Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Xuân Diệu đã từng thốt ra như thế trong bài Dại khờ. Nhưng người đời cứ cho rằng đó là văn thơ của giới nghệ sĩ chỉ thích tương tư. Nên cái khổ của “tâm bệnh” chưa bao giờ được xem xét nghiêm túc. Cho đến tận hôm nay, khi những nạn nhân của những tổn thương tâm lý ngày càng nhiều hơn cả số người mắc ung thư?
Ta bừng tỉnh và thực sự nhận ra nó đã bào mòn con người, trí tuệ, năng suất và cả khát vọng sống của ta mạnh mẽ đến thế nào?
Nhiều cơn trầm cảm hạ gục ta giữa ban trưa từ những tổn thương tâm lý không được chữa lành. Càng đi qua đau thương, người phụ nữ trưởng thành càng khó mở lòng. Cô đơn là từ được nhiều phụ nữ nhắc đến nhất khi họ đến gặp bác sĩ tâm lý Choi Kwang Hyun.
Và trong Góc khuất của yêu thương, ông kể cho ta những câu chuyện của những con người bình thường đồng cảnh ngộ với ta. Họ cũng đã học giỏi như ý bố mẹ, đã tốt nghiệp đại học danh tiếng, đã được vào công ty tốt, năng lực được công nhận, có tài chính đủ chi tiêu cho mọi thứ mong muốn, nhưng họ giống ta: vẫn thấy khổ sở vì không thể làm hòa với mẹ; vẫn rất khó khăn để nói chuyện được với người bố gia trưởng, bạo lực, nhiều khi hay xay xỉn. Trái tim họ tan vỡ vì người yêu luôn làm tổn thương và không chịu hiểu. Và họ thất vọng với bạn bè đồng nghiệp – những người luôn khiến ta muốn hắt hủi bản thân.
Sao anh ta lại hành xử như thế? Có phải là hết yêu nhau rồi không? Tại sao lại không chịu lắng nghe một chút vậy?
Mẹ ta – người phụ nữ được tôn vinh vì đức hi sinh đã phải ôm nỗi lòng này biết bao lâu. Cha ta – người đàn ông né tránh dưới lớp vỏ bạo lực và gia trưởng biết bao lâu. Người yêu của ta/ chồng ta / vợ ta và cả chính ta là nạn nhân một phần chịu ảnh hưởng của những mối quan hệ méo mó những tổn thương thuở nhỏ, nên ta hiểu sai hoặc không thể hiểu được những gì đang diễn ra đẩy ta vào hoàn cảnh này.
Đôi khi, bao nhiêu chia sẻ cũng không làm ta nguôi ngoai, càng nhiều lời động viên càng khiến ta bật khóc vì tủi thân. Bao nhiêu thời gian trốn chạy cũng không khiến ta nhẹ bớt, cứ mỗi khi đối mặt với người ấy, mọi chuyện lại như vừa mới hôm qua và ta lại không làm chủ được mình.
Những lúc ngôn từ bất lực và con người chỉ muốn chạy trốn, một cuốn sách như Góc khuất của yêu thương tựa như liều thuốc tiêm thẳng vào trái tim, khiến cơn tổn thương dịu lại, ta đi vào bên trong chính mình để hiểu và bắt đầu vững tin trở lại.
Nhẹ nhàng, qua từng tình huống, tác giả từ từ giải thích và gỡ cho ta những mối thắt trong lòng. “để làm lành tổn thương, ta phải làm lành cả những ký ức cũ”
Có phải mọi đàn ông đều tồi
Họ không ngẫu nhiên “tồi” như vậy!
Đàn ông con trai không được khóc, nam nhi đại trượng phu phải nhẫn nhịn chịu đựng. Đàn ông trưởng thành trong sự giáo dục này không dễ gì thể hiện cảm xúc. Còn phụ nữ, vốn là một sinh vật phức tạp, lại muốn được chia sẻ cảm xúc. Bi kịch xảy đến khi hai người không thể hiểu cách giải quyết cảm xúc của nhau. Phụ nữ muốn nói chuyện, nhưng đàn ông lại quen tránh né” —- Thấu hiểu— P.13
Là một người đàn ông, nên ngay từ chương 1 cuốn sách, Choi Kwang Huyn đã cho bạn đọc những góc nhìn khá thú vị về đàn ông: Vì sao họ né tránh trong khi phụ nữ chỉ muốn giao tiếp? Vì sao thứ duy nhất phụ nữ muốn chỉ là “được hiểu” mà lại xa xỉ với các anh đến thế? Vì sao đàn ông người giống sói và kẻ giống chó? Vì sao quái vật thì không thể biến thành hoàng tử như trong truyện cổ Grimm?
Mỗi chương của cuốn sách như buổi tư vấn tâm lý, tác giả chuyện trò, dẫn chứng, giải thích, phân tích để ta hiểu: vì sao phụ nữ lại ảo tưởng về đàn ông như vậy, bản chất thật của họ là gì.
Khi dựa dẫm quá mức, phó mặc cuộc đời mình cho đàn ông, phụ nữ thường thất vọng, dễ tổn thương và trách móc bản thân sao lại lựa chọn người đàn ông như thế. Tình yêu và hạnh phúc không phải là thứ được cho tặng mà là thứ bản thân tạo ra. Nếu bản thân không phải chủ thể của hạnh phúc, phụ nữ chỉ có thể sống một cuộc đời thụ động và một trái tim trống rỗng — Độc Lập —- P34—-
Có những người phụ nữ bị đánh lừa bởi những người đàn ông “tưởng là sói nhưng thực ra là chó”. Những con sói thì chỉ có bạn đời duy nhất, chúng mạnh mẽ, trao truyền bản năng đứng đầu cho những chú sói con còn chó thì lăng nhăng, núp bóng người chủ, và rất biết lấy lòng. Tuy nhiên, tìm được người đàn ông giống sói không phải dễ, và không phải muốn là gặp được tình yêu đích thực, đó sẽ là 1 trong 3 loại: người đàn ông bảo vệ, người đàn ông lặp lại và người đàn ông duy trì. Lý do ta “gặp” một người phản ánh bởi tâm thức chính người phụ nữ đó.
Dù là đối tượng nào, thì sau khi kết hôn, một phụ nữ bình thường cũng đều phải trở thành “superwoman” với đủ thứ trách nhiệm và công việc mới. Đây mới chính là hiện thực! Điều đó không phải là không tích cực, chỉ là chặng đường ấy có hạnh phúc bình ổn hay chông gai nằm chính trong tay bạn.
Sự thật là vẫn sẽ có những cuộc hôn nhân mà lúc yêu ngọt ngào bao nhiêu khi khi kết hôn lại “lặng thinh” và đau khổ bấy nhiêu. Sẽ phải dũng cảm buông bỏ hay cứu vãn bằng “đối thoại” đúng cách, còn tùy thuộc vào chính bạn.
Hạnh phúc của tôi đi đâu
Đọc hết cuốn sách, bạn sẽ biết chúng đi đâu, hay ở trong chính bạn, trong gian bếp, trong ngôi nhà, trong những phút giây bạn sử dụng bên người kia.
Tôi có nhiệm vụ không hủy hoại chính mình là tên một chương quan trọng trong sách. Nó cũng là chương kết thúc để mở ra một “happy ending” cho chính bạn. Đó là nơi tác giả sẽ hướng dẫn bạn đi tìm tự do nội tâm, tìm lại bản sắc rực rỡ của chính bạn, tìm lại phút phục hồi qua những chuyến đi, tự tin với vẻ đẹp của chính mình trước gương mỗi ngày, và khơi dậy phút bình an ở nơi bạn gọi là “tổ ấm”.
Sau cùng thì, nếu không có những tổn thương này, ta sẽ khó tìm được những “thỏi vàng” mà bản thân không hề hay biết trong mình. Nếu không lặp lại những sai lầm tương tự, chính sai lầm và thất bại này sẽ mở ra những khả năng mới mà chúng ta chưa từng biết như hạt cát bên trong con trai trở thành ngọc vậy.
Tôi không mong gì hơn, chỉ mong thông qua cuốn sách này, các độc giả nữ tìm được sự an ủi, còn các độc giả nam sẽ nhận ra và sẵn sàng trò chuyện với người con gái họ yêu đang bên cạnh họ—Choi Kwang Hyun — Tháng 8 năm 2013.