Đắc nhân tâm của Dale Carnegie – top những quyến sách bán chạy nhất thế giới, đồng thời cũng là một cuốn sách thật sự đem lại những ý kiến chỉ trích trái chiều. Có kẻ đam mê cho rằng nó là cuốn sách đem lại nhiều giá trị tuyệt vời cho người đọc, bao gồm những lời khuyên cực kì bổ ích về cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng cũng không ít kẻ chê bai, đây thực chất là tổng hợp những bí thuật lừa dối đầy giả tạo, dùng miệng lưỡi dối gian để làm công cụ thu phục lòng người nhắm mục đích xấu xa, chuộc lợi
Bạn thuộc trường phái nào? Khen hay chê cuốn sách? Hãy chậm rãi thưởng thức bài viết dài ngoằng này bên một cốc cà phê và tự có riêng câu trả lời cho chính mình nhé
Trước tiên, hãy để reviewsach.net đưa ra những giới thiệu sơ khai giành cho những độc giả chưa biết tới cuốn Đắc nhân tâm đã nhé. Đắc nhân tâm hay hiểu đơn giản là “được lòng người”, liệu rằng có thực sự “thu phục” lòng người hay không!
Thoạt đầu, ấn tượng đầu tiên mà bạn có thể thấy về quyển sách này chính là cái bìa không quá sặc sỡ của nó, với giá thành rất rẻ (76.000đ), hai màu xanh – đỏ nằm xen kẽ nhau và ở giữa là dòng chữ ‘đắc nhân tâm’ được in đậm vô cùng rõ rệt nhằm mục đích đánh lừa thị giác.
Sách hay nên đọc
Về nội dung của Đắc Nhân Tâm, nói như thế nào cho dễ hiểu nhỉ? Có lẽ chúng ta sẽ nhìn ra cuộc sống một chút xíu, nhất là những cái nhỏ nhặt nhất, giao tiếp chào hỏi
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình đã thật sự làm tốt bản thân trong những công cuộc ứng xử đời thường chưa? Bạn là người hay gặp phải những trở ngại trong giao tiếp? Trong công việc, bạn có từng gây xích mích hay luôn cảm thấy khó khăn khi phải thường xuyên tiếp xúc với các đồng nghiệp? Bạn không biết cách phải ứng xử thế nào khi lỡ làm một chuyện gì đó gây phật lòng người khác? Hay đơn giản là bạn đang muốn làm đẹp thêm các quan hệ xã hội, bạn muốn khiến mọi người công nhận và ngày càng yêu quý bạn? Nếu bạn tin rằng cuốn sách này có thể đem lại những điều bổ ích giúp bạn mở khóa trái tim người khác thì có lẽ bạn thuộc nhóm người sẽ thích khen cuốn sách này
Có một sự thật là không thể phủ nhận rằng Đắc nhân tâm’ đã đang và vẫn sẽ luôn là một trong những quyển sách bán chạy nhất thế giới! Được xuất bản năm 1936, với số lượng bán ra hơn 15 triệu bản và được coi là ‘một trong những quyển sách bán chạy nhất New York Times trong 10 năm’. Tính đến nay, sách đã được dịch ra ở hầu hết các ngôn ngữ, trong đó có cả Việt Nam, và đã nhận được sự đón tiếp nhiệt tình của đọc giả ở hầu hết các quốc gia. Nếu bạn là một người có tư duy logic cao, có thể bạn sẽ tự hỏi, một cuốn sách dở thì không thể nào mà được bán chạy trên nhiều quốc gia và được dịch ra nhiều thứ tiếng đến thế, phải không nào!
Cũng nhờ có tầm hiểu biết rộng rãi và khả năng ‘ứng xử một cách nghệ thuật trong giao tiếp’ – tác giả đại tài Dale Carnegie đã viết ra một quyển sách với góc nhìn khá độc đáo và mới mẻ trong giao tiếp hàng ngày một cách vô cùng thú vị – Thông qua những mẫu truyện rời rạc nhưng lại đầy lý lẽ được tạm coi là “khá thuyết phục” tại thời điểm đó – và nhờ vậy tìm ra những kinh nghiệm để đúc kết ra những nguyên tắc vô cùng ‘ngược ngạo’, nhưng cũng rất logic dưới cái nhìn chủ quan của tác giả
À tất nhiên, khi cuốn sách ra đời ở thời điểm xa xưa ấy, nó gây ra một tiếng vang rất rất lớn!
Nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ nhạt nhòa theo thời gian. Sau khi nhận những cơn mưa lời khen thì loài người thông minh với vốn từ siêu việt cũng nhưng quan niệm liên tục đổi mới và những tư duy phản biện xuất sắc, cũng đã bắt đầu hoài nghi và đặt dấu hỏi cho những luận điểm của cuốn sách “thần thánh” này. Đã không ít người, thậm chí là những người nổi tiếng lên án, cho rằng tư duy của những điều chỉ dạy trong sách là khôn lỏi, là dùng miệng lưỡi để hại người, đạt lợi cho riêng mình. Cuộc tranh luận về cuốn sách này, cứ thế không có hồi kết.
Với những ai có tư duy tích cực, thích nhìn mọi thứ một cách nồng ấm và hơi hướng “màu hồng” thì dưới đây là những lời khen có cánh về cuốn sách mà bạn có thể sẽ thấy thích nghe. Tất nhiên là cũng đừng vội mừng, vì chúng tôi cũng đem hết những luận điểm chê bai để ở ngay cuối bài, để độc giả có thể có được cái nhìn tổng quan nhất.
Bắt đầu thôi nhỉ
Đắc Nhân Tâm có phải là nghệ thuật ứng xử thông minh?
Trước tiên chúng ta cần phải làm rõ một quan điểm, đó là tại sao con người ta cần phải biết cách thu phục ‘nhân tâm’? Và tại sao chúng ta lại phải mua một quyển sách self-help khi không chắc chắn nó thật sự bổ ích? Đó là câu hỏi mà bất cứ một ai trước khi sẵn sàng mua bất cứ một quyển sách nào đấy đều phải nghĩ và cân nhắc đến. Bởi chắc hẳn không một ai muốn lãng phí thời gian quý báu của mình để làm những điều không mang lại chút lợi ích nào, và câu trả lời là ở đây là? Bởi nếu nó thật sự đáng giá, (và quả thật có vô vàng khán giả đã kiểm chứng rằng nó thật sự không làm lãng phí thời gian của bạn chút nào) thì có thể nó sẽ thay đổi được nhận thức nhân sinh quan của một con người.
Nhiều độc giả đánh giá rằng, Đắc nhân tâm là một trong số những quyển sách có tầm cao về giá trị nội dung, và đặc biệt khi điều mà quyển sách này truyền tải chính là những gì mà con người ta ở thời đại này cần phát triển nhất, một xu hướng xây dựng xã hội tương lai, đó chính là cách để tạo nên những mối quan hệ bền vững – Một điều mà tất cả những tổ chức, hay bất cứ một cá nhân nào đều đang tìm tòi và đề cao hơn cả!
Đắc nhân tâm – khi giao tiếp trở thành nghệ thuật, khi khôn khéo trở thành đời thường
Có lẽ, nói đến đây, có thể đối với một số người không có cái nhìn thiện cảm với sách, hoặc không thích đọc sách thì việc đọc một cuốn sách dày gần trăm trang không nguy ngờ gì là một điều khá tồi tệ, hoặc bởi bạn không thích phải tiếp thu kiến thức thông qua việc đọc hiểu một cách máy móc. Song, thật đáng kinh ngạc khi Đắt nhân tâm không phải một quyển sách với nội dung quá cứng ngắt hay tẻ nhạt khi tập trung quá nhiều kiến thức vào cùng một chủ đề, mà được viết dưới hình thức như một câu chuyện gối đầu với nội dung tinh tế, tỉ mỉ, dễ hiểu nhưng lại để lại một nét bút ấn tượng vào trong lòng người đọc. Phải, nói như thế, nhưng có ai lại biết rằng, những con chữ trong một cuốn sách không thể nói là dày, lại là thứ có đủ khả năng thể làm thay đổi cả thế giới của bạn?
Có người từng nói: Để một thứ có đủ khả năng làm thay đổi cả thế giới của bạn, thì điều thiết yếu chính là cách nó ‘điều chỉnh’ nhận thức cùng tư duy của bạn, quả thật, đắc nhân tâm đã đem lại cho đọc giả những khám phá mới, những tầm nhìn mới, những suy nghĩ được đánh giá là đột phá của thời đại, cùng nhưng điều kỳ lạ và mới mẻ trong giao tiếp ứng xử, một điều có thể thấy rõ qua một số đoạn trích của tác phẩm:
‘… Một học viên trong lớp của chúng tôi kể rằng vợ anh và một nhóm phụ nữ khác trong nhà thờ cùng tham gia vào một chương trình tự hoàn thiện bản thân. Chị đề nghị anh giúp bằng cách liệt kê sáu điều mà anh cho là chị có thể thay đổi để trở thành một người vợ tốt hơn. Anh ấy kể lại với lớp học như sau: “Tôi ngạc nhiên trước một yêu cầu như vậy. Thú thực, tôi có thể dễ dàng liệt kê sáu điều tôi muốn cô ấy thay đổi. Và, tất nhiên là cô ấy cũng có thể liệt kê một ngàn chuyện cô ấy muốn tôi thay đổi nhưng tôi đã không làm thế. Tôi bảo: “Cho anh suy nghĩ và sáng mai anh sẽ trả lời”. Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm, tìm mua tặng vợ sáu bông hồng với một tấm thiệp ghi: “Anh không thể nghĩ ra sáu điều mà anh muốn em thay đổi. Anh yêu em như chính em bây giờ!”. Chiều hôm đó, khi về nhà, tôi được vợ chào đón bằng những giọt nước mắt đầy xúc động. Không cần phải nói, tôi vô cùng vui sướng vì đã không phê phán cô ấy như yêu cầu. Chủ nhật sau đó ở nhà thờ, sau khi vợ tôi báo cáo lại kết quả của công việc được giao, nhiều phụ nữ cùng học với cô ấy đã đến gặp tôi và nói: “Từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy một cử chỉ nào lịch thiệp, chu đáo và ngọt ngào đến như vậy”. Lúc đó tôi mới thật sự hiểu được sức mạnh của sự trân trọng và lòng biết ơn”.
Hơn thế nữa, Đắc Nhân tâm còn đưa ra những nghịch lý mà từ lâu con người ta đã hiểu lầm về phương hướng giao tiếp trong mạng lưới xã hội, thì ra, người giao tiếp thông minh không phải là người có thể phát biểu ra những lời hay nhất, mà là những người học được cách mỉm cười, luôn biết cách lắng nghe, và khích lệ câu chuyện của người khác.
Trong gia đình, biết lắng nghe chính là yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc.
Một buổi chiều, bà Mary Esposito đang ngồi cùng với cậu con trai Robert. Chợt Robert nói:
– Mẹ ơi ! con biết là Mẹ rất yêu con.
Bà Esposito cảm động :
– Tất nhiên là, mẹ rất yêu con nhưng làm sao con biết được?
Robert đáp :
– Con biết bởi vì mỗi khi con nói với Mẹ bất kỳ điều gì, Mẹ đều dừng lại mọi việc đang làm và lắng nghe con.
Con người có thói quen công kích người khác nhưng ngay cả những người hung hăng nhất cũng sẽ phải dịu giọng trước một người biết lắng nghe một cách kiên nhẫn và đầy thiện chí.
Không phải bạn nói càng nhiều thì càng tốt, mà là bạn càng nói ngắn gọn thì càng tốt.
Hoặc, không phải khiến vấn đề của mình trở nên quan trọng là cách tốt nhất để tạo sự chú ý, mà hãy khiến vấn đề của người nói trở nên quan trọng.
Bởi dù là ai cũng luôn muốn mình được người khác thấu hiểu và đề cao.
Và một câu hỏi được rất rất nhiều độc giả yêu sách đặt ra, đó chính là Đắc nhân tâm có thật sự được như những lời quảng cáo?
Hay Đắc Nhân Tâm là thánh kinh tẩy não đáng bị nguyền rủa?
Một đặc điểm dễ thấy nhất của những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại đó chính là những phản hồi trái chiều. Chẳng hạn như cuốn Nhà giả kim cứ 10 người khen hay thì ắt hẳn có 9 người chê dở. Dĩ nhiên Đắc nhân tâm cũng không nằm ngoài quy luật này. Có rất nhiều người gật gù khen cuốn sách này hay, thì cũng có từng ấy người phản biện cho rằng đây chỉ là tổng hợp những thủ thuật dối trá, là những thánh kinh tẩy não lọc lừa không hơn không kém
Mới đây trên cộng đồng review sách hay, đã có một bài viết khá dài bình phẩm về cuốn sách này của bạn có nick name là Minh Tâm
Xin phép đăng tải lại nguyên bản nội dung bài viết như sau:
ĐẮC NHÂN TÂM HAY… THẤT CHÂN TÂM ???
Nghe nói, trong danh sách “84 việc nhất định phải làm trước khi bước sang tuổi 30” của một ông tiến sĩ Việt Nam đình đám nào đó, có 24 cuốn sách nhất định phải đọc. Mà trong danh sách 24 cái tên sách bằng mọi cách, mọi giá cũng phải đọc ấy, đứng đầu là cuốn sách best seller hàng chục năm liền, “có ảnh hưởng thay đổi cuộc đời hàng triệu người trên thế giới”, được xuất bản lần đầu vào năm 1936 và vẫn bán chạy ầm ầm cho đến tận ngày nay, của một ông tác giả phương Tây cũng vô cùng “đình đám”, có tựa đề là “Đắc nhân tâm” – cuốn sách “đáng đọc nhất” trong tất cả những cuốn sách đáng đọc!
Thú thật, tôi cũng có cái may mắn được đọc cuốn sách “gối đầu giường” ấy của “những bạn trẻ thành đạt” hoặc rất khát khao được thành đạt, trước cái tuổi 30. Mà chính xác hơn, tôi đọc nó vào năm tôi 25 tuổi, sớm hơn cái hạn định của ông tiến sĩ kia những 5 năm cơ đấy! (Vậy là dôi ra được một “Kế hoạch 5 năm” rồi nhỉ? )
À, thú thật – tôi lại thú thật thêm một lần nữa – rằng cuốn “Đắc nhân tâm” của cái ông tác giả nổi tiếng kia, và của cả những ông bà, anh chị nào đó đang tung hô nó đó, chính nó đã giúp tôi thay đổi cuộc đời mình. Thay đổi một cách vô cùng triệt để!
Ngày đó, khi tôi còn ngây ngô và non nớt, có một chị bạn đã cho tôi mượn cuốn sách “thần thánh” ấy về đọc, và tôi đã đọc ngấu nghiến nó với một lòng mê say, thán phục vô cùng tận. Đọc đến đâu là thấy “sáng mắt sáng lòng” đến đó. Tôi tự hỏi, sao lại có một con người tài tình và khôn khéo đến thế? Bằng những điều hết sức đơn giản mà tinh tế (đúng hơn là tinh vi), có thể chiếm thiện cảm rồi thu phục lòng người, hướng người khác răm rắp nghĩ theo suy nghĩ của mình, tự nguyện làm điều mình muốn họ làm cho mình mà không cần gượng ép hay ra lệnh. Sao lại có thể dẫn dụ, “dắt mũi” người ta chỉ bằng lời nói, nụ cười, ánh mắt – thứ mà bất kì ai cũng đều rất rất thừa thãi khi cần dùng đến, mà chẳng phải tốn một xu! Quyền lực của bạn, thật đơn giản, nó nằm ngay trên chiếc mặt nạ thiên biến vạn hóa và trên cái lưỡi không xương của bạn. Vậy thì trên đời này, còn điều gì tuyệt vời hơn thế?
Cứ như vậy, tôi đã mất vài năm cảm phục và ngưỡng mộ cuốn sách cũng như người đã sinh ra nó. Đồng thời, tôi còn nhiệt tình giới thiệu nó cho nhiều người cùng đọc. Chỉ có điều là tôi chưa theo đó mà sống.
Nhưng thật không may cho tôi, khi tôi vừa định áp dụng nó để cải tạo cuộc sống của mình với mong muốn nó có thể dẫn tôi đến một vài thành công trong công việc và trong các mối quan hệ xã hội, thì tôi lại dần dần nhận ra những gì ẩn chứa sâu bên trong nó. Và những tư tưởng mà cha đẻ cuốn sách truyền tải đã thay đổi cuộc đời hàng triệu người trên thế giới ấy cũng đã góp phần thay đổi cuộc đời tôi như thế này: Trước đây, chưa từng có cuốn sách nào, dù chán ngắt hay dở tệ đến mấy mà tôi muốn quăng ngay vào sọt rác. Chắc chắn!
“Đắc nhân tâm” là gì, nếu không phải là những xảo thuật, những mánh khoé hết sức tử tế và tinh vi để dẫn dụ, ma mị lòng người; để rồi từ đó điều khiển họ bằng thứ “quyền lực mềm” đầy ma thuật của sự đồng cảm, lòng biết ơn, sự yêu mến, sự kính phục… và hàng tá những “sợi dây chão” vô hình khác? Mục đích cuối cùng là biến họ thành thứ công cụ sống trung thành phục vụ cho lợi ích của kẻ đã dày công “đắc nhân tâm”!
Trong cuốn “Nhà giả kim” của Paulo Coelho, có một đoạn độc thoại của chàng chăn cừu Santiago như sau:
“Nhu cầu duy nhất của lũ cừu là ăn và uống. Bao lâu còn dẫn chúng đến được những đồng cỏ mượt mà vùng Andalusia thì chúng vẫn mãi là những người bạn thân thiết, dù cho một ngày như mọi ngày với những giờ tẻ nhạt trôi qua từ lúc hừng đông cho đến khi mặt trời lặn […]. Được cho ăn là chúng hài lòng. Với chúng, thế là đủ.”
“Nếu bất chợt mình biến thành một kẻ hung ác, giết hết con này đến con khác, thì đến khi cả lũ chết gần hết rồi, chúng mới biết. Vì chúng mù quáng tin vào mình, chứ không còn tin vào bản năng của chúng nữa. Chỉ bởi mình là kẻ dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh và nguồn nước mát.”
Ngẫm thử mà xem, có phải đa phần chúng ta đều như những con cừu kia không? Chỉ vì miếng ăn mà tự nguyện đi theo gã chăn cừu nọ, bởi “nhu cầu duy nhất của lũ cừu là ăn và uống”, mà tự mình lại không tìm đến được (hoặc không muốn tự tìm đến) những “đồng cỏ xanh mượt”. Có chú cừu cũng hay ra đấy, nhưng chấp nhận đánh đổi bằng quan hệ “cộng sinh”. Còn có những chú cừu ngây thơ, vẫn một mực quấn lấy chân ông chủ cùng với lòng biết ơn vô cùng sâu thẳm mà không bao giờ nghĩ được rằng “Nó cho mình thức ăn, nước uống chỉ để chờ đến ngày nó đè mình ra nó xén hết lông. Rồi khi già không còn cho lông được nữa thì nó làm thịt.”
Chàng chăn cừu Santiago, thật tâm, chàng rất yêu lũ cừu. Không bởi chúng cho chàng xén lông để nuôi sống cái ước mơ được đi cùng trời cuối đất của mình, mà bởi với chàng, lũ cừu thật sự như những người bạn thân thiết.
Còn cái ông tác giả viết nên cuốn sách kia, nói không hề quá đáng, lão chính là kẻ góp phần tạo ra và chăn những gã chăn cừu! Cuốn sách như một cuốn cẩm nang, một bảo bối để những gã chăn cừu trên khắp thế giới có thể dễ dàng chăn dắt những con cừu ngây thơ của mình. Ở Việt Nam, trong những khóa đào tạo nhân viên của các công ty đa cấp hay bảo hiểm nhân thọ, và ở hầu khắp các chương trình đào tạo kĩ năng mềm, khởi nghiệp, làm giàu…, “Đắc nhân tâm” vẫn là cuốn sách thường được đem ra giới thiệu và rỉ tai nhau tìm đọc. Tác giả cuốn sách không chỉ có ơn bày đường dẫn lối cho những gã chăn cừu mà còn có công “kích” cho cả những chú cừu non sau khi đọc sách xong thì đều điên cuồng lên với ý nghĩ “Chỉ cần đắc nhân tâm thôi, mình cũng có thể chăn được cả thiên hạ !”
Thật ra, tôi không hề có ác tâm và cũng không đủ ảnh hưởng để hạ bệ một cuốn sách đã quá nổi tiếng và được đánh giá là có khả năng thay đổi cuộc đời của hàng triệu người, đồng thời truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác, trong đó có cả vô số các thế hệ thanh niên Việt Nam. Công bằng mà nói, mấy trăm trang sách mà tác giả nhọc công viết nên ấy, thật cũng vô cùng hữu ích cho cái xã hội ngày càng thực dụng đang trong cơn điên cuồng chạy theo những thứ ngoài thân đầy quyến rũ hiện nay. Nó góp phần đẩy con người và xã hội tiến lên, thậm chí là tiến nhanh một cách chóng mặt. (Chỉ có điều, đáng thương thay, tiến nhanh đấy nhưng phía trước lại là vực thẳm !).
Cuốn sách hữu ích đấy! Nó giúp cho nhiều người dễ dàng điều hòa được các mối quan hệ với người xung quanh, dễ dàng có được điều họ muốn, giúp cho xã hội tưởng chừng như thân ái hơn bởi ai ai cũng cư xử tế nhị, nhẹ nhàng và khéo léo với nhau cả… Nhưng buồn lắm bạn biết không? Con người ta có thật sự vô tư, trong sáng không khi cứ sống với nhau bằng cách “đắc nhân tâm” đó? Tiền tài, danh lợi, địa vị xã hội, hay thậm chí chỉ là miếng ăn thôi mà phải mánh mung, phải giở trò giở quẻ ra với nhau (một cách vô cùng tử tế), để được lòng nhau, hòng dắt mũi nhau, để phục vụ cho cái lợi ích cao nhất của bản thân mình vậy ư? Ăn được mấy miếng, sống được mấy hồi đâu, sao phải giả trá với nhau? Sao phải mệt mỏi mà diễn hoài với nhau như vậy?
Tác giả cuốn sách không ngừng nhắc nhở người đọc thực hiện những xảo thuật đó “bằng sự chân thành”. Coi bộ tôi đã quá chủ quan khi cho rằng cuốn sách dạy người ta sống giả dối và mánh khóe? Nhưng không đâu! Khéo léo bày vẽ trăm phương ngàn cách để được lòng người một cách chân thành ư? Nếu không vì vụ lợi cá nhân, không vì mục đích khéo sai sử người làm lợi cho mình thì cứ sống ngay thẳng, chân thành tự sâu thẳm trái tim, cứ “để gió cuốn đi”, cần gì quan tâm đến có “đắc nhân tâm” hay không “đắc”?
Ngày nào mà con người còn tìm cách “đắc nhân tâm” thì ngày đó cái “Chân Tâm” còn bị lưu đày nơi biên ải. Vua bị truất quyền. Nỏ thần rơi vào tay giặc. Cung vàng điện ngọc, đền đài thành quách ngàn năm còn để cho gian hùng ngự giá.
“Đắc nhân tâm” mà làm gì hả người? Chỉ một chữ Tâm thôi. Chẳng cần “đắc” mà tự nó đã “đắc”. Tràn đầy, trong sáng…
Có khá nhiều độc giả tán thành với quan điểm này, và cũng có vô số gạch đá cho bạn ấy, có thêm những phản biện khá hay và sâu sắc, có thể kể đến như bình luận của bạn Hải Văn, nguyên văn như sau:
“….kẻ vì 1 lần nhìn thấy đau thương của vũ khí, mà lại đổ tội lên người tạo ra nó… Nói chung không muốn giải thích nhiều, không có đúng or sai, chỉ có niềm tin ở mỗi người là khác nhau…. mang tư duy quá ngụy biện, đổ lỗi, than phiền, tự nhận mình làm cừu rồi lại bảo những người nuôi cừu tâm không tốt, chấp nhận làm con lợn chỉ việc nằm ăn và ngủ đến lúc bị thịt rồi lại trách sao lòng người độc ác, con cừu chấp nhận đi làm vì đồng tiền vì lương để phục vụ sự ích kỷ của bản thân mình , lại trách người chăn cừu cố gắng sống trao đi giá trị cho cả thế giới, sống vì phục vụ người khác để cuối cùng nhận lại phần thưởng cho mình mới là tiền là kẻ không có tâm, thế tâm chủ thớt ở đâu :))) chán cái suy nghĩ , tầm nhìn…. Cây súng không có đúng or sai, nó nằm ở niềm tin của người dùng súng, lại đổ lỗi, lại ngụy biện rằng người tạo ra cây súng tạo ra niềm tin cho kẻ cầm súng… Văn có thể hay nhưng hướng đến sự tiêu cực thì đừng nói ba cái chân tâm vs chả chân ái, không muốn làm cừu thì cố gắng mà làm người chăn cừu, vì miếng ăn thức uống không chịu đi ăn, người ta cho miếng ăn thức uống thì… Thế giới này chỉ có công bằng chứ không thể có bình đẳng được, trồng 1 hạt giống sẽ thu được 1 cây sai quả, có cái lý nào vì họ nỗ lực trồng một nghìn hạt giống, thì phải có nghĩ vụ chia đều cho kẻ chỉ muốn ăn quả chứ không chịu trồng cây… Làm con cừu có 1 cái tâm không tốt, bản thân tự lựa chọn sống vì miếng ăn nước uống ích kỷ của bản thân , lại đổ lỗi ngụy biện do miếng ăn nước uống nên mình mới lựa chọn thành cừu….muốn người chăn cừu phải có nghĩa vụ cho mình thức ăn nước uống nhưng lại không muốn bị cạo lông… Kẻ chấp nhận làm nô lệ của đồng tiền tự chấp nhận bản thân làm con cừu lại đi chê trách chửi rửa người chăn cừu làm vì lợi ích của cả thế giới…Tâm tốt với việc sống ngay thẳng sống đúng là mình chả liên quan cũng chả đồng nghĩa, bài viết mang mục đích chà đạp người khác thì nhắc tâm cái gì, sống thật thì nó liên quan gì tâm tốt hay không ? Lại mang tư duy béo vì ăn nhiều ? Tâm xấu vì khéo ăn khéo nói ? Ăn nhiều liên quan gì đến béo ? Bản thân lựa chọn việc béo rồi mang ăn nhiều thành thứ để đổ lỗi ngụy biện, bản thân lựa chọn mình thành tâm xấu rồi lại đổ lỗi cho việc khéo ăn khéo nói…”
Các bạn độc giả khác nói gì?
- Bạn Lương Linh có viết:
“…Thấy nhiều người lấy nó ra làm trò cười, mà cũng nhiều người lấy nó làm báu vật, mình thấy hơi kỳ lạ, ?, với riêng mình, thì Đắc Nhân Tâm, là một công cụ (tốt) để mình học được những kỹ xảo điều tiết mối quan hệ, tác động đến người khác, rất hữu dụng cho chúng ta trong rất nhiều mặt, nếu biết học và sử dụng đúng cách!
Thật ra thứ đầu tiên mình nghĩ đến khi nhớ về Đắc Nhân Tâm là kiểu thực dụng có lẽ là tàn nhẫn được diễn tả thông qua sách, nếu như Đắc Nhân Tâm đó không được người có nhân cách tốt sử dụng, thì sẽ không ít điều tồi tệ có thể xảy ra. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Đắc Nhân Tâm vốn là tập hợp những kỹ xảo “chi phối” con người, khiến người khác làm điều mình muốn, chắc các bạn tưởng tượng nó có thể tạo ra thứ gì. Nhưng còn một mặt khác, là chẳng bao nhiêu người thật sự hiểu, nắm bắt, và vận dụng những kỹ năng của Đắc Nhân Tâm, nên “sự nguy hiểm” hay “sự thần diệu” của Đắc Nhân Tâm hiếm khi được thể hiện. Và nhiều những người chưa vận dụng được những kỹ xảo được truyền tải trong đắc nhân tâm liền vội vàng khẳng định rằng cuốn sách là vô giá trị. Kỳ thực tại các bạn ấy chưa vận dụng được cái hay của nó thôi. ?. Nó cũng như cần sa vậy, biết sử dụng thì nó sẽ đem lại lợi ích nhất định cho mình, không biết sử dụng (đúng cách), sẽ gây hại cho mình và cả người. Mình vốn tiếp cận self-help từ mong muốn phát triển bản thân, ứng dụng được những điều đọc được vào thực tế, nên mình biết chỗ hữu dụng của self-help, hay sách như Đắc Nhân Tâm là ở đâu. Hiểu và sử dụng được giá trị của nó, bạn sẽ nhận được rất nhiều thứ không ngờ.
Mình nhớ hồi xưa lần đầu mình đọc Đắc Nhân Tâm là khi còn học lớp 7, hồi đó thú thực đọc mình chẳng hiểu hết được sách đâu, đọc cứ như mớ chữ vô nghĩa vậy, chẳng hiểu mô tê gì, ?, nhưng nhờ một cuốn self-help khác, mà mình biết được là phải cố gắng thực hành thì điều mình đọc mới có giá trị, mình dù không hiểu, nhưng cố gắng đọc đi đọc lại rất nhiều lần, dần dần hiểu TỪNG TÍ MỘT, cố gắng hình dung, thực hành trong trí óc (một kỹ năng khác mà self-help đã dạy mình, kỹ năng này dù không thực hành ngoài thực tế, thì bạn vẫn có thể có được thứ mình muốn nhờ rèn luyện trong trí óc và tưởng tượng), liên tục nhớ về nó những ngày sau đó, áp dụng thử ở ngoài đời thật (có khi sau đó rất lâu), cuối cùng dù ban đầu không hiểu được, thì bây giờ, có những kỹ năng giờ đã thành bản năng của mình vậy, như kỹ năng sử dụng sự mong muốn được công nhận của mọi người, mình hoàn toàn có thể tạo ra cảm giác đó, và phát triển, khuyến khích khả năng của người khác bằng một thái độ kiểu Đắc Nhân Tâm để giúp họ tiến lên, phát triển bản thân. Thật sự Đắc Nhân Tâm đã cho mình một phần đời với những trải nghiệm rất đặc biệt, phần nào vì nó mà mình thay đổi được cuộc đời của mình, và cả một vài người bên mình. Chỉ bằng cách ứng xử, tạo niềm tin thôi, bạn biết mà, có niềm tin, có thể san phẳng thế giới. ?
Nhưng có một điều mà mình nghĩ cần phải có khi đọc đến những loại sách như thế này, là đạo đức, và ý thức về đúng-sai, phải-trái, vì nếu không có đạo đức tốt, thì sẽ dễ vận dụng Đắc Nhân Tâm vào những việc “hắc ám”, không ý thức được đúng sai phải trái thì sẽ khiến cho người đó không biết giới hạn, không biết cách sử dụng đúng đắn, và vô số hệ quả xấu có thể đến sau đó. Nếu có đạo đức tốt, nếu có ý thức sử dụng sách vào việc giúp đỡ người khác, không vụ lợi, thì giá trị của cuốn sách này đối với bạn thật sự sẽ trở nên rất đặc biệt.
Mình đã đọc, và sử dụng Đắc Nhân Tâm với mong muốn sau cùng là được giúp đỡ, khuyến khích người khác, nên giờ mình nhìn về Đắc Nhân Tâm hầu như chỉ thấy một màu hồng thôi vậy. Mình thấy hạnh phúc với những gì Đắc Nhân Tâm đã dạy cho mình. Nếu các bạn chọn một mục đích tốt cho mình để đọc nó, các bạn sẽ thấy những điều người khác nói về nó thật sự vô nghĩa.”
Bên lề cuốn sách: Giới thiệu Dale Carnegie – tác giả & tác phẩm
Sách Đắc nhân tâm tiếng anh có tên là How to Win Friends and Influence People của tác giả Dale Carnegie, là một trong những quyển sách bán chạy nhất thế giới. Ngoài ra, Dale Carnegie còn có những tác phẩm khác như: 40 gương thành công, quẳng gánh lo đi và vui sống, tâm lý vợ chồng… Với góc nhìn thực tế, logic, ông đã viết ra những tác phẩm vô cùng bổ ích và thú vị trong cuộc sống, và thực sự đã mang lại những giá trị thiết thực, khách quan, hiện đang vô cùng nổi tiếng trên khắp thế giới. Những bài viết của ông đều là những tác phẩm được đón nhận và lấy đi vô vàng sự yêu thích của đọc giả. Và vượt trên tất cả Đắc nhân tâm thật sự có thể xem như một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông!
Một số nguyên tắc – Nghệ thuật ứng xử căn bản trong cuốn sách này
Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền.
Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi và biết ơn người khác.
Nguyên tắc 3: Gợi cho người khác ý muốn thực hiện điều bạn muốn họ làm.
6 cách tạo thiện cảm
Nguyên tắc 4: Thật lòng quan tâm đến người khác.
Nguyên tắc 5: Hãy mỉm cười!
Nguyên tắc 6: Luôn nhớ rằng tên của người khác là một âm thâm êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ.
Nguyên tắc 7: Biết lắng nghe và khuyến khích người khác nói về vấn đề của họ.
Nguyên tắc 8: Nói về điều người khác quan tâm.
Nguyên tắc 9: Thật lòng làm cho người khác cảm thấy họ quan trọng.