“Người ăn chay” là một cuốn sách có sức cuốn. Nguyên do không phải ở sự mới lạ của tựa đề hay tính chất của tựa đề, mà bởi nó mang một kết cấu nội dung ma quái với tính gợi mở cực đại, liên quan đến rất nhiều vấn đề tùy vào điểm đặt sự chú ý của độc giả: đó là tự do cá nhân trong khuôn khổ xã hội, là hệ lụy chiến tranh, là bạo lực gia đình, là hôn nhân không tình yêu, là bệnh tâm thần, là ham muốn tình dục, là niềm say mê nghệ thuật tự do… giống như quan điểm của Shakespeare, trong lòng một ngàn người có một ngàn Hamlet, Han Kang chỉ đóng vai trò là người kể chuyện, còn chân lý thuộc về mỗi độc giả. “Người ăn chay” bởi vậy có sức cuốn của một tác phẩm lớn!
“Người ăn chay” (tựa gốc “채식주의자”) xuất bản lần đầu năm 2007 tại Hàn Quốc. Dịch giả Deborah Smith đã chuyển ngữ cuốn sánh sang tiếng Anh với tựa đề “The Vegetarian”, sau đó xuất bản ở Anh vào năm 2015.
Năm 2016, tác phẩm giành được Giải Man Booker quốc tế – một giải thưởng danh giá nhằm tuyển chọn những tác phẩm văn học có giá trị lẫn bản dịch xuất sắc.
“Tôi tin rằng con người nên hóa thành cây cỏ!”
Lấy cảm hứng từ câu thơ trên của nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Hàn Quốc Yi Sang, cộng với những trải nghiệm cùng tác động trong quá trình lớn lên và trưởng thành đã cho nữ tác giả Han Kang những ý tưởng và chất liệu sáng giá để viết nên liên truyện “Người ăn chay”.
Tác phẩm chủ yếu xoay quanh nhân vật chính tên là Yeong-hye. Gồm ba truyện ngắn độc lập nhưng có thể gộp lại thành một cuốn tiểu thuyết: Người ăn chay, Vết chàm Mongolia, Cây pháo hoa, được tường thuật lần lượt theo ba nhân vật là chồng, anh chồng và chị gái của Yeong-hye. Cùng những con người đó, nền tảng, xuất xứ đó, tác giả xây dựng thông qua góc nhìn của các nhân vật khác nhau theo từng sự chuyển biến của câu chuyện.
Yeong-hye trải qua vài cơn ác mộng đầy máu me chết chóc rồi quyết định trở thành người ăn chay, tuy nhiên người chồng ích kỷ chỉ biết phần mình và gia đình bố mẹ ruột kiên quyết phản đối, đặc biệt là bố Yeong-hye – người lính từng tham chiến ở Việt Nam đã hành động hết sức gia trưởng và bạo lực. Từ đấy bắt đầu sự sụp đổ 3 gia đình vốn chẳng hề vững chắc, sự vụn vỡ tồn tại sẵn ở trong lòng mỗi con người vốn tưởng chừng rất bình thường.
Nỗi niềm trăn trở về nhân tính!
Đâu là nguồn gốc của bi kịch này?
Đặt góc nhìn vào toàn cảnh cốt truyện, người để lại những di chứng tâm lý cho Yeong-hye và chị Yeong-hye chính là ông bố trở về từ chiến tranh Việt Nam kia – sự hiện thân của tội ác đẫm máu.
Ngược dòng lịch sử, trước lời hứa về đòn bẩy ngoại giao và viện trợ tài chính của Mỹ, Hàn Quốc cử quân đội sang tham chiến ở Việt Nam từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1973 với tư cách là đồng minh Hoa Kỳ. Nghị sĩ Thượng viện Hoa Kỳ J. William Fulbright đã từng chỉ trích việc triển khai lực lượng Hàn Quốc tại Việt Nam giống như “thuê lính đánh thuê”. Dường để chứng minh tính đúng đắn cho sự ví von của ngài nghị sĩ, quân đội Hàn Quốc đã gây ra biết bao tội ác chiến tranh, tàn sát hàng ngàn thường dân, để lại bóng ma không thể xóa nhòa ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Hàng loạt cuộc thảm sát có thể kể tên như thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị (nay thuộc Điện Bàn, Quảng Nam), thảm sát Bình An (nay thuộc Tây Sơn, Bình Định), thảm sát Bình Hòa (thuộc Bình Sơn, Quảng Ngãi), thảm sát Hà My (thuộc Điện Bàn, Quảng Nam)… và hơn 40 vụ thảm sát khác.
Dựa trên những dữ kiện lịch sử đó, Han Kang đã xây dựng nên nhân vật bố của Yeong-hye – người lính từng tham gia chiến tranh Việt Nam và trở về nhận được huân chương, cuộc đời còn lại gã sống trong niềm tự hào ấy. Phải chăng chiến tranh đã đánh thức con quỷ dữ trong người gã, và sự vinh danh của quê nhà đã nuôi dưỡng con quỷ khát máu ấy?
Gã nuôi dưỡng con cái bằng những trận đòn roi, và dạy ra những đứa con tưởng chừng như “an phận”. Người chị cả In-hye chăm chỉ, cần mẫn thay mẹ nấu canh giải rượu cho bố, yếu hèn tìm lối thoát cho những cơn bạo hành. Người em trai út Yeong-ho trút khổ sở từ những trận đòn của bố xuống những đứa trẻ xung quanh yếu thế hơn, để tìm cảm giác cân bằng. Chỉ còn lại Yeong-hye, đứa con thứ vừa hiền lành vừa bướng bỉnh, tiếp nhận toàn bộ bạo lực điên cuồng của ông ta, tiếp nhận ngoài da thịt cho đến tận xương tủy.
Chị cả In-hye – hiền thục, dịu dàng, an định, mạnh mẽ, rời khỏi nhà từ năm 19 tuổi, một thân một mình bươn chải ở Seoul, gầy dựng sự nghiệp riêng, luôn hết mình vì trách nhiệm. Sức hút từ một người làm nghệ thuật sống kiệt sức nhưng cũng đầy bất cần đã khiến cô muốn gả cho anh, hình tượng bất kham của anh là nỗi niềm khát khao của cô nhưng chưa từng dám vượt qua trách nhiệm để sống vì chính mình. Đám cưới bắt đầu cho quãng thời gian mà niềm vui và sự thoải mái hoàn toàn bị loại bỏ, chỉ còn lại sự nhẫn nại và chăm sóc hết lòng. Để cuối cùng khi những tòa lâu đài cát sụp đổ, những vỏ bọc an toàn giả dối bị xé nát, cô bỗng thấy mình chưa từng sống trên cuộc đời này! Cô chưa từng sống!
Yeong-hye lớn lên ngày càng ít nói, ngoài điều đó ra thì cô là một cô gái bình thường nhất trên thế giới này, không có khuyết điểm gì đặc biệt, chẳng có gì hấp dẫn đặc biệt, không tươi mới, không dí dỏm. Sự bình thường dẫn đến cuộc hôn nhân vì sự phù hợp, vì người vợ như cô chịu thương chịu khó phục vụ từng cái ăn cái mặc cho chồng mà không hề cằn nhằn điều gì. Những sự bình thường ấy dường như là sự chết lặng sau khi chịu đựng một tuổi thơ bạo hành, cũng là sự tĩnh lặng trước bão giông. Những giấc mộng đầy máu, sự sợ hãi như ai đó đã giết người và cảm giác rợn người, nhớp nháp, tàn nhẫn khủng khiếp ấy đến từ đâu? Từ một người bỗng dưng thấy tội lỗi vì đã ăn quá nhiều thịt? Hay nỗi ám ảnh từ bé bởi hình ảnh con chó bị bố cột vào xe máy và chạy cho đến khi mềm oặt chết đi, còn cô đứng chứng kiến và cong cớn rủa xả vì nó dám cắn cô? Hay là vì luật nhân quả, đời cha ăn mặn đời con khát nước, vì những tội lỗi chiến tranh đẫm máu mà người bố đã gây ra nên trong giấc mơ Yeong-hye mới cảm thấy mình là kẻ thủ ác? Một con người mà ngay cả quyền ăn chay cũng chẳng được, phải xảy ra xung đột, phải rạch tay tự sát. Để rồi trong mông lung tiềm thức, cô khát khao được thoát khỏi thân phận con người, chỉ muốn sống như một cái cây, chỉ cần ánh nắng thôi. Không làm người nữa được không? “Sao, không được chết à?”
Han Kang đã vẽ ra một cái cây thật lớn mang trong mình nỗi băn khoăn về nhân tính, về phẩm cách của đồng loại, về tình yêu, về sự xấu xa, bạo lực mà họ trút lên nhau; phát triển thành nhiều nhánh và tản ra nhiều tán lá to dưới hình hài của hệ lụy chiến tranh, bạo hành gia đình, hôn nhân không tình yêu, ham muốn tình dục; rồi điểm xuyến vài bông hoa bung nở khát khao tự do cá nhân như ăn chay, như body painting.
“Cơ thể của họ phủ đầy hoa, lá, cành màu xanh, chúng lạ lẫm như không phải người vậy. Những động tác cơ thể của họ trông như đang vật lộn để thoát khỏi con người.”
Hóa ra, con người chẳng hề tự do như họ vẫn tưởng.
“Người ăn chay” dưới góc nhìn của một người ăn chay!
Người gõ những dòng này là một người ăn chay trường từ thuở bé, nhờ ảnh hưởng của gia đình. Đối với tôi đó là một mối duyên lành, một niềm may mắn. Phải, tôi may mắn hơn nhiều so với Yeong-hye.
Tôi không phải trải qua những cơn ác mộng đầy máu rồi mới đi đến quyết định ăn chay, cũng không vấp phải sự phản đối từ những người thân cận nhất. Và, ơn trời, không bị vạch miệng ra để nhét thịt vào, rồi kết thúc cuộc tranh chấp bằng vòi máu phun ra từ cổ tay. Đoạn ấy khiến tôi nghẹt thở và lợm cổ họng.
Từ khi biết suy nghĩ, cơn ác mộng đầu tiên trong trí óc còn thơ ngây của tôi là bị ép ăn thịt. Tôi đã từng sợ hãi khi đi qua những quầy thực phẩm từ động vật, thậm chí là phản ứng có phần thái quá. Dần trưởng thành, vòng quan hệ rộng hơn, cách cư xử cũng bình thường hơn, linh hoạt hơn. Tôi có thể ngồi chung bàn ăn với bạn bè nhân buổi họp lớp, trong khi tụi nó ăn hải sản thì tôi ăn trái cây.
Những thay đổi ấy là để hòa đồng hơn, chứ không ảnh hưởng gì đến chấp niệm ăn chay của tôi cả. Có lẽ, đa số bạn đọc là người ăn mặn, đọc đến đoạn người bố ép Yeong-hye ăn thịt, mà Yeong-hye trước giờ vốn là sành các món thịt và chỉ mới chuyển sang ăn chay một khoảng thời gian, sẽ cảm thấy hành động của ông ta có thể chấp nhận được. Nhưng đối với người mang chấp niệm ăn chay như tôi, như Yeong-hye, hành động ấy là một tội ác.
Không biết những người ăn chay khác như thế nào, riêng cá nhân tôi, loại bỏ đi lý do ban đầu là ảnh hưởng của gia đình, thì từ khi có quyền đưa ra ý kiến và có thể tự quyết định chế độ ăn của mình, tôi ăn chay đơn giản vì muốn ăn chay. Không cần phải liệt kê ra những lý do vì thói quen, sức khỏe, tâm linh. Không cần phải tranh cãi về bình thường hay bất thường. Không cần phải chứng minh khoa học hay không khoa học.
Tôi ăn chay đơn giản như việc tôi sống và hít thở vậy.
Đọc xong “Người ăn chay” của Han Kang, đặt dưới góc nhìn lối sống ẩm thực, thực tâm cầu mong những ai bỗng dưng muốn thay đổi chế độ ăn uống vì một lý do nào đó, có thể tự do trong lựa chọn, và cân bằng thực đơn để luôn khỏe mạnh.