Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeTổng HợpNgày Đẹp Trời Để Cô Đơn (Aoyama Nanae) – Khi thời gian...

Ngày Đẹp Trời Để Cô Đơn (Aoyama Nanae) – Khi thời gian như ngưng đọng lại trong một căn nhà nhỏ

Cô gái hai mươi tuổi Mita Chizu rời bỏ quê nhà lên Tokyo sống và tìm việc sau khi mẹ cô quyết định tới Trung Quốc. Ngôi nhà cô ở trọ trong thời gian đầu đến Tokyo là ngôi nhà nhỏ của một người bà con trong họ – bà lão Ginko nay đã hơn bảy mươi tuổi. Trong một năm sống cùng bà Ginko, Chizu trải đủ những đổ vỡ lẫn khủng hoảng tinh thần mà gần như bất cứ cô gái tuổi hai mươi nào cũng phải trải qua để trưởng thành.
ngày đẹp trời để cô đơn review
Câu chuyện của tuổi hai mươi

Tuổi hai mươi với nhiều âu lo: Ta là ai, ta có gì, ta đã, đang và sẽ làm gì? Tuổi hai mươi đứng trước nhiều lựa chọn, ngã rẽ. Tuổi hai mươi với nhiều vụn vỡ, tin tưởng, cho đi mà nhận về chỉ là thương tổn. Và tuổi hai mươi, với tất cả cô đơn, ngờ vực vào bản thân và thế giới ấy đã được tác giả Aoyama Nanae tái hiện hết sức sống động qua hình ảnh cô gái Chizu, nhân vật chính xưng “tôi”, người kể chuyện trong cuốn sách Ngày đẹp trời để cô đơn.

Nơi ấy, trong thế giới Ngày đẹp trời để cô đơn, dưới ánh nhìn, sự quan sát của Chizu, ai cũng mang theo gánh nặng tổn thương trong tâm hồn. Bất kể “tuổi còn xanh hay mái đầu đã bạc”. Người lớn tuổi hoài niệm về một thời tuổi trẻ đã qua, về những năm tháng chới với, vô định, mất phương hướng giữa cuộc đời. Người trẻ tuổi thì vấp ngã trong các mối quan hệ, vô định ở tương lai, trống rỗng trong xác định ước mơ nhưng vẫn luôn khao khát được những người xung quanh công nhận, khao khát được khẳng định khẳng định cái tôi và nhất là khao khát được trưởng thành.

Dưới góc nhìn của ngôi kể thứ nhất, Ngày đẹp trời để cô đơn hiện lên gần gũi như những trang nhật kí thủ thỉ, tâm tình của một cô gái hai mươi tuổi đang trải lòng mình ra theo trục thời gian tuyến tính: từ mùa xuân đến mùa hạ, từ mùa hạ đến mùa thu, thu sang đông rồi vòng quay khép lại khi mùa xuân lại đến. Kết cấu đầu cuối tương ứng, người kể tự xưng tôi kể lại cuộc đời mình mà làm cho câu chuyện như càng chân thực, gần gũi. Dường như, ranh giới độc giả – tác giả đã bị xóa nhòa mà chỉ còn sự gắn kết giữa những người bạn: những ai đã, đang, sẽ trải qua tuổi hai mươi, lắng nghe trải nghiệm của một người từng trải qua tuổi hai mươi nhiều sóng gió như thế nào trong một tâm thế đầy đồng cảm.

Khi ở Chizu có đầy đủ những mâu thuẫn, cung bậc cảm xúc của tuổi hai mươi nhiệt huyết, nổi loạn nhưng thẳm sâu bên trong lại nhạy cảm và dễ tổn thương xiết bao. Khao cầu được thấu hiểu mà rồi chỉ còn biết tự lắng lòng lại để lắng nghe, chiêm nghiệm, thấm thía mọi biến cố bản thân đã trải qua. Có thể nói, Chizu là sáng tạo độc đáo, riêng có của tác giả Aoyama Nanae. Một cô gái đi qua đủ đau thương từ thủa ấu thơ đến ngày trưởng thành: không có bố từ khi còn rất nhỏ,  không thể tìm thấy tiếng nói chung với người mẹ ruột thịt, mẹ sang Trung Quốc làm việc và cô gái trẻ đến ở nhà một người bà con xa, trải qua hai mối tình đầy chóng vánh, có một thói xấu ăn cắp vặt…

Nhưng hình ảnh một cô gái trẻ oằn mình lên làm việc không vì một ước mơ nhất định, chỉ khao khát được trưởng thành, được người mẹ công nhận, được khẳng định bản thân tồn tại; hình ảnh một cô gái cô đơn với những bước đi chới với đến tương lai vô định, đang mất dần đi khái niệm thời gian hay cuộc sống; một cô gái, tiếp xúc những người xung quanh, dẫu cùng nhà hay người yêu song luôn xây bước tường vô hình tách biệt như để bảo vệ bản thân khỏi khổ đau mà vô hình trung lại tự cô lập bản thân khỏi cộng đồng… Hình ảnh đó, lại mang nét tương đồng mạnh mẽ với tuổi hai mươi nói chung. Cái tuổi ẩm ương, đã đủ lớn để đứng trước pháp luật nhưng lại chưa đủ lớn về nhận thức để đứng trước những vụn vỡ của cuộc sống cá nhân cùng ngưỡng cửa cuộc đời. Chizu, vì thế không còn đơn thuần chỉ là hình ảnh văn chương nữa mà cô gái đó đã trở thành một trong những điển hình cho tuổi trẻ Nhật Bản nói riêng, những ai đã trải qua tuổi trẻ nói chung.

ngày đẹp trời để cô đơn

Tuổi hai mươi và người đồng hành

Bởi tuổi hai mươi đầy ẩm ương nên vấp ngã là điều chẳng thể tránh khỏi. Khi đó, có một người từng trải ở bên cạnh lắng nghe tâm sự, sẻ chia và đưa ra một vài lời khuyên từ chính những gì họ đã trải qua lại trở nên vô cùng quý giá. Và trong Ngày đẹp trời để cô đơn, bà Ginko đóng vai trò như vậy với cuộc đời Chizu.

Thoạt nhìn, Ginko là một bà lão lẩm cẩm, nghễnh ngãng, không quan tâm đến thế sự. Một “lão bà bà” như đang dần vĩnh viễn chìm vào dĩ vãng. Chẳng vậy mà khi ở gần và sống trong ngôi nhà bà Ginko, người tình thứ hai của Chizu đã phải thốt lên rằng: nơi đây thời gian như ngưng đọng.

Song, với một người phụ nữ tuổi hơn bảy mươi, sống một thân một mình bao lâu nay, để có thể đạt đến tâm thái tĩnh lặng như nước mà lặng nhìn từng phút, từng giờ trôi qua, cảm nhận rằng có không được mất cũng chỉ tựa chiếc lá cuối thu rơi trên mặt đường thì người đó đã phải trải qua bao cay đắng, khó khăn mới làm được như vậy? Thậm chí, xao động lớn nhất mà Chizu thấy được nơi bà trong những ngày sống chung là việc bà lão làm bạn “hơi thân” với một ông lão khác thì bản thân bà Ginko lại chẳng lấy đó làm chuyện quá đỗi bận tâm.

Cho nên, với một bà lão đã từng khóc hết nước mắt cho những chuyện đau buồn, đứng trước cô gái nhỏ Chizu chới với giữa dòng đời, bà Ginko luôn đóng vai trò như thứ người ba, lặng thầm quan sát, bình thản suy xét. Mà cũng có thể, đấy chính là khoảnh khắc, bà hồi tưởng lại một phần tuổi trẻ đã qua chăng. “Nếu cứ kiên trì nhẫn nại, thì hạnh phúc sẽ quay trở lại”; “Bà Ginko này… thế giới ngoài kia tàn khốc lắm phải không? Một người như cháu sẽ nhanh chóng bị đánh bại phải không?/ Thế giới có phân biệt bên trong với bên ngoài đâu. Thế giới này chỉ có một.”

Tuy nhiên, bên cạnh một bà Ginko đã quá trải đời, với cô gái trẻ Chizu vừa là điều may mắn nhưng đồng thời cũng là khó khăn không nhỏ. May mắn bởi Chizu tổn thương tới tận cùng đến giây phút này cũng có thể mở lòng tâm sự với người khác, để dựa dẫm vào người phụ nữ lặng tựa mặt hồ, không nói nhưng không có nghĩa là không biết, không thể hiện không có nghĩa là không quan tâm, lặng lẽ ở bên mỗi khi cô cần. Song cũng là khó khăn bởi một Chizu vốn xưa nay phải tự bươn bải vượt qua thương tổn, sẽ dễ dàng từ dựa dẫm dẫn tới ỷ lại vào người phụ nữ đã hơn bảy mươi tuổi mà không thể tự bước đi ra cuộc đời bằng đôi chân của bản thân chăng?

Có phải hiểu thế không mà sống với bà Ginko một năm, Chizu quyết định ra đi; đi từ không gian hẹp với thời gian ngưng đọng đến không gian rộng lớn hơn, thực sự trải nghiệm như thế nào là “tự lập” và cuộc đời. Không thể khẳng định chắc chắn rằng, với cô gái trẻ mang nhiều cô đơn, vụn vỡ như Chizu, đây là hạnh phúc hay bất hạnh, đúng đắn hay sai lầm nhưng chí ít, từ những lời nói của bà Ginko, cô gái Chizu hoài nghi, mặc cảm, cô đơn, khép mình đã có thể lần nữa, mạnh dạn trở lại, hòa mình vào đời sống.

Bên cạnh bà Ginko, bất cứ ai đi ngang qua cuộc đời Chizu hai mươi tuổi đều ít nhiều để lại trong cô gái những vết hằn ký ức không thể phai mờ. Có thể đau thương nhiều hơn hạnh phúc song đều là kinh nghiệm quý giá cho tuổi hai mươi nhiều biến động. Và nếu vượt qua tất thảy, người ta cũng trầm tĩnh, trưởng thành hơn.

Câu chuyện mang một kết mở. Không ai biết việc Chizu duy trì mối quan hệ kín với Andou, người đàn ông đã có vợ sẽ mang lại hậu quả gì cho cô gái trẻ bởi tác giả Aoyama Nanae đã dừng bút ở hình ảnh “Chuyến tàu đưa tôi lao vụt về phía sân ga có người đang đợi” bằng một thái độ không khẳng định, cũng chẳng phán xét. Chỉ rằng, Chizu lúc này đã dạn dĩ, bình thản sẵn sàng đón nhận vết cứa thời gian hơn Chizu tuổi hai mươi nhiều lắm.

Hitori Biyori – Ngày đẹp trời để cô đơn, nhưng với con người, nhất là những ai ở tuổi hai mươi đâu cứ phải ngày đẹp trời mới cảm thấy bản thấy bản thân mình đơn độc. Ai chẳng mang sẵn trong tâm trạng thái bất định: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Thơ Xuân Diệu). Và qua những dòng văn rất đẹp miêu tả thiên nhiên, những dòng viết xoáy sâu đến tâm lí mong manh của con người, nhất là của một cô gái hai mươi mang nhiều tâm tư nhưng tất cả đều vô định, hư ảo; hơn 170 trang tiểu thuyết Ngày đẹp trời để cô đơn, tác giả Aoyama Nanae đã xây dựng được một cốt truyện hết sức điển hình xoay quanh một nhân vật điển hình, không chỉ với lớp thanh niên Nhật Bản vẫn mang nặng khủng hoảng “cái tôi”, mà hơn cả, là những ai đã, đang, sẽ bước qua, đối diện với tuổi hai mươi trong xã hội, mỗi lúc một thêm phức tạp.

Mọt Mọt

Nguồn : https://reviewsach.net/ngay-dep-troi-de-co-don/

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên