Vụ án mạng kỳ lạ xảy ra ở cầu Nihonbashi, nghi phạm rất nhanh được xác định. Nhưng chuyện éo le xảy ra, nghi phạm gặp tai nạn, rơi vào trạng thái hôn mê sâu, đẩy cuộc điều tra rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đồng nghiệp tiếp tục điều tra theo hướng cũ và liên tục đi tới ngõ cụt, Thanh tra Kaga đã có suy luận riêng. Từ đấy, hàng loạt sự thật từ quá khứ tới hiện tại dần hé lộ. Tất cả, đều hướng tới “điểm bắt đầu” ở chân hai bức tượng kỳ lân có cánh trên cầu Nihonbashi.
“Điểm bắt đầu”
Sau tiểu thuyết Ác ý, độc giả Việt Nam lần nữa được gặp lại Thanh tra Kaga trong tiểu thuyết Cánh kỳ lân do IPM phát hành. Ở tác phẩm này, tác giả Higashino Keigo đã hé mở thêm một phần cuộc đời Thanh tra Kaga và đặc biệt là phương thức, phong cách của anh khi đối diện với một vụ án hóc búa. Tất cả, có thể gói gọn trong ba chữ “điểm bắt đầu”: “Hễ lâm vào tình trạng bế tắc thì cứ quay lại điểm bắt đầu, dù bao nhiêu lần đi nữa. Đó là cách làm của tôi.”
“Điểm bắt đầu” ở đây vừa có thể hiểu là nơi đầu tiên phát hiện ra án mạng: cầu Nihonbashi. Vừa là hiện trường đầu tiên của vụ án: đường hầm nhỏ bên dưới cầu Edo. “Điểm bắt đầu” ấy còn là chính nạn nhân Takeaki cùng những vấn đề xoay xung quanh con người này: ông ta vì đâu mà bị sát hại, nguyên do nào khiến ông trước lúc lâm chung vẫn cố lê những bước cuối cùng từ đường hầm cầu Edo đến tận cầu Nihonbashi, và tại sao ông lại xuất hiện ở khu Nihonbashi khi nơi đó ngược đường hoàn toàn với nhà cùng công ty ông làm việc…
Không chỉ vậy, “điểm bắt đầu” còn là thời điểm Thanh tra Kaga mới bắt đầu tiếp cận vụ án, tâm trí anh chưa kịp thành hình bất cứ suy luận, giả thuyết hay lối mòn tư duy nào. Dù vẫn giữ nguyên hướng điều tra: không thể khẳng định hoàn toàn nghi phạm Fuyuki là kẻ gây án mạng. Nhưng tựa một vị tướng khi xung trận, sẵn sàng xây dựng lại kế hoạch tác chiến khi nhận thấy kế hoạch ban đầu với thực tế không phù hợp; Kaga cũng sẵn sàng gạt bỏ toàn bộ ấn tượng ban đầu để lật lại vụ án từ điểm xuất phát. Không đơn thuần chỉ đi lại cung đường nạn nhân đã đi “hàng trăm lần”, mà hơn cả là đánh giá lại những định kiến ban đầu của anh với vụ án, để nhìn sâu vào chân tướng vụ việc, để phát hiện những “điểm mù” trước đó cả anh lẫn đồng đội đều không nhìn ra, đồng thời để độc giả nhận thấy, án mạng trên cầu Nishonbashi phức tạp hơn nhiều.
Phức tạp không bởi thủ pháp gây án của hung thủ mà vì mối liên kết giữa vụ án hôm nay với câu chuyện cũ năm xưa. Dối trá ích kỷ, yêu thương thầm lặng, ân hận xót xa, mạnh mẽ tin tưởng,… tất cả góc khuất đều nằm trọn dưới chân bức tượng kỳ lân vươn cánh trên cây cầu được mệnh danh cửa ngõ của mọi con đường ở Nhật Bản.
Tiểu thuyết của Keigo tiên sinh dường như luôn vậy, mang kết cấu truyện lồng truyện, câu chuyện hôm nay luôn là tàn dư, hệ quả từ quá khứ. Nhưng giữa số lượng tác phẩm đồ sộ, ông vẫn xây dựng được một Thanh tra Kaga đặc sắc, riêng biệt, hết sức có hồn. Kaga trong Cánh kỳ lân, vẫn mang nét không khoan nhượng, cương trực, mạnh mẽ, thượng tôn chân lý, chính trực đến ngang ngạnh của một thanh tra, nét sắc sảo, cái tâm của một con người từng làm nghề “gõ đầu trẻ”. Bên cạnh đó, hiện lên trên trang viết, Kaga cũng ấm áp, tinh tế vô ngần. Kaga khác biệt, Kaga nối kết toàn bộ những tình tiết tưởng chừng vụn vặt trong vụ án với nhiều điểm còn nghi vấn, để tạo lên một Cánh kỳ lân trọn vẹn.
“Án mạng cũng giống tế bào ung thư…”
Song song với quá trình phá án từ phía cảnh sát là quá trình “tế bào ung thư” mang tên “án mạng” dần dần ăn sâu, lan rộng và di căn vào đời sống tất cả những bên liên quan xung quanh vụ án trên cầu Nihonbashi. Không chỉ khiến đời sống của họ đảo lộn, khơi sâu vào nỗi đau người trong cuộc mà hơn cả, “tế bào ung thư” đó như hình ảnh biểu tượng cho những gì là góc khuất u ám của xã hội lẫn tâm hồn đang dần dà ăn mòn con người. “Án mạng cũng giống tế bào ung thư, từ chỗ nhiễm ban đầu sẽ loang dần ra xung quanh. Dù có bắt được hung thủ, khép lại hồ sơ, cũng không dễ gì chặn đứng lây lan.”
Đấy là thứ lòng tốt nửa vời, được tô đẹp bằng những mĩ từ quan tâm, lo lắng, lo nghĩ cho tương lai người khác song thực chất chỉ là sự ích kỷ, lo nghĩ cho chính bản thân. Và càng đáng sợ hơn, khi lòng tốt đấy lại đặt vào một kẻ làm nghề “trồng người.” Rồi thế hệ trẻ bị những người thầy, người cô đặt cái “tôi” vị kỷ lên trên “cái tâm” người giáo “tiêm nhiễm tư tưởng sai trái” mà “sai lầm” cứ nối tiếp “sai lầm.”
Đối tượng vị thành niên đặc biệt vào giai đoạn chớm bước vào dậy thì, tâm sinh lý nhiều biến đổi và khó kiềm chế cảm xúc, gần gũi thầy cô, bè bạn có khi nhiều hơn cả gia đình đã đặt ra vấn đề phương pháp giáo dục cho những ai làm nghề “gõ đầu trẻ.” Rằng dạy kiến thức cho chúng thôi chưa đủ, phải dạy chúng cách làm người sao cho không hổ thẹn với lòng nữa. Những lời chỉ dạy mà ngay chính người thầy còn không thể tự thuyết phục bản thân, sao có thể hướng tụi trẻ đi theo con đường đúng đắn. Dù không phải đề tài chính song vấn đề giáo dục xuất hiện ở tiểu thuyết Cánh kỳ lân lại như một hạt nhân của tác phẩm: người cảnh sát có thể phá án, “hóa trị cho tế bào ung thư”, nhưng chữa bệnh hoàn toàn, chỉ có thể dựa phần lớn vào giáo dục, vào nhân phẩm của người “lái đó”, “ươm mầm tương lai.”
Không dừng lại ở đấy, Cánh kỳ lân còn như một lát cắt mặt tối của xã hội xoay quanh hai chữ “định kiến” con người. Như sự kế thừa, phát triển đề tài “thành kiến” trong tiểu thuyết Ác ý hay Thư, ở Cánh kỳ lân, Keigo tiên sinh khắc sâu, tô đậm, diễn giải đề tài đó trên nhiều mặt khác nhau, tựa lăng kính của chiếc kính vạn hoa đầy màu sắc. Song dẫu ở mặt nào, thì độc giả cũng dễ nhận ra, từ thành kiến mà con người tạo nên ác ý, từ ác ý mà cấu thành tội ác. Tội ác đấy đâu chỉ là án mạng hay bạo lực thể xác mà tội ác còn ẩn sâu trong sự bạo lực tinh thần.
Án mạng là đau thương, nạn nhân ra đi và dẫu vụ án khép lại, thì “bia miệng” người đời vẫn còn đấy, phủ trùm bóng tối lên tất cả những ai ở lại. Trước hết, cánh truyền thông không buông tha họ. Xã hội hiện đại, người ta đuổi theo tin tức khiến cho một lớp người sẵn sàng bất chấp, chà đạp lên đạo đức báo chí. Người ta lạnh lùng, hả hê chọc ngoáy, bình phẩm, bàn tán, xoáy sâu vào nỗi đau người khác. Người ta đeo bám, lùng sục, thậm chí dàn dựng tin tức, mớm lời cho đối tượng được phỏng vấn vì mục đích định hướng dư luận.
Mà hệ quả, là mọi giá trị nạn nhân – nghi phạm, nghi phạm – hung thủ, tin giả – sự thật… đều đảo lộn. “Đã mất bố lại còn phải chịu cảnh xã hội ghẻ lạnh nữa à?” Còn gì xa xót hơn câu hỏi tu từ đầy phẫn nộ, uất ức cùng bất lực ấy lại xuất phát từ chính con trai nạn nhân, cậu bé Yuto, khi cậu chỉ còn biết cay đắng chịu đựng mọi chuyện. Và tới tận cùng, những ai trực tiếp liên quan tới vụ án, đều trở thành “nạn nhân” của sự chiêu trò, “truyền thông bẩn”, miệng lưỡi thiên hạ hiếu kỳ chuyện lạ, ưa hùa theo đám đông mà thôi.
Ngoài ra, trong Cánh kỳ lân, Higashino Keigo còn tái hiện lên góc khuất của giới công nghiệp, thậm chí, ngay cả giới cảnh sát. Tất cả, tạo thành thứ ấn tượng tựa một mạch ngầm xuyên suốt các sáng tác của Keigo tiên sinh về nỗi xót xa của người còn tỉnh thức giữa một xã hội quay cuồng đúng sai, thiện ác, thật giả, tham sân si lòng người. Bởi thế, bầu không khí xã hội trong Cánh kỳ lân khá bức bối như phủ một màn sương ngột ngạt vậy.
Dẫu vẫn còn một vài chi tiết dễ làm độc giả cảm thấy tác giả giải quyết “chưa tới”, như vấn đề còn tồn đọng ở Công ty Kim khí Kanesaki hay câu chuyện truyền thông về sau khi vụ án được phá giải. Nhưng có lẽ, đấy cũng chỉ là dụng ý của tác giả cho một cái kết mở về sự vô tình của cánh báo chí truyền thông trong thời đại, người ta chạy đua thông tin mà lãng quên đạo đức chăng.
*Cre: Page IPM
“Con người ai cũng có lúc mắc sai lầm. Quan trọng là đối mặt với sai lầm đó thế nào.”
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dẫu có u ám, buồn thương và chứa đựng nhiều yếu tố đen tối thì Cánh kỳ lân vẫn là một áng văn đẹp của Keigo tiên sinh, về niềm tin ông gửi gắm vào hai tiếng “tương lai”, “con người.”
Thật vậy, “con người ta ai cũng có lúc mắc sai lầm” và hàng loạt sai lầm đã diễn ra xuyên suốt 380 trang tiểu thuyết Cánh kỳ lân. Sai lầm đến từ phía nạn nhân, hung thủ, nghi can, trọn vẹn những ai chịu ảnh hưởng tiêu cực của án mạng hôm nay lẫn bi kịch năm xưa. Sai lầm còn đến từ phía những người mang trên vai gánh nặng thực thi công lý. Ngay chính Thanh tra Kaga, nhân vật trung tâm của tác phẩm cũng phải thử và sai không ngừng mới đi được tới tận cùng sự thật.
Con người vốn không hoàn hảo và sai lầm hay thất bại, là điều tất yếu trên quãng đường, quá trình người ta trưởng thành. Nhưng sai lầm sẽ nối tiếp sai lầm như một vòng luẩn quẩn nếu người ta không tự nhận thức hay thức tỉnh lương tri để sống là một con người toàn vẹn.
“Quan trọng đối mặt với sai lầm đó thế nào” hay cũng chính là quan trọng người ta đối diện với bản ngã làm người thế nào. Để có thể đứng thẳng, vươn mình như sải cánh kỳ lân mà sống cho bản thân, và sống cho hi vọng, “ước nguyện” người đi trước đã gửi gắm
Nguồn : https://reviewsach.net/canh-ky-lan/
Đọc thêm sách cùng tác giả Higashino Keigo đã được review: