Trong gia tài văn chương ngày càng đồ sộ của tác giả đoạt giải Nobel văn học 2012, “Cao Lương Đỏ” là tác phẩm có sức ảnh hưởng nhất. Chính bản thân nhà văn cũng nhận thấy rằng, cho đến nay, đa phần độc giả hễ nhắc đến Mạc Ngôn là thường gắn liền với tác giả của tiểu thuyết “Cao Lương Đỏ”.
Mạc Ngôn bắt tay vào viết “Cao lương đỏ”, một tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, khi còn đang là sinh viên chuyên ngành Văn học của Học viện Văn nghệ Quân giải phóng. Cảm hứng đến ngẫu nhiên từ một cuộc họp về đề tài sáng tác văn học, chàng sinh viên Quản Mô Nghiệp lúc ấy muốn chứng minh quan điểm của mình rằng thế hệ trẻ không có sự từng trải trong chiến tranh vẫn có thể thông qua hình thức văn học để phản ánh giai đoạn lịch sử chiến tranh, với lập luận:
“Sáng tác văn học của nhà văn không cần phải photo lại lịch sử, vì đó là nhiệm vụ của các nhà sử học. Nhà văn sáng tác đề tài chiến tranh – hiện tượng ngu muội trong tiến trình lịch sử của loài người, sự biểu hiện của họ trong tác phẩm là chiến tranh đã bóp méo tâm hồn của con người, hoặc là sự thay đổi của tính cách con người trong chiến tranh. Xét từ ý nghĩa này, những ai cho dù chưa trải nghiệm qua chiến tranh, cũng có thể sáng tác văn học mang đề tài chiến tranh.” (Trích | Mạc Ngôn: Vì sao tôi lại viết “Cao lương đỏ”)
Mạc Ngôn viết xong phần một vào mùa đông năm 1984 và hoàn thành “Cao lương đỏ” vào năm 1986, cuốn tiểu thuyết liền đoạt ngay giải thưởng văn học Mao Thuẫn 1985–1986, đây cũng là tác phẩm đầu tiên của ông được dịch ra tiếng nước ngoài, đưa tên tuổi Mạc Ngôn vươn ra thế giới.
Hồng cao lương gia tộc.
Từ năm 1931, ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc bị địch chiếm đóng, đến năm 1937 Nhật Bản phát động toàn diện cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, bắt đầu cuộc chiến kéo dài đến năm 1945.
Trong khoảng thời không lịch sử đó, ở một thôn thuộc huyện Cao Mật, ngay cạnh ngôi làng tác giả sinh sống, một toán quân du kích Trung Hoa sau khi phục kích nơi đầu cầu trên sông Giao Thái, đã tiêu diệt được một phân đội quân Nhật và đốt cháy một chiếc xe quân sự của chúng. Vài ngày sau, đại đội binh mã của Nhật trở lại trả thù, quân du kích đã chạy trốn hết, để lại hơn trăm dân làng bị thảm sát dưới cơn khát máu của giặc, nhà cửa thôn xóm bị thiêu rụi thành đống tro tàn.
Mạc Ngôn mượn những dữ kiện lịch sử trên, sử dụng môi trường quê hương quen thuộc với hình ảnh cánh đồng cao lương chạy dài bất tận như tấm bình phong cho các hảo hán lục lâm làm bối cảnh, để đưa câu chuyện chống Nhật và câu chuyện tình yêu quyện vào nhau, qua đó thể hiện những thay đổi về tính cách con người trong bối cảnh điều kiện đặc biệt của chiến tranh.
“Cao lương đỏ”, còn có bản dịch là “Gia tộc cao lương đỏ” hay “Hồng cao lương gia tộc”, tựa tiếng Anh là “Red Sorghum”, gồm 9 chương, chứa đựng nhiều câu chuyện nhỏ được đan cài, lồng ghép vào nhau, diễn ra trong khoảng thời gian và không gian xáo trộn qua thập kỷ thứ hai và thập kỷ thứ ba của thế kỷ trước.
Sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật.
Có lẽ cách lựa chọn đại từ nhân xưng của Mạc Ngôn đã tạo nên điểm nhấn cho “Cao lương đỏ”.
Ngay từ chương mở đầu, Mạc Ngôn đã sử dụng đại từ nhân xưng “tôi” để kể về “bố tôi”, “bà tôi”, “ông tôi”, vừa có ngôi xưng hô thứ nhất lại vừa có góc độ toàn diện. Khi viết đến đại từ “tôi” thì tác giả dùng ngôi thứ nhất. Khi viết đến “bố tôi, “bà tôi”, “ông tôi” thì tác giả lại viết từ góc độ của từng người, vì thế nội tâm của mỗi nhân vật có thể bày tỏ một cách rất trực tiếp, góc độ tự sự trở nên rộng thoáng, lối tự sự trở nên phong phú, khi thuật chuyện hết sức tiện lợi.
Bên cạnh đó, thủ pháp tự sự cũng mang tính độc đáo riêng. Như đã nhắc ở trên, “Cao lương đỏ” chứa đựng nhiều câu chuyện nhỏ được đan cài, lồng ghép vào nhau. Diễn biến mỗi câu chuyện không liền mạch theo trật tự chương, trong mỗi chương lại bao gồm một phần của vài câu chuyện nhỏ.
Câu chuyện nòng cốt của cuốn tiểu thuyết là về đội du kích 40 người do thủ lĩnh thổ phỉ Từ Chiếm Ngao làm tư lệnh, đi phục kích đoàn xe Nhật và giành được thắng lợi, được kể bằng các sự kiện nằm rải rác ở năm chương: 1, 4, 6, 7, 9. Cũng như thế, các mảnh ghép tiểu thuyết khác về câu chuyện tình yêu giữa “ông tôi” và “bà tôi”, về cuộc hôn nhân bất hạnh giữa “bà tôi” với Đơn Biền Lang, về hành trình tiếp tế quân lương của “bà tôi”, về án tử hình của Từ Đại Nha, về cuộc đời của ông La Hán… được thuật lại xen kẽ nhau.
Sự tồn tại độc lập của từng câu chuyện, sự kiện, cuộc đời nhân vật tưởng chừng như rời rạc về hình thức, nhưng lại được liên kết với nhau trong nội dung, tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh về cuộc đấu tranh kháng Nhật của nhân dân Trung Hoa ở một làng quê nhỏ vùng Đông Bắc Cao Mật.
Tinh thần tự do trong tư tưởng và hành động.
“Cao lương đỏ” không đi theo lối mòn lịch sử văn học như những tác phẩm “kinh điển đỏ” thời kỳ Mao Trạch Đông, qua nhân vật Từ Chiếm Ngao, nó lật đổ những quan niệm thường tình về anh hùng, thổ phỉ, nhân tính.
“Họ giết người cướp của, nhưng lại tận trung báo quốc.”
Đồng thời, tác phẩm cũng thách thức lễ giáo phong kiến, qua cuộc đời của “bà tôi” Phượng Liên, nó thể hiện niềm khát khao tự do, khát khao hạnh phúc và lòng ham sống của con người vượt lên trên những ràng buộc cổ hủ, thủ cựu.
Thay vì lý tưởng hóa một thời bi hùng của lịch sử, Mạc Ngôn vẽ nên một bức tranh mang đậm gam màu hiện thực của một thế hệ con người với những nét tính cách đối lập và mâu thuẫn đến cực điểm, như chính mảnh đất mà họ sinh ra và lớn lên:
“Quê hương Đông bắc Cao Mật, không còn nghi ngờ gì nữa, là nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất; siêu thoát nhất, thế tục nhất; trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất; anh hùng hảo hán nhất; đểu giả mất dạy nhất; giỏi uống rượu nhất; biết yêu đương nhất, ở trên trái đất này.”
“Cao lương đỏ” phô bày tinh thần tự do, giải phóng cá tính, dám nói, dám nghĩ, dám làm… của từng nhân vật trong tác phẩm, của tác phẩm trong nền văn học đương thời, và của chính bản thân tác giả trong hành trình khám phá lối đi riêng của mình trên mảnh đất văn chương.
Tác phẩm đưa tên tuổi Mạc Ngôn vươn ra thế giới!
Tiểu thuyết “Cao lương đỏ” có hai lần được chuyển thể thành phim.
Năm 1987, chỉ một năm sau khi cuốn sách hoàn thành, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa “Cao lương đỏ” lên màn ảnh rộng, với sự góp mặt của hai diễn viên chính là Củng Lợi và Khương Văn.
Mạc Ngôn từng bày tỏ:
“Tiểu thuyết tôi viết xong thì chỉ có người trong giới văn quan tâm chứ chẳng ai biết đến. Nhưng sau tết năm đó, có lần giữa đêm đi trên đường cái vẫn còn nghe thấy tiếng nhiều người hát ca khúc trong phim. Gặp được con người như đạo diễn Trương Nghệ Mưu đối với tôi quả thật là một điều vô cùng vinh hạnh!”
Không chỉ nâng cao mức độ nhận biết quốc dân của “Cao lương đỏ”, tác phẩm điện ảnh còn gặt hái được nhiều thành tựu ở nước ngoài, góp phần đưa tên tuổi đạo diễn, diễn viên và dĩ nhiên cả tác giả nguyên tác vươn ra thế giới. Bộ phim đã đoạt vô số giải thưởng cao quý tại các kỳ LHP quốc tế, phải kể đến giải Gấu Vàng – Golden Bear Award – tại LHP Quốc tế Berlin 1988, giải Gấu bạc tại LHP Montreal 1988, top 10 phim tiếng Trung Quốc hay nhất tại LHP HongKong 1989, giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1994… Có lẽ ban đầu Mạc Ngôn cũng không ngờ rằng “Cao lương đỏ” khi được chuyển thể sang bộ môn nghệ thuật thứ bảy lại thành công vang dội đến thế.
Năm 2014, tác phẩm lại một lần nữa được chuyển thể thành phim, lần này là phim truyền hình với độ dài 60 tập, do Trịnh Hiểu Long đạo diễn, Châu Tấn và Chu Á Văn diễn chính. Bộ phim cũng gặt hái được nhiều giải thưởng lớn, đặc biệt là thắng cả ba hạng mục Phim truyền hình xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Hoa Đỉnh 2015.