Tác phẩm được viết bởi Andrea Hirata, kể về câu chuyện của những cậu học trò nghèo khó đấu tranh với số phận nghiệt ngã để thực hiện ước mơ được cắp sách đến trường của mình. Cuốn sách là lưỡi dao cắt sâu vào hiện thực tăm tối của Indonesia, gào thét cho những khát vọng chính đáng bị vùi dập không thương tiếc, và là cái tát mạnh mẽ vào chính quyền mục nát những năm 80 tại đất nước này.
Chiến binh cầu vồng – Lưỡi dao lách sâu vào hiện thực mục nát
“Chúng tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa thực dụng.”
Trênhòn đảo Belitong nhỏ bé, tồn tại hai thế giới song hành, một của giới chức siêu giàu được xây dựng trên những đồng tiền bóc lột được từ chính người dân bản địa; một là thế giới của sự bần cùng hóa, được tạo ra bởi một chế độ bóc lột sức lao động của nhân dân. Trong hai thế giới song hành đấy, cuốn sách chọn kể về những hồi ức của những con người trong thế giới thứ hai. Mười đứa trẻ nghèo khó ngày ngày giành giật lấy quyền được đi học. Ngôi trường Muhammadiyah, nơi nuôi dưỡng mười ước mơ nhỏ bé oằn mình trong gió bão để tiếp tục che chở cho những học trò của mình. Đau đớn thay, gió được tạo bởi chính đồng loại của họ, những quan chức cấp cao chỉ chực nuốt chửng lấy ngôi trường.
Cuốn sách là lời khóc than thảm thiết cho một nền giáo dục đã bị lu mờ trước đồng tiền và thành tích; là hồi kí về những hành trình quá gian nan và vất vả để có thể tiệp cận với con chữ. Những đứa trẻ phải chiến đấu với cá sấu, với đầm lầy, tiền ăn tiền học hằng ngày; phải lựa chọn giữa từ bỏ quyền được học để trở thành culi, công nhân cho những người giàu có và việc phải cược cả tính mạng để được đi học. Từng lời văn đào sâu vào cuộc sống khó nhọc, leo lắt khiến người đọc cũng phải ngậm ngùi. Hình tượng ngôi trường làng được xây dựng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phân hóa giàu nghèo tại hòn đảo Belitong nhỏ bé. Đồng tiền xoay vần trên lưng người, đổi trắng thay đen, ngang nhiên cướp lấy khát vọng chính đáng của con người.
Những con người gieo mầm trong gió bão
Tựa như những cánh chim vẫn vươn mình bay hiên ngang trong gió bão, ở hòn đảo nhỏ bé này, cũng có những con người lặng lẽ tìm đường thay đổi số phận của mình, góp nhặt từng hi vọng mà dệt thành ước mơ.
Đó là Lintang – một chiến binh đặt biệt trong nhóm vẫn hằng ngày đạp xe tổng cộng 40 cây số tới trường, băng qua 4 khu rừng đầm lầy cá sấu. Một thần đồng được nuôi dưỡng trong căn lều hàng chục năm chỉ có ánh nến soi sáng.
Đó Mahar, tài năng, thiên tài nghệ thuật bằng sư láu lỉnh và thông minh của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho công trình thay đổi số phận vĩ đại mà các bạn mình đã đặt ra.
Đó những chiến binh dũng cảm, chiến đấu bằng tất cả lòng yêu thương và khát khao hi vọng để bảo vệ lấy quyền được đi học của mình. Mỗi con người một tính cách, một tài năng, họ đã nương tựa vào nhau mà sống. Tất cả những con người ấy đã vẽ nên một bức tranh thật khác cho hòn đảo vốn đã quen với sự nghèo túng và ngu dốt. Những đứa con của những công nhân, culi đã làm được những điều phi thường mà ngàn đời sau vẫn xứng được ca ngợi.
Đó còn là thầy Harfan và cô Mus, những giáo viên hay nói đúng hơn, những sứ giả mà thượng đế đã phái đến để có thể nâng niu che chở cho những ước mơ nhỏ bé. Họ đã dạy bằng cả trái tim, không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là đem cả một nền giáo dục đến cho miền quê nghèo khổ. Những con người đã chiến đấu bằng cả tính mạng của mình cho một nền giáo dục công bằng, cho sự thực thi công lý, cho niềm tin và khát khao chính đáng.
Tác phẩm đã rất thành công khi khắc họa những nhân vật biểu tượng ấy, đi sâu vào hồn người, lặng lẽ đi tìm những hạt ngọc ẩn sâu nhất nhưng lại đẹp đẽ nhất mà những người khác đã bỏ quên nó.
Hành trình của khát vọng và niềm tin
Mọi công dân đều có quyền học hành
(Hiến pháp Nước Cộng hoà Indonesia, Điều 33)
Là bức tranh phản ánh sự thật, song điều tác phẩm hướng đến vẫn luôn là cái đẹp, cái chân thiện mỹ trong hồn người. Tác giả lặng lẽ vén bức màn bóng đêm để vẽ lại cuộc hành trình gian lao và vất vả của thầy trò nơi đây.
Nó không đơn thuần chỉ là hành trình đi tìm con chữ, nó là hành trình của khát khao thoát khỏi sự ngu dốt đã kìm hãm chân của những con người nơi đây quá lâu. Trong trí óc của mỗi đứa trẻ, chúng mong muốn phá tan định kiến xã hội, đập nát cái thế giới phân biệt giàu nghèo, xé toang cái áp lực cơm áo gạo tiền. Mỗi buổi đi học đều là một cuộc chiến, là sự đánh đổi to lớn. Song hành trình đi học của từng người chưa bao giờ dừng lại, chúng học làm người, học biết ước mơ và đã dám mơ về những điều to lớn.
Những nhân vật trong câu chuyện đều trân quý từng khoảnh khắc họ được đến trường, bởi đó là cơ hội duy nhất chúng được tiếp thu kiến thức mới. Trong sự thiếu thốn đủ đường, những đứa trẻ tìm thấy ước mơ của mình. Trong sự đe dọa đến từ quan chức cấp cao, chúng tìm thấy giá trị của bản thân mình. Bất cứ đứa trẻ nào cũng có quyền được học, quyền được sống và quyền được hạnh phúc, sự tồn tại của mười đứa trẻ trong câu chuyện là một lời khẳng định không ai và không thứ gì được phép tước đoạt đi những quyền lợi chính đáng đó.
Và bởi vậy cuốn sách đã kể thật sống động về cuộc hành trình của niềm tin và khát vọng, dẫu cho cuối cùng đã khép lại thật đau đớn, cũng đã kịp gieo vào lòng đất những hạt mầm của hi vọng. Nó giống như sự báo hiệu về một cuộc cách mạng trong tương lai, đập tan sự kìm hãm và mơ về một thế giới tốt đẹp
Cái kết không vẹn toàn
Cho đến cuối cùng, những ước mơ đều bị dập tắt theo cách này hay cách khác, như một lời khẳng định sự học chẳng bao giờ dễ dàng. Chiến binh cầu vồng là một tác phẩm không nhẹ nhàng, nó sẵn sàng đả kích mãnh mẽ cái xấu xa, và dọn đường cho cái đẹp một cách mãnh liệt nhất; song lại đi vào lòng người một cách thật sâu lắng và đẹp đẽ.
Với bất cứ ai muốn tìm lại giá trị của cuộc sống, muốn học cách yêu thương và sẻ chia, đây là cuốn sách tuyệt vời cho bạn.
Review chi tiết bởi Thảo Nguyên
Nguồn : https://sachhay24h.com/chien-binh-cau-vong-bai-ca-cho-khat-vong-va-niem-tin-a587.html
Đọc thêm: