Không đao to búa lớn. Không hào hùng sử thi. Bùi Hiển tuổi đôi mươi mang những người dân làng chài xứ Nghệ đầy mộc mạc, chân phương và có phần đanh đá vào trang viết của mình, để lại một “Nằm vạ” sống đời trên văn đàn Việt Nam.
Truyện ngắn “Nằm vạ” được in báo lần đầu vào cuối năm 1940 trên tờ Ngày Nay, chưa đầy một năm sau tác phẩm xuất hiện trong tuyển tập cùng tên được ấn hành bởi NXB Đời Nay, từ đó nền văn xuôi Việt Nam ghi dấu tên tuổi một cây bút trẻ đặc sệt chất Bắc Trung Bộ – Nhà văn Bùi Hiển.
Chuyện cũng chẳng có gì!
Mọi sự khởi đầu từ việc chị Đỏ quên đóng cửa chuồng gà trước khi đi ngủ.
Sáng hôm sau chị bị chồng mắng. Bản tính chua ngoa của một người đàn bà nhà quê không cho phép chị im lặng, nó xúi chị lầm bầm cãi lại. Mà khịa một câu thì chưa đủ sướng cái miệng, phải đâm thọc thêm vài câu nữa mới đã cái nư dai dẳng.
Thế là anh Đỏ vốn cọc tính mà còn bị châm cho nóng đầu, vợ lại nói anh ngay trước mặt đứa em gái, anh liền túm chị lôi xềnh xệch vào buồng rồi ném xuống đất, lại đạp vào mông vợ mấy cái, đoạn đi ra.
Thế là chị Đỏ dỗi.
Thế là chị Đỏ quyết định nằm vạ.
Đến giờ cơm anh Đỏ vào lôi chị ra, chị ngoặp vào chân chồng. Mẹ chồng xăm xăm vào, hùng hổ chửi, định lôi chị dậy, chị lại ngoặp luôn vào tay mụ.
Thế là thành to chuyện.
Đấy! Chuyện vốn chẳng có gì lại thành to chuyện!
Hẳn là, tâm lý chung từ đứa bé đến “đứa lớn”, ai nằm vạ thì cũng có lúc hết muốn nằm vạ, nhưng tự thân chấm dứt quá trình nằm vạ thì sượng mặt lắm! Chị Đỏ không nằm ngoài tâm lý đó.
Ấy vậy mà tình thế run rủi khiến chị nằm vạ tận bảy ngày ròng! Làm thế nào chị lại có thể sống khỏe đến cái ngày ông Lý tới nhà phân xử mà “nỏ ghì đi thí mô”?
Câu trả lời chắc hẳn nên để mỗi người tự tìm đọc nốt tác phẩm vậy. Đã bảo là chuyện cũng chẳng có gì rồi, mà lại viết ra hết thì… mất vui!
Bùi Hiển đã tái hiện một câu chuyện ở miền quê Nghệ An, theo chia sẻ của tác giả, đây là một câu chuyện có thật mà ông từng chứng kiến. Một câu chuyện đời sống hằng ngày, kể ra nghe có vẻ khôi hài, nhưng từng việc nối tiếp xảy ra thì đều có cái lý của nó cả.
Tiếp cận hiện thực một cách rất riêng, rất Bùi Hiển.
Một số nhà phê bình văn học xếp Bùi Hiển vào hàng ngũ những nhà văn hiện thực phê phán, và ông đã chân thành từ chối sự “thăng hạng” này.
Tác phẩm của ông có hiện thực không? Có!
Tác phẩm của ông có phê phán không? Không hẳn!
Cùng là văn chương tiền chiến, “Nằm vạ” của Bùi Hiển không đi sâu vào vạch trần cho người đọc thấy những mặt đen tối xấu xa của xã hội như “Số đỏ” “Giông tố” “Lục xì” của ông vua phóng sự đất Bắc Vũ Trọng Phụng, cũng không đẩy mạch xung đột giai cấp lên cao trào như “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan.
“Nằm vạ” của Bùi Hiển cũng hiện thực, nhưng là một hiện thực nghiêng về phong tục, tập quán truyền thống của một miền quê, ở đó có những con người sống thiên về bản năng, có chút láu cá, có chút đanh đá, có chút chua ngoa, nhưng chăm chỉ làm lụng, chân thành và thiện lương. Chị Đỏ vốn là một nàng dâu siêng năng chịu khó, hiếm lắm mới có một dịp nằm vạ, mà vô tình bị nhà văn biết chuyện thôi!
Chính nhờ cái lần nằm vạ đó, mà rằng:
“Ðó là lần đầu chị được ngủ ngày một cách say sưa, không bị quấy rối, lần đầu chị nếm cái thú nhàn hạ của các bà tỉnh thành.”
Nhà văn trần thuật tự nhiên và khéo léo chấm phá nên một bức tranh làng chài với vẻ đẹp không hoàn hảo của những con người bình dị.
Những con chữ của Bùi Hiển giăng ra, hết trang này đến trang khác, nhẩn nha kể, kể về chuyện vợ chồng, chuyện gia đình, chuyện làng xóm bằng chất giọng địa phương mà nhà văn đã học theo từ thuở còn bập bẹ tập nói. Đó là một kiểu văn chương có sao viết vậy, sống sao viết vậy – không bóng bẩy, không chạy theo thời thượng, cũng chẳng thèm để ý đến thị hiếu.
Bùi Hiển giống như một bông hoa lạ tỏa hương theo cách của riêng mình. Một phong cách rất Bùi Hiển. Một phong cách không cao giọng lớn tiếng mà chỉ thể hiện những chân phương, những mạch ngầm, những nốt lặng, âm thầm mà bền bỉ của cuộc sống và của lòng người.
Trong lễ mừng thọ 80 tuổi của nhà văn Bùi Hiển, nhà thơ Tố Hữu đã chúc ông “tiếp tục Nằm vạ với đời”. Lời chúc thú vị của người bạn văn thân thiết hẳn nhiên là một cách chơi chữ, nhưng đồng thời cũng là một lời khẳng định đối với tác phẩm “Nằm vạ” cùng quãng đời văn chương đã đi qua của nhà văn.
Hiểu thêm về Bùi Hiển.
Bùi Hiển (22/11/1919 – 11/03/2009) nguyên quán ở làng Phú Nghĩa Hạ, nay thuộc xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Nhà văn từng chia sẻ, thuở nhỏ ông không biểu lộ tài phú gì về văn chương. Đến những năm 1932 – 1933, khi vào học ở trường Quốc học Vinh và có điều kiện tiếp xúc với các tác phẩm của một số nhà văn nổi tiếng trong và ngoài nước, ông mới bắt đầu thích đọc sách cũng như tập tành viết văn.
Từ cách mạng tháng Tám đến những năm cuối thế kỷ XX, Bùi Hiển vừa viết văn, vừa làm báo, và cả dịch thuật. Ông là hội viên sáng lập, tham gia ba khóa Ban chấp hành, từng làm ủy viên Thường vụ, Thường trực và chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, Bùi Hiển đã để lại 32 đầu sách sáng tác, 9 cuốn sách dịch, khoảng 70 cuốn sổ ghi chép cùng với nhiều tư liệu quý.
Nhà văn Bùi Hiển được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2001.
Nguồn : https://reviewsach.net/nam-va/