Một căn bệnh kì lạ xảy ra khiến cả thị trấn hẻo lánh Fujitani chìm trong tang tóc. Căn bệnh ấy nhanh chóng lan ra ngoài thị trấn và trở thành đại dịch cướp đoạt mạng sống của hàng nghìn người. Cùng với bệnh dịch là sự xuất hiện của những sinh vật khổng lồ kì lạ lùng sục khắp vùng. Trong bối cảnh đó, có những đứa trẻ mắc bệnh, sống sót và sau đó sở hữu một sức mạnh siêu nhiên kì diệu. Nắm giữ năng lực, chúng lẩn lút chiến đấu với bệnh tật, với những sinh vật ngoại lai cho một tương lai… đầy mịt mờ phía trước.
Thảm kịch
Những lời chúng tôi nói ở bệnh viện bên bờ biển, một bờ biển đẹp với “mặt biển bao la”, “mùi hương ngọt ngào của bãi cát bị hun đúc dưới nắng hè” nhưng tiếc rằng, đấy lại chỉ là những lời kể về hàng chuỗi thảm kịch trải rộng của cá nhân cậu bé Uehara Sou nói riêng, cả thị trấn Fujitani lẫn những vùng lân cận nói chung.
Thảm kịch mang tên, căn bệnh diệt chủng. Thứ bệnh lạ mà triệu chứng ban đầu chỉ như cảm sốt thông thường. Song nhanh chóng, trên cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những hạt cát màu đen li ti. Và khi cát đen xâm chiếm toàn bộ con người, bao bọc họ trong thứ hợp chất đen xù xì, cũng là lúc, người bệnh qua đời, gần như lặng lẽ, không một tiếng nói.
Thảm kịch khiến những đứa trẻ còn sống sót mất đi bạn bè, những đứa con mất đi gia đình và những con người, đánh mất quê hương khi thị trấn nơi họ sinh ra, đã trở thành một thị trấn chết.
Thảm kịch xảy đến, làm người ta phải nhìn nhận lại bi kịch bản thân mà nhận ra, dường như, chữ “bi” đã đến với họ từ rất lâu rồi. Từ khi, người ta đã không còn trân trọng giây phút họ được sống, để mặc thời gian trôi qua không đích đến, không mục tiêu, để mối quan hệ giữa người với người, kể cả những người, ngỡ rằng thân thiết trong một gia đình, cứ ngày một xa cách. “Chỉ cần ngồi trên giường là những kí ức về bố mẹ lại hiện lên. […] Những kỉ niệm ấy không chỉ giới hạn về mỗi hai người họ mà còn về cả toàn bộ thị trấn nơi gia đình cậu sinh sống nữa. Thứ mà cậu đánh mất trong đêm hôm đó không chỉ có mình bố mẹ cậu. Cậu còn mất đi cả thị trấn của mình.”
Và thảm kịch, buộc những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, vốn sống một đời bình lặng với tất cả âu lo, mâu thuẫn của tuổi ẩm ương chưa có quá nhiều quan hệ xã hội, phải đối diện với hiện thực cuộc sống đầy rẫy sự xa lạ, hiểm nguy. Buộc chúng phải khám phá và chiến đấu, để sinh tồn.
Bi kịch quá khứ, chồng lấn vào thảm kịch hiện tại, kéo dài tới tận hôm nay, tương lai. Bởi sau một năm ngày căn bệnh kì lạ xâm chiếm xã hội, vẫn còn những “bệnh viện bên bờ biển” thu nhận về đó, bao cá nhân còn di chứng của “ngày trước” và những con người, “hiện nay” vẫn tiếp tục mang theo bệnh tật. Bởi thời gian có lùi xa, thì đau thương vẫn hằn sâu nơi ký ức, một ký ức đầy rẫy những mất mát và máu tanh.
Đằng sau tựa truyện ngỡ rằng đậm chất thơ, man mác nét buồn hoài niệm – Những lời chúng tôi nói ở bệnh viện bên bờ biển, tác giả Hiroshi Ishikawa lại khắc họa sự dữ dội lẫn những nỗi buồn đớn đau sầu bi sau từng câu nói đến thế.
Đấy là “những lời” không đơn thuần chỉ là câu chuyện “câu chuyện”. Bởi mọi thứ đã tản mát biết bao trong dòng thời gian quá khứ qua lời kể của Sou. Vì cuộc sống hiện tại, sau tất cả vẫn luôn thường trực sự vụn vỡ. “Những lời”, như tiếng vọng sâu thẳm mơ hồ của cả những linh hồn đã tan biến, qua con chữ, dòng tự sự mà nhắc nhớ đến cái chết của thảm kịch đã xa nhưng bi kịch, vẫn lẩn quất nơi thực tại.
Cái chết
Phía sau thảm kịch, là hiện hình cái chết.
Hay có thể nói rằng, cái chết là một phần, gắn liền với thảm kịch.
Cái chết hiện diện muôn nơi.
Qua trực quan thị giác về mỗi người thân bị hợp chất đen chiếm trọn; về những sinh mệnh, đã từng là con người, nay chỉ còn là một khối kim loại xù xì nằm la liệt; và về những cái xác bất ngờ đổ ụp xuống, làm người ta ngỡ rằng đã chai lì với mất mát, lần nữa nhận ra, cái chết thảm khốc và sự diệt vong, đã gần đến thế nào. “Trong kí ức của Sou, mái tóc ông vẫn đen tuyền, nhưng hiện giờ, nó đã biến thành trắng xóa. […] Sou đấm mạnh xuống sàn nhà. Phần kí ức ghê sợ trong cậu lại bị khơi dậy – phòng thể chất ngày hôm đó. Phải chịu đựng cái chết của bố mẹ đã là quá đủ với cậu rồi. Áp lực từ việc phải nhìn thấy thêm cả những thi thể khác nữa là quá nặng nề.”
Qua trực cảm khứu giác, lúc con người đã có thể ngửi thấy mùi của sự chết chóc lan tỏa trong không khí. Và cả khi, người ta đã quá quen với cái chết đến nỗi quen thuộc luôn với thứ mùi tử khí luôn quẩn quanh trong bầu không khí tĩnh mịch, thâm u của một “thị trấn chết”.
Qua thính giác được tôi luyện mà nghe thấy cả thanh âm của cái chết, sự nguy hiểm cận kề.
Qua sự nếm trải dư vị chết chóc từ mồ hôi và máu tanh đã đổ.
Và qua trực diện xúc giác, khi người ta có thể cảm nhận rõ rệt, từng sinh mệnh đang trôi qua kẽ ngón tay của họ.
Cái chết hiện hình ở mỗi sinh mệnh, trên từng bước chân, khoảnh khắc trôi đi. Để người ta nhận ra, dẫu là con người hay lũ ma hài đối địch, sinh mệnh đều mong manh đến đáng thương.
Cái chết về thể xác, và cái chết về tâm hồn. Hay có thể nói chăng, liên tục đối diện trước tử sinh, người ta dễ dàng đồng cảm mà trân trọng sinh mệnh của nhau, kể cả địch hay ta. Nhưng đồng thời cũng dễ bào mòn con người, cả thân thể, lẫn cảm xúc. Cùng sức mạnh có được, là sự băng hoại của cơ thể cùng cảm xúc những đứa trẻ còn chưa trưởng thành. Phần bản năng, vô cảm, đố kị, sợ hãi, thất vọng, bất lực… cứ vậy trỗi dậy ăn mòn tinh thần tụi trẻ còn quá yếu đuối trong biến cố.
Những lời chúng tôi nói ở bệnh viện bên bờ biển, là từng lời, từng câu chuyện ngỡ rằng nhẹ bẫng, được nhắc đi nhắc lại bao lần, mà sao vẫn đáng sợ và đau đớn đến xé lòng. Bởi, mỗi lần những lời đó thốt ra, đều là một lần, người kể chuyện đối mặt lại với quá khứ đau thương đã qua và hiện tại mùi tử khí còn lẩn quất.
Để rồi, dẫu dòng chảy thời gian có thể đưa cuộc sống trở về quỹ đạo thường nhật, khiến người ta lãng quên đã từng có một căn bệnh diệt chủng xuất hiện, hay đã từng có những đứa trẻ mang sức mạnh siêu nhiên chiến đấu, đánh cược bằng chính mạng sống của chúng. Thì trong ký ức và hiện thực của “kẻ ở lại”, cái chết vẫn hiện hữu tựa thảm kịch mà hằn sâu nỗi đau, gặm nhấm linh hồn để họ sống mãi với bao day dứt, nuối tiếc lẫn yêu thương không thành.
Tương lai
Những lời chúng tôi nói ở bệnh viện bên bờ biển, tràn ngập mùi tử khí của những con người đã kinh qua trọn vẹn ranh giới mỏng manh tử – sinh, đã đánh đổi mồ hôi, máu và nước mắt để sống đến hiện tại, dẫu “sống” cũng là công việc đầy gian khó.
Nhưng, Những lời chúng tôi nói ở bệnh viện bên bờ biển, phía sau thảm kịch và cái chết, lại là tương lai, hi vọng rất đẹp của những kẻ, có lẽ thấu hiểu hơn ai hết, giá trị hai tiếng sinh mệnh, tác giả Hiroshi Ishikawa đã gửi gắm. Và không phải tới khi kết truyện, tương lai mới mở ra. Mà ngay trong nghịch cảnh, họ đã luôn khao khát, cũng không ngừng ước mơ.
Bởi có lẽ, với những đứa trẻ mất đi gia đình, người thân, mất đi cả quê hương, nơi chốn, thì chỉ có ước vọng mới níu giữ lấy sợi dây linh hồn để chúng được là con người, để chúng tin tưởng và cùng nhau san sẻ quãng thời gian ngắn ngủi biết hiện tại mà chẳng rõ ngay chính giây phút tiếp theo. Và hơn cả, để dù cuộc sống, trận chiến có nghiệt ngã đến thế nào, chúng cũng không gục ngã, không tuyệt vọng mà vẫn tiếp tục kiên cường trưởng thành cho giấc mộng có thể là bất khả. “Giấc mơ giết hết bọn ma hài – nhờ có Shuusuke và Mimori cùng tin tưởng, cùng nguyện ước, bởi vậy nên Sou mới còn ở đây. Tuy hai người họ đã mất đi, nhưng giấc mơ đó vẫn tiếp tục sống bên trong Sou. Cậu không tin vào hai chữ “không thể.”
Giấc mơ xuất hiện ngay giữa cuộc chiến còn lắm đau thương và giấc mơ, xuất hiện cả khi trận chiến đã kết thúc. “Giấc mơ không phải là thứ mà con người có thể lựa chọn. Đột nhiên, vào một ngày đẹp trời nọ, nó đứng chắn giữa con đường mà họ đi, chẳng thèm hỏi ý kiến đã tự tiện xâm nhập vào trong số mệnh của bọn họ. Chính vì vậy, thậm chí đã có những người phải chết.” Chết, khi giấc mơ chưa thành nhưng tương lai vẫn ở phía trước. Và khi giữa những trái tim cùng chung nhịp đập, thì giấc mơ vẫn sẽ tiếp nối, cho mai sau.
Khát khao ngày quá khứ, khát vọng ngày hiện tại, ước mơ ngày tương lai, dù ở bất cứ thời điểm, khoảnh khắc nào, cũng như chiếc mỏ neo, chứng tỏ mỗi người đang sống trên cõi đời. Đồng thời, tựa sợi dây gắn kết giữa con người với con người, những kẻ mang chung một ước vọng.
Những lời chúng tôi nói ở bệnh viện bên bờ biển, như những câu chuyện tản mát, lộn xộn giữa các dòng thời gian hiện tại – ký ức, cả những mảng mơ hồ, lạc lối của con người mất đi phương hướng. Nhưng Những lời chúng tôi nói ở bệnh viện bên bờ biển, dẫu lắng đọng đau thương, vẫn là những lời nói mang theo hi vọng trong trẻo của những kẻ, thấu hiểu tận cùng thế nào là tồn tại vô vị không mục đích, cái chết của một kiếp vô thường để mà trân trọng sự sống yếu ớt, mong manh hơn bất cứ ai.
Mọt Mọt
Nguồn : https://reviewsach.net/nhung-loi-chung-toi-noi-o-benh-vien-ben-bo-bien/