Series trinh thám tâm lý tội phạm của Lôi Mễ viết về Phương Mộc sẽ kết thúc bởi câu chuyện Ánh sáng thành phố. Bi kịch, nỗi đau & những điều tuyệt vời từ tâm hồn người cảnh sát là hình ảnh không thể phai nhạt trong suốt toàn bộ series, đã được tái hiện với một kết thúc bi tráng nhất.
Có lẽ Lôi Mễ đã lột tả hết vẻ đẹp trinh thám suy luận logic đặc sắc nhất trong 2 cuốn đầu tiên, Độc giả thứ 7 và Đề thi đẫm máu. Những tập tiếp theo, hình tượng về người cảnh sát mẫn cán quên mình vì tổ quốc & xã hội mới là chủ đề chính, chứ không phải nét tài hoa của thiên tài & sự thông minh của tội phạm.
Ánh sáng thành phố là câu chuyện cuối cùng về Phương Mộc. Tất nhiên suốt chiều dài 5 tập về tâm lý tội phạm của Lôi Mễ, một bức tranh tổng thể vẫn là u ám, dù cho dòng vĩ thanh ở cuối mỗi cuốn sách cũng coi như là hào quang ít ỏi của hoàng hôn. Bởi vậy nên không bất ngờ gì khi tập cuối cùng này, Lôi Mễ để cho Phương Mộc “chết”. Chết là bất tử về một tượng đài, ấy là một cái kết rất vẹn toàn.
Viết về Phương Mộc, thật khó để đánh giá anh. Một con người phi thường đến mức hình tượng. Về điểm này thì Lôi Mễ thua xa Tử Kim Trần về độ chân thực. Những Cao Đông, Nghiêm Lương, Từ Sách trong tác phẩm của Tử Kim Trần đều hiện lên rất “người”, họ có đủ sự cảm tính, lý trí và cũng rất nhiều tính xấu xa. Còn Phương Mộc thì sao, từ đầu chí cuối, hình ảnh của anh là vì nước quên thân, vì người quên mình.
Nói lạc quan, thì đó là bi tráng. Còn khách quan, chỉ một chữ “khờ”.
Trong bối cảnh của câu chuyện về Ánh sáng thành phố, Phương Mộc của thời bấy giờ đã luống tuổi và không còn sắc sảo thiên phú phá án. Nói đúng ra, Ánh sáng thành phố viết nhiều hơn về tâm lý tội phạm. Và cũng viết nhiều hơn về những mối quan hệ tình cảm của anh cảnh sát họ Phương này.
Phương Mộc với vai trò là người của phòng nghiên cứu tâm lý tội phạm, anh khá thảnh thơi khi phá án với nhiệm vụ là hỗ trợ, nêu ý kiến trinh sát. Bởi vậy nên mới có thêm thời gian để…yêu
Mễ Nam & Liêu Á Phàm, 2 con người với 2 tính cách gần như trái ngược. Mễ Nam hiểu chuyện, trưởng thành, dịu dàng. Á Phàm ngang ngược, trẻ trâu, phá phách. Nhưng Phương Mộc lại cầu hôn Á Phàm chỉ vì hai chữ : trách nhiệm.
Ngay cả cuộc đời của anh, việc hôn nhân cũng như một trò hi sinh. Mặc dù sự yêu thương anh dành cho nửa kia, nhưng a lại chọn Á Phàm. Và chính bởi vậy, Ánh sáng thành phố đã lợi dụng điểm yếu này của anh, xuống tay tàn nhẫn.
Ánh sáng thành phố – Sát thủ thay trời hành đạo
Thông minh, kín kẽ, tỉ mỉ, chu toàn, cẩn trọng từng đường đi nước bước. Ánh sáng thành phố truy tìm những kẻ mà Pháp luật không thể trừng trị. Anh xuống tay tiêu diệt, dùng “gậy ông đập lưng ông”
Thầy giáo vì giận quá mất khôn, yêu cầu học trò cá biệt 1 đêm phải giải hết toàn bộ bài toán của cả một cuốn sách, một công việc không tưởng, gián tiếp khiến học trò nhảy lầu tự tử. Cuối cùng ông ta đã bị Ánh sáng thành phố bắt giải toán bằng chính máu của mình, chết ngay trong đêm trong khi đang miệt mài giải mật mã.
Đứa con bất hiếu đuổi mẹ ra đường, bà lão khóc lóc thì bị chửi “có giỏi bà nhét tôi vào trong bào thai đi”. Kết cục Ánh sáng thành phố tạo ra một bào thai khổng lồ, khiến thằng nghịch tử chết ngạt.
Vị luật sư, người đại diện công lý vì tiền mà đổi trắng thay đen, sinh mạng của ông cũng bị hủy diệt bằng những cái like của cộng đồng mạng.
3 trường hợp giết người liên hoàn của Ánh sáng thành phố khiến tên tuổi của hắn nổi như cồn. Hắn là một Dexter mới, một City Hunter phiên bản lạnh lùng hơn. Và hắn tự cho mình cái quyền làm lệch cán cân công lý, để đem lại thứ “ánh sáng” chiếu rọi cả thành phố.
Trên thực tế những cái chết được gã sát thủ tự mình thay trời hành đạo kia khiến cho dân chúng sung sướng và thỏa mãn. Và cũng sẽ là hoàn hảo hơn nếu hắn không vì chính bản thân mình mà tàn nhẫn với 2 nạn nhân vô tội, một là đứa bé ngây thơ với đôi tay dị tật, hai là Á Phàm.
Ngay từ lúc hắn ra tay với những người vô tội kia, bản thân tôn chỉ sống của hắn đã không còn vẹn toàn. Cái danh xưng “đại hiệp”, “Ánh sáng” đã bị nhuốm màu đen. Có thể nói, câu trả lời cho câu hỏi “có nên tồn tại một kẻ thay trời hành đạo” đã được giải đáp rất rõ ràng!
Những kẻ tự cho mình là công lý, rồi cũng chính bởi chữ công lý ấy mà biến chất. Bài học này không chỉ dành cho riêng bất cứ ai.
Tài năng & nhiều sức mạnh siêu nhiên như Kira trong Death Note, cuối cùng cũng bị chính người phàm là Near lật tẩy. Hắn mạnh, nhưng hắn không phải là chúa, để có quyền sinh sát.
Và một người trần mắt thịt như Ánh sáng thành phố thì lại càng không!
Ngay từ đầu khi hắn tự cho mình nhiệm vụ giải cứu thành phố ấy, hắn đã đi sai đường. Pháp luật có thể chưa hoàn thiện, con người hành xử có thể chưa vẹn toàn. Thế nhưng đến một lúc nào đó, những kẻ hành xử ác ôn đều sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Nhân quả thường đến muộn, làm người thiếu kiên nhẫn sẽ tưởng rằng cuộc đời vốn không có báo ứng. Thực ra thì có báo ứng đấy, chỉ là tắc đường đến muộn mà thôi
Nếu ngay từ đầu, hắn hiểu ra điều này, thì Ánh sáng thành phố đã không tồn tại.
Khắc họa một sát thủ khiến người độc thật gian nan để phân biệt nên yêu hay là nên ghét, Lôi Mễ quả là đỉnh cao trong việc khắc họa tâm lý tội phạm bậc thầy, không hổ danh là lá cờ đầu của làng trinh thám Trung Quốc.
Nhưng không dừng lại ở khắc họa, Lôi Mễ còn tiến xa hơn khi bắt độc giả phải suy ngẫm sâu xa về ý nghĩa của một hình tượng.
Cái chết của Phương Mộc – Để cán cân công lý được vẹn toàn
Đôi khi, phải hy sinh để đạt mục đích cao cả hơn. Cảnh sát biết rõ hung thủ là ai, cái họ cần là chứng cứ kết án. Nếu không tìm được, cả đời này tội ác sẽ biến thành tội lỗi không chứng cứ. Còn nếu ép cung, bức hình như một vài cảnh sát biến chất đã làm, thì pháp luật còn gì là nghiêm minh, còn gì để phân đúng sai với kẻ tự xưng là Ánh sáng thành phố?
Như tác giả đã khẳng định, ngay từ lúc cảnh sát hành động không tuân thủ pháp luật, thì kẻ đúng lại là Ánh sáng thành phố!
Nói đúng hơn, để cán cân công lý được vẹn toàn, cảnh sát phải làm được thứ mà kẻ thủ ác kia không làm được: Dùng chính luật pháp để trừng trị kẻ có tội, và phải làm thật công khai, minh bạch. Và Phương Mộc chính là hình tượng hóa của một con người chấp nhận hy sinh để đứng ra làm việc ấy. Cho dù cái cách mà anh làm, so với tài năng thiên bẩm của anh được mô tả trong Đề thi đẫm máu, thật là một cách không thể tệ hại hơn để phá hủy hình tượng thiên tài.
Tuy tệ hại, nhưng với một người vốn không quen với công việc cảnh sát như Phương Mộc, “đòn hy sinh” cũng là một cái kết rất đẹp để khép lại series về cuộc đời của anh, một cuộc đời đã quá khổ đau với những cái chết & mất mát, hy sinh vô bờ bến.
Đôi nét về tác giả Lôi Mễ & tác phẩm
Lôi Mễ là giảng viên cảnh sát, nên những cuốn trinh thám của anh luôn có mùi đặc trưng về “tâm lý tội phạm”. Những trường đoạn miêu tả nội tâm nhân vật như “nôn ọe vì mùi tử thi khi giết người” (trong Đề thi đẫm máu), hay sung sướng vì càng ngày càng nghiện làm sát thủ (Độc giả thứ 7), hoặc đỉnh cao là “tâm lý thay trời hành đạo, ngủ mơ thấy cán cân công lý…” (trong Ánh sáng thành phố) được coi là điển hình làm nên danh xưng “thầy Lôi” của vị tác giả này.
Tần Minh thiên về giải phẫu pháp y, không chú trọng điều tra phá án dựa vào năng lực cảnh sát. Bởi vậy nên những vụ án của pháp y Tần đều nổi tiếng về việc dìm cảnh sát, nâng cao năng lực của nhân viên pháp y hơi quá đà.
Tử Kim Trần thiên về logic, những vụ án của tác giả này đề cao tính chính xác, cẩn mật & lạnh lùng quá mức, ít bộc lộ nội tâm nhân vật. Và cũng vì logic nên các tác phẩm của tác giả này hiện thực quá đáng, anh hùng gần như không tồn tại.
Khác với hai tác giả nói trên, Lôi Mễ hội tụ vừa đủ logic, lạnh lùng tàn nhẫn, cũng đề cao năng lực pháp y, phân tích chứng cứ (như điều tra dấu giày, phân tích hóa học các mẫu chất lỏng…), và với giọng văn tự sự miêu tả vừa nhẹ nhàng vừa đời thường, lại có những câu chuyện lôi cuốn tuy rất đời, nhưng cũng hình tượng hóa, nên rất được độc giả đón nhận và đánh giá rất cao.
Ánh sáng thành phố đã được dựng thành phim năm 2017 với tên gọi Án mạng liên hoàn, diễn viên chính là Đặng Siêu đóng vai Phương Mộc. Phim được chính Lôi Mễ tham gia biên kịch, và đạt được một số thành tựu nhất định.
Phương Mộc trong phim kiêu ngạo hơn, có phần hài hước hơn so với độ tuổi vốn đã già & chịu nhiều đau thương trong quá khứ. Ánh sáng thành phố trong phim được miêu tả là bạn học cũ thời đại học của họ Phương, góp phần miêu tả thêm mong muốn biến thái được “bắt chước” của nhân vật này. Chính vì nét khác biệt này khiến độc giả dễ liên tưởng tới các nhân vật trong truyện như thầy Tôn, Ngô Hàm.
Điểm nhấn trong bộ phim điện ảnh này, là cái kết tươi sáng hơn, cảnh sát đến ứng cứu kịp thời, đem lại cho thầy Phương một hạnh phúc nhỏ nhoi với Mễ Nam.
Xem qua trailer về bộ phim này tại đây:
Nguồn : https://reviewsach.net/anh-sang-thanh-pho/
Đọc thêm sách cùng tác giả Lôi Mễ đã được review: