“Chó Xanh Lông Dài” không kịch tính, cũng không chứa đựng quá nhiều bất ngờ, Hwang Sun-mi cứ bình bình đạm đạm kể qua hết chương này đến chương khác, có sinh ra có chết đi, từ gặp gỡ đến ly biệt… những câu chuyện thường nhật của con người và loài vật. Tác phẩm, một cách chậm rãi và sâu lắng, diễn dịch niềm vui và nỗi buồn của cuộc đời, theo một cách rất riêng.
Chuyện về một chú chó lông dài.
Một ngày cuối hạ năm 2012, Hwang Sun-mi hoàn thành những trang viết cuối cùng và ra mắt bạn đọc “Chó xanh lông dài”, tác phẩm nằm trong bộ sách “Văn học về loài vật” và được trao nhiều giải thưởng.
Vẫn chọn lối ẩn thân để đóng vai trò một nhân vật “biết tuốt”, vẫn sử dụng ngôi thứ ba như trong tác phẩm nổi tiếng “Cô gà mái xổng chuồng”, lần này nữ nhà văn quen thuộc trong thế giới truyện thiếu nhi Hàn Quốc kể về nhân vật chính là Ja Ang – một chú chó lông dài khác biệt trong gia đình, đặt trong mối quan hệ với động vật cùng loài, khác loài, và với con người.
Vừa sinh ra đã mọc hết lông, đen tuyền từ đầu đến chân, không giống mẹ cũng chẳng giống cha, càng lớn lông lại càng dài thườn thượt, che cả mắt – Ja Ang bị chính anh em và Vàng mẹ ghét bỏ vì trông… chẳng gọn gàng gì! Nhưng Ja Ang lại là chú chó mở mắt sớm nhất, cũng có linh tính nhất, nên nó đã có thể tránh thoát bởi tay trộm chó, nhưng cũng vì thế mà nó biết được nỗi buồn của sự chia ly, với mẹ, với anh em, với những đứa con của mình, và với cả mụ mèo dù đáng ghét nhưng vẫn là bạn. Chỉ có ông lão là luôn ở bên, dẫu có đánh mắng, có giận hờn:
“Lông Dài chưa một lần vừa lòng với lão To Giọng. Lông Dài chưa từng thích lão, người đã làm nó buồn, làm nó giận, làm nó chỉ còn một mình hết lần này đến lần khác. Nhưng dù vậy, nó không thể rời xa lão, cũng không thể ghét lão đến cùng được. Đúng là chuyện kỳ quặc.”
Song song chuyện loài vật là chuyện con người, đó là những năm tháng cuối đời của lão To Giọng, cuộc sống về già trong nỗi cô đơn phiền muộn sống xa con cháu, kiếm tìm niềm an ủi từ vật nuôi. Giữa Ja Ang và lão To Giọng đã không đơn thuần là mối quan hệ giữa chủ và vật nuôi nữa, mà đã hình thành sợi dây liên kết, là điểm tựa tinh thần cho nhau, còn có thể… uống rượu cùng nhau nữa.
Dựa trên những chất liệu từ chính thời thơ ấu của mình, với ngôi nhà và chiếc cầu thang ốc sên, tác giả Hwang Sun-mi đã viết câu chuyện “Chó xanh lông dài”, mang theo nhiều hoài niệm, lòng trắc ẩn và góc nhìn chiêm nghiệm cuộc đời.
Chia ly không phải là điều tồi tệ nhất!
Nỗi buồn chia ly ập đến làm lòng Ja Ang vỡ nát hết lần này đến lần khác, cho đến khi nó gặp lại Trắng con.
“Lông Dài lấy làm biết ơn vì Trắng con không gặp bất hạnh sau khi rời khỏi nhà như nó đã tưởng. Nó cứ lo sợ tất cả các con đều chết hết, nên biết được Trắng con đã lớn khôn tuyệt vời thế này, Lông Dài cảm thấy thật may mắn. Lông Dài chỉ biết cảm ơn trời đất vì suốt buối sáng nó cứ đi vòng vòng qua mấy con đường vậy mà vẫn gặp ngay được Trắng con ở một trong rất nhiều ngã rẽ ấy.”
Chia ly rất buồn, nhưng đó là quy luật tất yếu của cuộc đời. Có gặp gỡ thì phải có chia ly. Bữa tiệc nào rồi cũng sẽ tàn. Thay vì quá đau buồn, nên suy nghĩ theo một hướng tích cực khác, nên cầu mong sau cuộc ly biệt là một hành trình mới nhiều sắc màu và nhiều may mắn. Thay vì bi quan, nên học cách chấp nhận và biết ơn.
Và biết đâu, sau khi từ giã cõi đời này, vẫn sẽ gặp được người bạn thân thiết bấy lâu nay đang chờ đợi trên chiếc cầu thang ốc sên, bên cạnh cây hồng sum xuê lá cùng những luống hoa nở rộ.
Không giới hạn độc giả.
Trẻ em hẳn là sẽ rất thích tác phẩm này, vì hình minh họa quá xinh đẹp. Các bức tranh với nét vẽ đơn giản nhưng hút mắt vô cùng. Giống như “Hoàng tử bé” vậy, trẻ em đọc có thể không hiểu hết nội dung ý nghĩa, nhưng chắc chắn sẽ thích.
“Chó xanh lông dài” là một câu chuyện viết cho thiếu nhi, nhưng bên cạnh những tình tiết ngây thơ đáng yêu, sách cũng mang những nỗi buồn dai dẳng, chứa đựng những không gian đa chiều. Tùy mỗi lứa tuổi, sẽ có điểm tiếp cận tác phẩm khác nhau.
“Sống trên đời vốn là vậy đấy. Chia tay này, rồi chết nữa này.”
Bạn của Ja Ang – mụ mèo già có chút xấu xa bên hàng xóm, nhưng hình như nói câu nào cũng hẳn hoi cả, có lẽ là mụ sống lâu, đã đủ lâu để hiểu nhiều về thế sự. Tác phẩm giống như một phác thảo đơn giản của gặp gỡ và chia ly, của sự sống và cái chết.
Hwang Sun-mi với một lối viết rất riêng, không hề cứng nhắc, không hề khiên cưỡng hay áp đặt bài học sáo rỗng, mà sẻ chia thực tế cuộc sống đang diễn ra đa chiều như thế nào. Cuốn sách bởi vậy, không chỉ gợi mở cho trẻ một khoảng trời để suy nghĩ bằng nhãn quan của mình, mà còn dành cho người lớn, cho những độc giả trưởng thành, tự soi bóng bản thân và suy ngẫm.