Tác phẩm là dòng lưu bút của Sasaki Masahiro, người anh của Sasaki Sadako. Sadako là một trong những nạn nhân sau thảm họa hạt nhân xảy ra tại thành phố Hiroshima khi chiến tranh thế giới thứ hai đi đến hồi kết. Đây là câu chuyện có thật, kể về cuộc sống của cô gái bé nhỏ chiến đấu với căn bệnh ung thư máu do tác động đến từ vụ nổ hạt nhân, để từ đó, làm nổi bật được những đớn đau của các nạn nhân chiến tranh cũng như sự mạnh mẽ phi thường của họ.
Ngàn hạc giấy Sadako – điểm nhìn bi thương đến từ quá khứ
Đất nước Nhật Bản hiện đang là một trong những cường quốc của thế giới với sự phát triển vượt bậc, trở thành đất nước mà nhiều người muốn đặt chân tới. Song, ít ai nghĩ rằng một đất nước giàu mạnh như vậy đã từng trải qua những đau thương mất mát vô cùng khủng khiếp. Masahiro, với điểm nhìn của người trong cuộc, đã viết lại những câu chuyện về một cuộc sống thời kì chiến tranh thế giới thứ 2, khi quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới ném xuống thành phố vô cùng chân thật, mang đậm hơi thở của lịch sử.
Từng câu văn là tiếng kêu gào thảm thiết của một dân tộc vốn đã kiên cường bất khuất nhưng cũng không thể chống chọi được hậu quả mà trái bom nguyên tử mang lại. Vụ nổ nguyên tử không chỉ san phẳng thành phố Hiroshima, tạo lên những cảnh tượng tang tóc ám ảnh mãi những ai còn sống: thành phố chìm trong biển lửa, xác người chết, dòng sông nhuốm máu, mưa đen phóng xạ… Mà hơn cả còn là những di chứng chiến tranh kéo dài đến hàng thế hệ: căn bệnh máu trắng, ung thư da mà Sadako và những trẻ em trên toàn nước Nhật gánh chịu. Tác phẩm đã miêu tả vô cùng chân thực hoàn cảnh hỗn loạn vào thời điểm đó, từ sức nóng thiêu đốt những người dân, đến sự đớn đau khi buộc phải bỏ rơi người khác để cứu lấy gia đình mình.
Trong quá khứ tàn khốc đó, Sadako là nạn nhân được lựa chọn để khắc họa. Khi viết về em gái của mình, điểm nhìn của tác giả có sự thay đổi. Khi tiếng súng đã rời xa và tất thảy mọi người đều đang tập làm quen với cuộc sống mới, nhưng một lần nữa chiến tranh lại tước đi quyền được hạnh phúc của họ. Những di chứng của vụ nổ hạt nhân tồn tại trong Sadako, một lần nữa lại kéo em về với cái chết. Tác phẩm quả thật rất xuất sắc khi làm bật lên được sự tàn nhẫn đến cùng cực của chiến tranh. Những nạn nhân đang phải gánh chịu hậu quả của nó chỉ là những người dân bé nhỏ.
Sadako – nữ chiến binh dũng cảm trong chính cuộc đời của mình
Tác phẩm là một tấn bi kịch, câu chuyện kể về những cái chết thảm thương của những nạn nhân, thuật lại hành trình đầy đau đớn của Sadako, day dứt và ám ảnh. Nhưng nổi bật lên trên một quá khứ ảm đạm và đau thương, độc giả phải nghiêng mình trước sự mạnh mẽ của những nạn nhân trong cuộc mà tiêu biểu là Sadako.
Sadako còn quá nhỏ để có thể hiểu được chiến tranh là gì, tại sao em phải gánh chịu hậu quả của nó. Thay vì buồn rầu và than trách, em dành thời gian ít ỏi của mình để yêu thương những người quan trọng với mình. Sadako yêu thương thật nhiều, cũng trao gửi đi thật nhiều tin yêu. Giữa cơn bạo bệnh, cô bé đó vẫn chỉ một lòng lo cho gia đình, nghĩ suy đến món nợ của người cha, vẫn dành những quan tâm bình dị tới những người xung quanh. Ta đau đớn cho chính nhân vật khi chứng kiến em chịu đau đớn nhưng nhất quyết không dùng thuốc. Ta nghẹn ngào khi nhìn thấy nụ cười vẫn gượng nở trên môi của em, vẫn tươi sáng và đẹp đẽ, nụ cười của một thiên thần nhỏ bé đã sống hết mình trong những năm tháng cuối đời. Vì vậy tác phẩm không chỉ là hồi ức của một nạn nhân, đó là hành trình của một nữ chiến binh thực sự.
Những con người nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, đã gánh trên mình những đau thương của đất nước, lặng lẽ gieo vào lòng cuộc sống bình dị hàng ngày hạt giống của hi vọng và niềm tin. Một Nhật Bản đã từng oằn mình để chống chọi với chiến tranh, nay đã chuyển mình mạnh mẽ dưới bàn tay của những chiến binh như Sadako. Tác phẩm chính là lời phê phán mãnh liệt nhất dành cho chiến tranh – sản phẩm khốn nạn nhất của con người.
Ngàn cánh hạc chuyên chở ước vọng hòa bình
Chúng em kêu gọi
Chúng em nguyện cầu
Vì hòa bình của thế giới
Câu chuyện khép lại với cái chết đã được dự báo trước của Sadako, như một lời khẳng định hậu quả của chiến tranh là không thể bù đắp, song lại mở ra những hi vọng về một cuộc sống mới – cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Tác phẩm không chỉ đơn thuần là hồi kí, mượn hình tượng cánh hạc tượng trưng cho hi vọng, tác giả đã thay mặt người dân trên thế giới nói lên khát vọng hòa bình của mình. Trong khói lửa ngùn ngụt của chiến tranh, trong bão tố mưa sa của bom đạn, những con người nhỏ bé vẫn không ngừng gieo những hạt giống, mang theo ước mơ và khát khao bình an cho gia đình mình và cả những người khác.
Sự ra đi của Sadako đã làm tan vỡ rất nhiều trái tim, song cũng thức tỉnh lòng tham của những chính quyền không màng đến lợi ích chung của dân tộc mà khơi mào chiến tranh. Câu chuyện về Sasaki Sadako không đơn thuần chỉ là câu chuyện về cuộc đời một con người, mà tựa như cánh hạc, chở trên mình ý chí và niềm tin mãnh liệt vào sự sống, đồng thời cũng chứa đựng tinh thần phản chiến mạnh mẽ cũng như niềm hi vọng về một tương lai không còn chiến tranh nữa, ở nơi đó, sẽ có những cô bé cậu bé được lớn ên, được trưởng thành khỏe mạnh và yên bình mà không cần đến những chú hạc.
Tác phẩm đã rất thành công khi vừa truyền tải niềm xót thương đến cho nạn nhân của chiến tranh, đồng thời cũng vực dậy khát khao hòa bình trong mỗi con người, viết về cái chết nhưng lại mở ra hi vọng về sự sống, đó là cái hay của tác phẩm.
Thảo Nguyên
Nguồn : https://sachhay24h.com/ngan-hac-giay-cua-sadako-bieu-tuong-cua-uoc-vong-hoa-binh-a636.html