“Để Yên Cho Bác Sĩ “Hiền”” là cuốn tự truyện, tản mạn qua giọng văn rất ngoa, rất chất của bác sĩ Ngô Đức Hùng. Một tác phẩm không giới hạn độc giả, cho những ai đã đang và sẽ hành nghề Y, cho bệnh nhân, cho người nhà bệnh nhân và cho cả những “lều báo”… đọc để yêu thêm, hiểu thêm và cảm thông cho nhân viên ngành Y tế, hàn gắn lại niềm tin của người dân vào Y học.
“Để yên cho bác sĩ “hiền”” phát hành ngày 14/3/2018, bán được hơn 35000 bản sau 3 tháng. Cuốn sách gần 250 trang với rất nhiều tranh minh họa sinh động do chính tác giả vẽ.
Góc nhìn từ bên trong nghề Y.
Tác phẩm gồm 4 chương tản mạn về chuyện nghiệp, chuyện nghề, chuyện đời, chuyện tôi của bác sĩ Ngô Đức Hùng. Đó là cả một quá trình từ cậu học trò đam mê vẽ vời với ý định đi theo khối A vào Kiến trúc hoặc Mỹ thuật, rồi theo nguyện vọng gia đình chuyển sang khối B và học hì hục như một thằng điên, tổng cộng 22 năm hết thảy mài đít trên ghế nhà trường, đến những năm làm việc cũng như giảng dạy với vai trò là bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
Không có những bài học lãng mạn hay giáo điều. “Để yên cho bác sĩ “hiền”” đơn thuần là thuật lại những gì thực tế và đau đớn, nhàu nhĩ chứ không hề trau chuốt, từ một góc nhìn bên trong nghề Y.
Anh dùng thái độ bàng quan để nói về những sự việc đầy chua xót trong nghề, từ chàng sinh viên Y khoa ngây ngô đầy nhiệt huyết đã bị hiện thực và đời sống vả bôm bốp vào mặt… Đến hiện tại anh đã đạt tới cảnh ngộ bình thản chấp nhận và chăm chỉ làm tốt phần việc của mình, tự xem mình là zombie hay đười ươi chân nhân, bị đời quật ngã thì đứng dậy, mặt nhăn như khỉ mà vẫn phải phủi mông tiếp tục chiến đấu.
Cuốn sách có nhiều trang viết về bản thân và gia đình anh, về những ảnh hưởng của nghề Y và đời sống cá nhân. Trong đó có chuyện kể về việc bố anh nhập viện vì viêm ruột thừa, để muộn quá nên bị xịt một ít mủ vào ổ bụng, có chỉ định mổ cấp cứu. Mọi người ở quê nháo nhào gọi điện thoại cho ông con giai – lúc đó đang mải mê đứng lớp tại trường mà bỏ quên điện thoại ở khoa, trong tình trạng tắt chuông. Đến khi biết chuyện, lòng như lửa đốt nhưng phải cố lấy giọng bình thường để mọi người bớt lo, làm chuyên môn bao nhiêu năm đủ để anh hiểu ở tuổi của bố mình chuyện gì cũng có thể xảy ra. Anh chọn tin tưởng vào đồng nghiệp ở tỉnh. Xoay sở mọi việc mà vẫn không dám nói với bố câu nào, vì sợ đối diện với ông, chưa nói được tròn câu đã trào nước mắt.
Bác sĩ cũng là người, cũng ăn cơm chứ không hít thở suông mà sống, cũng có gia đình, cũng có nhiều mối quan tâm… nhưng vì công việc, bác sĩ toàn phải đi phục vụ thiên hạ, nhiều khi người thân bệnh cũng chẳng thể ở cạnh bên. Lúc nhà nhà đông đủ vui Tết bên mâm cổ đầy, khi mùa xuân ưỡn ẹo một cách truyền thống ngoài cửa sổ, thì bác sĩ tất bật với những tua trực kéo dài không ngớt đến quên cả cái bụng đói, mùa Tết – mùa bệnh nhân vào viện cũng nhiều như đi trẩy hội.
Tác phẩm không chỉ là kể chuyện đời chuyện nghề của bác sĩ, mà còn phản ánh lại một xã hội đang dần đánh mất khả năng lắng nghe – khi mà ai cũng có quyền được nói và nhao nhao lên nói nhờ sức mạnh của mạng xã hội, được tiếp tay bởi báo chí câu view. Cái xã hội mà nhiều bệnh nhân coi bác sĩ như osin, không vừa ý là dọa kiện. Cái xã hội mà có những nhà báo mỗi khi có dịp chữa bệnh hoặc đưa người thân vào viện là coi bác sĩ như lính quèn, đòi được ưu tiên chứ không sẽ đi viết bài bêu xấu. Sức mạnh của báo lá cải cho họ những cái lý hết sức vô duyên để đe dọa và làm nhục nhân viên y tế.
Cuốn sách cho người đọc những giờ phút được sống chậm lại một chút và lắng nghe nhiều hơn một chút, một cách cẩn trọng và trân trọng, để thấu hiểu được những nỗ lực của các y – bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ hồi sức cấp cứu, những con người đang từng giây từng phút chiến đấu với Thần Chết để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Đừng nghe những gì… “lều báo” nói.
“Lều báo” đã được đặt trong ngoặc kép, nghĩa là không vơ đũa cả nắm ngành truyền thông, mà ám chỉ riêng về những tin giật gân của hạng báo lá cải – hạng báo chí chăm chăm vào mục tiêu lôi kéo niềm thương cảm từ người đọc để câu view, mà bỏ qua việc tìm hiểu từ góc nhìn khoa học, y học.
“Mình chỉ lấy ví dụ nho nhỏ, mỗi tháng 3000 ca cấp cứu, tổng 1 năm có gần 35000 ca bệnh, mà chỉ cần có một ca tiên lượng không tốt là báo chí sẵn sàng nhảy vào mổ xẻ như những con diều hâu độc ác. Họ không cần biết đến hàng chục ngàn ca khác thế nào và mục đích chính của họ chỉ chăm chăm vào việc “câu khách” để tăng lượt xem.” – Bác sĩ Ngô Đức Hùng.
Về thảm họa của thời đại Internet, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã có những phân tích rõ ràng qua tác phẩm chính luận “Thiện, ác và smartphone”.
Báo chí ra đời để đáp ứng nhu cầu của con người, do hạch hạnh nhân amygdala mà bản năng con người luôn chú ý tin xấu, chính vì vậy mà 90% báo chí toàn tin không vui. Sự phổ biến thái quá của những thông tin gây sốc, được truyền với tốc độ đáng sợ, lây lan như một bệnh dịch nguy hiểm, bằng một cú kích chuột nhanh hơn tốc độ xử lý thông tin của não… Những thông tin phiến diện đó kích động tâm lý bầy đàn và huỷ hoại tư duy có chọn lọc của con người.
Như thế nào là tin sốc? Hàng loạt bài về hiếp dâm, bạo hành, trộm cắp, cướp giật, đánh ghen… luôn luôn “hot” vì lượt truy cập nhiều. Bên cạnh đó, những ca bệnh gặp sự cố, những vụ việc sai trái của ngành Y cũng luôn là vấn đề nóng hôi hổi. Những bài báo giật tít, tỉ như vụ “Bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác bệnh nhân” hay “Bác sĩ cắt nhầm thận bệnh nhân” – nghe quá kêu, quá gây tò mò, quá kích thích!?
Ở đây, có hai vấn đề cần được làm rõ.
Thứ nhất, có bác sĩ tồi, nhưng không phải bác sĩ nào cũng tồi!
Và rằng, bác sĩ tồi nằm ở thiểu số, nghĩa là rất ít. Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng tồn tại những trường hợp cá biệt có hành động sai trái và thất trách, dĩ nhiên ngành Y cũng không ngoại lệ. Trong vụ việc “Bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác bệnh nhân”, cái tội của ông Nguyễn Mạnh Tường là không thể bàn cãi. Nhưng không thể vì một người hoặc một số ít người đi ngoài lằn ranh đạo đức mà phủ nhận công sức của mấy chục vạn bác sĩ đang ngày ngày cống hiến sức lực để chữa bệnh cứu người ngoài kia được? Như vậy là không công bằng!
Có biết bao nhiêu bệnh nhân được cứu sống, có biết bao thành quả y học được nghiên cứu ra, có biết bao nhiêu những tấm gương cao cả cống hiến vì y học… đã bị bỏ quên vì báo chí đã thổi bùng một vụ việc tiêu cực để xào nấu ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, thậm chí là năm này qua năm khác. Kết quả là bệnh nhân dần “lạnh nhạt” và mất niềm tin vào bác sĩ, mà kết cục cũng chỉ có bệnh nhân chịu thiệt thòi.
Đừng quy chụp, hãy lên án người cần lên án, và tôn trọng những con người vẫn đang cần mẫn làm việc như những chú ong thợ, mệt bở tai hơi trong bệnh viện để cứu người.
Thứ hai, lời của “lều báo” chưa hẳn là đúng!
Trong vụ việc “Bác sĩ cắt nhầm thận bệnh nhân”, nhiều bài báo đã giật tít như thế, và người đọc thì thấy sao hay vậy, rồi tin liền – lên hẳn báo thì chắc chắn là đúng rồi!? Nhưng sự thật như thế nào? Thận của bệnh nhân trong trường hợp này là thận móng ngựa dị tật bẩm sinh.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho biết:
“Nhìn nhận theo góc độ chuyên môn thì thận móng ngựa bẩm sinh và biến chứng thường nặng nề, chẩn đoán rất khó khăn. Không một thằng ngu nào lại đang tâm cắt thận bệnh nhân nếu không có chỉ định, trong khi đó lại là một giảng viên, một bác sĩ lành nghề – đương nhiên cái đầu vốn dĩ đã hơn nhiều người khác. Mạng sống con vật còn đáng quý nữa là con người.
Cái sai lầm lớn nhất, nói một cách đau xót, là đồng nghiệp đã làm đúng cái tâm của mình, chưa nói chuyện chuyên môn ở đây.”
Cái câu dưới nghe sao mà chua chát!
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Hinh – Chủ nhiệm Bộ môn Tiết niệu (Học viện Quân Y 103, Hà Đông, Hà Nội) – Phó chủ tịch Hội Tiết niệu Việt Nam, cũng chia sẻ:
“Theo tôi, cũng phải nói thẳng rằng đó là điều rủi ro không ai mong muốn. Đúng là về nguyên tắc, bệnh nhân chỉ còn có 1 quả thận thì không được cắt bỏ, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt vẫn phải cắt bỏ, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Ví dụ, hư thận mủ, thận đa nang biến chứng áp xe vẫn phải mổ. Thậm chí có tài liệu nói rằng thận móng ngựa nếu không theo dõi cũng dẫn đến ứ niệu ứ mủ và suy thận”.
Hai trong nhiều trường hợp đã làm xôn xao dư luận và làm giảm đáng kể niềm tin của người dân vào Y học được đưa ra và nói rõ hơn, để nhắc nhở mọi người, rằng con người là động vật bậc cao, có tư duy và tư duy có chọn lọc, đừng để cho dư luận dắt mũi, và hơn hết thảy, hãy đặt niềm tin vào bác sĩ, vào khoa học.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề, lời thề này được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp. Hơn cả một cái nghề để mưu sinh, bác sĩ làm việc vì thiên chức của mình, và họ lập lời thề để thực hiện thiên chức đó.
Đừng quy chụp y đức của tất cả bác sĩ, khi chỉ dựa vào một vài trường hợp hiếm hoi thất trách mà báo chí thổi phồng, để rồi mất niềm tin vào nghề Y.
“Dù thế nào đi nữa, mình và đồng nghiệp vẫn cố gắng là những người tốt, nhưng chúng tôi chỉ chữa được cho những ai tin tưởng mình.” – Bác sĩ Hùng chia sẻ.
Ví dụ đơn giản, bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân và nhắc nhở uống đúng liều lượng, nhưng bệnh nhân không nghe lời mà suy nghĩ chủ quan rằng uống tăng liều sẽ mau khỏi, dẫn đến sốc thuốc hoặc tác dụng phụ!
Ví dụ khác, thông thường thì bệnh nhân sẽ đi đúng một vòng, khởi đầu từ bệnh viện và kết thúc cũng từ bệnh viện. Họ không cam tâm khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh mãn tính không thể chữa khỏi, đồng thời sẽ tìm mọi cách không tuân thủ điều trị, vì trong quan niệm của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung, thường không tin vào những gì rõ ràng do khoa học nghiên cứu ra, mà hay đặt niềm tin vào những thứ bí ẩn. Mặc cho các y bác sĩ thuyết phục, họ vẫn lao đi uống những thứ thuốc không biết đường nào mà lần, những thứ thuốc càng bí ẩn càng tốt, để rồi cuối cùng, họ quay trở lại bệnh viện với cái gan hay cái thận không còn hấp hối nữa mà chết hẳn.
Niềm tin tưởng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đối với bác sĩ là điều kiện quan trọng để ca bệnh đạt được kết quả tối ưu nhất.
“Những bệnh nhân tử tế dạy cho mình bài học về tình yêu thương con người, những bệnh nhân củ chuối dạy cho mình bài học về chữ nhẫn. Cuộc sống có bạc bẽo, mình vẫn hạnh phúc thực hiện lý tưởng của riêng mình.” – Bác sĩ Hùng tâm sự.
Gấp lại trang cuối cùng cuốn sách, thở nhẹ một hơi dài, phát hiện ra đời vẫn đẹp lắm, bởi cuộc sống còn có một chữ tình, để biết thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Như câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà bác sĩ Hùng rất thích:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”
Hiểu thêm về bác sĩ Ngô Đức Hùng.
“Thường làm việc suốt đêm. Sử dụng vốn tự có. Khách phải nằm trên giường mới làm việc được. Khách đủ loại tầng lớp từ tri thức đeo kính đến cùng đinh chân pháo không được chọn lựa. Không làm vừa lòng được tất cả, người ta đánh giá cao những người biết quan hệ… đường miệng.”
Đặc thù nghề giống “cave”, nhưng hắn tự nhận là loại “cave nhân dân” lai tạp điển hình của nhiều giống loài khác:
“Hắn tuổi GÀ, người bé như con CHUỘT.
Suốt ngày hùng hục như TRÂU.
Chạy loăng quăng khắp nơi như con NGỰA.
Thế mà vẫn bị mắng như một con CHÓ.
Cái loại tưng tửng sống không uốn éo được như RẮN, lủi thủi làm việc.
Đồng nghiệp bảo đồ MÈO đội lốt HỔ, tinh tướng nói như RỒNG leo rồi làm culi bán sức.
Thế nên mặt hắn lúc nào cũng nhăn như con KHỈ.
Tối đi làm về mệt phờ nằm lăn ra ngủ như LỢN.
Có giấc mơ hồng, sáng mai dậy nụ cười DÊ thế?” (Lời bạt)
Hắn còn là một con người thú vị và đa tài, giỏi chuyên môn, viết văn tốt, làm thơ hay, biết đánh đàn, yêu vẽ, mê đọc sách, thích chụp ảnh, hay dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để đi du lịch bụi. Đặt biệt là có biệt tài gấp giấy – đã có cuốn sách origami được xuất bản ở Mỹ và châu Âu, cùng hợp tác với các bạn Việt Nam.
Hắn là ai?
Hắn chính là tác giả “Để yên cho bác sĩ “hiền”” – Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng, chuyên khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Sinh năm 1981, tốt nghiệp trường y Hà Nội loại giỏi, là một bác sĩ nội trú được bộ môn ưu ái giữ lại trường giảng dạy, đã đi tu nghiệp nhiều nơi trên thế giới và có cơ hội ở lại làm việc, nhưng bác sĩ Ngô Đức Hùng chọn con đường quay về “làm bác sĩ quèn” và “sẵn sàng đóng góp cho đời một trái tim” – theo cách nói của anh.