Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeTổng HợpHồi Ức Lính – Sức hấp dẫn của sự thật

Hồi Ức Lính – Sức hấp dẫn của sự thật

Hồi Ức Lính của Vũ Công Chiến là tác phẩm phi hư cấu về  đề tài chiến tranh. Đó là những kí ức chân thực về những năm tháng tham gia chiến tranh với tư cách là một người lính của chính tác giả. Chính lối trần thuật chi tiết, trung thực và chi tiết của Vũ Công Chiến giúp tác phẩm vừa có giá trị như là một tư liệu lịch sử về đời sống của người lính Việt Nam, vừa mang những giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Hồi Ức Lính – tác phẩm đầu tay của một người lính

Hồi ức lính là tác phẩm đầu tay của tác giả Vũ Công Chiến. Trong tác phẩm, Vũ Công Chiến đã tái hiện lại hiện thực chiến tranh và đời sống của những người lính chiến trong những năm toàn dân chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Nam Lào, mặt trận B3 Tây Nguyên và DakLak. Với đối tượng phản ánh như vậy, Hồi ức lính đã hòa mình vào dòng chảy của văn xuôi sau đổi mới với khuynh hướng (và cả nhu cầu) nhận thức và tái nhận thức về chiến tranh và con người trong chiến tranh. Tác phẩm ngay khi chỉ là những phân mảnh rời rạc trên trang facebook cá nhân của tác giả đã nhận được sự yêu thích của nhiều bạn đọc. Đến khi được hoàn thiện và xuất bản vào năm 2016, tác phẩm tạo nên một “hiện tượng xuất bản” khi được đông đảo độc giả nồng nhiệt đón nhận. Năm 2017, Hồi ức lính nhận giải thưởng Tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất của Hội Nhà văn Hà Nội. Giải thưởng một lần nữa là minh chứng khẳng định giá trị và sự thành công của tác phẩm.

reviewsach.net hoi uc linh

Điều gì tạo nên sự đột phá của Hồi ức lính, khi đề tài tác giả theo đuổi là chiến tranh – vốn là địa hạt không mới, lại cũng có không ít cây cao bóng cả? Đó trước hết, có lẽ, là sự tái hiện một cách trung thực về chiến tranh và đời lính mà những tự sự về chiến tranh trước đây ít nhiều còn che khuất. Tác phẩm đã làm rộng mở hơn những nhận thức về chiến tranh, và làm sâu sắc hơn tình cảm của chúng ta về số phận của con người. Và sau đó, thành công của tác phẩm còn được tạo nên từ một nghệ thuật tự sự vừa chân phương, giản dị vừa mang những giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm văn chương thực thụ.

Khi người lính kể chuyện chiến tranh

Chiến tranh là một đề tài có hấp lực không chỉ đối với người đọc và còn đối với cả người cầm bút. Với tư cách là một hiện thực bất thường, vừa khác lạ vừa khủng khiếp, chiến tranh đòi hỏi chỉ có những người từ cuộc chiến đi ra mới có thể tái hiện chính xác và chạm được đến tâm can của người đọc. Vũ Công Chiến đã tường thuật về chiến tranh với tư cách là một “người trong cuộc”. Ông đã sử dụng những trải nghiệm cá nhân, những kí ức chân thực trong hơn 6 năm làm một người lính, tham gia trực tiếp vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tác phẩm vì vậy trước hết là một sáng tạo nghệ thuật lấy tính phi hư cấu như một tiêu chí cơ bản và xuyên suốt. Tiêu chí này sẽ chi phối mạnh mẽ đến việc lựa chọn những yếu tố tự sự quan yếu trong tác phẩm, đặc biệt là chủ thể trần thuật. 

Hồi ức lính được thuật kể từ người kể chuyện xưng tôi – tác giả. Chính Vũ Công Chiến chia sẻ: “…với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết lại Hồi ức lính này, để kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó…” [1, tr.9]. Với tính bộn bề, đa diện và phức tạp của hiện thực chiến tranh, câu chuyện mà Vũ Công Chiến kể có thể chia thành hai phần: một phần là câu chuyện của riêng tác giả mà trong đó tác giả là người tham dự trực tiếp, đóng vai trò chính yếu; và một phần khác là những câu chuyện của những người xung quanh mà trong đó, tác giả có thể có tham gia ít nhiều nhưng không phải là nhân vật chính, hoặc chỉ là nhân chứng. Hai phần này không được tách ra một cách cơ học, rành mạch trong bố cục của tác phẩm mà đan xen với nhau theo trật tự tuyến tính. Người kể chuyện cứ lần theo dòng chảy của thời gian mà tái thuật với chúng ta về một quá khứ đấy ắp kí ức và cảm xúc không thể nào quên của đời mình, của thời mình.

Đọc Hồi ức lính, độc giả có cảm giác dường như tác giả không giấu diếm bất cứ điều gì. Không thuật kể theo khuynh hướng sử thi hay lãng mạn hóa, không anh hùng hóa cũng không giải anh hùng, không lên gân cũng không tầm thường hóa, mọi con người và sự việc mà “tôi” từng trải nghiệm và chúng kiến đều được kể lại. Những chuyện như lính “có thằng bộc lộ cái ngu hết sức ngớ ngẩn và dở hơi” [tr.79], lấy dao găm cậy nắp ống dẫn dầu để lấy xăng đổ vào bật lửa gây ra một vụ hỏa hoạn, may mà không thành vụ nổ, làm cho “lính tráng sợ đã đành, mà cán bộ khung dẫn quân cũng sợ” [tr.80]; chuyện anh T. ở C của “tôi” lấy cắp một chiếc đài bán dẫn 3 băng hiệu National của người dân tại bản Xăm-xi-nuc; chuyện những Thanh niên xung phong nữ ở rừng Trường Sơn muốn có thai để có được tấm giấy “thông hành” ra Bắc; chuyện “tôi”, anh Trọng tình cờ “đụng” anh H. – chính trị viên phó của “tôi” trong lần đi xem trộm con gái Lào tắm, chuyện đảo ngũ,… với tác giả, đều là những việc rất bình thường, vì lính tráng hay chỉ huy vẫn chỉ là những con người bình thường.

Và hơn thế, trong chiến tranh, khi ở chiến trường, “đôi khi cũng phải bỏ qua danh dự và liêm sỉ để mà sống. Sống được trở về là có tất cả” [tr.291] như lời của anh Tụy – một thầy giáo của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tức là người “hai lần thầy” – đã chiêm nghiệm khi ăn trộm trứng gà của dân. Những cái chưa hay, chưa tốt, những sai lầm, những toan tính,… hiện ra không với cái nhìn phán xét phiến diện, cực đoan, lên án hay tố cáo. “Tôi” đã kể với cái nhìn khách quan, và đầy thông cảm, vì lính tráng hay chỉ huy, vì địch hay ta, vì dân hay lính,… cũng vẫn chỉ là những con người bình thường. Nó đơn thuần chỉ là biểu hiện của một hiện thực sinh động, đa diện của người và việc trong chiến tranh mà những tự sự về chiến tranh trước đây không chú ý hoặc không muốn tái hiện. Tác phẩm vì thế, vừa rất lính, vừa rất người, vừa lạ lẫm vừa vô cùng gần gũi, thân thuộc với mọi độc giả.

Sắp xếp lại kí ức

Hồi ức lính là tự sự của của chính tác giả về cuộc đời cầm súng của mình. Mạch chính của tác phẩm là những trải nghiệm lính tráng với biết bao cung bậc cảm xúc của chính tác giả. Nó bắt đầu từ những ngày đầu nhập ngũ, những ngày hành quân dọc dãy Trường Sơn, qua chiến trường Nam Lào, lên chiến trường Tây Nguyên, về lại đồng bằng, đi vào Nam rồi xuất ngũ trở về Bắc. Tác giả là nhân vật trung tâm trong câu chuyện kể của mình. Đây tạm gọi là lớp tự sự chính của Hồi ức lính.

Song trong quá trình trần thuật, tác giả cũng mở rộng biên độ trần thuật với những sự kiện, con người mà mình chứng kiến. Bên trong câu chuyện của riêng Vũ Công Chiến còn là câu chuyện của Bảo và H’Lan, câu chuyện của gia đình Huỳnh và Nương, câu chuyện về anh Hùng,… Như vậy, tác phẩm không chỉ có một lớp tự sự với một câu chuyện duy nhất mà là những tầng bậc tự sự với vô vàn những câu chuyện tương ứng với một hiện thực bộn bề mà tác giả đã tham gia và làm nhân chứng. Từ đó, kết cấu của Hồi ức lính sẽ không thuần nhất nếu chúng ta nhìn sâu vào bên trong tác phẩm. Nó mang dáng dấp của một kiểu kết cấu truyện trong truyện. Một cách hình ảnh, câu chuyện của riêng Vũ Công Chiến là một thân cây, những tiểu truyện kia là những nhánh, cành làm cho “cây tự sự” Hồi ức lính trở nên vừa cao thân, vừa rộng tán. Vì vậy, Hồi ức lính tuy được kể từ một người, song nó đã trở thành câu chuyện của nhiều người vì dung lượng trần thuật không ngừng mở rộng ra, bao quát cả một hiện thực rộng lớn hơn.

Bên cạnh mở rộng biên độ trần thuật theo chiều ngang bằng việc lựa chọn thuật kể thêm về những con người và sự việc diễn ra xung quanh mình, tác giả còn kéo dài sự trần thuật theo chiều dọc khi kể thêm những sự kiện sau chiến tranh và một phần vĩ thanh. Việc nối dài này không chỉ làm dày dặn thêm dung lượng của tác phẩm mà nó nên là một phần tất yếu của Hồi ức lính. Trước hết, nó tránh được sự đột ngột của một kết thúc nhanh chóng. Sau nữa, nó mở rộng hiểu biết và khắc sâu sự chiêm nghiệm của người đọc về những người lính sau chiến tranh. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng những dư chấn, hệ quả vẫn còn đeo đuổi mãi những con người đã rời khỏi quân ngũ.

Nói như nữ nhà báo Svetlana Alexievich trong tác phẩm Chiến tranh không mang một khuôn mặt phụ nữ thì chiến tranh kết thúc, vốn dĩ không đồng nghĩa với hòa bình. Một mặt, người lính vẫn phải mang trong mình những chấn thương, tổn thất từ trong chiến tranh mà hòa bình khó có thể chữa lành, hoặc vẫn phải tiếp tục trả giá cho hành động trong chiến tranh như trường hợp của Huỳnh – viên chuẩn úy Biệt động quân Biên phòng trên đường 7 ngày nào, như trường hợp của anh Hùng – người tham gia vụ đảo ngũ tập thể ở mặt trận Tây Nguyên,… Và ở một góc độ nào đó, còn cho thấy người lính lạ lẫm, loay hoay như thế nào khi tái hòa nhập với cuộc sống không tiếng súng tưởng yên bình nhưng cũng lắm hiểm nguy. Mặt khác, chính sự rèn giũa, tôi luyện trong chiến tranh cũng giúp họ vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ trong đời thường. Có thể thấy những phần nằm ngoài nội dung chính của tác phẩm vừa làm sâu sắc thêm nội dung, ý nghĩa của Hồi ức lính, vừa làm cho kết cấu của tác phẩm dường như vững chắc hơn. 

Kí ức về những miền cảm xúc

Với một độ lùi nhất định về thời gian, Vũ Công Chiến có điều kiện để hồi tưởng, suy tư và chiêm nghiệm quá khứ. Do đó, bên cạnh những trần thuật khách quan về con người (ngoại hình, tính cách, hoạt động,…) và sự kiện (không – thời gian, diễn biến, kết quả,…), tác giả cũng không ngần ngại chia sẻ quan điểm về những gì mình đã nghe, đã thấy, đã làm. Do vậy, sự can dự vào trần thuật của những bình luận thường xuyên xuất hiện trong quá trình trần thuật của tác giả. Những lúc như thế, giọng điệu trần thuật của Hồi ức lính mang âm hưởng triết lý, suy tư đậm nét. Những suy nghĩ của Vũ Công Chiến về những đồng đội đảo ngũ tập thể, về mối tình của Bảo và H’Lan, về số phận thời hậu chiến của người lính đảo ngũ năm nào, về chiến tranh, về thân phận của những nữ thanh niên xung phong xin có thai với bất kì chàng trai nào để có giấy thông hành ra Bắc,… vừa khiến cho những con người và sự kiện trở nên ấn tượng hơn, vừa cho thấy chiều sâu trong suy nghĩ của một người từng trải qua biết bao gian khổ, đã từng chông chênh trên lằn ranh sống – chết, đã từng chứng kiến muôn hình vạn trạng kiểu người và kiểu việc bất thường trong sự dị thường của chiến tranh.

Điều đáng trân trọng của Vũ Công Chiến là ông thường đánh giá, nhận xét một cách khách quan, không vì yêu ghét của bản thân, cũng không bị dẫn lối bởi các quan điểm chính trị hay bị chi phối bởi định kiến xã hội. Ông khá khách quan trong đánh giá, và đánh giá dưới sự soi xét của trái tim và đạo đức của một con người. Đó là lí do vì sao ông đã ủng hộ (và khiến cho người đọc cũng ủng hộ) cuộc “ra đi” của Bảo với H’Lan bằng cả tấm lòng lẫn trí lực. Câu chuyện tình ấy vừa oan nghiệt vừa nên thơ. Và vì tình yêu là biểu tượng cao nhất của sự sống, là giá trị thiêng liêng của tâm hồn con người, nên nó cần được vượt thoát khỏi sự truy sát của hủ tục và chiến tranh. Cũng là đảo ngũ, nhưng tác giả cũng bày tỏ quan điểm rất rõ ràng với tùy đối tượng và hoàn cảnh đảo ngũ.

Vũ Công Chiến đã không ngần ngại phê bình, thậm chí có phần chỉ trích những đồng đội, đặc biệt là những người anh mà ông kính trọng, đảo ngũ trước khi trận đánh khó khăn sắp diễn ra. Những chất vấn, phán xét của ông không mang màu sắc chính trị, đánh giá họ là yếu hèn, nhu nhược, là phản cách mạng hay chưa thấm nhuần tư tưởng,… Ông viết: “Thế là các anh ấy đã bỏ chúng tôi mà đi, ngay trước trận đánh… Các anh đã nỡ bỏ đi, để lại chúng tôi mỏng manh, yếu ớt trên cả trận địa chốt này. Nếu vì thế mà chúng tôi phải hy sinh tất cả, các anh có ân hận, có đau lòng không?” [tr.558]. Câu hỏi đầy khắc khoải và ám ảnh. Và giọng điệu triết lý, suy tư của Hồi ức lính vì thế cũng vừa trí tuệ lại vừa gợi nhiều cảm xúc, vừa sâu sắc vừa trữ tình.

Là một trần thuật nam tính, song Hồi ức lính vẫn vang lên giọng điệu trữ tình, giàu cảm xúc. Không chỉ chú tâm vào con người và sự kiện quan trọng trong cuộc chiến, Vũ Công Chiến còn trần thuật những xúc cảm cá nhân. Những phân cảnh khi chiến trường im tiếng súng, chủ thể trần thuật nhìn một bông hoa, ngắm bầu trời sao, nghe một tiếng chim,… được miêu tả thật nên thơ và trữ tình. Người đọc hẳn sẽ không thể nào quên được những trang gần cuối của tác phẩm, khi tác giả kể lại câu chuyện giữa mình và Nương. Đó quả là những trang văn xuôi thấm đẫm chất thơ về một chuyện tình đầy thơ mộng mà cũng đầy day dứt và tiếc nuối được thể hiện bằng một giọng văn đầy xúc cảm. Những chi tiết, tình huống nằm ngoài quỹ đạo của chiến tranh không chỉ làm chậm lại nhịp điệu trần thuật mà nó còn mềm hóa giọng điệu của tác phẩm. Sự có mặt của nó với sự chi phối lên giọng điệu trần thuật không chỉ đa dạng hóa giọng điệu trần thuật mà còn chứng tỏ rằng, con người, dù có bị ném vào những hoàn cảnh khốc liệt nhất như chiến tranh vẫn luôn giữ và hướng về những giá trị và xúc cảm giàu nhân văn để có thể luôn giữ mình là một con người chân chính.

Song chất trữ tình của Hồi ức lính không chỉ được tạo nên từ những trang văn thấm đẫm xúc cảm. Thật khó để xóa khỏi trí nhớ chi tiết người lính bắn nhầm đồng đội, chi tiết tác giả cõng cái xác chỉ còn một nửa của người bạn cách đây ít giây còn xông lên chiến đấu với mình, việc người lính đảo ngũ bị đối xử “phân biệt” như thế nào khi bị thương,… Khi thuật tả những con người và sự việc đó, tác giả vẫn giữ giọng điệu khách quan, trung tính song người đọc vẫn không nén được xúc cảm. Những tình huống trớ trêu, oái ăm mà vô cùng đau lòng ấy tự thân nó đã khơi gợi được xúc cảm. Tác giả đã rất có chừng mực khi không sử dụng tùy tiện và quá mức giọng điệu trữ tình, vì vậy, tác phẩm vẫn giữ được tính khách quan cao độ mà vẫn không hề hao hụt cảm xúc. 

Hồi ức lính còn thú vị khi viết về chiến tranh nhưng vẫn có giọng điệu hài hước, dí dỏm. Người đọc không ít lần phải bật cười khi tác giả kể về những mánh lới cải thiện chất lượng bữa ăn của lính, việc lính và thủ trưởng đụng độ khi đi rình xem con gái Lào tắm, việc nhìn gà hóa cuốc khi canh gác,… Có lẽ Hồi ức lính là một trong rất ít tác phẩm viết về chiến tranh lại có giọng hài hước nhẹ nhàng như thế. Đó tuyệt nhiên không phải là cái hài chua cay, nó là cái hài rất đời thường, rất lính và hơn hết là rất người. Rõ ràng, chiến tranh không chỉ có đánh nhau. Những khoảng nghỉ giữa các trận đánh người lính vẫn phải tìm cái ăn, tắm rửa, sinh hoạt,… và từ trong những sinh hoạt đó, có lắm cái khôi hài mà có lẽ chỉ có những người lính hành quân dọc dãy Trường Sơn, qua chiến trường Nam Lào và lên mặt trận Tây Nguyên năm ấy mới trải qua. Chính những phân cảnh như thế, được chuyển tải bằng một giọng điệu hài hước như thế đã khiến cho đời lính được thể hiện một cách chân thực và sinh động. Tất nhiên, đó có thể là những khó khăn, khắc nghiệt của đời lính những ngày tháng ác liệt đó, song với độ lùi thời gian, với những trải nghiệm, tác giả đủ bình tâm và thuật kể nó bằng một cái nhìn vừa xác thực lại vừa hài hước đến như vậy.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những câu chuyện về thời khói bom ấy vẫn còn được tự sự bởi những nhân chứng lịch sử, những người đã trải qua một phần đời của mình trong chiến tranh. Trong khi cất lên tiếng nói, họ có dịp tái sinh quá khứ, cho mình và cho những người đồng đội, cho những người cùng thời. Bên cạnh đó, họ cũng trả lời cho những nghi vấn, thắc mắc của những người ngoài cuộc, khác thời về chiến tranh, về đời lính. Với một lối tự sự giản dị, không kĩ xảo, không nhiều biện pháp nghệ thuật,… Hồi ức lính đã làm thỏa lòng cả hai đối tượng tiếp nhận đó. Thành công của tác phẩm đã cho thấy sức hấp dẫn của đề tài chiến tranh, về ý nghĩa của sự thật – nhất là sự thật về một trong những sự kiện, hoạt động bất thường nhất của nhân loại là chiến tranh, và về sức mạnh của sự chân phương, giản dị, trung thực và tình cảm trong việc tác động đến nhận thức và trái tim của độc giả ngày nay.

Nguồn : https://reviewsach.net/hoi-uc-linh/

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên