Cortesia Tokyo, khách sạn năm sao nổi tiếng tại Tokyo, tọa lạc gần ga Tokyo sẽ xảy ra một vụ án mạng đẫm máu thuộc một chuỗi những án mạng liên hoàn bí ẩn gần đây? Để ngăn chặn thảm kịch xấu nhất có thể xảy ra, đội điều tra số 1 quyết định cài cắm cảnh sát vào nằm vùng trong Costesia Tokyo. Trong đó, có Nitta Kousuke, một cảnh sát trẻ xuất sắc. Và người giám sát, đào tạo nghiệp vụ nhân viên khách sạn, đứng quầy lễ tân cho Nitta, là Yamagishi Naomi, một nữ lễ tân thông minh, sắc sảo.
Nhưng sự khác biệt nghề nghiệp đã khiến cho ấn tượng hai người trong những ngày đầu gặp nhau lại không hề tốt đẹp. Vậy, họ có thể phối hợp ăn ý? Và hung thủ thật sự có xuất hiện ở Cortesia Tokyo? Hắn, có bị bắt giữ?
Muôn mặt kiếp người
Higashino Keigo có lẽ là một trong những tác giả có niềm quan tâm đặc biệt tới chiếc “mặt nạ” con người đang đeo trên gương mặt nhằm che giấu đi cảm xúc, suy nghĩ, cuộc sống lẫn bản chất thực sự. Thậm chí, ngay trong tiểu thuyết Tên của trò chơi là bắt cóc được ông viết vào năm 2002, nhân vật Sakuma đã sáng tạo ra cả một tựa game mang tên Mặt nạ thanh xuân sau quãng thời gian dài anh ta quan sát con người. Để rồi, lần nữa những chiếc mặt nạ lại xuất hiện, và trở thành biểu tượng trở đi trở lại trong bộ truyện Khách sạn mặt nạ gồm 2 tập: Khách sạn mặt nạ và Khách sạn mặt nạ: Đêm trước lễ hội hóa trang.
Nhưng khác với cuốn sách mang ý nghĩa như ngược dòng thời gian Khách sạn mặt nạ: Đêm trước lễ hội hóa trang được viết vào năm 2014; ra đời trước đó 3 năm, bối cảnh tiểu thuyết Khách sạn mặt nạ tập trung ở không gian rất hẹp: một khách sạn 5 sao nổi tiếng có tên Cortesia Tokyo. Song, không gian càng thu hẹp thì dường như, đây lại càng là điều kiện để Keigo tiên sinh khắc họa sâu sắc hơn biểu tượng “mặt nạ” ông dày công xây dựng.
Khi ở Cortesia Tokyo, chính như một lát cắt tựa xã hội thu nhỏ về muôn mặt kiếp người.
Người ta đến nơi đây, ai cũng khoác theo một chiếc mặt nạ, dường như cách biệt rất xa với họ ở đời thực. Bởi khách sạn là nơi các vị khách nghi ngơi, tận hưởng khoảng thời gian được phục vụ và sử dụng dịch vụ cao cấp của một khách sạn 5*? Hay chỉ đơn giản đây là khoảng thời gian, họ bỏ chiếc mặt nạ mang danh cuộc sống thực xuống, để đeo lên một chiếc mặt nạ khác, sống một cuộc đời với định danh khác, vụng trộm hoặc trả những tư thù cá nhân?
Thậm chí, chẳng phải những người cảnh sát túc trực ở Cortesia Tokyo cũng đang đeo mặt nạ để thực thi nhiệm vụ và chính nhân vật của khách sạn này, vẫn ngày ngày khoác cho bản thân bộ cánh, gương mặt của một nhân viên mẫu mực đó hay sao?
Dưới mái nhà Cortesia Tokyo, là muôn mặt kiếp người đang từng giờ, từng phút đối diện với nhau qua một chiếc mặt nạ ngụy trang. Hay vốn, đây mới thực sự là gương mặt thật của họ? Gương mặt họ chỉ có thể biểu lộ ở thời khắc, họ biết sẽ được sống tại một nơi không có sự tọc mạch, không soi xét, tôn trọng tuyệt đối riêng tư khách hàng. Họ biết, nơi đây cho họ được là “cái tôi” toàn vẹn dẫu cái tôi ấy có xấu xa, tồi tệ, đồi bại đến thế nào chăng nữa.
Khách sạn mặt nạ, mà lại như khách sạn của những gương mặt thật, tới mức xấu xí vậy đấy.
Người muốn bảo vệ mặt nạ
“Nhân viên khách sạn sẽ phải vừa tự tưởng tượng bộ mặt thật của khách vừa không được phép thất kính với cái mặt nạ kia. Tuyệt đối không được nghĩ đến chuyện lật cái mặt nạ ấy ra. Theo một nghĩa nào đó thì họ đến khách sạn là để tận hưởng vũ hội hóa trang mà.”
Đó là những lời nhân viên lễ tân Yamagishi Naomi đã nói với thanh tra cảnh sát đang vào vai nhân viên lễ tân Nitta Kousuke. Và thật sự, những ngày vào vai một nhân viên khách sạn, Nitta đã được trải nghiệm trọn vẹn, thế nào là “tuyệt đối không được nghĩ đến chuyện lật cái mặt nạ ấy ra” thông qua hình ảnh Yamagishi Naomi sắc sảo và chuyên nghiệp.
Cô gái ấy, thật sự đã hoàn thành xuất sắc vai trò người bảo vệ mặt nạ khách hàng. Dù cho những đối tượng được gọi là “khách hàng” ngày ngày cô tiếp đón, là loại người như thế nào.
Bằng khả năng quan sát sắc bén, niềm yêu nghề cùng kinh nghiệm quan sát khách hàng suốt bao năm, Naomi có thừa sự thông minh để nhạy cảm phát hiện, gương mặt ẩn sau chiếc mặt nạ những vị khách sử dụng để nói chuyện với cô. Nhưng Naomi cũng có thừa sự chuyên nghiệp để đối với khách hàng luôn đúng mực: luôn nở nụ cười trên môi, cung kính, tận tụy; đặc biệt, cô gần như không chối từ bất kì yêu cầu nào của khách mặc cho yêu cầu đó hoang đường, oái oăm, khó khăn đến đâu.
Từ sự hiểu thấu nhân tâm, Naomi có thể cư xử đúng mực với từng người cô gặp gỡ. Tới mức, có thể cảm tưởng cô gái này quá cứng nhắc và nhún nhường mà dễ dàng bị kẻ khác lợi dụng. Nhưng thực sự, ẩn sau vẻ đúng mực kia là sự kiên cường tới mạnh mẽ và điềm tĩnh đến sắc lạnh. Bởi, muốn bảo vệ mặt nạ của người khác, người nhân viên khách sạn như Naomi, cũng phải bảo vệ mặt nạ “nhân viên” của chính mình; đồng thời, phải có những xử lý phù hợp trước tác động từ cuộc sống “ngoài kia” của khách hàng. Cortesia Tokyo là một thế giới, một thế giới tách biệt và là nơi, cho những người quản trò như Naomi, cho phép “người chơi” tới “tận hưởng vũ hội hóa trang.”
Tuy nhiên, người nhân viên khách sạn muốn bảo vệ mặt nạ khách hàng, vậy ai sẽ là người bảo vệ họ ngoài chính họ? Vì dù có tách biệt đến đâu, khách sạn vẫn là một phần của dòng chảy đời sống. Nên bối cảnh câu chuyện, bối cảnh tiền án mạng đặt tại Cortesia Tokyo, như đã đặt Naomi cùng những người như cô vào thế, nhìn nhận lại phương châm làm việc cùng những điều xưa nay, bản thân cô vẫn luôn coi là chân lý, tôn thờ tựa tín ngưỡng.
Để rồi, sóng gió qua đi, sinh tử trong gang tấc, cô gái nhạy cảm và đầy sắc sảo có lẽ vẫn không thay đổi nguyên tắc làm việc. Bởi chẳng phải, đây là con đường, cũng là phân công lao động cô đã lựa chọn hay sao?
Tình và lý, đúng và sai, thật và giả, ranh giới bỗng trở nên thật mờ nhạt trong thế giới của Khách sạn mặt nạ, tựa một “vũ hội carnaval” xuyên suốt gần 500 trang truyện.
Kẻ muốn lật tẩy mặt nạ
Nếu nhân viên khách sạn muốn bảo vệ mặt nạ khách hàng thì ngược lại, nhân viên cảnh sát lại là kẻ luôn muốn lật tẩy mặt nạ người khác. Như cách, thanh tra Nitta Kousuke ngay từ những ngày đầu làm việc tại Cortesia Tokyo đã luôn để ý, thậm chí là soi xét từng vị khách bằng cặp mắt hình sự của vị cảnh sát thuộc đội điều tra số 1 vốn quen với những vụ trọng án, thẩm vấn, lấy cung và nghi ngờ tất thảy.
Nitta tựa một bánh răng bị “khớp” trong hệ thống Cortesia Tokyo đã vận hành, vào guồng bao lâu. Cho đến khi, bản thân anh cũng buộc phải dần quen với chiếc mặt nạ “nhân viên lễ tân” nhằm phục vụ cho gương mặt thật, cuộc điều tra thật sự anh đang theo đuổi.
Trên cương vị một cảnh sát, Nitta sắc sảo, đầy kiêu hãnh tới mức, dường như tự kiêu. Và cuộc sống là một nhân viên khách sạn, như đã khiến anh phải nhìn lại sự “kiêu hãnh” bấy nay có lẽ anh vẫn luôn tự hào. Để con người ấy nhận ra, nhìn nhận một con người, không đơn thuần chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân mà còn phải đặt bản thân, vào vị trí người đó. Để chàng trai tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ mà đã sớm bước chân vào đội điều tra số 1 nhìn thấu, bản thân anh dẫu có năng lực đến đâu, cũng không thể mãi mang theo chiếc mặt nạ “kiêu ngạo” của một cá nhân riêng lẻ, độc lập.
Muốn lật tẩy mặt nạ kẻ khác, người cảnh sát cần soi thấu bản chất con người. Vô hình trung, khía cạnh “soi thấu bản chất con người” lại tạo thành giao điểm với những nhân viên khách sạn nói chung, nhân viên lễ tân nói riêng. Tựa hai mặt của một đồng xu, không có đúng sai, chỉ có hỗ trợ, bổ khuyết cho nhau những gì còn thiếu sót. Nitta đã học hỏi được từ Naomi sự nhẫn nại trước mọi đối tượng, cũng như mọi hoàn cảnh. Và đấy chẳng phải điều một cảnh sát cần trên hành trình lật tẩy danh tính những tên tội phạm, đặc biệt là tội phạm trí tuệ cao hay sao?
“Chuyện cỏn con thế mà, Nitta nghĩ vậy nhưng anh không thể nói ra. Rõ ràng chúng ta không thể biết người khác sẽ vì những chuyện thế nào mà tổn thương.” Một Nitta kiêu ngạo, ương ngạnh ngày đầu đã nghĩ đến cảm nhận người khác mà thấu hiểu, cảm thông đến vậy đấy.
Khách sạn mặt nạ – Masquerade Hotel quả thực, tựa bữa tiệc hóa trang đầy màu sắc. Khi cả câu chuyện, không đơn thuần chỉ là việc phá án, tìm ra hung thủ thực sự đằng sau án mạng liên hoàn diễn ra tại các địa điểm rải rác khắp nước Nhật. Mà đây còn là câu chuyện về con người, nhân tâm, về muôn mặt kiếp đời đã đến, đã rời khỏi Cortesia Hotel. Án mạng, trở thành cái cớ, để Keigo tiên sinh dựng lên chuyện đời đằng sau biểu tượng những chiếc mặt nạ “giả”, người ta che giấu con người “thật”.
Với độc giả yêu thích tác phẩm thuần trinh thám khi tiếp nhận Khách sạn mặt nạ, có lẽ sẽ thấy tác phẩm có phần lan man, dàn trải, yếu tố trinh thám hời hợt, thậm chí là là quá dễ đoán biết. Nhưng, với một câu chuyện mang hình thức truyện lồng truyện, từ những gợi ý, manh mối vô tình xuất hiện trong những câu chuyện nhỏ, người cảnh sát dần phát hiện ra chân tướng anh luôn tìm kiếm thì Khách sạn mặt nạ vẫn là một tác phẩm đầy cuốn hút. Đặc biệt, khi từ tác phẩm này, Keigo tiên sinh đã gợi người đọc tới hàng loạt lý thuyết liên ngành khác.
Đọc thêm: Cánh kỳ lân (Higashino Keigo) – Đứng thẳng, vươn mình tựa sải cánh kỳ lân
[Higashino Keigo] Tên của trò chơi là bắt cóc – Khi tất cả đều đóng vai kẻ ác
Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên – Cái chết giữa lòng đại dịch
Mọt Mọt
Nguồn : https://reviewsach.net/khach-san-mat-na-1/
Đọc thêm: