Trên cả khái niệm về một cuốn sách, “Chạy trời không khỏi đau” của Adam Kay nên được xem như một liều thuốc quan trọng và cấp thiết để kê cho những học sinh đang phân vân lựa chọn ngành y, cho những con người bình thường luôn mang thái độ hoặc tôn trọng hoặc hoạnh họe bác sĩ, cho những chính trị gia đang nghi ngờ về động lực hành nghề của bác sĩ, cho cả những người thầy thuốc đã và đang hàng ngày hàng giờ khoác áo blouse trắng ngược xuôi trị bệnh cứu người.
Tên đầy đủ là “Chạy trời không khỏi đau: Nhật ký bí mật của một bác sĩ trẻ” (tựa gốc “This is going to hurt: Secret Diaries of a Junior Doctor”) xuất bản lần đầu năm 2017, tác phẩm đã trở thành cuốn sách bán chạy số một của Sunday Times trong hơn một năm, đoạt được nhiều giải thưởng cao quý và được dịch sang 37 thứ tiếng.
Phim truyền hình chuyển thể cùng tên “This is going to hurt” hiện đang được phát sóng, do BBC và AMC đồng sản xuất, Ben Whishaw thủ vai chính.
Từ tập hồ sơ đào tạo đến cuốn sách triệu bản.
Năm 2015, sau năm năm giã từ nghề bác sĩ, Adam Kay nhận được văn bản từ Hội đồng Y khoa thông báo chính thức xóa tên anh khỏi sổ đăng ký hành nghề. Cú chốt hạ này thúc đẩy Adam dọn dẹp núi giấy tờ tài liệu cũ và ném chúng vào máy xén giấy, thứ duy nhất anh giữ lại là tập hồ sơ đào tạo ghi lại những kinh nghiệm lâm sàng theo cách thức được gọi là “chiêm nghiệm thực tiễn” (reflective practice).
Cùng khoảng thời gian đó, chính trị gia Jeremy Hunt – Bộ trưởng Y tế Anh (nhiệm kỳ 2012 – 2018) – đã đề xuất những thay đổi về chế độ tiền lương, thời gian và điều kiện làm việc của các bác sĩ trẻ (“junior doctor” là danh từ dùng để gọi các bác sĩ làm việc tại bệnh viện khi đang học chương trình sau đại học, kéo dài từ 8 đến 10 năm) khiến họ bất bình và tổ chức nhiều cuộc đình công, xuống đường biểu tình phản đối chính phủ.
Chứng kiến những công kích từ các chính trị gia mà lớp bác sĩ trẻ trên khắp vương quốc Anh đang gồng mình gánh chịu, thay vì nhún vai lảng tránh, Adam Kay đã quyết định đưa ra những bằng chứng giấy trắng mực đen để công chúng hiểu hơn nghề bác sĩ thật sự là như thế nào. “Chạy trời không khỏi đau” đã gây được sự chú ý lớn, trong Thư ngỏ Bộ trưởng Y tế ở cuối sách, Adam Kay có viết:
“Đừng tiếp tục xuất hiện ở bệnh viện trong sự tiếp đón nồng hậu của giám đốc điều hành, rồi thả bộ loanh quanh, tham quan khu điều trị mới vừa xây xong long lanh lấp lánh như một trạm vũ trụ. Thay vào đó, ông hãy: tận tâm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân ung thư; tận mắt chứng kiến ca phẫu thuật cắt cụt chân của một nạn nhân chấn thương nghiêm trọng; tận tay lấy thai đã chết ra khỏi bụng một người mẹ. Vì tôi thách bất kỳ cá nhân nào, kể cả ông, biết được nghề nghiệp này thực tế đòi hỏi ở chúng tôi những gì, bằng không thì đừng có mà đặt dấu chấm hỏi về động lực làm việc của mỗi bác sĩ.”
Cuốn sách chính là những trang viết được chọn lọc từ tập hồ sơ đào tạo mà Adam Kay đã ghi chép từ năm 2004 đến năm 2010, khi anh hành nghề ở cương vị là một bác sĩ trẻ chuyên ngành Sản phụ khoa. Đó là những tình huống cười ra nước mắt, những giờ làm việc thừa sống thiếu chết, những biến cố tàn phá tâm lý mà hệ thống y tế đã không có một “độ trễ” nào để có thể trị liệu và phục hồi… tất cả đều không thực sự giải quyết vấn đề cho đến một ngày xấu trời, mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng.
Một tác phẩm chân thực đến trần trụi, hài hước đến không tưởng, và đau đớn đến tận cùng.
Con người ai cũng mong manh như ai.
Chữa bệnh cứu người, một nghề nhận được sự trọng vọng cao trong xã hội, nhưng hầu hết công chúng mong đợi ở bác sĩ cao hơn mức con người. Họ mong đợi các bác sĩ luôn sẵn sàng làm việc với hiệu quả tối đa và không sai sót, trong khi hệ thống y tế buộc các bác sĩ trẻ lao động như khổ sai.
Bác sĩ cũng là con người mà?
Bác sĩ cũng cần ăn ngủ đủ giấc để có một cơ thể khỏe mạnh tỉnh táo trước khi cứu người. Bác sĩ cũng cần có cơ hội để được giải tỏa sau những ca làm việc căng thẳng, để được điều trị tâm lý kịp thời, để không phải kiềm nén quá nhiều cảm xúc tiêu cực trong lòng đến mức phải bỏ nghề. Nhiều bác sĩ trẻ từ chức, gánh nặng thiếu hụt nhân sự đè lên những ai cố gắng bám trụ với nghề – cả áp lực về tinh thần lẫn tổn hại về sức khỏe, hệ quả đau đớn là đã có nhiều nhân viên y tế tự tìm đến cái chết khi mọi thứ vượt ngưỡng chịu đựng.
“Có Chúa chứng giám, chúng tôi thật lòng mong các thế hệ đàn em đừng bị hào quang của cái nghề này làm cho mù quáng mà cứ thế đâm đầu vào. Vì vậy, tôi đã nói sự thật với các em học sinh: những ca trực khắc nghiệt, mức lương thấp tè, điều kiện làm việc tệ lậu; các em không được đánh giá đúng khả năng, không được hỗ trợ, ít được tôn trọng, những mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng luôn rình rập xung quanh. Nhưng trên thế gian này, chẳng có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y đâu.”
Nỗi đau và tình yêu mãi âm ỉ trong trái tim những ai theo đuổi nghề y.
Đôi nét về tác giả Adam Kay.
Tên đầy đủ là Adam Richard Kay, sinh ngày 12/06/1980, là nhà văn, biên kịch truyền hình, diễn viên hài, và là cựu bác sĩ người Anh.
Có thể nói rằng, cuốn sách “Chạy trời không khỏi đau” đã khiến tên tuổi Adam Kay nổi tiếng trong nước và vươn ra thế giới, nhưng anh cũng gặt hái được nhiều thành tựu trong sự nghiệp biên kịch và diễn xuất.
Về đời sống cá nhân, Adam Kay là người đồng tính, anh nằm trong top 50 người dùng Twitter LGBT có ảnh hưởng nhất do Pink News bình chọn. Hiện Adam Kay đã kết hôn và sống cùng chồng ở Oxfordshire.