“Con chim xanh biếc
Đậu hờ trên tay
Yêu anh đến thế
Mà thành mây bay…”
Đã từ lâu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xác lập cho mình một vị trí không thể thay thế ở dòng văn chương dành cho tuổi mới lớn.
Những cảm xúc trong trẻo, hồn hậu gắn liền những ký ức tuổi thơ ở một vùng quê nghèo miền Trung hay những cảm xúc mưa nắng thất thường của tuổi mới lớn đều được ông nắm bắt tâm lý tài tình và viết ra với một văn phong giản dị mà thấu hiểu.
Từ trường của Nguyễn Nhật Ánh
Phong cách viết của Nguyễn Nhật Ánh tưởng không dụng công mà thực ra đầy dụng công. Hoặc cũng có thể, ông được tạo hóa ban cho một cục nam châm “hút” độc giả.
“Từ trường” của Nguyễn Nhật Ánh luôn tỏa ra từ các trang sách từ những năm 90 của thế kỷ trước cho đến ngày hôm nay, khiến cho độc giả của 30 năm trước hay của thời đại “mạng xã hội” bây giờ vẫn có thể tìm thấy những đồng điệu về cảm xúc hay tâm hồn khi đọc sách của ông.
Con chim xanh biếc bay về, cuốn truyện dài mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh – đến hẹn lại lên, vừa ra mắt độc giả như lời hứa một năm viết một cuốn mới của ông – cũng là một tác phẩm như vậy.
Cái màu xanh biếc ở nhan đề của truyện tưởng như đã gặp ở đâu đó trong các tác phẩm trước đây của Nguyễn Nhật Ánh, và luôn chất chứa một nỗi buồn nào đó, như trong Ngồi khóc trên cây hay Mắt biếc. Có lẽ vì thế mà ta có linh cảm cuốn truyện mới này cũng mang đến nhiều nỗi buồn như thế.
Điều đó có vẻ không sai khi ta đọc đến phần hai của truyện, nhưng trước hết, hãy bắt đầu bước vào chuyến hành trình có phần khác biệt của “con chim xanh biếc” ở phần mở đầu.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách Con chim xanh biếc bay về. Ảnh: NXB Trẻ.
Khác với hầu hết truyện dài trước đây khi xây dựng nhân vật chính là những đứa trẻ ở vùng quê nghèo hay những cô cậu học trò tuổi mới lớn, Con chim xanh biếc bay về có sự thay đổi đáng kể khi tập trung vào những thanh niên trẻ mới ra trường và đang chật vật mưu sinh ở thành phố.
Phần đầu của truyện dài có tên là “Quán chợ” qua giọng dẫn chuyện xưng “tôi” của một nhân vật nữ dẫn dắt người đọc bước vào hành trình lập nghiệp của những người trẻ ở TP.HCM.
Đó là Khuê, một cô sinh viên mới ra trường. Chưa tìm được việc làm đúng năng lực được đào tạo, cô đi làm việc ở một quán ăn cho ông chủ trẻ tên Sâm. Qua tự sự của Khuê, ta biết được đó là cô gái tính tình có vẻ bộc trực, ngẫu hứng, dễ tự ái, hay dỗi hờn, nhưng lại là một cô gái có tâm hồn đa cảm.
Trái ngược với Khuê là Sâm, ông chủ của quán ăn mà cô làm việc, già hơn tuổi, gương mặt có phần khắc khổ cộng với tính cách kỹ lưỡng, cầu toàn, ghét sự cẩu thả và đôi khi hơi nguyên tắc.
Tính nguyên tắc của Sâm thể hiện ở chuyện anh ta chỉ lấy hàng ở những mối quen thân thiết, dù đắt hơn; hoặc chuyện anh ta nhất quyết bắt Khuê phải trả lại những món quà mà bạn hàng tặng dịp Tết nhất.
Điều đó nảy sinh không ít mâu thuẫn giữa ông chủ và người làm thuê mà Khuê là người trực tiếp chịu đựng. Nhưng giữa sự khác biệt hay có phần khắc khẩu đó, ta vẫn thấy được cả hai dành sự quan tâm cho nhau.
Thậm chí, những tình cảm mơ hồ bộc phát hay sự ghen tuông khi phát hiện ra mình là kẻ thứ ba: “Trong bộ phim tình cảm được đạo diễn bởi bàn tay của thần may rủi đó, hóa ra tôi chỉ là một nhân vật phụ ngớ ngẩn, chết ngay ở cú vấp té đầu tiên ở cảnh đầu tiên”.
Hoặc: “Tôi tự thuyết phục rằng giữa tôi và Sâm không hề tồn tại cuộc tình nào, vì một cuộc tình thực sự thì không thể tạo ra từ một phía, cũng như một nụ hôn không thể được thực hiện chỉ bởi một người”.
Ngoài hai nhân vật có vẻ có nhiều duyên nợ mà xung khắc đó, ta còn gặp những nhân vật “đậm chất Nguyễn Nhật Ánh” khác, như Lương, một cô đồng nghiệp làm chung ở quán ăn, tính tình hài hước, yêu đời, thích triết lý, thích làm thơ.
“Lẫn trong tình yêu một chút gì tính toán / Lẫn trong vàng một sắc đồng pha / Lẫn trong thủy chung một hạt mầm phản bội / Trong trăng non người lẫn chút trăng tà”.
Hay Tịnh, cô bạn cùng quê thuê chung phòng trọ với Khuê, dù xuất thân khá giả vẫn tự lập bằng chính năng lực của mình thay vì dựa dẫm vào bố mẹ.
Đó còn là những chị Dần, cô Mười, chị Điệp, dì Hai Anh, dì Ba Được… những tiểu thương ở chợ với sự chất phác, trọng tình nghĩa hay một đôi tình nhân lớn tuổi bắt đầu mối tình của họ ở quán ăn mà Khuê, Lương làm việc…
Cho dù độ tuổi hay bối cảnh có ít nhiều thay đổi, ta vẫn cảm nhận được “từ trường” của Nguyễn Nhật Ánh tỏa ra qua từng trang viết, qua cách ông khai thác tâm lý của nhân vật.
Hoặc đôi khi, qua những câu văn mang đậm phong cách Nguyễn Nhật Ánh: “Bọn con trai là vậy, chuyên đi gây tội ác”, hay “Tình yêu đâu phải chiến tranh. Tôi chả thèm lên phương án tác chiến nữa, đành để tới đâu hay tới đó. Yêu mà giống vừa đi vừa dò mìn thì khổ quá, thà không yêu còn hơn”.
Sách Con chim xanh biếc bay về bản bìa mềm. Ảnh: Y Nguyên
Những hoán chuyển của số phận, tình yêu
Nếu ở phần một, không khí của Con chim xanh biếc bay về dù có nhiều thay đổi vẫn mang nhiều chất liệu cảm xúc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà ông đã tạo dựng thành công thì sang phần hai, khi đổi vai tự sự cho nhân vật xưng tôi là Sâm, cuốn truyện dài dẫn dắt người đọc bước vào một câu chuyện nhiều đau buồn, mất mát mà ta dự cảm từ đầu qua từ khóa “xanh biếc” ở nhan đề truyện.
Sự thay đổi tự sự đột ngột của phần này khiến ta liên tưởng đang đọc một cuốn truyện dài kiểu Chàng trai đến từ hôm qua với những tình cờ, ngẫu nhiên của số phận mà ta từng bắt gặp trong những truyện dài trước đây của Nguyễn Nhật Ánh.
Nhưng trong sự tình cờ ngẫu nhiên đó, ta nhận ra những thứ cảm xúc nhiều mất mát hơn là những ký ức hồn nhiên, trong trẻo trước đây.
Những ký ức tuổi thơ của Sâm dần dần hiện ra trong đám sương mờ, đưa người đọc bước vào một câu chuyện với quá nhiều buồn tủi, thậm chí đau thương về sự hoán chuyển của số phận do sự bất cẩn của con người khiến nhiều người thân của anh phải trả giá. Hay nói như Khuê, Sâm là “một đứa trẻ được sinh ra cho cuộc đời bắt nạt”.
Và chỉ khi đọc đến đấy ta mới hiểu rằng tại sao Sâm lại có những nguyên tắc sống đôi khi hơi cứng nhắc như vậy, đặc biệt là anh ghét sự cẩu thả đến vậy. “Đâu phải sai lầm nào trên đời cũng có thể sửa chữa. Trong cuộc sống vẫn có những đổ vỡ, mất mát vô phương cứu vãn đó thôi”.
Phần cuối cùng của truyện dài này, giọng dẫn chuyện giữa hai nhân vật chính lại liên tục đổi vai cho nhau, dần dần khai mở hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Ở Khuê, những bất ngờ kiểu trên trời rơi xuống đó khiến cô thấy mình “giống như một sinh linh bị trù ếm, từ lúc nào đã biến thành một quả lắc bị cuộc sống tha hồ đưa qua đẩy lại – luôn cảm thấy chóng mặt giữa thực tế và tưởng tượng, giữa chân tình và ngộ nhận, giữa lòng quyết tâm và nỗi băn khoăn, giữa khoảnh khắc bình yên và những ngày dậy sóng”.
Còn ở Sâm, bất ngờ đó lại là một sự trưởng thành và vị tha mà anh đón nhận từ đầu: “Con người ta tới một lúc nào đó cũng phải trưởng thành. Tất nhiên tùy vào hoàn cảnh mà có người trưởng thành một cách hồn nhiên, có người chấp nhận rớm máu để lớn lên – như qua một ca phẫu thuật hiểm nghèo”.
Trong cuốn truyện dài về những hoán chuyển lạ lùng của số phận hay tình yêu này, đôi khi Nguyễn Nhật Ánh khai thác một chủ đề tưởng như rất cũ, thậm chí lạc hậu, lỗi thời như chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, chuyện “coi mắt”, “mai mối”…; nhưng với cách kể chuyện đậm màu cổ tích hiện đại của mình, chúng lại trở nên hợp lý vô cùng.
Thế mới biết không phải là chủ đề gì, mà cách khai thác chủ đề đó như thế nào mới là điều đáng nói.
Bố cục chặt chẽ với ba phần, liên tục thay đổi, hoán chuyển góc nhìn tự sự và ở phần cuối, hai góc nhìn đó lại xen kẽ nhau, giúp người đọc soi chiếu được nội tâm của hai nhân vật chính và hóa giải những hiểu lầm giữa họ.
Cách viết này giống như cách người ta bóc một củ hành, và chỉ đến khi vào đến lớp trong cùng, chúng ta mới hiểu được tại sao họ có những tính cách hay hành động như vậy.
Phong cách này cũng giống như một bộ phim trinh thám về tình yêu với những cú “twist” (đảo chiều) chóng mặt ở đoạn kết khiến độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và có lẽ dù biết bị tác giả “dắt mũi”, tôi tin rằng những độc giả của ông vẫn hào hứng chấp nhận với cái kết quá đỗi ngọt ngào.
Và với Con chim xanh biếc bay về, Nguyễn Nhật Ánh vẫn tiếp tục chinh phục chúng ta bằng một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Chuyện cổ tích đó vẫn còn tiếp diễn, sau khi những nhân vật như Sâm, như Khuê, như Quyền… đứng lên sửa sai và bước tiếp sau những mất mát, hiểu lầm mà họ phải trả giá, cho dù đó là những lỗi lầm không phải do chính họ gây ra.
Và cuối cùng, giống như những câu chuyện cổ tích (dành cho người lớn) khác, dù cổ điển hay hiện đại, tình yêu trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh vẫn sẽ chiến thắng.
“Trái tim trong lồng ngực mỗi người giống như chiếc đồng hồ đỏng đảnh, thỉnh thoảng tỏ ra mệt mỏi biếng lười, nhưng bạn yên tâm đi, rồi nó sẽ tích tắc chạy lại một khi thần tình yêu đã lên dây”.
Con chim xanh biếc bay về sẽ dẫn dắt độc giả và ngay cả chính những nhân vật trong truyện đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhưng cái kết cuối cùng sẽ khiến các nhân vật không thể hài lòng và hạnh phúc hơn.
Khác với giọng văn vui tươi và hài hước thường thấy của Nguyễn Nhật Ánh khi viết những câu chuyện cho thiếu nhi, thì trong Con chim xanh biếc bay về lại có những cao trào khiến người ta thắt lại. Có lẽ vì tác giả đang viết về những người trưởng thành, họ chỉ hồi tưởng lại những kí ức tuổi thơ: có hiểu lầm, có day dứt mà mãi sau này khi trưởng thành họ mới hóa giải được bằng một liều thuốc tên là tình yêu. Không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình cảm gia đình, tình anh em… những tình yêu buộc phải câm lặng quá lâu trước khi hóa thành con chim xanh biếc bay về.
Nguồn:
Nguồn : https://sachhay24h.com/con-chim-xanh-biec-bay-ve-cau-chuyen-co-tich-danh-cho-nguoi-lon-a749.html
Đọc thêm: