Nguyên Hồng là nhà văn có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm của ông mang một tình cảm nhân đạo thống thiết. Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn Linh hồn đăng lên Tiểu thuyết thứ bảy, đến năm 1937, ông thật sự gây tiếng vang trên Văn đàn với tiểu thuyết Bỉ vỏ.
Nguyên Hồng sinh ra tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Cha ông làm cai đề lao, sau cảnh thất nghiệp cả nhà bắt đầu sa sút, cha ông lại là một người nghiện ngập, không lâu sau đó cha mắc phải căn bệnh lao. Đối ngược lại mẹ Nguyên Hồng lại là người ngoan đạo, hiền hậu, giàu đức hy sinh nhưng lại không có cuộc sống hạnh phúc trong hôn nhân. Ngay từ khi còn bé, Nguyên Hồng đã ý thức được rằng cha mẹ ông cưới nhau không phải vì thương nhau và bản thân ông chính là sản phẩm của cuộc hôn nhân gượng gạo.
Một tuổi thơ đầy bất hạnh, phải chịu đựng sự khinh miệt từ họ hàng. Nguyên Hồng phải chịu hết từ cay đắng, tủi nhục, thiếu ăn và thiếu cả tình thương. Nguyên Hồng là một người ham đọc sách từ nhỏ, ông thường xuyên để dành tiền thuê sách để đọc. Đến những năm cuối đời khi nằm trên giường bệnh ông vẫn khao khát được viết, được sáng tác thế nhưng đáng tiếc là cuốn tiểu thuyết ông đang viết dang dở vẫn không có cơ hội để hoàn thành.
Vì có một tuổi thơ bất hạnh thế nên những tác phẩm của Nguyên Hồng đều hướng về những người nghèo khó, ông luôn có sự cảm thông, đồng cảm sâu sắc đối với những người nghèo khó, thấp kém trong xã hội. Nhà văn Nguyên Hồng được nhận định rằng ông là nhà văn của phụ nữ và trẻ em vì hai đối tượng (bất hạnh) này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm giống như hình ảnh của ông và người mẹ thuở nhỏ.
““Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những sự áp bức, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về phía những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục. Tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược lộng hành của xã hội thời bấy giờ. Tôi sẽ gánh lấy mọi trách nhiệm, chống đối cũng như bào chữa, bảo vệ. Tôi sẽ chỉ có tiến bước, chỉ có đi thẳng. Tôi sẽ chỉ biết có ánh sáng. Và chính tôi là ánh sáng.”
Bỉ vỏ đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro; Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là vang lên tiếng muỗi và tiếng trẻ khóc; Bỉ vỏ đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo âm thầm mà mọi vật đều rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dào dạt trong những bụi mưa thấm thía.
Bỉ Vỏ là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Nguyên Hồng, tác phẩm phản ánh sâu sắc một xã hội đen tối đẩy người con gái tội nghiệp Tám Bính vào tấn bi kịch. Bính hay Tám Bính vốn là một cô gái quê hiền lành, chân chất. Ngày ấy, Bính thường xuyên phải gánh gạo lên chợ huyện bán, tại đây Bính gặp gỡ và đem lòng yêu Chung – gã đàn ông không đứng đắn này qua lại vài lần gặp đã trêu trọc Bính. Cũng vì yêu thương và tin vào vẻ ngoài chỉnh chu, đạo mạo của Chung thế nên cô đã trao trọn đời con gái của mình cho gã. Khi Bính có chữa, gã Chung liền bỏ đi không nhận bất cứ trách nhiệm nào về sản phẩm của mình. Sau đó, Bính sống trong những ngày tăm tối, hàng xóm lời ra tiếng vào, bố mẹ thì đay nghiến, trì chiết Bính, nhốt cô vào một căn phòng tối rồi bán con của Bính đi. Vì quá đau khổ Bính quyết định bỏ quê nhà lên Hải Phòng để tìm người yêu cũng chính chuyến đi ấy biến Bính từ một người con gái hiền lành, đơn thuần trở thành một tay “bỉ vỏ”. Chân ướt chân ráo bước lên thành phố, không người thân họ hàng Bính bỡ ngỡ, ngay sau đó cô đã bị một thanh niên bị bệnh lậu cưỡng hiếp. Thế rồi, Bính nhiễm bệnh lậu và bị bắt đưa vào nhà chứa. Cuộc đời Bính như bước sang trang mới, bao nhiêu tủi nhục, ê chề lại bao vây lấy Bính.
Khi ở nhà chứa, Bính may mắn gặp được Năm Sài Gòn – một tên hành nghề chạy vỏ khét tiếng tại Hải Phòng giúp đỡ. Hắn đã đưa Bính ra khỏi nhà chừa, sau đó cưới cô và đưa cô về nhà chăm sóc. Bính đồng ý cưới Năm chỉ vì muốn thoát khỏi cái nơi nhục nhã mang tên nhà chứa ấy nhưng khi nhận được sự quan tâm và chăm sóc tận tình của Năm, Bính liền động lòng. Mặc dù sống trong cảnh suốt ngày chỉ thấy những tay “chạy vỏ” hành nghề nhưng Bính vẫn khao khát sống trong lương thiện. Khi Năm bị bắt Bính không hề nhận bất cứ đồng tiền trợ cấp nào từ đàn em của hắn vì Bính biết đó là đồng tiền dơ bẩn. Bính quyết định buôn bán và nuôi hy vọng sau khi Năm ra tù Bính sẽ khuyên nhủ chồng mình quay đầu làm người lương thiện. Những tưởng cuộc đời Bính sẽ âm ếm thế nhưng khi Năm ra tù, Bính khuyên nhủ thế nào hắn cũng không chịu quay đầu. Vậy là Bính bất đắc dĩ trở thành một tên “chạy vỏ”.
Bính cùng chồng tham gia không ít những vụ trộm cắp lớn nhỏ. Bính từ một cô gái hiền lành, chất phát đã lột xác thành một chị đại, Bính nhìn cảnh chém giết nhau mà không chút sợ hãi. Và rồi cuộc sống của Bính bắt đầu rơi vào tội ác mặc dù trong tâm hồn người con gái ấy lúc nào cũng mong muốn hướng thiện. Một cái kết xứng đáng cho những kẻ gian ác phải đền tội thế nhưng sâu trong thâm tâm của tác giả ông vẫn luôn dành cho những nhân vật tội nghiệp ấy sự thương cảm sâu sắc.
Những phận người nhỏ bé bất hạnh, trong đó có lưu manh, cặn bã của xã hội đều được Nguyên Hồng khám phá, nâng niu từng tia sáng nhân đạo. Phần lương tâm còn lại dưới đáy sâu tâm hồn, đâu đó, vụt lóe lên.
Bỉ Vỏ là bức tranh xã hội sinh động về thân phận “những con người nhỏ bé” dưới đáy như Tám Bính, Năm Sài Gòn,…
“Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, con xin dân Bỉ vỏ cho mẹ với cả tấm lòng kính mến trong sạch của con, và xin tặng nó cho các bạn với tất cả tình đằm thắm tươi sáng của tôi.”
Review bởi Dương Hạnh
Nguồn : https://anybooks.vn/review-sach-bi-vo-nguyen-hong-a1388.html