Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeSách Văn Học Cổ ĐiểnCậu Bé Và Quái Vật (Mamoru Hosoda) – Những cá thể cô...

Cậu Bé Và Quái Vật (Mamoru Hosoda) – Những cá thể cô độc giữa hai chiều thế giới

Thế giới quái vật, tồn tại song song và nằm sâu trong con đường bí mật ngăn cách với xã hội hiện đại của con người.
Nhưng sự bí ẩn và cân bằng trong thế “song song” đó đã bị phá vỡ, khi cậu bé Ren, 9 tuổi không người thân, không gia đình, lạc bước vào một thành phố, nơi quái vật cư ngụ – thành phố Jutengai sau một hồi đi theo gã quái vật gấu Kumatetsu. Để rồi, chính Kumatetsu đã nhận Ren làm đệ tử, đặt cho cậu cái tên Kyuta, cho cậu một mái nhà.
Cho đến một ngày, giữa hai cá thể thuộc giống loài khác biệt nhận ra họ xuất hiện thứ xúc cảm “tình thân” cũng là lúc, biến cố xảy đến.

cậu bé và quái vật review

Cậu bé

Là một tên tuổi vốn nổi tiếng và thân thuộc với độc giả Việt Nam qua cuốn tiểu thuyết Ame và Yuki – Những đứa con của sói, được chính Mamoru Hosoda chắp bút từ bộ phim cùng tên do ông biên kịch và đạo diễn; có thể nói, Cậu bé và quái vật như một sự kế thừa, tiếp nối mảng đề tài huyền thoại quyện hòa cùng hiện thực mà Ame và Yuki – Những đứa con của sói đã đặt ra trước đó. Nhưng khác với tác phẩm, tiểu thuyết Cậu bé và quái vật đi sâu hơn về đời sống tại một thế giới, ở một chiều không gian khác của một cậu bé, đã mất đi tất cả.

Cậu bé ấy tên Ren, 9 tuổi, mất mẹ, vắng bóng cha, những họ hàng không đủ để  Ren cảm thấy tin tưởng. Ren mất đi tất thảy, cuộc sống thường nhật, gia đình cùng niềm tin với con người và cuộc đời. 9 tuổi, độ tuổi những đứa trẻ khác học ăn, học lớn bằng tất cả sự vô tư, trong sáng nhất của tuổi nhỏ. Còn Ren 9 tuổi, cô đơn, lạc lối, hoài nghi hết thảy giữa thế giới “con người” lẫn “quái vật” đầy rẫy xa lạ, hiểm nguy. Cảm tưởng, thế giới rộng lớn ngoài kia, không đâu là “nhà”, dung chứa cậu bé bơ vơ.

Bởi thế, có thể nói, tác giả Mamoru Hosoda đã có cái nhìn hết sức tinh tế trong việc khắc họa lên cá tính và nội tâm của một đứa trẻ có hoàn cảnh hết sức đặc biệt như Ren – Kyuta. Thể hiện trước hết ở sự chuyển đổi ngôi kể, điểm nhìn linh hoạt từ quái vật nhà sư Hyakushubo với ngôi kể thứ nhất, xưng ta sang chính cậu bé Ren cũng ngôi kể thứ nhất, xưng tôi, tự nói về câu chuyện bản thân.

Đến khoảng lặng tâm lý đấu tranh dữ dội của một đứa trẻ sống “ngoài luồng” xã hội luôn mang theo sự cảnh giác đến mức chống đối, phản kháng như cách duy nhất, cậu ta có thể làm để bảo vệ bản thân và khẳng định sự tồn tại yếu ớt trước cuộc đời. Nên, Ren – Kyuta có bướng bỉnh tới hỗn hào, cũng chỉ bởi trái tim cậu bé 9 tuổi ấy đã sớm chất chứa quá nhiều thất vọng, tổn thương và nghi kị. Và Ren – Kyuta, 17 tuổi, lần nữa “nổi loạn” vì những mâu thuẫn của kẻ “lạc loài” ở cả thế giới quái vật lẫn con người. Mong muốn trở về nơi cậu ta thuộc về nhưng lại mâu thuẫn với nơi cậu ta lớn lên.

Mọi giằng xé, từ ngày thơ ấu đến lúc trưởng thành, đều xuất phát từ trái tim cậu bé Ren – Kyuta vốn quá hiểu chuyện. Hiểu rằng, cậu là kẻ ngoại lai, giữa hai thế giới. “Chúng tôi không phải, cũng không thể trở thành những quái vật đẹp đẽ đó. Chúng tôi chỉ là loài người yếu ớt, tự nguyền rủa chính mình, vùng vẫy trong bóng tối nơi lồng ngực.” Vì thế, cũng hơn bất cứ ai, Ren khát khao yêu thương, khao khát mái ấm gia đình, hay đơn thuần, chỉ là được sống một cuộc đời bình thường, cảm nhận hơi ấm tình thân, từ một người cậu bé có thể dựa dẫm mà tin tưởng bằng trọn vẹn trong trẻo của một đứa trẻ cô đơn.

Để rồi, cậu bé cô độc dần mở lòng, đặt niềm tin ở Kumatetsu như sự chấp nhận một định danh mới – Kyuta, cho lần nữa, được sinh ra, ngắm nhìn thế giới, thấu hiểu trên cuộc đời rộng lớn, cuối cùng cậu bé cô độc đã tìm được “nhà”, và tìm một chốn “bình yên”. “Tương tự như thế, cha mẹ chính là thế giới đầu tiên của con trẻ. Thông qua cha mẹ, trẻ tiếp xúc và biết tới thế giới rộng lớn bên ngoài. Chặng đường trưởng thành của con cái không thể thiếu bóng dáng bậc sinh thành, dù có phải “hàng thật” hay không.”

“Cậu bé” trong tiểu thuyết Cậu bé và quái vật, trước hết chính là Ren – Kyuta, nhân vật trung tâm câu chuyện. Nhưng hình ảnh “cậu bé” xuyên suốt cả tác phẩm, đã vượt ra khỏi một cá nhân, trở thành biểu tượng cho những đứa trẻ, dù có phút giây vì sự khác biệt đồng loại mà trở nên xấu tính, song vượt qua nghi kị, thù ghét ban đầu, ai cũng có thể trở thành bè bạn. Và cho thế hệ trẻ Nhật Bản, cô đơn, lạc bước, mang theo “bóng tối” trong trái tim rồi ngày càng chìm sâu vào hố đen tự ti, đố kị. Nhưng tận cùng, chúng vẫn là những đứa trẻ yếu đuối, mong manh, trong sáng mang theo khát cầu yêu thương với trọn vẹn.

cậu bé và quái vật

Quái vật

Đặt ở vị trí đối xứng, có vai trò tương đương trên tiêu đề cuốn sách và được nối với vế “cậu bé” bằng từ “và”, có thể nói, ngoài nhân vật trung tâm là cậu bé Ren – Kyuta, câu chuyện này còn có một nhân vật hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cá tính, tình cảm của Ren, mà mang vai trò ảnh hưởng tới tình tiết cốt truyện Cậu bé và quái vật. Cá nhân đó là tên gấu Kumatetsu. Kẻ Ren đã gặp ở thế giới loài người. Đối tượng đầu tiên Ren tiếp xúc khi đến thế giới quái vật. Kẻ đã đón nhận Ren bằng thái độ bất cần nhất vào khoảng thời gian cậu bé cô đơn nhất, cho cậu một danh phận “đệ tử”, cho cậu một mái nhà dù nơi ấy có thể không được coi là nhà và lối sống của cả hai thì thật quá đỗi khác biệt…

Kumatetsu, quái vật gấu cao lớn, hung hăng, cục súc, sống tùy hứng và tùy tiện, thiếu hoàn toàn kỹ năng ứng xử, giao tiếp xã hội thông thường.

Thế nhưng, một Kumatetsu thiếu rất nhiều, lại có sự mạnh mẽ và tinh thần kiên định không gì lay chuyển được, điều mà một đứa trẻ cũng thiếu thốn tất cả như Ren cần thiết. Bởi, khi cả thế giới từ chối Ren, chính gã đã dang rộng vòng tay với cậu: “Bất kể con người hay miếng cọ nồi, ta đã bảo là đệ tử thì là đệ tử!”

Và hơn hết, Kumatetsu cũng là một kẻ “ngoại lai” trong xã hội. Gã cô đơn, chịu ánh nhìn xa lánh của đồng loại. Gã lạnh lùng, vô nguyên tắc đến mức buông thả. Gã không giỏi giao tiếp song cuối cùng, gã gấu quái vật, lại gần với Ren hơn bất cứ ai. Và dẫu, chưa một lần gã nói thẳng, song những gì gã nói, đều là lời chân thật, được rút ra từ trái tim một tên quái vật vốn sống suốt cả quãng thời gian trước đây chẳng biết đến hai chữ yêu thương: “Muốn hiểu phải tự nghiệm ra chứ?” “Tôi ít nhiều hiểu ý gã. Cách trở nên mạnh mẽ không phải do ai đó tận tình chỉ dạy, cũng chẳng được ghi trong sách vở. Đừng trông cậy vào kẻ khác mà phải căng mắt quan sát xung quanh rồi ngộ ra. Con người (quái vật) không ai gống ai nên mỗi người (quái vật) có sức mạnh khác nhau. Tóm lại, tôi phải tự tìm ra sức mạnh của mình.”

Một gã cô đơn, thu nhận một đứa trẻ cô đơn. Một kẻ lớn lên không cha không mẹ, tự mình trưởng thành, tự mình mạnh mẽ lại nhận nuôi dạy một đứa trẻ yếu đuối để nó tìm ra sức mạnh. Một tên quái vật độc lai độc vãng, thiếu yêu thương và chưa bao giờ biết thương yêu, lại nhận về một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm mà san sẻ tình yêu cho nó. Và quái vật, nuôi dạy cậu bé con người; nhưng chính gã, lại nhận về từ cậu bé ấy, những cảm xúc mong manh, vi tế thật khó để cắt nghĩa, gọi tên. Là phụ tử, tình thầy trò, tình thương hay đơn thuần, là sự đồng cảm của hai tâm hồn đồng điệu nương tựa vào nhau, cùng nhau mạnh mẽ.

Con người hay quái vật, dẫu hai giống loài đến từ hai thế giới khác biệt nhưng tới tận cùng, giữa thế giới bao la, rộng lớn, người ta vẫn tìm đến nhau vì hai chữ “tình thân.” “Ánh hoàng hôn tráng lệ bao phủ cả hai.”

Tuy nhiên, quái vật trong cuốn tiểu thuyết này, đâu chỉ có mỗi Kumatetsu. Mà đây, còn như tượng trưng cho một thế giới lý tưởng. Dù song song với thế giới con người nhưng cư dân ở này không có “bóng tối” trong trái tim. Họ có thể có cạnh tranh, song tuyệt nhiên gần như vắng bóng đố kị. Một thế giới yên bình, có thượng tôn sức mạnh song là thứ sức mạnh được gây dựng từ nền tảng chan hòa và công bằng nhất.

cậu bé và quái vật ipm

Những cá thể cô độc giữa hai chiều thế giới

Như đã nói, Cậu bé và quái vật là một tác phẩm được viết với cấu trúc hết sức đặc biệt. Dòng tự sự của chính cậu bé Ren – Kyuta quyện hòa trong câu chuyện lớn qua lời kể của hai quái vật Hyakushubo và Tatara. Có thể nói, truyện về cậu bé và quái vật, dưới ánh lửa bập bùng đã mang âm hưởng huyền thoại giữa một không gian đậm màu sắc dân gian, cổ tích với những chi tiết giàu chất hư ảo: thế giới song song, quái vật, trận chiến với bóng tối.

Nhưng dẫu thế giới quái vật đơn thuần hay thế giới con người đầy phức tạp, thì ở đâu, trên trang viết của tác giả Mamoru Hosoda cũng xuất hiện những “kẻ ngoại lai” sống cô độc ngoài luồng xã hội, cộng đồng. Hai chiều thế giới, ngỡ rằng song song, rồi cuối cùng lại gặp nhau trên giao điểm những cá thế cô đơn, vô tình thấy nhau giữa dòng đời. Nương tựa vào nhau để có được sức mạnh mà thêm trưởng thành, thấu hiểu bản thân và thấu hiểu nhân gian.

Giữa thế giới vô chừng, chẳng ai có thể mãi là kẻ sống “ngoài luồng.” Những người yêu thương nhau, sẽ tìm đến với nhau, bằng cách này hay cách khác. Tình cảm là thứ mơ hồ nhưng lại gắn kết những con người mang chung dòng máu cùng những kẻ đồng cảnh, tương ngộ.

Người ta cô độc, giữa hai chiều thế giới.

Và người ta đồng cảm, giữa giao điểm của yêu thương.

Nguồn : https://reviewsach.net/cau-be-va-quai-vat/

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên