Nhỏ bé mà vĩ đại, đau xót hóa tự hào, số phận của hai con người Do Thái vô danh đã thuộc về lịch sử nhân loại… “Đi Tìm Cuộc Đời Bị Đánh Cắp Của Ông Bà Tôi” của giáo sư sử học Ivan Jablonka không đơn thuần là một cuốn hồi ký gia đình, mà còn là một công trình điều tra nghiên cứu sử học đáng ngưỡng mộ, nhằm đưa thân phận các nạn nhân đã chết ra khỏi bóng tối của tội ác diệt chủng trong Thế chiến thứ Hai, ra khỏi sự lãng quên đã chôn vùi họ, để khẳng định sự tồn tại của họ chứ không phải khóc than cho cái chết của họ.
Phơi ra ánh sáng hình hài của sự trống rỗng!
Nạn diệt chủng Holocaust do Đức Quốc xã và bè phái tiến hành đã dẫn đến cái chết của khoảng 11 triệu người cả Do Thái và không Do Thái. Ông Matès và bà Idesa – nhân vật chính của cuốn sách “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi” – là 2 trong số khoảng 11 triệu người ấy.
Ông Matès và bà Idesa là hai người Do Thái Ba Lan gần như là vô danh, họ đã sống một cuộc đời ngắn ngủi cho đến khi bị sát hại tại trại tập trung Auschwitz, để lại Suzanne và Marcel – hai đứa con thơ dại ở cái tuổi lên bốn và ba, cùng dăm lá thư và tấm hộ chiếu. Không còn gì khác.
Marcel – đứa con trai bé bỏng của ông Matès và bà Idesa, sau này là bố của tác giả Ivan Jablonka – hầu như không biết gì về cha mẹ mình ngoài vài dòng đủ cho một cáo phó: quê nhà, chủ nghĩa Cộng sản, lưu vong, chiến tranh, Auschwitz.
Đến thế hệ của Ivan Jablonka, không có câu chuyện nào được kể lại, không người nào ngồi xuống cạnh Ivan và kể cho ông nghe về sự thật khủng khiếp ấy. Nhân chứng thiếu hụt, mà vật chứng hay những tài liệu lưu trữ về kế hoạch tàn sát người Do Thái phần lớn đã bị giới chỉ huy SS tiêu hủy khi Thế chiến thứ Hai bước vào hồi kết. Thậm chí thông tin của một số tư liệu còn sót lại giữa buổi tao đoạn nhiễu nhương ấy cũng không có độ chính xác cao, cụ thể như hồ sơ của bà Idesa và ông Matès được lưu trữ ở Cục lưu trữ quốc gia đều có dòng ghi chú “M.0.E” nghĩa là “đã kết hôn, không có con” – tình yêu mãnh liệt trong sự dứt bỏ và sự phủ nhận để khát cầu sự sống cho các con…
Vì tất cả những lẽ đó, hành trình tìm kiếm và vẽ lại cuộc đời ông bà nội của tác giả Ivan Jablonka gần như là một công cuộc điên rồ!
“Thật điên rồ khi muốn vẽ lại cuộc đời những con người xa lạ mà chẳng dựa vào điều gì! Lúc còn sống, họ đã gần như vô hình; và lịch sử đã tán họ thành tro bụi.
Những hạt bụi thế kỷ ấy không được an nghỉ trong những bình di cốt ở nhà thờ của dòng họ; những hạt bụi ấy lơ lửng giữa không trung, lắt lay theo chiều gió, ẩm ướt theo những bọt sóng, bao trùm lên những mái nhà trong thành phố, làm cay mắt chúng ta rồi bằng sự biến hóa nào đó, biến thành cánh hoa, sao chổi hay là chuồn chuồn, thành tất cả những gì nhẹ hẫng và chóng phai.”
Dẫu biết là điên rồ, nhưng Ivan Jablonka – với tư cách là một người cháu và một sử gia – bằng nghiên cứu xã hội học đã dấn bước truy tìm từng dấu ấn của sự sống, nhặt nhạnh từng chứng cứ khách quan về sự ghé qua thế giới này của những hạt bụi thế kỷ ấy, để phơi ra ánh sáng sự vắng mặt và hình hài của sự trống rỗng.
Và kết quả chính là tác phẩm “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi”, thật đáng mừng, sự trống rỗng ấy đã tìm lại được hình hài, không chỉ là câu chuyện cá nhân của ông Matès và bà Idesa, mà còn phổ quát về những người Do Thái gốc Ba Lan từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khi kết thúc Thế chiến thứ Hai.
Từ Parczew đến Auschwitz.
Ông Matès và bà Idesa xuất thân tại làng quê Parczew, một thị trấn nhỏ của người Do Thái, nằm đâu đó giữa Lublin và Brest-Litovsk, ở biên giới của Ba Lan, của Ukraina và của Belarus.
Ông Matès Jablonka sinh năm 1909, là một thợ da thủ công, dáng người thấp bé, tóc vàng ngả sang màu đỏ, mặt có nhiều đốm tàn nhang. Matès mạnh mẽ, vui nhộn, kiên trì, có khả năng chủ động, là một người lanh trí, giỏi xoay xở và xử lý được mọi tình huống xấu.
Bà Idesa Korenbaum-vel-Feder sinh năm 1914, em gái của một thương nhân bán dầu hỏa trên đường Large. Idesa là cô gái xinh đẹp nhất ở Parczew.
Thật khó để hình dung được tình yêu của họ dành cho nhau, vì họ không để lại bức ảnh chụp chung nào. Nhưng cũng thật dễ để hình dung tình yêu của họ dành cho nhau, họ là hai đảng viên tranh đấu, chủ nghĩa anh hùng kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn.
Ông Matès và bà Idesa là những người Cộng sản. Họ đấu tranh để xây dựng một xã hội không có giai cấp, thoát khỏi ách bóc lột, sự khốn khổ, sự áp bức, tôn giáo, chủ nghĩa bài Do Thái, chiến tranh, chủ nghĩa dân tộc, bao gồm cả chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Chọn theo Cộng sản lúc bấy giờ là sự dấn thân đòi hỏi phải rũ bỏ không chỉ là tính hợp pháp, mà còn là những giá trị gia đình – từ bỏ tôn giáo, trở thành nhà cách mạng vô thần, không tín ngưỡng.
Họ đã tham gia hoạt động trong tổ chức thanh niên Cộng sản Ba Lan; họ đã từng được các luật sư Ba Lan bào chữa và rồi lại bị một thẩm phán Ba Lan kết tội, trước khi bị tống giam vào các nhà tù Lublin, ở Wronki rồi sau đó là ở Sieradz.
Làn sóng bài Do Thái cùng với hoàn cảnh nghèo khó đã khiến họ phải sống lưu vong. Ngày 26/06/1937, ông Matès và bà Idesa đã chính thức hóa mối quan hệ, trước khi di cư.
Thế nhưng, nhập cư bất hợp pháp ở Pháp, người đảng viên Cộng sản Ba Lan ấy bị loại bỏ, bị khước từ. Họ chỉ còn là con người trần trụi, không được bảo vệ, vô Chính phủ, bị từ chối cấp phép lưu trú, ở tù, bị bắt rồi nhận lệnh trục xuất. Năm 1939, để được cấp thẻ căn cước, kéo dài thời hạn lưu trú và tạm ngưng lệnh trục xuất, ông Matès đã đăng ký nhập ngũ và thuộc quân đoàn Lê dương: là khủng hoảng ý thức chính trị hay là ý chí tự do vạch ra một con đường qua nhu cầu cấp bách? Ông Matès trở thành người lính của nền dân chủ bị đe dọa, đấu tranh chống chủ nghĩa Quốc xã. Và rồi hiệp ước đình chiến, xuất ngũ, chính quyền Vichy, bắt bớ, ở tù, trục xuất.
Ngày 02/03/1943, đoàn tàu số 49 chở những người bị trục xuất trong đó có ông Matès và bà Idesa rời khỏi ga thành phố Bourget-Drancy đến trại tập trung Auschwitz. Số phận trớ trêu bi thảm đưa đẩy họ trở về Ba Lan để rồi bị sát hại ngay trên chính mảnh đất ấy.
Cả ông Matès và bà Idesa đều đã chết ở Auschwitz, nhưng không chết giống nhau. Bà Idesa có lẽ đã chết rất sớm, không có nhiều dữ kiện cụ thể. Còn về Matès, ông không bị chuyển ngay vào buồng hơi ngạt, mà bị tuyển chọn vào đơn vị “Sonderkommando” – một biệt đội “âm công” gồm những tù nhân Do Thái có nhiệm vụ khiêng xác người ra khỏi các phòng hơi ngạt rồi đưa xác vào lò đốt.
“Primo Levi đã viết, phát minh ra đội Sonderkommando là “tội ác quỷ dữ nhất” của Đức Quốc xã: họ đổ lên đầu nạn nhân sự ô nhục nặng nề của riêng họ, họ đã thành công việc hủy diệt linh hồn những người vô tội trước khi hủy diệt thân xác họ.”
Đứng trước sự chạm đến đáy của điều kiện nhân sinh, liệu có từ ngữ nào có thể diễn tả được nỗi đớn đau cùng cực ấy?
Vượt lên các vấn đề lịch sử, cuốn sách “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi” còn là tác phẩm viết về sự tang thương, về cuộc đời và phẩm giá con người.
Một công trình điều tra nghiên cứu đáng ngưỡng mộ.
Ivan Jablonka đã kể lại câu chuyện cuộc đời của ông bà nội mình dự phần vào lịch sử nhân loại, xét theo chiều ngang (một thế hệ, một xã hội, các thể chế, các hệ giá trị) và xét theo chiều dọc (cá nhân trong quan hệ gia đình, giai cấp xã hội, môi trường địa phương, chính quyền khu vực, nhà nước, các hiện tượng siêu quốc gia như chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Quốc xã).
Dựa vào nghiên cứu xã hội học, từ những dữ kiện lịch sử đã được xác nhận là chính xác, cuộc điều tra của Ivan Jablonka tỏa ra như mạng nhện.
Ví dụ như, dựa trên thông tin ông Matès và bà Idesa đã trú ẩn trong một căn nhà ổ chuột ở số 17 ngõ Eupatoria trước khi bị bắt vào ngày 25/02/1943, Ivan tiến hành điều tra về quan hệ hàng xóm bằng cách xem xét hết các cuộc tổng điều tra dân số năm 1936 và 1946 trong Trung tâm lưu trữ thành phố Paris, liệt kê tên của những cư dân trong khu 15-17-19 của ngõ Eupatoria, sau đó tìm kiếm những người con cháu của họ có thể có trong danh bạ tổng hợp, rồi gọi trực tiếp cho hàng trăm người không rõ nơi cư trú ở vùng Ile-de-France có cùng họ với những người thuê nhà ngày xưa. Ngoại trừ một số người trực tiếp cúp máy hoặc xem Ivan là nhân viên bán hàng, thì đa số đều quan tâm đến nghiên cứu của ông – nhưng rất ít người có thể cung cấp thông tin hữu ích vì nhiều lý do. Từ những lời kể của nhân chứng đó, Ivan tiếp tục đối chiếu, sàng lọc, kết hợp với tài liệu điều tra dân số, để cố gắng phác họa rõ nét nhất bối cảnh mà ông Matès và bà Idesa đã sống trong một khoảng thời gian và không gian cụ thể.
Cứ như thế, đặt vấn đề, tiến hành điều tra có sử dụng đến tài liệu lưu trữ, có lời kể nhân chứng, có những chuyến đi đến địa phương để dẫn dắt chứng minh vấn đề, đồng thời có một số lượng lớn tác phẩm văn học lịch sử chính thống được tham khảo và trích dẫn theo dòng thời gian và sự kiện.
Trong 5 năm, Ivan Jablonka đã khai thác khoảng 20 trung tâm lưu trữ; gặp tất cả nhân chứng có thể gặp; đi đến Ba Lan, Israel, Argentina, Hoa Kỳ; tìm kiếm các sử liệu phức tạp (hồ sơ một vụ án ở tòa án Ba Lan những năm 1930) và với sự giúp đỡ của nhiều biên dịch viên, ông đã nghiên cứu các văn bản bằng nhiều thứ tiếng Yiddish, Hebrew, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh, Đức.
Dẫu rằng khi kết thúc hành trình 5 năm ngược dòng lịch sử truy tìm sự thật và cuốn sách đi đến cuối chặng đường, Ivan cũng không biết chính xác ông bà của ông bị sát hại vào năm nào, 1943 hay 1944… Nhưng vẫn phải khẳng định đây là một tác phẩm khoa học xã hội được điều tra nghiên cứu hết sức công phu và đáng ngưỡng mộ.
Với “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi”, Ivan Jablonka mang nhiều tham vọng: bổ sung vào nguồn sử liệu cho lịch sử của một số đất nước – trước hết là lịch sử của hai nước Ba Lan và Pháp – phần lịch sử niên đại liên quan đến người Do Thái như: làn sóng lưu vong Do Thái sang các nước phương Tây, cuộc đàn áp những năm 1930 và 1940 – tiếp theo là lịch sử châu Âu, liên quan đến các chế độ toàn trị ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, và nạn diệt chủng Do Thái.
Tiến sĩ Trần Lê Bảo Chân, dịch giả của cuốn sách, cho rằng:
“Jablonka đã làm nên cuộc cách tân trong lĩnh vực khoa học xã hội, khi đi tìm lai nguyên, xuất thân của mình. Cuốn sách viết nên bởi nguồn sử liệu chính thống và thông qua những người cùng thời với ông bà ông để tìm hiểu đầy đủ nhất thông tin liên quan tới họ…”
Hiểu thêm về tác giả, tác phẩm.
Ivan Jablonka sinh năm 1973 tại Paris. Bên cạnh cương vị giáo sư sử học tại trường Đại học Paris-XIII-Nord, ông còn là nhà văn đương đại Pháp, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí La vie des Idées có uy tín trong giới trí thức Pháp hiện nay.
Ra mắt độc giả năm 2012, tác phẩm “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi” đã giúp Ivan Jablonka giành nhiều giải thưởng quan trọng, phải kể đến Giải Le Prix de Sénat cho sách lịch sử, Giải Guizot do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng, Giải Augustin-Thierry trong khuôn khổ sự kiện Rendez-vous de l’Histoire… Đến tháng 9 năm 2022, theo thông tin tác giả viết trong lời tựa cho ấn bản mới, cuốn sách đã được dịch sang 8 ngôn ngữ.
Tại sao người dân ở các đất nước như Argentina, Chile, Nhật Bản hay Việt Nam lại quan tâm đến số phận của hai người Do Thái vô danh bị sát hại ở châu Âu trong cuộc Thế chiến thứ Hai?
“Câu chuyện về ông Matès và bà Idesa mang tính toàn cầu và đại diện cho số phận vô vàn những nạn nhân của các cuộc thảm sát tập thể trong thế kỷ hai mươi. Cái chết của ông bà tôi cũng không khác gì với cái chết của những nạn nhân ở các chế độ độc tài do Videla và Pinochet cai trị, hoặc những nạn nhân trong vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, hoặc các nạn nhân của nhiều cuộc kháng chiến chống thực dân ở châu Á. Rất nhiều người chết nhưng quá ít bia mộ.”
Đó là quan điểm của tác giả Ivan Jablonka. Còn ý kiến của độc giả? Hãy thử đọc tác phẩm “Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi” để tự tìm kiếm câu trả lời cho riêng mình.
Nguồn : https://reviewsach.net/di-tim-cuoc-doi-bi-danh-cap-cua-ong-ba-toi/