Không biết các bạn đã từng xem qua chương trình “Người tập sự của Donald Trump” chưa? Tôi đã theo dõi chương trình này trong giai đoạn đang học phổ thông. Cảm nhận ban đầu về ông ấy là một người cứng rắn và lý trí với những quyết định của chính mình, thưởng phạt cũng khá rõ ràng, tỏa ra thần thái của một người đàn ông quyền lực.
Bẵng đi một thời gian, ông ấy được gọi tên trên rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng với một vai trò mới: ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống Mỹ. Một hình ảnh đã được dự đoán bởi một bộ phim hoạt hình châm biếm của xứ sở cờ hoa. Mặc cho sự phủ sóng rộng rãi của nhiều luồng dư luận trái chiều trong quá trình tranh cử Tổng thống, lịch sử của Hoa Kỳ đã mở ra một trang mới với nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, một doanh nhân thành công trong rất nhiều lĩnh vực: địa ốc, khu vui chơi nghỉ dưỡng, sòng bài, thể thao và chương trình giải trí.
Và hiện tại thì nhiệm kỳ đầu tiên của người đàn ông này đã gần đi đến hồi kết và những luồng dư luận trái chiều vẫn không ngừng bủa vây ông ấy.
Nhân duyên với “The Art of The Deal” (1987)
Tác phẩm Nghệ thuật đàm phán (The art of the deal) xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1987 đến với tôi cũng khá “nhân duyên”. Quyển sách được dịch bởi Dịch giả Nguyễn Đăng Thiều do Nhà xuất bản Trẻ phát hành là món quà các đồng nghiệp tặng tôi nhân một dịp khá đặc biệt (cảm ơn các anh chị vì đã giúp em phần nào mở rộng thế giới quan của mình) và chỉ mới bắt đầu đọc nó gần đây vì khá tò mò trước những thành công của một người phải nói rằng không hề được truyền thông và công chúng ưu ái. Bản thân tôi cũng có phần quý trọng vị cựu Tổng thống Mỹ trước đó hơn.
Trước khi nổi danh với tư cách ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2016, Donald Trump đã nổi tiếng trong vai trò một nhà kinh doanh bất động sản. Tuy sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng khối tài sản trị giá 8,7 tỷ USD hiện nay của Donald Trump phần lớn được sinh ra từ hoạt động kinh doanh của chính ông. Nếu loại bỏ những tai tiếng trên chính trường, Donald Trump là một nhà kinh doanh thành công, và các doanh nhân có thể học hỏi nhiều bài học giá trị về tinh thần lãnh đạo và cách thức để thành công của tỷ phú này.
The Art of the Deal đã là cuốn sách bán chạy nhất trong nhiều năm. Dưới đây là 11 chiến lược đàm phán hiệu quả được rút ra từ The Art of the Deal của Trump.
Điều đó lại càng khiến tôi thắc mắc: việc thu hút sự chú ý một cách tiêu cực như vậy ảnh hưởng gì đến công việc kinh doanh của người đàn ông này? hay đó chính là chiêu thức tiếp thị cho thương hiệu, để luôn luôn xuất hiện trong suy nghĩ của khách hàng như một số nhãn hàng của Việt Nam gần đây cũng đã áp dụng?
Quan điểm sống thể hiện trong những quyết định trước và sau khi đàm phán
Với nội dung xoay quanh những “nguyên liệu” chính tạo nên thành công cho các thương vụ: (i) sự bảo thủ của chính mình với tiên liệu những tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với thương vụ sắp đến: “nếu bạn có thể chịu đựng những tình huống tệ nhất thì những điều tốt đẹp nhất sẽ luôn xuất hiện”. Thật ra, điều này làm tôi liên tưởng đến hình ảnh nhiều bậc phụ huynh ở Châu Á luôn chăm sóc, bảo bọc con cái và tìm cách giữ môi trường xung quanh an toàn và tốt đẹp cho con (theo quan điểm của họ). Phải chăng, điều nay vô tình sẽ làm giảm khả năng thích ứng với những điều kiện không “tối ưu” của con khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn, góp phần khiến con trở nên dựa dẫm và luôn đòi hỏi từ người khác?
(ii) Không thể phủ nhận năng lực thiên bẩm của Donald Trump về khả năng nắm bắt xu hướng và luôn biết chắc những gì khách hàng mong muốn. Đối với ông việc chi tiêu cho một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để nghiên cứu thị trường và phân khúc khách hàng của công ty là không cần thiết và quá xa xỉ. Thay vào đó, ông tự mình làm việc đó bằng cách trò chuyện và thu thập thông tin một cách ngẫu nhiên từ những người sinh sống trong khu vực đó (không nhất thiết phải là khách hàng tiềm năng) nếu đó là khu vực mới mà ông đang tìm hiểu đầu tư. Tương tự khi đến một thành phố mới, ông sử dụng phương tiện taxi và tìm hiểu thông qua tài xế để có được câu trả lời cho những điều thắc mắc về khu vực cần tìm hiểu. Cũng không thể phủ nhận giá trị của những thông tin mà ông thu thập được từ những chuyên gia đầu ngành, từ những mối quan hệ mà ông xây dựng và duy trì lâu dài trong cả quá trình làm kinh doanh. Và cách thức liên kết những mối quan hệ này một cách linh hoạt và khả năng thuyết phục để các bên đều nhận thấy lợi ích từ thương vụ.
Một phần năng lực của ông được hình thành và thừa hưởng từ chí hướng của người cha và việc dấn thân rất sớm vào công việc kinh doanh địa ốc của gia đình. Điều khác biệt ở đây đã tạo ra những tác phẩm kiến trúc tuyệt vời, niềm tự hào cho sự xa hoa của New York thay vì tiếp nối tầm nhìn của doanh nghiệp gia đình (xây dựng các tòa nhà cho những người có thu nhập thấp và trung bình). Tư tưởng kinh doanh mà Donald Trump đã sớm nhận ra và theo đuổi, đánh dấu lối đi riêng của ông chính là hướng đến những vấn đề lớn lao: tìm đến những khu đất có vị thế đẹp nhất và bị lôi cuốn với thử thách xây dựng những khu vực sầm uất và phát triển lớn mạnh. Bản thân ông cũng cho rằng, kĩ năng quảng cáo và sở thích tạo nên những “tác phẩm” đẹp đẽ và xa hoa của ông được thừa hưởng từ người mẹ của mình hơn là người cha.
Quay trở lại một chút với bố cục quyển sách, mở đầu là những cuộc trò chuyện của Donald Trump liên quan đến các thương vụ mà ông phải quyết định trong vòng một tuần. Điều này không có nghĩa là các thương vụ này chỉ kéo dài trong vòng một tuần mà đơn giản mô tả khối lượng công việc của một doanh nhân đa lĩnh vực phải xử lý: từ việc đầu tư cổ phiếu; bố trí việc quyên góp cho một quỹ từ thiện giúp đỡ một bà quả phụ để tiếp tục công việc kinh doanh nông trại của gia đình; góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng sân trượt băng công cộng của Bang; mở rộng tòa nhà và sòng bài mới trong và ngoài nước Mỹ; đến vị trí của căn hộ gia đình và cả quyết định mua chiếc máy bay cho riêng mình. Có thể thấy ông là một người “làm hết sức, chơi hết mình”, không ngại việc chi trả cho nhu cầu giải trí, tái tạo sức lao động. Đặc biệt từ những khu đất có vị thế tuyệt vời đến cả chiếc máy bay riêng, (iii) ông đều chỉ đầu tư khi nhận thấy giá trị của những tài sản này lớn hơn nhiều cái giá ông phải trả để sở hữu chúng. Thông thường đây đều là những tài sản cầm cố được ngân hàng phong tỏa và mong muốn sớm hóa giá. Chiếc Boeing 727 do Donald Trump sở hữu vào mùa xuân năm 1987 với giá 8 triệu USD từ Diamond Shamrock so với giá trị trên thị trường gần 30 triệu USD cho một chiếc máy bay mới. Điều quan trọng không kém trong các thương vụ như thế này một lần nữa lại chính là lợi thế về thông tin. Chính những mối quan hệ trong giới đầu tư và kinh doanh đã dẫn dắt ông đến với những thương vụ béo bở.
(iv) Linh hoạt trong các sự lựa chọn: để bắt đầu cho mỗi thương vụ, tác giả thường đặt ra ít nhất 6 giải pháp thực hiện cho phép bản thân chủ động khi phát sinh những tình huống mới và ông cũng không quá gắn kết với một thương vụ hoặc giải pháp nào cho dù ban đầu có thể được xem là rất đáng kỳ vọng.
Quan điểm của Donald Trump về tiếp thị sản phẩm cũng tương tự việc nghiên cứu thị trường, chi tiền cho một đội ngũ chuyên gia để bán sản phẩm của bạn chắc chắn sẽ không tốt bằng việc tự bạn làm việc đó. Và tác giả đề cập đến hình thức tiếp thị mà ông áp dụng “cường điệu một cách chân thật” – khuấy động sự tưởng tượng của mọi người; cung cấp cho báo chí những câu chuyện hay, có thể gây ra tranh luận để thu hút sự chú ý của số đông về các dự án mà ông sắp tiến hành. Việc trở thành đề tài cho các bài viết ủng hộ hoặc bài xích đều không quan trọng bằng việc được báo chí quan tâm. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý với những thông tin cung cấp cho báo chí cần phải thẳng thắn và không lừa dối họ, cố gắng đưa ra câu trả lời sát với ý được hỏi nhất và thực hiện theo những gì đã tuyên bố.
Điều tôi rút ra từ tác phẩm
Một điều khác mà tôi nhận thấy sau khi đọc quyển sách này chính là nỗi khổ của những “con nhà người ta” và kì vọng mà những bậc phụ huynh triệu đô đặt lên con cái mình cũng không hề nhẹ nhàng. Sự thành công của Donald Trump chính là nỗ lực cố gắng theo đuổi sứ mệnh của bản thân, dám đối đầu với người cha doanh nhân để bảo vệ chính kiến trên thương trường của mình. Sự bất hạnh của gia đình ông xuất hiện ở người anh trai hơn ông tám tuổi, Freddy Trump qua đời ở năm 43 tuổi với những hoài bão còn dang dở và sự không tán thành của người cha khi không lựa chọn phát triển con đường kinh doanh. Được em trai, Donald Trump, mô tả là một người tuyệt vời, sôi nổi và “chẳng có ai ghét được anh cả” nhưng Freddy đã kết thúc cuộc đời trong chán nản, rượu chè vì không được gia đình thừa nhận. Tôi càng thấm thía và đồng cảm với những người bạn được cho là “may mắn” sinh ra trong những gia đình nền nếp như vậy. Và luôn dặn mình đừng đặt thêm áp lực nào lên vai bạn nữa, bản thân họ cũng chưa chắc hạnh phúc khi được sinh ra trong nhung lụa và phải theo đuổi tầm nhìn của cả gia đình.
Nằm trong top 10 những kĩ năng mà bạn phải làm chủ tính đến năm 2020 do tạp chí Forbes danh giá đăng tải từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), nghệ thuật đàm phán sẽ giúp bạn bảo đảm vị trí của mình trong công ty. Mình nghĩ rằng không chỉ những công việc liên quan đến kinh doanh mới cần đến kĩ năng này mà bản thân những kĩ sư hoặc chuyên gia kĩ thuật cũng cần luyện tập và trau dồi kĩ năng liên quan đến con người và sự linh hoạt này để có thể kiểm soát và điều phối công việc của mình trong những mối quan hệ với cấp trên, với khách hàng và đồng nghiệp. Đặc biệt trong thời đại của Internet vạn vật và cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng hoàn thiện, những kĩ năng liên quan đến điều phối và xử lý linh hoạt sẽ giúp con người không dễ bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo.
Chúc các bạn luôn vui và hoàn thiện chính mình để ứng dụng công nghệ nha!
Namaste…
Tác giả: Hang Pham – Bookademy
Nguồn : https://sachhay24h.com/the-art-of-the-deal-nghe-thuat-dam-phan-cua-donald-j-trump-a75.html