Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeSách Văn Học Cổ ĐiểnNhẫn Thạch – Chim di cư sững lại giữa đà bay…

Nhẫn Thạch – Chim di cư sững lại giữa đà bay…

Sau bao ngày im lặng lắng nghe nhịp thở và thì thầm niệm kinh, cốt truyện vỡ tung theo lời tự sự thẳng thừng và dữ dội của người phụ nữ đạo Hồi bên người chồng trúng đạn sống đời thực vật, về những năm tháng cũ mòn đã qua. “Nhẫn thạch” của Atiq Rahimi tí hin về độ dài nhưng đọng lại dư âm mạnh mẽ sau trang sách cuối cùng.

Xuất bản lần đầu vào năm 2008, “Nhẫn thạch” (tựa gốc Syngué Sabour) là tiểu thuyết thứ tư của Atiq Rahimi nhưng lại là tiểu thuyết đầu tiên ông viết bằng tiếng Pháp, ngay trong năm ra mắt tác phẩm liền mang về cho nhà văn giải Goncourt – giải thưởng Văn học lớn nhất nước Pháp. “Nhẫn thạch” nhanh chóng vượt ra ngoài biên giới Pháp để đến với 29 quốc gia khác trên thế giới.

Vào năm 2012, cuốn sách được chuyển thể thành một bộ phim chính kịch về chiến tranh Pháp – Afghanistan, do chính Atiq Rahimi đạo diễn.

Patience Stone reviewsachonly
Hình ảnh từ phim chuyển thể “Patience Stone” (2012)

Hòn đá kiên nhẫn.

Nhẫn thạch, chiết tự là hòn đá kiên nhẫn, là một phiến đá ma thuật theo truyền thuyết của người Ba Tư. Sau khi được đặt trước mặt và thổ lộ tâm sự, hòn đá sẽ như miếng bọt biển hút cạn tất cả, những sự thật chôn giấu hay những điều sâu kín không thể nói cùng ai… cho đến ngày nó nổ tung, con người sẽ được giải thoát khỏi đau khổ.

Atiq Rahimi mượn truyền thuyết như một cách ngụ ngôn để thổi hồn cho tiểu thuyết của mình. Ông dựng nên một vở kịch đậm chất điện ảnh, sân khấu là căn phòng nhỏ, nhân vật nữ độc thoại nội tâm bằng một thứ ngôn ngữ giản tiện, gãy gọn và sắc bén.

“Đâu đó ở Afghanistan hay một nơi nào khác.” (Lời đề từ)

Người đàn ông nằm đó.

Người đàn bà ngồi đó, đếm thời gian bằng số lần thở. Mười sáu ngày, chị thở theo nhịp thở của anh, hít thật sâu và đau đớn thở ra.

Nhân vật không được gọi tên. Danh tính hay địa phương dường như chẳng còn quan trọng. Chỉ biết ở đây người dân theo đạo Hồi và thành phố đang chìm vào đạn bom loạn lạc. Đâu đó có một căn phòng nhỏ, thỉnh thoảng có tiếng trẻ khóc. Người đàn ông nằm hôn mê vì một viên đạn nằm sâu trong gáy sau một cuộc ẩu đả tầm thường. Người đàn bà hằng ngày vật lộn sinh tồn, bảo vệ bản thân và hai con giữa thời chiến loạn; đồng thời chăm sóc chồng, tay lần chuỗi hạt, miệng thì thầm “AlQahhâr,” cầu nguyện cho chồng sớm tỉnh lại.

Nhưng không gì cả, anh vẫn nằm đó, hít thật sâu và đau đớn thở ra. Im lặng bao trùm.

Chị thở dài bực bội. Chị đột ngột đứng lên. To tiếng. Gay gắt. Chị trút bỏ nỗi lòng trước người chồng thực vật như trước một hòn đá kiên nhẫn. Ngày qua ngày, chị nói ra những uất hận trong lòng, mọi khổ đau, ẩn ức, thống khổ, khát khao và cả những bí mật khó có thể thốt thành lời. Về tình yêu, tình dục, hôn nhân; về máu, trinh tiết, đức hạnh, danh dự; về những thứ gông cùm xiềng xích đã vây khốn chị, về cả những hành động mưu mẹo chị đã làm để đối phó và tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Đoạn kết là phép lạ, là phục sinh hay là sự tưởng tượng?

Ảnh phg.ngx Nhẫn thạch reviewsachonly
Ảnh: phg.ngx

Tiếng nói của người phụ nữ Hồi giáo.

Ngay trang đầu cuốn tiểu thuyết, Atiq Rahimi đã viết:

“Truyện kể này, viết để tưởng niệm N.A. – nhà thơ nữ của Afghanistan đã bị chồng sát hại dã man, xin dành tặng cho M.D.”

M.D. là ai không rõ. Nhưng N.A. có lẽ là Nadia Anjuman (1980 – 2005), một nữ nhà thơ trẻ tài năng người Afghanistan, cô sống sót dưới thời kỳ thống trị ác mộng của Taliban nhưng lại chết dưới tay của chính chồng mình. Cô ấy đã phạm tội gì? Làm phụ nữ và dám làm nhà thơ?

Người đàn bà trong “Nhẫn thạch” đã phạm tội gì? Làm phụ nữ? Hay làm một phụ nữ Hồi giáo?

Qua một cuốn sách không quá nhiều trang, Atiq Rahimi bóc trần bộ mặt một kẻ thù rất khó nhận diện trong thế giới Hồi giáo. Đó không phải là quân chiếm đóng nước ngoài, cũng không phải là quân phiến loạn. Cay đắng làm sao! Kẻ thù đó lại là người đàn ông Hồi giáo! Có lẽ không phải là tất cả, nhưng có thể là bất kỳ người đàn ông Hồi giáo nào đầy đủ sự ghê tởm và tự đắc với thứ sức mạnh (ảo tưởng), thứ đạo đức (giả dối), và thứ quyền năng đàn ông tối thượng (rởm đời) mà họ tìm thấy khi được toàn quyền kiểm soát phụ nữ.

Nhà văn Atiq Rahimi đã tạo cơ hội cho người đàn bà nói, tiếng nói đã bị kiềm nén bao đời bởi số phận không có khuôn mặt không có tiếng nói của phụ nữ đạo Hồi, từ đó vén màn phơi bày tình trạng khủng khiếp mà nhiều phụ nữ trong xã hội Hồi giáo đang sống.

Ảnh hai_hong_huynh Nhẫn thạch reviewsachonly
Ảnh: hai_hong_huynh

Chim di cư sững lại giữa đà bay…

Tấm rèm cửa có họa tiết chim di cư, thủng lỗ đôi chỗ để lọt những tia nắng xuống tấm thảm len, là vật ngăn cách giữa hai thế giới tưởng như hoàn toàn trái ngược nhưng đều đè nặng lên cuộc đời người đàn bà: Thế giới im lặng nặng trĩu ngột ngạt bên trong căn phòng nơi người đàn ông đang nằm với thế giới ầm ĩ mang mùi thuốc súng đạn dược và những con người man rợ bên ngoài kia.

Họa tiết chim di cư trên tấm rèm xuất hiện hai lần, mở đầu bằng “chim di cư sững lại giữa đà bay” và kết thúc bằng “Gió nổi lên và khiến những con chim di cư cất cánh bay trên người chị.” Hẳn là niềm khát vọng được giải thoát.

Có lẽ đây là hình ảnh đẹp nhất và thơ nhất trong cuốn tiểu thuyết.

Nguồn : https://reviewsach.net/nhan-thach/

Đọc thêm:

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên