Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã ra đi mãi mãi ở tuổi hai mươi tại chiến trường Quảng Trị năm 1972. Những dòng nhật ký anh để lại góp phần phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta, phản ánh một thế hệ thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…”
(Thanh Thảo)
“Chuyện đời”.
Bản thảo gốc có tên “Chuyện đời” là một cuốn sổ tay khổ nhỏ, bìa bọc nilong màu xanh, tổng cộng 240 trang chép tay, chữ nhỏ li ti, đều tăm tắp, ít gạch xóa, được viết bằng mực xanh và đen. Anh bắt đầu viết từ ngày 2/10/1971 tức là 28 ngày sau nhập ngũ và dừng lại vào ngày 3/6/1972 khi chuẩn bị vào chiến trường Quảng Trị. Cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư được Thạc gửi về cho anh trai từ ngã ba Đồng Lộc.
Anh hi sinh chưa đầy 2 tháng sau đó, khi chưa tròn 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Thục đã thay mặt gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi bản thảo gốc về Nhà xuất bản Thanh Niên với mong muốn cho xuất bản cuốn nhật ký này, góp phần để bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ có thể tự hào về một thế hệ thanh niên đi trước mà vững bước hướng tới tương lai.
Tác phẩm được nhà thơ Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu đến độc giả, xuất bản năm 2005.
“Mãi mãi tuổi hai mươi” là một cuốn nhật ký đầy đặn đúng nghĩa, tuôn ra từ ngòi bút của chàng thanh niên giỏi văn đất Hà thành, viết về chuyện người, chuyện đời, theo dòng suy nghĩ và sự kiện trên những miền quê, những chặng đường hành quân.
Cuốn nhật ký dang dở.
Bởi là nhật ký nên chân thật và chân thành.
Anh chỉ là anh.
Là cậu sinh viên khoa Toán – Cơ, rời ghế nhà trường lên đường chống giặc Mỹ. Là người con xa nhà, đọc “Bầm ơi” mà nhớ mẹ. Là chàng trai lòng đầy lãng mạn, nhớ cô bạn gái thân thiết nơi hậu phương. Là cậu thanh niên yêu thơ văn, viết rất nhiều và rất hay, nhưng vẫn không hài lòng mà cho rằng ngòi bút mình cứ tắc, cứ ngắc ngoải. Là anh lính binh nhì, giác ngộ lý tưởng cách mạng, khát vọng lên đường vì ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc.
Đó chính là anh – anh bộ đội cụ Hồ.
“Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn Nhật ký thân yêu của đời lính.
Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng đề trống trải và bí ẩn như những trang giấy này.”
Anh viết cái kết mở cho tương lai, cho ngày trở lại hoặc không bao giờ.
Giờ đây khi đất nước đã sạch bóng quân thù và đang trên đà phát triển, ai sẽ thay Thạc viết tiếp? Với mong muốn của người đã đi xa mãi mãi, cuốn nhật ký mở ra những trang trống, cho thế hệ bây giờ và sau này, tự hào tiếp bước cha anh.
Lời tiên tri về ngày toàn thắng.
Ngày 18/9/1971, trong một lá thư gởi cho người bạn gái thân thiết là Như Anh (Phạm Thị Như Anh, trong nhật ký là P. hoặc Như Anh), Thạc viết:
“Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều và thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó còn trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ và bài toán.
30-4-1975, T. sẽ trả lời cho P. câu: Hạnh phúc là gì?”
Ngày nay, toàn thể nhân dân Việt Nam đều biết đó là ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng lúc Thạc viết những lời trên thì chưa có một điều gì có thể khẳng định chắc chắn ngày chiến thắng của toàn quân toàn dân ta cả. Vậy mà thực sự anh đã viết nó ra. Đúng năm, đúng tháng, đúng cả ngày.
Chẳng thể lý giải, chỉ có thể xem như một sự tiên cảm diệu kỳ. Và cả đất nước đã dùng chiến thắng cuối cùng để thay anh trả lời câu hỏi về hạnh phúc, như lời tri ân đầy trân trọng yêu thương.
Mùi cỏ cháy.
“Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc được người đồng đội của anh – cũng là con người từng xuất hiện trong cuốn nhật ký – nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sử dụng làm chất liệu để viết nên kịch bản bộ phim “Mùi cỏ cháy”, ra mắt khán giả năm 2012 và được trao 4 giải Cánh diều vàng.
“Mùi cỏ cháy” tái hiện một phần khốc liệt và dữ dội của trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị trong sự kiện Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Suốt 81 ngày đêm hứng chịu mưa bom lửa đạn, những gương mặt mười tám, hai mươi sao mà dũng cảm, sao mà kiên cường.
Hình ảnh anh Thạc hiện lên trong Thăng, anh lính binh nhì và về sau là người lính thông tin, với lá thư gửi người bạn gái nơi hậu phương:
“Chống Mỹ cứu nước là thời đại oanh liệt của dân tộc. Trong buổi bình minh của cách mạng, ai sẽ là người đi vào mờ sáng? Có tôi, và hơn 1000 sinh viên các trường đại học nhập ngũ lần này. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa qua những áng văn, những bài thơ.
Tháng 4 năm 1975 sẽ trả lời cho bạn: Hạnh phúc là gì?”
Còn Hoàng là bóng dáng thời trai trẻ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – người duy nhất còn sống sót trong nhóm bạn thân Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình tình yêu Hà Nội, lên đường chiến đấu với niềm khát khao chung của dân tộc: Bắc Nam sum họp, đất nước thống nhất.
“Mùi cỏ cháy” lay động khán giả màn ảnh rộng bởi những mẩu chuyện có thật về bi kịch chiến tranh và hy sinh của tuổi trẻ thời chiến mang theo khát vọng gia đình, tình yêu, tình bạn. Tiếng gọi “Mẹ ơi!” vang vọng và lặp đi lặp lại trên dòng Thạch Hãn, nước sông nhuộm một màu máu đỏ lòa trong đêm đen, nấm mồ chôn người lính vừa đắp đã bị pháo địch làm nổ tung, nơi quê nhà chiếc chổi lông gà mẹ cầm rơi xuống đất – một điềm báo làm run rẩy tâm can đấng sinh thành… những chi tiết đắt giá lấy biết bao nước mắt người xem. Đau đớn thay cho một dân tộc đã từng bị dằn xéo như thế! Tự hào thay những trái tim quả cảm anh hùng!
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.”
(Lê Bá Dương)
Tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Nguyễn Văn Thạc (14/10/1952 – 30/7/1972) là liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong một trận đánh ác liệt bên thành cổ Quảng Trị sáng 30/7/1972, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc được giao nhiệm vụ bảo đảm liên lạc cho trung đoàn 101, sư đoàn 325.
Theo Nguyễn Quang Minh, chiến sĩ cùng tiểu đội với anh Thạc sau này có kể lại:
Loạt đạn pháo của địch rơi đúng chỗ Thạc. Một mảnh pháo chém ngang hai đùi của anh, máu chảy ướt đẫm ống quần. Máu ra nhiều lắm. Mấy anh em vội xúm lại băng bó rồi khiêng Thạc lên trạm phẫu tiểu đoàn, với hi vọng “còn nước còn tát”. Nhưng Thạc đã tắt thở trong vòng tay của đồng đội. Như nhiều người lính hi sinh ngoài chiến trường, thi hài của anh được chôn cất ngay tại mặt trận.
Sau giải phóng, hài cốt anh được tìm kiếm và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm, Hà Nội.
Mong hương hồn anh thanh thản.
Kính dâng một nén hương lòng tưởng nhớ đến một cuộc đời đã dừng lại mãi mãi ở tuổi hai mươi vì Tổ quốc.
Cảm ơn anh Nguyễn Văn Thạc! Xin cảm ơn những con người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Xin cảm ơn những con người đã góp công cho hòa bình độc lập ngày hôm nay. Các anh sống mãi trong lòng dân tộc!