Vốn ấn tượng với hình ảnh Thanh tra Kaga uy vũ, sắc lạnh khi kết tội kẻ thủ ác, không cho chúng có thêm một giây tiếp tục lươn lẹo trong Ác ý hay Cánh kì lân; thì có lẽ, dáng hình Thanh tra Kaga, ở vị thế một “người mới đến” nhận nhiệm vụ, lại thảnh thơi, nhàn nhã làm những việc như chẳng liên quan tới án mạng đang khiến cả cấp trên lẫn đồng nghiệp “tất bật” đã mang đến một cảm nhận khá khác biệt. Nhưng dù ấn tượng ban đầu có ra sao, anh vẫn là Kaga Kyoichiro, thanh tra mẫn cán, nhạy cảm trong công việc và luôn lặng thầm, đi tới tận cùng chân lí đằng sau những bí ẩn ngay tại mỗi sự vật, sự việc dẫu nhỏ nhặt nhất. Vì chân tướng vụ án, và vì đời sống con người.
Người mới đến, kẻ ngoại lai
Được viết vào năm 2013 và đề cập tới quãng thời gian đầu Thanh tra Kaga mới chuyển công tác về sở Cảnh sát Nihonbashi, nên đúng với tựa đề cuốn sách – Người mới đến, Kaga Kyoichiro như kẻ ngoại lai bước chân vào một không gian, vốn có sự biệt lập rõ ràng trong văn hóa, lối sống, sinh hoạt cư dân trong vùng lẫn cách làm việc của những đồng nghiệp thuộc sở Cảnh sát Nihonbashi. Nhưng nếu như thời gian anh có để hòa mình vào cộng đồng ấy quá ngắn ngủi thì bối cảnh án mạng xảy đến với đủ bí ẩn rằng hung khí là gì, thủ phạm là ai và động cơ gây án phía sau khiến người ta, chẳng kịp mà hiểu, con người cậu thanh tra trẻ mới đến. Nhất là khi, hành động của Kaga, lại như vượt ngoài quy chuẩn một thanh tra cảnh sát.
Bởi thế, ở Người mới đến, độc giả Việt Nam sẽ thấy một bóng hình Kaga Kyoichiro vừa quen thuộc, song cũng hết sức lạ lẫm so với hai tác phẩm được xuất bản trước đó là Ác ý hay Cánh kì lân. Quen thuộc, bởi dẫu chỉ hiện lên trong một số chi tiết thoáng qua thì hình ảnh Thanh tra Kaga không khoan nhượng, sắc sảo, mạnh mẽ, uy vũ vẫn đặc biệt ấn tượng. Kaga như vậy, dễ khiến người ta thấy cách anh nói thật “khó nghe”. Nhưng người có thể thẳng thắn hỏi đương sự: “Ông được gì sau khi ly hôn…” lại mới thật là Thanh tra Kaga của Keigo tiên sinh mà người đọc quen biết. Một người, vốn dùng lời nói và hành động tựa một loại “thuốc đắng”, để “giã tật”, làm tỉnh thức lương tri, khiến những ai còn chênh vênh, lạc bước có thể thẳng thắn đối diện với chính bản thân lẫn người họ yêu thương.
Song hình ảnh Kaga ấy cũng có phần lạ lẫm, ngay trong dáng vẻ mẫn cán, anh đi trên từng cung đường, chú ý tới từng chi tiết dẫu là nhỏ nhất, để kẻ “người mới đến” như anh, có thể dần trở thành một phần thuộc về mảnh đất này. Khi cái tên Kaga Kyoichiro, qua những chuyến đi tới từng gia đình, gặp gỡ từng con người, quầy hàng trong “nơi chốn mang đầy màu sắc phố cổ Edo” đã lần hồi tiến đến tận cùng những biến đổi vi tế trong nội tâm con người lẫn bao uẩn khúc mà mỗi người giữ, như một phần bí mật riêng có. Bằng cách, anh tựa hồ thu lại “bộ óc sắc như dao cạo và đôi mắt tinh như chó săn” để làm Thanh tra Kaga đời thường rất mực ở ngoại hình, trong cử chỉ, đồng thời, cũng là một Kaga Kyoichiro vô cùng thấu hiểu và ham tìm tòi tới mỗi nét đẹp văn hóa thuộc về xưa cổ.
Người mới đến, kẻ ngoại lai, luôn phải gánh chịu sự hoài nghi, thậm chí là cảnh giác của cộng đồng xung quanh, nhất là khi, bản thân nhân vật Kaga Kyoichiro làm công việc đặc thù và xuất hiện ở không gian cổ khép kín vào bối cảnh đặc thù. Và kẻ ngoại lai đấy, bên cạnh hành trình “phá án”, còn là quá trình kiếm tìm sự “công nhận” bên cạnh triết lí, con người đó dường như đã luôn tâm niệm, khi anh chuyển ngạch, dấn bước vào con đường một thanh tra cảnh sát: “Những người tổn thương tinh thần vì vụ án cũng là nạn nhân. Tìm cách an ủi họ cũng là một phần trách nhiệm của cảnh sát.”
Muôn mặt kiếp người, muôn mặt cuộc đời
Trong văn nghiệp đồ sộ tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói, Higashino Keigo là một tác giả có sức sáng tạo mãnh liệt trong từng tác phẩm, và ngay trong chính các tác phẩm thuộc cùng một series. Như tiểu thuyết Người mới đến, thuộc series Thanh tra Kaga, Keigo tiên sinh không chỉ tạo nên sự khác biệt của bản thân nhân vật Kaga Kyoichiro mà cách thức ông tạo dựng cốt truyện, khai mở đề tài cũng có điểm riêng biệt.
Rằng ở đó, vẫn bắt đầu từ một vụ án song cách thức Thanh tra Kaga, với tư cách kẻ ngoại lai, vừa phá án, vừa khám phá đời sống dân cư trong địa bàn anh sẽ công tác, đã tạo nên cấu trúc truyện lồng truyện đầy đặc sắc. Bởi không đơn thuần chỉ là một vài câu chuyện nhỏ, lồng trong tổng thể một cốt truyện lớn mà trên trang viết Người mới đến, muôn mặt kiếp người, muôn mặt cuộc đời được gợi ra, đằng sau án mạng. Nơi ấy, là những góc khuất về mặt nội tâm, là những ẩn ức người ta không thể nói hay đã chẳng thể thấu hiểu cho nhau, và cả là những đánh đổi thầm lặng con người chẳng cầu hồi đáp…
Bởi, có những chuyện họ không thể nói, có những bí mật họ chôn chặt trong cõi lòng, xuất phát từ chính tình cảm họ dành cho những người họ yêu thương
Do bất đồng hay xung đột quan điểm cùng cái tôi quá lớn, khiến người ta chỉ đành lặng thầm dõi theo rồi lặng lẽ quan tâm lẫn nhau bằng những hành động, mà người ngoài phải thật sự tinh tế, mới có thể nhìn và hiểu.
Cũng vì quá yêu thương và mang theo gánh nặng lẫn trách nhiệm của bậc cha mẹ, họ sẵn sàng hi sinh hết thảy, không tiếc, ngay chính bản thân để bảo vệ người họ trân quý. Dẫu cho, sự bảo vệ, bảo bọc đó có là dung túng hay chỉ là nối tiếp hàng chuỗi những sai lầm chẳng thể vãn hồi.
Nhưng khoảng cách thế hệ, sự đối lập giữa kì vọng cha mẹ gửi gắm với khát khao của con cái, đã càng kéo giãn, đào sâu thêm mối ngăn cách giữa những người cùng ruột thịt. Đến khi vấp ngã hay thật sự thấm thía nỗi đơn thương, cô độc của sự mất mát, chia lìa, người ta mới thấu hiểu, bản thân nhỏ bé, yếu đuối tới chừng nào và hai tiếng gia đình, gần gụi là thế mà mỗi lúc, như xa rời tầm với ra sao. “Cái chết của Mineko khiến cậu suy sụp. Không chỉ vì vụ án chưa sáng tỏ, mà còn vì cảm giác tội lỗi đè nặng lên vai. Cậu chưa từng làm được gì cho mẹ hồi mẹ còn sống.”
Tuy nhiên, có lẽ chăng, khát vọng theo đuổi cái tôi trọn vẹn cùng lối sống tới mức khắc kỉ mà muôn mặt kiếp người thể hiện ngay chính trong tình yêu thương họ dành cho nhau ở tiểu thuyết Người mới đến, cũng là một bản tính truyền thống của con người Nhật Bản từ xa xưa. Bố mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp… tương quan giữ cá nhân với những mối quan hệ thân thuộc đã tạo nên những con người với cá tính, nội tâm, suy nghĩ, hành động hết sức phức tạp.
Và một anh “cảnh sát khu vực”, “người mới đến”, đâu đơn thuần chỉ nhằm phá cho xong án, tìm và kết tội hung thủ là đã hoàn thành nhiệm vụ. “An ủi” “những người tổn thương tinh thần vì vụ án”, mà rộng hơn, hiểu thấu, đồng cảm với mỗi mảnh đời họ trực tiếp đối diện không chỉ trong vụ án hôm nay, có thể là cả đời sống dân sự sau này, cũng là một phần của những ai, làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn trật tự, trị an, pháp luật… Để bản thân những người chấp pháp và hành pháp đó, không sa chân vào con đường quan liêu, thậm chí, là máu lạnh, trước nỗi khổ đau đời người.
*Cre: Page Facebook IPM
Sự công nhận
Từ những trang đầu tác phẩm, Kaga Kyoichiro xuất hiện với tư cách “người mới đến” và tới tận khi kết thúc câu chuyện, anh vẫn tự nhận mình “Chẳng là ai cả. Ở khu phố này, tôi chỉ là người mới đến.” Nhưng sau tất cả những quan tâm, sự tinh tế, lòng nhiệt thành… anh dành cho mỗi con người, bất kể liên quan tới vụ án theo cách trực tiếp hay gián tiếp; cùng nhạy bén hiếm có khi anh đối diện trước mỗi tình tiết xoay quanh án mạng; thì dù anh có tự nhận mình là “người mới đến” ra sao, người khác vẫn còn lạ lẫm với ngoại hình cùng tác phong trong công việc của anh thế nào, người ta vẫn không thể không công nhận một Thanh tra Kaga giàu năng lực, vừa tình cảm, vừa sắc lạnh.
Sự công nhận, ở ngay những câu nghi vấn đặt ra, anh “là ai” và “cấp bậc của cậu là gì.” Sự công nhận, đến từ cách, từng người, từ đồng nghiệp tới người dân, dần mở lòng mà coi anh như một cá nhân trong cùng cộng đồng với họ. Người mới đến, kẻ ngoại lai, đến tận cùng đã đạt được sự công nhận, với cách thức mang theo cái tôi cá nhân mạnh mẽ có tên Kaga Kyoichiro.
Bởi thế, nếu xét trên khía cạnh trinh thám thuần túy, Người mới đến không phải một tác phẩm trinh thám quá mức đặc sắc với những tình tiết “thẳng căng” (chữ dùng của Nguyễn Khải) đầy bất ngờ. Thậm chí, tác phẩm còn có phần dàn trải khi Keigo tiên sinh gần như không tập trung hành động của Kaga vào việc phá án mà những gì anh làm, những tưởng chỉ giải quyết các vấn đề, sự việc, con người bên lề vụ án.
Tuy nhiên, một tiểu thuyết Người mới đến được tập hợp từ mỗi chương truyện gần như đều mang nội dung trọn vẹn, hẳn không đơn thuần chỉ để tạo dựng cấu trúc truyện lồng truyện. Mà hơn cả, có lẽ, đó còn như lăng kính vạn hoa, mở ra đa chiều kích về con người, cuộc đời. Rằng, vụ án chỉ là khởi nguồn, cho những khuất khúc rất người, rất đời buộc mỗi cá nhân, phải thẳng thắn đối diện, như đối diện với chính phần “người” có sai lầm hay không hoàn hảo song vẫn khao khát yêu thương vậy.
Mọt Mọt
Nguồn : https://reviewsach.net/nguoi-moi-den/
Đọc thêm sách cùng tác giả Higashino Keigo đã được review: