Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeSách Trinh ThámCuộc Diễu Hành Thầm Lặng (Higashino Keigo) – Cuộc diễu hành mang...

Cuộc Diễu Hành Thầm Lặng (Higashino Keigo) – Cuộc diễu hành mang theo án tử

Cô gái trẻ 19 tuổi mất tích. Ba năm sau, người ta tìm thấy thi thể cô tại một căn nhà rác đã cháy rụi.
Nghi phạm vụ án hôm nay, cũng là bị cáo năm xưa trong vụ án bắt cóc, hủy hoại thi thể một bé gái 12 tuổi. Rất nhiều chứng cứ gián tiếp chứng minh gã chính là hung thủ. Nhưng kẻ đó đã được phóng thích.
Để rồi, quá khứ lần nữa tái diễn. Tuy nhiên, lúc cuộc điều tra của cảnh sát đi vào ngõ cụt, cũng là lúc, tên nghi phạm chết một cách bí ẩn trong một án mạng phòng kín, sau khi cuộc diễu hành cosplay rầm rộ, tưng bừng của của khu Kikuno kết thúc.

cuộc diễu hành thầm lặng higashino keigo

Cách thức gây án không khó đoán biết

Là tập mới nhất nằm trong series truyện về Thám tử Galileo – nhà vật lý học Manabu Yukawa, Cuộc diễu hành thầm lặng đánh dấu sự trở lại của Giáo sư Yukawa sau 4 năm anh bay sang Mỹ công tác ngay khi vụ án Ma thuật bị cấm kết thúc. Lúc này, Yukawa đã trở thành Giáo sư chính thức tại Đại học Teito với nhiều mối bận tâm, trách nhiệm mới phải âu lo. Và tình cờ, khu Kikuno, địa điểm phòng nghiên cứu của anh mới chuyển đến, cũng là nơi diễn ra những vụ án bế tắc mà Thanh tra Kusanagi đang điều tra.

Tuy nhiên, tại tiểu thuyết đánh dấu Thám tử Galileo tái ngộ độc giả, thủ pháp gây án diễn ra trên trang sách lại không thể để lại ấn tượng như hàng loạt câu chuyện trước đó về Phía sau nghi can X hoặc Sự cứu rỗi của thánh nữ. Hay đối với cách thức hung thủ gây án ở cái chết của gã nghi phạm trong hai vụ án mạng 19 và 3 năm trước, vốn được tác giả Higashino Keigo gợi ý khá rõ ràng qua hàng loạt chi tiết, từ tiêu đề đến nội dung, rải rác khắp tác phẩm. Mà sự “gợi ý” đó, có thể gói gọn lại vào ba cụm từ: “cuộc diễu hành”, “án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” và “chạy tiếp sức.”

“Cuộc diễu hành” ứng với nhan đề cuốn sách Cuộc diễu hành thầm lặng, là một cụm từ đa nghĩa. Đa nghĩa bởi bên cạnh cuộc diễu hành cosplay quy mô rầm rộ được tổ chức thường niên tại khu Kikuno, còn một “cuộc diễu hành thầm lặng” khác diễn ra song song, ngay trong lòng chuyến đi chính, trước ánh mắt hàng ngàn, hàng vạn con người, qua hàng loạt khu phố. “Thầm lặng” nhưng không “lẳng lặng”, tách rời mà có quan hệ hết sức mật thiết.

Vì hành trình này tựa mang theo án tử vô hình, treo lên cổ kẻ thủ ác; được thực hiện theo hình thức “chạy tiếp sức.” Một hình thức vốn được Higashino Keigo sử dụng và miêu tả chi tiết rất lâu trước đây trong tiểu thuyết Trái tim của Brutus. Để rồi lần nữa, “chạy tiếp sức” lại xuất hiện ở Cuộc diễu hành thầm lặng, qua hành động giám đốc Tojima Shusaku đi tìm gặp tất cả những ai thân thuộc với Namiki Saori – nạn nhân trong vụ án 3 năm trước mà đưa ra đề xuất thay trời hành đạo, trả thù cho cô.

Và dù không trực tiếp được nhắc đến trong kế hoạch của Tojima, nhưng Keigo tiên sinh cũng ngầm ám chỉ “cuộc diễu hành thầm lặng” ông tái hiện, có liên hệ đến một tác phẩm của nữ tiểu thuyết gia Agatha Christie qua sự liên tưởng đầy tự nhiên khi Thanh tra Kusanagi nhìn hiện trường vụ án: “Anh nghĩ, có lẽ ngay cả căn phòng riêng trên con tàu tốc hành phương Đông nổi tiếng trong tiểu thuyết của Agatha Christie cũng khá hơn căn phòng này.”

Quả tình, với tất cả gợi ý đến vậy, chỉ cần là một người đọc tinh ý một chút, cũng có thể dễ dàng đoán biết thủ pháp gây án cùng danh tính nhóm tội phạm thực hiện hành động “phán quyết” với tên nghi phạm Hasunuma. Có chăng, “hung khí” là “làm khó” người đọc mà thôi.

Vậy, một cuốn sách hơn 500 trang như Cuộc diễu hành thầm lặng về một nhân vật vốn đã quá mức quen thuộc và góp phần làm nên tên tuổi của Higashino Keigo, thủ pháp gây án dễ đoán tới thế thì đâu sẽ là điều níu giữ bước chân độc giả tới tận trang sách cuối cùng? Nếu như không phải tư tưởng hướng đến “quyền giữ im lặng” Hasunama đã tận dụng triệt để lẫn cốt truyện án lồng án với những tình tiết được phong kín đến tận các chương truyện cuối cùng.

cuộc diễu hành thầm lặng review

“Án chồng án”

Thật sự, hình thức truyện lồng truyện, án lồng án không phải hình thức mới lạ trong sáng tác của Higashino Keigo. Dường như, hầu hết tiểu thuyết tiên sinh viết lên đều có cấu trúc như vậy để tạo sự lớp lang, móc xích cùng các tầng bậc ý nghĩa cho nội dung. Nhưng với Cuộc diễu hành thầm lặng, “án chồng án” còn đặc biệt ở chỗ, Keigo tiên sinh đã hướng ngòi bút tới trực diện nền tư pháp và giới cảnh sát, điều tra Nhật Bản.

Khi ở đó, có hai vụ án cách nhau 19 năm, dù nguyên nhân tử vong khác nhau song đều là những án mạng hết sức thương tâm và thân xác họ lúc tìm thấy, đều đã phân hủy và không còn vẹn nguyên. Một cô bé 12 tuổi bị chặt xác, một cô gái trẻ 19 tuổi thi thể chỉ được phát hiện sau đám cháy ở căn nhà rác.

Nhưng dù án mạng có thương tâm đến đâu, cảnh sát có tìm được bao nhiêu bằng chứng gián tiếp chứng minh nghi phạm Hasunuma chính là thủ phạm tới thế nào; thì đến cuối cùng, cũng không thể kết án.

Án chồng án, đau thương quá khứ hiện hình trong đớn đau hiện tại. Không chỉ với riêng gia đình nạn nhân mà còn với chính bản thân người điều tra. Nỗi ám ảnh, cay đắng, bất lực trước sự đeo bám lạnh lùng, thách thức của Hasunuma như một bóng ma khiến người ta sẽ phải sống mãi với ký ức mà không thể vào vượt thoát để hướng tới tương lai.

Án chồng án, án mạng năm xưa, trở thành nguyên nhân, châm mồi lửa cho án mạng thực tại. “Thi hành án tử hành”. Có lẽ hung thủ muốn thay đất nước này trừng phạt Hasunuma.”

Án chồng án, tựa sự “oan oan tương báo” khôn dứt khi kẽ hở của luật pháp và sự “mắc kẹt hoàn toàn” của cuộc điều tra vẫn còn đó, cho những kẻ như Hasunuma luồn lách và cho ngày nào, những con ác quỷ như Hasunuma vẫn còn được sản sinh, trên chính nền nhân quyền nửa vời. “Nếu nói ngược lại, thì chỉ cần không khai gì cả, gã sẽ tìm được cơ hội chiến thắng… Có lẽ gã đã học được điều đó. […] Nếu tưởng tượng của tôi là đúng, thì người tạo ra con quái vật tên Hasunuma kia không ai khác chính là cảnh sát Nhật Bản đó.”

Và án chồng án, trên ngay chính nền vụ án quá khứ, cũng ẩn chứa góc khuất, bí ẩn buộc người ta phải lật vụ án trước kia mà soi xét lại vụ án buổi hôm nay.

Cả cuốn tiểu thuyết dài hơn 500 trang, liên tiếp là những mảng hồi tưởng, ký ức đan xen với hiện thực qua phong cách viết, có phần mang hơi hướm kể lể của Higashino Keigo. Nhưng rườm rà như vậy, mới thật sự khắc họa được sự phức tạp trong Cuộc diễu hành thầm lặng không nằm ở cách thức hung thủ gây án mà ở mối hận thù giữa nạn nhân – nghi phạm cùng sự bất lực đến mức gần như vô vọng từ phía cảnh sát đến “con quái vật” do chính họ vô tình tạo ra. Đồng thời câu chuyện hôm nay trên trang viết Cuộc diễu hành thầm lặng, cần độ lùi của thời gian mà tìm kiếm lời giải trong quá khứ cho tất thảy nguyên nhân, bi kịch.

Nên, dù hẳn không thể thỏa mãn độc giả trinh thám trên khía cạnh điều tra phá án thì Cuộc diễu hành thầm lặng, vẫn mang giá trị thời đại mạnh mẽ như vậy đấy.

cuộc diễu hành thầm lặng reviewsach

Quyền giữ im lặng

“Lời tự thú giá trị hơn mọi loại bằng chứng trên đời. Chừng nào chưa có được nó thì chừng ấy lũ cớm chẳng làm gì được tôi.”

Lời khẳng định đến tự cao của Hasunuma cũng có thể lật ngược vấn đề.

Rằng vì lời tự thú của nghi phạm, cảnh sát có thể dùng đến bất cứ thủ đoạn nào. Mà quả tình, chẳng phải chính Thanh tra Kusanagi cũng đã sử dụng “mánh khóe” để có được lời khai của Tomoya đấy sao?

Quyền giữ im lặng, được tạo dựng để bảo vệ quyền con người.

Người điều tra, phá án, tiến hành thẩm vấn nghi phạm để kiếm tìm manh mối, sự thật nhằm phá giải vụ án.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn mang đầy tính phản biện của Higashino Keigo, quyền giữ im lặng trở thành kẽ hở để lợi dụng cùng bóng hình người cảnh sát thẩm vấn bỗng trở thành “típ cảnh sát hống hách điển hình thích nạt nộ.” Và con người, nhân quyền sẽ ở đâu sau tất thảy sự thiếu kiện toàn của hệ thống tư pháp lẫn sự “dọa nạt” từ phía người điều tra? Khi kẽ hở tạo cơ hội cho tội phạm lọt lưới còn sự võ đoán tạo nên những án oan người ta không sao có thể phủ nhận?

Quả tình, vấn đề này được đặt ra trong một cuốn tiểu thuyết dài hơn 500 trang vẫn là chưa đủ và bản thân chính tác giả Keigo cũng chưa thể tìm thấy câu trả lời thỏa đáng sau tất cả những gì ông đã viết lên. Nên câu hỏi còn bỏ ngỏ, cho độc giả ngẫm ngợi mà day dứt về hai tiếng công lý trên cuộc đời. Chỉ rằng, quyền giữ im lặng không phải thứ kim bài miễn tử cho một kẻ thủ ác, cũng như không ai có quyền cướp đi sinh mạng của người khác dù với bất kì lý do nào.

Mọt Mọt

Nguồn : https://reviewsach.net/cuoc-dieu-hanh-tham-lang/

Đọc thêm sách cùng tác giả Higashino Keigo đã được review:

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên