Cùng với Haruki Murakami và Ryu Murakami, nữ nhà văn Banana Yoshimoto được coi là một trong ba tác giả tiên phong, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến việc đổi thay diện mạo văn học Nhật Bản hiện đại. Tính tiên phong trong sáng tác của cô được thể hiện ở hầu khắp các phương diện từ chủ đề, đề tài tới cách xây dựng cốt truyện, phát triển tình tiết, cách cô đã đi sâu vào đời sống nội tâm tinh tế từng nhân vật…
Banana Yoshimoto, cuộc đời và sự nghiệp
Banana Yoshimoto tên thật là Mahoko Yoshimoto. Cô sinh ngày 24/7/1964 tại Tokyo, là con gái của triết gia nổi tiếng Nhật Bản thời bấy giờ: Takaaki Yoshimoto. Cô tốt nghiệp ngành Văn, khoa Nghệ thuật trường Đại học Nihon. Trong những năm tháng học tập, cô đã lấy bút danh là “Banana”, ghép với họ của mình là “Yoshimoto”. Bút danh được tạo lên từ tình yêu hoa chuối của cô, một loài hoa theo cô rất “dễ thương” và “lưỡng tính một cách có mục đích”.
Cô bắt đầu sự nghiệp viết văn khi làm bồi bàn tại một tiệm ăn vào năm 1987. Và tới năm 1988, tiểu thuyết đầu tay của cô – Kitchen ra đời ngay lập tức trở thành một hiện tượng của nền văn học Nhật Bản với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ, sau đó được tái bản trên 60 lần. Báo chí đã gọi đó là “Bananamania (Hội chứng Banana).
Sau thành công của Kitchen mang đến cho cô những giải thưởng danh giá: Giải Kaien cho nhà văn mới năm 1987, giải Umitsubame First Novel Prize, Best Newcomer Artists Recommemded Preze của Bộ giáo dục và giải văn chương Izumi Kyoka cùng vào năm 1988; Banana Yoshimoto tiếp tục sáng tác đều đặn và trở thành tác giả nổi tiếng trên toàn thế giới. Những sáng tác của cô: Kitchen, Tạm biệt Tsugumi, NP, Amrita… như chạm được đến những gì tinh tế, mong manh nhất của trái tim, tâm hồn nhân vật. Từ đó, khơi dậy những suy tư khắc khoải, lòng đồng cảm của mỗi độc giả về từng kiếp người, kiếp đời, từng từng suy tưởng nội tâm của nhân vật trên trang sách.
Với những cống hiến, sáng tạo không ngừng ngay từ những ngày đầu bước chân vào con đường viết văn chuyên nghiệp, đến nay, Banana Yoshimoto đã có một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm 42 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn. Từ đóng góp riêng của cô qua các sáng tác có lối biểu đạt đơn giản, hiện đại, mơ hồ mà vẫn đầy thực tế, cái tên Banana Yoshimoto, cùng với Haruki Murakami và Ryu Murakami đã trở thành những tác giả tiên phong trong việc góp phần đổi mới văn học Nhật Bản thời hiện đại.
Tính tiên phong trong sáng tác của Banana Yoshimoto
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, sáng tác của Banana Yoshimoto không nằm ngoài dòng chảy chung của văn học Nhật Bản hiện đại và đương đại. Tác phẩm của cô vẫn hiển hiện hình ảnh con người Nhật Bản, dẫu chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn luôn gánh chịu cuộc khủng hoảng căn cước nặng nề. Vết thương quá khứ chưa lành, sự phát triển kinh tế nhảy vọt kéo theo những mai một truyền thống, con người vẫn mãi băn khoăn, vô định, vật lộn giữa kí ức vụn vỡ, hiện thực bất định, tương lai mơ hồ để khẳng định cái tôi, kiếm tìm một chỗ đứng giữa cuộc đời.
Nhưng giữa dòng chảy chung đó, Banana Yoshimoto vẫn tìm cho bản thân một lối đi riêng, để từ đấy tạo lên Hội chứng Banana – Bananamania, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn học Nhật Bản hiện đại và đương đại.
Khác với sáng tác của Kawabata Yasunari, Oe Kenzaburo trước kia hay Haruki Murakami cùng thời, tác phẩm của Banana Yoshimoto là những áng văn được viết lên bởi một người phụ nữ, mang tâm hồn đầy nữ tính trong cảm quan, cách lựa chọn đề tài, chủ đề, cách xây dựng cốt truyện, phát triển tình tiết, tạo lập và khai thác đời sống nội tâm nhân vật. Và cả giọng văn của Banana Yoshimoto cũng mang một nét rất riêng, xuất phát từ tâm hồn nữ văn sĩ mạnh mẽ song vẫn mềm mại, uyển chuyển.
Có thể nói, Banana Yoshimoto là nữ văn sĩ tiên phong viết về những đề tài, chủ đề gần gụị, quen thuộc đến giản dị với những người phụ nữ Nhật Bản. Đề tài gia đình với những câu chuyện xoay quanh tình thân, tình yêu đôi lứa hay công việc nội trợ của người phụ nữ cứ trở đi trở lại trên trang văn của cô. Quả thực, hiếm có tác giả nào, mà hình ảnh căn bếp lại như trở thành một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chặng đường sáng tác như Banana Yoshimoto: Từ cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô – Kitchen (Dịch nghĩa: Phòng bếp) đến hàng loạt những tác phẩm về sau: Amrita, N.P, Nắp biển… Bếp là nơi lưu giữ kỉ niệm, gắn kết yêu thương, là nơi con người tìm thấy niềm an ủi sau những đau thương, vấp ngã, là nơi mang lại hơi ấm cho tâm hồn con người lẫn duy trì ngọn lửa ấm áp của một gia đình đúng nghĩa, trọn vẹn. “Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp. Chỉ cần nó là bếp, chỉ cần nó là nơi nấu ăn, thì dù ở nơi đâu, như thế nào, tôi cũng cảm thấy không còn buồn bã.” (Kitchen, tr13)
Như nhiều tác giả khác trước đấy và cùng thời, Banana Yoshimoto không khước từ hay chối bỏ sự hiện diện của cái chết trên trang văn. Thậm chí, cái chết luôn luôn hiện hữu trong sáng tác của cô. Nhưng cách Banana Yoshimoto viết về đề tài này lại rất riêng: không day dứt, ám ảnh, khắc khoải như một mặt Hồ tù đọng không tìm thấy lối ra ở các câu chuyện của Kawabata Yasunari; cũng không giống một cánh Rừng Na Uy xa ngái, hoài vọng mãi Phía Tây biên giới, Phía Nam mặt trời như trong văn Haruki Murakami. Cái chết hiện diện trên trang văn của Banana Yoshimoto như một lẽ tất yếu của cuộc sống, như người bà của Mikage trong Kitchen hay người bà của Hajime trong Nắp biển ra đi vì tuổi già hoặc em gái Sakumi ở Amrita là ra đi do những áp lực tâm lý không thể gánh gồng. Và Banana Yoshimoto, nhắc đến sinh ly tử biệt, là một cách để khơi dậy lòng yêu sống, ham sống của con người. Vì thế mà sáng tác của cô “buồn bã nhưng chối từ bi lụy”, một khía cạnh tiên phong trong nền văn học hiện đại Nhật Bản, vẫn luôn đắm trong nỗi buồn thương của cuộc khủng hoảng căn cước.
Chính bởi đề tài, chủ đề gần gụi, giản dị như thế mà hầu hết tác phẩm của Banana Yoshimoto đều có một cốt truyện đơn giản, tình tiết chảy trôi như hơi thở cuộc sống. Vì vậy, nếu so với Kawabata Yasunari, Oe Kenzaburo, Kazuo Ishiguro, Haruki Murakami… thì các câu chuyện Banana Yoshimoto kể dễ đọc, dễ thấm, dễ hiểu hơn. Đó hầu như chỉ là những lời trần thuật vụn vặt trong đời sống của những cô gái trước ngưỡng cửa, bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Nhưng từ đó, độc giả lại dễ dàng thấm thía, đồng cảm hơn trước những gì tác giả gửi gắm trên trang văn. Chẳng vậy mà, sáng tác của Banana Yoshimoto, ngay từ tác phẩm đầu tiên xuất bản vào năm 1987 đã trở thành một hiện tượng. Vì, người ta, đã như tìm thấy một phần cuộc đời trên những sáng tác tiên phong cho lối xây dựng cốt truyện giản dị mà đầy nghệ thuật ấy.
Và bởi thế, mẫu hình nhân vật trong sáng tác của Banana Yoshimoto, vừa là mẫu hình sống nội tâm, cũng vừa là mẫu hình sống hướng ngoại. Sống nội tâm ở dằn vặt vô định về cái tôi, về vị trí, chỗ đứng của bản thân trong lòng người xung quanh, và trong lòng cuộc đời. Banana Yoshimoto là một trong những tác giả tiên phong khi đã xây dựng lên thế giới nội tâm nhân vật được tạo tác từ miền vô thức qua những giấc mơ vụn vỡ của con người. Đồng thời nhân vật của cô vẫn không thoát khỏi “cái tôi”, một cái tôi xã hội, hướng ngoại, lắng nghe từng nhịp thở của thế giới, của yêu thương, rung động, đồng cảm với những cá nhân cùng chung hoàn cảnh để cảm nhận bản thân vẫn đang sống, đang tồn tại, và có một vị trí trong lòng ai đó. Có thể nói, với những cá nhân “chết một nửa” trong Kitchen, Amrita, N.P, Nắp biển… Banana Yoshimoto đã tiến rất gần đến học thuyết phân tâm học của Freud về lý thuyết giấc mơ hay tầng sâu vô thức của con người.
Sáng tác của Banana Yoshimoto là những tạo tác ngôn từ đầy tinh tế đến từ tâm hồn một nữ văn sĩ không chỉ am hiểu văn hóa truyền thống Nhật Bản mà còn khắc khoải yêu đời, yêu sống khôn cùng. Giọng văn của cô luôn mang một vẻ đẹp nao lòng: “Định thần lại thì nước mắt đã trào ra tự lúc nào. Tất cả mọi chuyện sau đó chỉ diễn ra trong vòng năm phút, nhưng trong năm phút đó, tôi đã khóc đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh, như thể cả thế gian này đều tan thành nước mắt.” (Amrita, tr.23) Thậm chí, nếu tách riêng nhiều câu văn, ta dễ dàng thấy được cấu trúc quen thuộc của một bài thơ haiku, nhỏ xinh mà thâm trầm, sâu sắc. “Hai người đàn bà… Căn bếp lúc nửa đêm… Những tâm sự sâu kín… Những lời thì thào… Những tiếng cười rộn rã… Phút hồi xuân với những ước mơ xa…” (Amrita, tr.42)
Trong xã hội Nhật Bản, nhất là Nhật Bản những năm cuối thể kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thì việc bản thân Banana Yoshimoto, một nữ văn sĩ đứng ra nói lên tiếng nói của những người phụ nữ ở đất nước cô đã là một điều tiên phong cho diễn ngôn nữ quyền, cho tiếng nói của người phụ nữ. Vì vậy, đúng như tờ báo The Boston Guide nhận định: “Yoshimoto không nên ngượng ngùng vì sự nổi tiếng. Những gì cô làm được thực sự là một huyền thoại.” Huyền thoại về một nữ nhà văn đã đóng vai trò tiên phong, góp phần đổi mới diện mạo cả nền văn học của một đất nước.
Mọt Mọt