Bạn đang gặp phải các vấn đề về tâm lí, bạn cần một người bạn để an ủi cho những vết thương đó phải không? Nếu như vậy, thì việc được an ủi chưa chắc là một phương pháp thật sự tốt như chúng ta vẫn nghĩ đâu. Đó là tất cả những gì mà bản thân mình đã biết được qua quyển sách Mặc Kệ Thiên Hạ – Sống Như Người Nhật của tác giả Mari Tamagawa (Nguyễn Hoàng Văn dịch).
Giới thiệu nội dung sách Mặc Kệ Thiên Hạ – Sống Như Người Nhật
Mặc kệ thiên hạ – Sống như người Nhật không phải là một quyển sách chỉ dẫn chúng ta từng bước, từng bước sống thảnh thơi, thanh thản hay bình tĩnh. Mà đây là một quyển sách giúp người đọc cảm nhận được việc đúng sai trong hành vi của bản thân bạn, ví dụ như cách bạn suy nghĩ, hành động hằng ngày có thật sự là đúng hay không, nó có dẫn đến hậu quả hay có ảnh hưởng gì hay không. Đây là một quyển sách được viết nên bởi Mari Tamagawa, một chuyên viên tư vấn tâm lý học làm việc ở Bộ Quốc Phòng, người chịu trách nhiệm điều trị tâm lý cho các binh sĩ. Bản thân nhà văn cũng từng trải qua căn bệnh trầm cảm, từng vào bệnh viện điều trị các ảnh hưởng của căn bệnh trầm cảm này. Sau đó, qua quá trình tiếp xúc và quan sát được các bệnh nhân có vấn đề tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng, nữ nhà văn nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của suy nghĩ đối với hành vi của người bệnh. Cô đã học và tư vấn tâm lý cho nhiều bệnh nhân. Một điều đặc biệt làm nên cái riêng và mới lạ cho quyển sách, đó là những nhận định về tâm lý đầy độc đáo và khoa học, khác với những điều mà chúng ta thường làm trong cuộc sống hằng ngày. Điều mà chính nhà văn này cũng nhận định rằng: Trách cứ bệnh nhân như vậy chắc chỉ có mình tôi.
Đôi nét về tác giả Mari Tamagawa
Mari Tamagawa sinh năm 1973 tại quận Okayama, Nhật Bản. Cô sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc và quan tâm của bố mẹ. Tuy nhiên đến năm cô vào cấp ba, bố cô nghiện rượu nặng hay la và đe dọa tính mạng cô và mẹ mỗi lúc say. Mẹ cô cũng nhiều lần tự tử vì áp lực nhưng không thành công. Từ một người con được bố mẹ dành trọn cho tình yêu thương và chăm sóc, đến khi khó khăn, áp lực, bản thân cô là nơi đến họ trút hết cảm xúc, bực bội và áp lực của mình. Nữ nhà văn còn từng điều trị tâm lý, từng hoài nghi về bản thân mình. Sau khi chữa trị thành công, cô đã học về tâm lý, hiện đang làm việc tại Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, thành viên đội đồng quản trị tổ chức phi lợi nhuận Heart Seeds. Cô có hơn 100 bài giảng cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Học viện Tuần duyên Nhật Bản và Đại học Y Fukushima. Là người đã cứu rỗi rất nhiều người trẻ ở Nhật, giành được sự tin tưởng của hơn 30.000 người gặp rắc rối về tâm lí.
An ủi và được an ủi chưa chắc là một liệu pháp tốt cho chúng ta
Đó là những gì mà mình đã học và hiểu được qua quyển sách. Mỗi khi buồn và áp lực, chúng ta chỉ tập trung và mong mỏi tìm người tâm sự và cho chúng ta lời khuyên, muốn họ nói rằng việc mình làm là đúng hay sai, theo họ thì chúng ta nên giải quyết vấn đề thế nào. Nhưng những việc đó vô tình khiến bạn trở thành người bị động và sống lệ thuộc vào người khác. Mỗi khi chúng ta ra quyết định sẽ dựa vào niềm tin rằng: Việc này họ bảo nó là tốt, thì điều đó là tốt. Và rồi chúng ta quên đi việc phải nghĩ xem liệu nó có hợp với bản thân mình không, dần dần sẽ bị động và mất đi chính kiến, mất niềm tin vào bản thân mình. Ngược lại, những bệnh nhân gặp vấn đề cuộc sống tự vượt qua rắc rối lại là những người chữa được bệnh hoàn toàn.
Hay Mari Tamagawa còn viết rất hay về khái niệm bác sĩ tâm lý, chuyên viên tư vấn tâm lí, nhà điều trị tâm lí,… khác nhau như thế nào, liệu họ có giúp cho chúng ta chữa trị dứt điểm các vấn đề tâm lí hay không, hay bản thân mình tự đứng lên mới là cách tốt nhất. Cô đã chứng minh bằng câu truyện của bản thân mình, hành trình thoát khỏi ám ảnh tâm lí và sống vững chãi, độc lập và không sợ hãi. Bạn có bao giờ nghe về việc khuyên bệnh nhân “ngừng cố gắng” hay chưa? Trong quyển sách thì đây là một góc nhìn vô cùng mới và phù hợp với bản thân độc giả như mình. Việc con người ta sinh ra và phải luôn tất bật với cuộc sống, bị áp lực thành tích đè nặng làm chúng ta quên đi việc tin vào chính mình. Ta hoài nghi bản thân và luôn mong muốn làm việc hết năng suất để có được thành công. Nữ nhà văn đã chỉ ra nguyên nhân mà độc giả gặp phải tình trạng này, đó là do việc “ít được khen” từ nhỏ, khiến họ tự ti với chính mình, dù rằng họ có năng lực.
Đấy là tất cả những bài học nhỏ và ý nghĩa trong phần đầu của quyển sách mà mình rút ra được, sau đây là một số trích dẫn hay từ sách
Sự “xoa dịu” cũng tương tự như ma túy. Bạn càng mong được “xoa dịu”, vấn đề càng khó giải quyết. Không chỉ vậy, điều đó còn khiến nỗi phiền muộn hằn sâu hơn, đẩy bạn rơi vào rắc rối se khiến bạn ân hận suốt đời còn lại.
Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc bạn để ý đến ánh nhìn của người khác và sống phụ thuộc vào nó…
Tôi đã từ bỏ và “không còn cần phải nhắm đến mục tiêu làm người bình thường theo cách mà mọi người nghĩ nữa”.
Lời kết
Đây là một quyển sách thật sự giá trị mà bản thân mình cảm nhận được qua từng trang sách. Bạn hãy thử một lần cảm nhận cái hay của nó nếu có khả năng và cơ hội nhé. Chí ít, chúng ta sẽ học được một chút gì đó từ góc nhìn của nhà văn này, từ góc độ khoa học và giúp bạn sống tốt hơn. Không phải là những lời khuyên sáo rỗng, tất cả đều được xây dựng từ kinh nghiệm của một người từng trải, bạn hãy thử đọc quyển sách này nhé!
Review bởi Thể Hồng
Nguồn : https://www.reader.com.vn/review-sach-mac-ke-thien-ha-song-nhu-nguoi-nhat-a335.html