“Trên bến bờ những thế giới vô biên
là một hội lớn của bầy con trẻ”
(Rabindranath Tagore)
Có thể dùng câu thơ ấy để nói về thế giới mở ra trong tập truyện ngắn “Người chưa bao giờ thấy biển” của nhà văn Pháp Le Clézio. Viết về trẻ em, ông dường như không đơn thuần nhắm đến việc thoả mãn hoài niệm tuổi thơ như đa phần các nhà văn khác. Cái ông tìm kiếm sâu thẳm hơn, căn cốt hơn: đó là tái khám phá thế giới cũ kĩ của con người, thông qua một thế giới khác mà hầu hết họ đã có và đã quên: thế giới nguyên vẹn và vô biên của “bầy con trẻ”.
Cuốn sách bao gồm năm câu chuyện riêng biệt của năm đứa trẻ khác nhau: một Mondo lang thang với những người em đã gặp và những gì em đã trải qua khi dừng chân ở một thành phố nọ trong “Mondo”, một Petite Croix mù lòa nhưng ngày ngày ngồi trên đất rắn để cảm nhận, theo cách của riêng mình, màu xanh của bầu trời trong “Người trời”, một chuyến thám hiểm kì diệu của Jon lên ngọn núi Reydarbamur và cuộc gặp gỡ với đứa trẻ bí ẩn nhưng tràn đầy linh thánh trong “Núi chúa ngự”, giấc mơ được đến với vùng đất thần tiên Hazaran của Alia và những người cùng khổ trong “Hazaran”, và cuối cùng, một vụ mất tích, hay nói đúng hơn là đào tẩu của Daniel trong “Người chưa bao giờ thấy biển” để sống cuộc đời hòa với biển mà em hằng mong muốn.
Từ đôi mắt của trẻ em …
Người đọc biết được rất ít về những đứa trẻ trên của Le Clézio. Cha mẹ chúng là ai? Đâu là quá khứ của chúng? Và tương lai của chúng? Tất cả dường như đã được bỏ qua một cách tự nhiên. Chúng đơn giản SỐNG trong hiện tại. Sự sống của chúng tràn ngập khắp các khoảnh khắc của cái “ở đây” và “ngay lúc này” đến mức những thông tin khác bên lề cái hiện tại ấy, dù có được nhắc đến hay không, cũng không đáng bận tâm. Làm được điều này, Le Clézio đã giúp độc giả của mình bước được bước đầu tiên vào thế giới của “bầy con trẻ”: trong khi người lớn lấp đầy thế giới của họ bằng những nghĩ suy và dục vọng – đầy đến mức dường như không còn chỗ cho chính sự sống nữa, thì ở thế giới của trẻ em, sự sống vô tư tràn vào như một thứ mật nguyên chất lấp lánh sắc màu, hương thơm và dễ làm say lòng người.
Không khó để nhận ra nhà văn đã dành một dung lượng rất đáng kể trong cuốn truyện mỏng của mình cho thiên nhiên, đúng hơn là mối giao cảm huyền nhiệm giữa thiên nhiên và những tâm hồn con trẻ – cả hai đều là sự sống ở dạng thuần khiết nhất của nó. Thiên nhiên lắng vào giấc ngủ trong lành của Mondo: “Đám muỗi vằn nhảy múa quanh má cậu, đàn kiến đen khám phá quần áo và đôi tay cậu. Tóc cậu khẽ phơ phất trong làn gió ban chiều. […] Cậu […] chu du trong ánh sáng ấm áp của ngôi nhà, trong mùi thơm của lá cây thắng, trong sự ẩm ướt bốc lên từ đất. […] Và cách đó một quãng ở đầu kia vườn, […] con cào cào vẫn không chán kéo cưa để trò chuyện với cậu, để gọi cậu…” Đối với một cô bé mù như Petite Croix, thiên nhiên không phải là những gì em nhìn thấy bằng con mắt bên ngoài mà là “con mắt bên trong”, với một sự pha trộn giữa những cảm nhận tinh tế nhất với những tưởng tượng phi thường nhất: ánh sáng khi thì phát ra những tiếng động “chchch và dtdtdt”, với làn da “mềm mại và rung rinh lay động, cọ tấm lưng và cái bụng mênh mông vào lòng bàn tay mở rộng” của em, lúc lại trở thành một “bầy ngựa […] đông đúc và hiền dịu […] đến từ đỉnh trời, nhảy từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, qua những thành phố lớn, qua những con sông, không hề gây ồn ào, chỉ có tiếng sột soạt mịn như nhung của lớp long tuyết.” Thiên nhiên ấy lấp lánh sự tuôn trào và biến ảo vô hình của sự sống, ban tặng cho các em những hồng ân tinh khiết nhất của chiếc chén đời. Và các em, chỉ các em, mới có thể thu chúng lại trong tầm mắt của mình để chuyển hóa thành những mảnh linh hồn, khám phá ở đó những cái đẹp bị giấu kín mà người lớn, với tâm hồn và óc ngạc nhiên bị mài nhẵn, đã chẳng thể lưu lại được.
Nếu phải đặt tên cho cảm tình mênh mông của các em đối với muôn vật, muôn loài, cái tên ấy chỉ có thể là Tình yêu Sự sống. Trong “Mondo”, tình tri kỉ khăng khít giữa Mondo và Thị Chín – người đàn bà Việt Nam già nua, bé nhỏ sống trong Ngôi Nhà Ánh Vàng đến từ đâu, nếu không phải là từ những trái tim luôn biết mở ra để sống và để yêu thương? ““Lẽ ra cháu không nên vào vườn của bà – Mondo nói – nhưng tại cửa mở mà cháu thì lại hơi mệt”. “Cháu vào là đúng – Thị Chín nhỏ nhẹ nói – cháu thấy đấy, bà đã để ngỏ cửa cho cháu”. […] Mondo […] nhấm nháp món bánh hạnh nhân vừa ngắm các ô cửa sổ lớn, nơi ánh sáng ùa vào. “Ðẹp tuyệt – Nó trầm trồ – Cái gì làm tất cả vàng óng thế kia nhỉ?” “Ðó là ánh mặt trời” – Thị Chín giải thích. “Hẳn là bà phải giàu lắm?” Thị Chín cười: “Thứ vàng ấy chẳng thuộc về ai hết”. Họ ngắm nhìn ánh sáng lung linh huyền diệu tựa hồ trong một giấc mơ.”
Những đứa trẻ của Le Clézio đều yêu những cái đẹp vô tư. Và mơ những giấc mơ đẹp. Lòng nhân hậu của các em không có giới hạn, nó bao dung tất cả, chan hòa trong cả những sự vật vô tri. Như cách Mondo kể chuyện cho tảng bê tông em hay ngồi để giải khuây, “bởi lẽ nó hẳn là buồn bã do quanh năm ngày tháng cứ phải nằm ỳ ra đó, không thể nhúc nhích đi đâu được”, hay cách em “đọc” các chữ cái trong tên mình: “Có một ngọn núi, mặt trăng, một người chào mảnh trăng lưỡi liềm và lại trăng nữa”, hay cách Petite Croix hằng ca bài hát “Hãy mang ta theo… Hãy mang ta theo…” cho những con ong, con rắn, những tia nắng và những làn gió … Bởi vì tâm hồn các em nguyên vẹn, thế giới trong mắt các em cũng trọn vẹn và chỉ là cùng một khối với tâm hồn ấy – một thế giới đại đồng theo nghĩa hoàn toàn và sơ nguyên nhất của từ này.
Đó cũng là thế giới chắp cánh cho những cuộc phiêu lưu không hồi kết, vừa để khám phá những vẻ đẹp ẩn mật của Tạo hóa, vừa để truy tầm và khẳng định bản ngã của chính các em. Mondo đã từng đi đến khắp các vùng đất và gặp đủ người thuộc các chủng tộc khác nhau. Dù chỉ ngồi một chỗ trong vỏn vẹn một ngày, Petite Croix cũng đã trải qua một cuộc thám hiểm vô tận trong tâm thức. Jon thì đã trở thành một nhà thám hiểm thực sự khi cậu một mình chinh phục đỉnh Reydarbamur. Alia luôn khát khao được giải thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn, tù túng để đến được bầy chim mang đến xứ sở Hazaran cổ tích. Còn Daniel, có lẽ không một cuộc phiêu lưu nào trong cuốn sách này có thể mang tính nổi loạn hơn cuộc phiêu lưu của em: em đã bỏ lại tất cả, nhà trường, gia đình cùng mọi lề lối của cuộc đời để đi theo tiếng gọi và vẻ đẹp của biển cả, không phải thứ biển cả thứ cấp tồn tại thông qua chuyện tắm, chuyện đi săn ngầm, những bãi biển và những cơn cảm nắng của con người, mà là biển cả, tự do, tự nó và hoang dại như chính tâm hồn của Daniel.
Đó là những đứa trẻ giàu có, vì chúng sống nhiều và yêu nhiều, vì chúng vui nhiều và mơ nhiều. Và vì chúng tự do. Daniel tự do, Mondo tự do vì chúng dám thoát khỏi tất cả những định danh mà xã hội gán cho mình. Nếu thế giới của người lớn là thế giới nằm trong vòng thường nhật, thế giới của trẻ em xuất hiện để nằm bên ngoài cái vòng thường nhật ấy: nó là cuộc chơi của riêng sự sống , mà sự sống vốn dĩ chẳng tồn tại một bến bờ nào, và không có một tên gọi nào. Không phải tự nhiên mà nhiều tôn giáo thừa nhận sự gần gũi giữa trẻ em với Đấng sáng tạo, với cội nguồn của sự sống. “Núi chúa ngự” đã khắc họa cuộc đối thoại giữa con người và Chúa trời như là cuộc hội thoại bình đẳng giữa hai đứa trẻ, cùng san sẻ với nhau một tấm lòng thơ. Trong “Hazaran”, cảnh cuối cùng dường như là một ẩn dụ cho chuyến hành hương của loài người từ khổ đau về miền đất hứa, mà lũ trẻ chính là những kẻ được nhận ơn phước, loan báo tin mừng và cuối cùng “nắm tay đàn bà và đàn ông […], tiến lên trong nước sông giá lạnh”. Chúng như những thiên thần dẫn lối con người về với cội nguồn của cái đẹp và sự sống.
Và về với cội nguồn của chính mình.
Đến thế giới mà người lớn dần quên lãng
Le Clézio từng tâm sự: “Thực chất, tôi viết để thử nhận biết tôi là ai”. Vậy ông là ai, người lớn là ai? Họ có còn là họ không khi cứ dần dần nhìn thế giới theo thói quen chứ không phải là cái nó đang là? Có còn là họ không khi đánh mất dần những giấc mộng phiêu lưu và ràng buộc đời mình vào những cái khuôn đúc sẵn?
Khi đứa trẻ trong họ đã ra đi, họ còn lại điều gì?
Nhưng chúng ta đều biết, đứa trẻ ấy không ra đi. Nó chỉ trưởng thành. Và trưởng thành là một bi kịch. Năm câu chuyện của “Người chưa bao giờ thấy biển”, hầu hết đều kết thúc bằng những dấu hiệu của bi kịch. Mondo vẫn tự do nhưng những người yêu quý em mãi mãi không còn nhìn thấy em nữa. Sự toàn vẹn của tuổi thơ đã mất để thay vào đó là những chênh vênh, mất mát của đời thường: “ít lâu sau, Gitan cũng bị cảnh sát bắt giữ […]. Giordan Người câu cá bẻ gãy cần câu của mình trên đê chắn sóng và ông chẳng bao giờ đến được Erythrea cũng như bất kỳ miền đất nào khác. Lão Dadi rốt cuộc đã thoát khỏi bệnh viện, nhưng không bao giờ tìm lại được những con bồ câu của mình nữa […]. Ông họa sĩ nghiệp dư cũng không thành công trong việc vẽ bầu trời […]. Về phần ông già có khuôn mặt người Ấn, ông vẫn cặm cụi san cát ngoài bãi biển, không hành hương về dòng sông Hằng thiêng liêng. Ở đầu dây buộc, bị cột vào cái vòng han gỉ trên kè, con tàu Oxyton đơn côi lắc lư trên mặt nước của cảng, giữa lớp dầu loang, chẳng có ai đến ngồi ở đuôi tàu để hát cho nó nghe một giai điệu.”. “Người trời” kết thúc bằng cảnh Petite Croix sợ hãi trốn chạy khỏi những ảo ảnh của chính mình về chiến tranh, về một thế giới trên bờ hủy diệt. “Lửa và cái chết hiện diện khắp mọi nơi […]. Petite Croix nghe tiếng sấm chuyển ầm ầm, những tiếng nổ bùng lên, tiếng kêu la của lũ trẻ, tiếng tru của lũ chó sắp chết. Gió xoáy tít và đó không còn là một điệu nhảy nữa mà là cuộc đua của một con ngựa điên.” Sau cuộc chạm mặt với vô biên trong “Núi chúa ngự”, cái Jon còn lại chỉ là nỗi cô đơn khi buộc phải quay trở về nếp sống bình lặng và cũ kĩ hằng ngày: “Nó chẳng hề suy nghĩ, chỉ cảm thấy trống rỗng, nỗi cô đơn vô bờ, trong lúc đạp xe dọc theo con đường. Khi về tới trang trại, Jon dựng chiếc xe đạp vào tường và bước thật khẽ khàng để bố mẹ nó còn đang ngủ khỏi thức giấc.” Những đứa trẻ ở lại kí túc xá trong “Người chưa bao giờ thấy biển” thì chỉ biết ngưỡng vọng cuộc sống tự do của thằng Daniel “Sindbad” trong khi vẫn theo quán tính, sửa soạn cho cuộc đời khuôn phép của mình, còn tất cả người lớn thì đã quên hẳn Daniel đi… Thậm chí, ở “Hazaran”, chuyến hành hương của đoàn người về miền đất hứa cũng không tránh khỏi một tương lai mờ mịt, khi “bờ bên kia” trước mắt họ vẫn còn là một “dải sẫm tối”, “nơi chẳng một tia sáng nào lấp lánh”.
Trong tập truyện này đã thấp thoáng một thế giới mất đi tấm lòng con trẻ, nơi những ước mơ thành dang dở, sự sống đích thực bị lãng quên, con người mất đi mối giao cảm thuần khiết với Hóa công để trở nên lo toan và vụ lợi. Tệ hơn, ta thấy họ trở thành kẻ thù của sự sống. Nhà trường và cảnh sát trở thành những thế lực cưỡng đoạt sự tự do của những đứa trẻ như Daniel và Mondo. Cuộc đời của Alia và những người như em đã bị định đoạt một cách thản nhiên bởi những người xa lạ – “đám sinh viên và những người mặc đồ xám”. Trong “Người trời”, Chúa – một đứa trẻ, đã phải bỏ lên đỉnh cao trơ trọi chỉ vì không chịu nổi các đô thị của loài người. Đỉnh cao của tội ác mà người lớn gây ra với sự sống, với những đứa trẻ chính là chiến tranh, mà qua “con mắt bên trong” của Petite Croix, nó hiện lên như một người khổng lồ tà ác, sẵn sàng quét sạch thế giới trong ánh nhìn thiêu đốt. Tất cả những người lớn ấy đều đã tự giết đi đứa trẻ bên trong mình trước đi tước đoạt đi thế giới trẻ thơ bên ngoài: dòng mật sự sống đã bị lấy đi, “những thế giới vô biên” khép lại để chỉ còn một hoang mạc cằn cỗi.
Nhưng Le Clézio chưa bao giờ là một con người bi quan. Ông thấy con người làm nghèo nàn cuộc sống, cưỡng đoạt và hủy diệt cuộc sống để rồi cuối cùng “không hiểu” được cuộc sống và phải hy sinh bản thân cho một thứ trật tự nhân tạo, vô hồn. Nhưng ông cũng để những đứa trẻ của mình kéo những con người ấy về lại với sự sống kì diệu và bao la, để nhớ lại rằng sâu thẳm bên trong họ vẫn là đứa trẻ biết nhân hậu, biết ước mơ và biết ngạc nhiên trong từng cú cựa mình của đời sống: “Mondo không hỏi họ những điều quá hóc búa, mà là những điều người ta đã lãng quên, không nghĩ về chúng từ nhiều năm, chẳng hạn như những cái chai tại sao lại có màu xanh hay tại sao lại có những ngôi sao băng. […] Cả những câu hỏi cũng vậy[…] Mondo biết đặt những câu hỏi đúng lúc cần, khi người ta không ngờ. Người ta ngừng lại vài giây, thôi không nghĩ về họ và công việc của họ, họ ngẫm nghĩ và mắt họ trở nên thoáng bối rối, bởi họ nhớ ngày xưa đã từng hỏi điều đó.” Mondo tựa như hiện thân của một “đứa trẻ vĩnh hằng” mà câu cuối cùng “MÃI MÃI LẮM LẮM” của em như một lời nhắn gửi cho chúng ta, rằng sự sống luôn luôn mới và đứa trẻ luôn luôn mới. Trưởng thành là điều không thể tránh khỏi. Nhưng một người lớn xuất hiện không đồng nghĩa với một đứa trẻ phải biến mất. Nhìn sự sống bằng cái nhìn đơn thuần của một “đứa trẻ bên trong”, con người sẽ thấy “thế giới” đơn giản là “thế giới” và “ta” đơn giản là “ta”. “Ta” là thế giới và thế giới sẽ là vô tận…
Để rồi, khép những trang sách vừa thơ ngây vừa uyên áo, vừa chân thực vừa diệu kì ấy lại, biết đâu họ lại sẵn sàng để mở hội thêm một lần nữa với vô biên của chính mình.
Nguồn : https://reviewsach.net/nguoi-chua-bao-gio-thay-bien/