sự cô đơn bằng một giọng văn hết mực nhẹ nhàng, giản dị, mà sao cuốn Nhật ký bị lãng quên vẫn buồn thương, day dứt đến thế? Tưởng chừng, nỗi cô độc của nhân vật, đã thấm cả vào tâm hồn ta. Tâm hồn con người thời hiện đại, mãi mải miết chảy theo guồng quay cuộc sống.
Nhật ký bị lãng quên, nhưng ký ức và tình người luôn còn mãi
Sớm đã vượt qua câu chuyện tình yêu được kể một cách đơn thuần, Nhật ký bị lãng quên chứa đựng trong nội dung những tầng sâu ý nghĩa buộc độc giả phải suy nghĩ, trăn trở khôn nguôi.
Bởi quả tình, đây thực sự là câu chuyện tình cảm giữa những người yêu nhau mà không đến được với nhau, là câu chuyện duyên phận giữa những người gặp nhau giữa cuộc đời như sự sắp đặt đầy ẩn ý của tạo hóa, là áng văn tinh tế về chữ “tình” và chữ “đời”… Tất cả khía cạnh trên đều đúng, nhưng lại chưa đủ.
Vì sau tất cả, Nhật ký bị lãng quên vẫn là một cuốn truyện đầy nghiệt ngã. Nghiệt ngã với cuộc đời cô giáo Ibuki. Cô tuyệt vời như thế, mà cũng chẳng thể vượt thoát nổi trò đùa số phận. Nghiệt ngã với Hana và mối tình xa mặt cách lòng của cô cùng gã bạn trai cô đã quyết dốc cạn tâm can để theo đuổi, níu giữ. Nghiệt ngã với cả Kae khi luôn đặt cô vào những tình huống khó xử buộc phải chọn lựa tiến – lui hay đúng – sai.
Tạo hóa cay nghiệt như thế, nên tạo hóa cũng công bằng với mọi kiếp đời. Số phận sẽ chẳng vì người này tuyệt vời mà đối xử thiên vị hơn người kia.
“Người chết rồi thì một giây thôi cũng không thể kéo dài được nữa. Cuộc đời chỉ có một. Điều hiển nhiên như thế nhưng giờ đây, tôi cảm thấy sâu sắc hơn bao giờ hết.”
Bởi thế, khi đối diện trước cuộc đời còn nhiều cay đắng, điều loài người bé nhỏ có thể làm chỉ là sống trọn vẹn từng giây, từng phút, sống bằng cả thể xác lẫn tâm hồn, sống bằng tất cả sức mạnh trong trái tim. Như cách cô giáo Ibuki đã luôn làm với bản thân cô và cô đã lan tỏa điều đó tới mọi người xung quanh, trong quá khứ với lũ nhỏ cô dạy dỗ, trong hiện tại với cô gái trẻ Kae, cả trong tương lai, khi những đứa trẻ lớn lên và Kae đã trưởng thành, vững bước trên con đường Kae đã chọn.
Và chẳng phải, người ta sẽ không “chết”, khi vẫn luôn “sống” trong trái tim, tâm thức người khác hay sao? Như Nhật ký có thể bị lãng quên, bụi thời gian có thể phủ lên con chữ. Song tình người cùng những gì đã trở thành ký ức, kỷ niệm vẫn sẽ còn mãi cùng thời gian. Nhật ký bị lãng quên, để trọn vẹn hồi ức, trở thành một phần cuộc sống của người ở lại, hôm nay, và mai sau.
Mọt Mọt