Chương đầu của ngoại ô nhẹ nhàng kể về câu chuyện đời người của bác Vuông – một người bán giò tại Cầu Dền, Bạch Mai ngoại ô Hà Nội. Cuộc sống đang trên đà đi lên thì bi kịch nối tiếp bi kịch ập đến. Đầu tiên là vợ chết, con gái bỏ nhà theo trai – vốn là bạn của bác và hủy hôn với con trai của người bạn thân. Sự ra đi đột ngột những người thân nhất cùng với miệng lưỡi thiên hạ cay đắng đã như bóp nghẹt, siết chặt và từ từ đánh gục bác Vuông.
Ngọn lửa của khát vọng sống mãnh liệt và tình cảm chân thành cháy bền bỉ của người lao động nghèo
“CŨNG NHƯ MỌI BUỔI SỚM TINH MƠ KHÁC, khi những giọt sương khuya hãy còn rả rích lăn trên tầu lá, rồi lại từ tầu lá rơi đánh bộp xuống đường ẩm ướt thì ở đây, ở cái ô tối tăm và chật hẹp này, lòng yêu sống, mong sống, ham sống bắt đầu lôi kéo bao nhiêu kiếp người vào một cuộc sinh hoạt gay go, tàn nhẫn và nhọc nhằn.”
Đan xen quanh cuộc đời của nhân vật chính, Nguyễn Đình Lạp đã khéo léo lồng ghép những mảnh đời khác nhau như : bác phở Mỗ- bạn thân nhiều năm của bác Vuông, cô Huệ – một cô đầu tử tế và rộng lượng hay là bác Thịnh- Robin Hood trong đời thực là một nhà sư hoàn tục chuyên lấy trộm đồ của người giàu chia cho người nghèo. Mặc dù cuộc sống nơi ngoại ô nghèo rất khó khăn nhưng từng trang văn tình đều toát lên vẻ đẹp đằm thắm, đáng ngưỡng mộ của tình người nơi đây. Đó là tình cảm trong sáng giữa bác Vuông và cô đầu Huệ, bác sẵn sàng cho cô mượn tiền mặc dù mình cũng đang phải chạy ăn từng bữa cho ba người con, và cũng đang trong cảnh nợ nần. Tiếp đó bác còn giúp cô thoát khỏi bị cảnh bị đánh chết đi sống lại lần thứ hai.
Tình cảm thân thiết với những người bạn tri kỉ được nhà văn Nguyễn Đình Lạp nhắc tới nhiều lần qua hình ảnh nhiều cặp bạn thân khiến ai cũng bồi hồi, thầm ước sẽ mãi được sát cánh với những người bạn lâu năm của mình. Đó là tình bạn nhiều năm của bác Vuông và bác phở Mỗ, khi bác Vuông cần giúp đỡ, chỉ cần nói một tiếng là bác Mỗ hiểu ý và không chần chừ ở đến bên bạn ngay. Hay chi tiết thằng Sẹo bất chấp phạm vào điều cấm kỵ trong tâm linh và cả đạo đức, theo Nhớn đi đào mộ người chết ăn cắp vàng để giúp hắn trốn thoát. Và minh chứng cuối cùng là đôi bạn thân Khuyên và Bưởi- hai người luôn lắng nghe nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Cuộc sống khốn khổ trăm đường nơi đây, đối lập giữa hình ảnh ẩn dụ : “Những cái cửa ô tối tăm và chật hẹp” là ngọn lửa bùng cháy của hy vọng và khát khao được sống mãnh liệt. Dường như sư thống khổ chính là mồi củi làm cho ngọn lửa càng bùng cháy to hơn. Con người lao động « của cái xã hội cần lao vừa siêng năng, vừa cam phận » gần như vẫn cứ giữ được cốt cách đặc trưng của người dân thôn quê : chân thật và chất phác.
Bóc trần những trò lừa đảo, mánh khóe gian manh của xã hội nửa mùa
Bên cạnh tình cảm tốt đẹp thì nơi đây cũng vẫn tồn tại nhiều thứ dối trá, theo đúng mạch sống của một xã hội. Cụ thể đó là chiêu trò lách luật với mục đích giành khách về mình của đám tiểu thương thành thị, là đành động gây căm phẫn của ông lí và phó lí nơi quê nhà bác Vuông. Hành động của họ vô tình, thậm chí là có phần nhẫn tâm nhưng họ không có chút thương xót, gọi đó là “ thi hành nhiệm vụ” và tiếp tục nghĩ về ‘đánh chén, xóc đĩa và cô đầu ‘. Đây chính là một trong những nhát dao đầu tiên đâm vào trí óc bác Vuông, gây ra tổn thương to lớn về sau
Cái chết của bác gái là có thể coi là bước ngoặt của cả câu chuyện và là cái cớ hình thành của nhiều sự việc đau lòng phía sau. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết về bệnh dịch của những người dân nghèo nơi nông thôn đang trong thời chuyển mình. Nguyễn Đình Lạp đã đánh lên hồi trống khiến nhiều người giật mình xem lại những thứ mình vốn lầm tưởng là tốt nhưng hóa ra lại giết chết ta từng ngày. Bác Vuông gái đến khi chết cũng không hiểu vì sao mình lại mắc căn bệnh dịch tả này. Tất cả những gì họ làm để phòng chống dịch bệnh là lập đàn thật to, thật hoành tráng. Sự ngây ngô, lạc hậu này khiến nhiều người dân nông thôn phải trả giá rất đắt, có thể là cái chết của mình
Mâu thuẫn của nông thôn thời chuyển mình mạnh mẽ và bi kịch cuộc đời bác Vuông
Đó là tình yêu đôi phá bỏ mọi quy tắc thời bấy giờ của Nhớn và Khuyên. Vì yêu, chàng làm nhiều việc đồi bại : ăn cắp đồ, đánh bạc, đào mộ người chết. Nàng làm những việc chưa từng làm trong đời : quyết tâm trốn đi cho dù mẹ mới mất không lâu và mặc kệ những lời sỉ vả độc đoán ,… Mặc dù không có cơ hội tiếp xúc nhiều với nền văn hóa phương Tây nhưng sự tự do yêu đương, phá vỡ quy tắc của họ cứ âm thầm sinh sôi rồi nảy nở mãnh liệt. Nhưng đáng tiếc nó sinh ra và lớn lên ở vùng ngoại ô này, nơi mà các tư tưởng hủ lậu, cực đoan còn tồn tại song song nên Nhớn và Khuyên đã gặp phải rất nhiều khó khăn.
Nguyễn Đình Lạp nổi tiếng với trang văn là những điều tra, miêu tả và phân tích sắc sảo về đời sống cần lao mà bế tắc của những thị dân vùng ngoại ô Hà Nội. Xuyên suốt tác phẩm tác giả đều gần như không mang đến sự phê phán, chỉ trích nào nhắm vào thực dân hay phong kiến cả. Tất cả những gì ông mang đến là miêu tả, bao quát lại cuộc sống nơi ngoại ô và từ đó nêu ra những mâu thuẫn trong mạch hoạt động của con người. Không có những đoạn twist giật gân, mạch của câu chuyện cứ chuyển biến một cách từ từ. Với Ngoại ô, Nguyễn Đình Lạp chau chuốt kĩ càng từng câu chữ cùng với đó là giọng văn nhẹ nhàng, bình dị và chân chất, rất phù hợp để kể về chủ đề nông thôn. Tác phẩm mang đến cảm xúc vui buồn lẫn lộn.
Câu chuyện kết thúc bằng câu nói của cô đầu Huệ :
“Huệ nhìn bác thịt trâu, vô tình chép miệng, nhắc lại câu nói của bác Vuông:
– Cũng một kiếp người!
Nói xong, Huệ tự thấy băn khoăn, không hiểu câu nói đó định ám chỉ ai: bác Vuông, người vợ lẽ bác, cái Còi hay chính bản thân nàng.”
“Cũng một kiếp người “ là thông điệp được lặp lại trong những trang cuối của quyển sách. Đây là tên một bài hát, trong lời có đoạn trích sau:
“Cũng một kiếp người, có người đi tìm chân lý. Cũng một kiếp người có người hoang phí thời gian. Cũng một kiếp người có người nghèo khó gian nan. Cũng một kiếp người có người quyền thế cao sang.”
Kết thúc bằng hình ảnh ẩn dụ là bài hát “Cũng một kiếp người”, tác giả khiến tất cả có nhiều suy nghĩ và liên tưởng. Hẳn ai cũng thắc mắc về sau bác Vuông có khỏi bệnh không, người vợ lẽ Ngọ sẽ sống tiếp như thế nào và đôi vợ chồng Khuyên Nhớn có dám quay lại không.
Cũng một kiếp người nhưng số phận lại hoàn toàn khác nhau. Tất cả đều phụ thuộc vào chính suy nghĩ và hành động của mỗi người. Như nhà văn Đoàn Ánh Dương đã nói “ bi kịch của bác Vuông là bi kịch của một người bị “đứt gốc” mà chưa “bám rễ” được vào mảnh đất mới. Cái đám tang vợ cả làm bác kinh khốc không chỉ bởi sự trỗi dậy của thế lực xã thôn mới, mà chủ yếu bởi mất niềm tin vào khả năng đùm bọc, che chở của quê hương, đất mẹ”. Tình tiết này là gốc rễ của việc đánh mất bản thân mình và điên loạn trong những năm tháng về sau của bác Vuông.
Tóm lại, Ngoại ô là một cuốn sách đáng đọc, vừa mang mục đích thư giãn (hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt bình dị nơi thôn quê) vừa cung cấp bức tranh động cho những ai muốn tìm hiểu về mạch hoạt động của nơi ngoại ô những năm 30 – 40 thế kỉ trước. Nguyễn Đình Lạp nổi tiếng với những bài phóng sự và mang tính thời sự nên những tác phẩm của ông đều mang tính chân thực cao, phán ánh chính sác đời sống nhân dân. Tác phẩm cũng đã chứng tỏ sự am hiểu tường tận và cái nhìn sắc sảo rất chính xác về nông thôn của tác giả.
Tác phẩm Ngoại Ô của nhà văn Nguyễn Đình Lạp – Review chi tiết bởi Thảo Hoàng
Nguồn : https://www.reader.com.vn/ngoai-o-bi-kich-cua-su-mat-goc-ma-chua-bam-duoc-vao-re-a123.html