Chết nghĩa là kết thúc tất cả? Cá sự sống lẫn yêu thương? Và qua thời gian, người ở lại cũng sẽ nguôi ngoai rồi lãng quên hết thảy? Nhưng với những người thực lòng yêu nhau, luôn hướng đến nhau với trọn trái tim, tâm hồn; cái chết có đồng nghĩa với khổ đau thì chia ly cũng chỉ là khoảng thời gian người ta tạm dừng lại, để lắng đọng thương yêu, cho đến ngày gặp lại. “Nơi em quay về có tôi đứng đợi”, bởi duyên phận, một phần là định mệnh, một phần cũng bởi người ta chủ động dang tay đón nhận.
Bi kịch tình yêu đan xen thực – ảo
Chuyện kể rằng, Satoshi và Yuko vốn là một cặp thanh mai trúc mã. Họ ở bên nhau từ năm 15 tuổi, yêu nhau từ năm 17 tuổi, cho đến khi trưởng thành, đi làm, tách khỏi gia đình, hai người kết hôn. Tình yêu của họ đẹp như một câu chuyện cổ tích. Trọn vẹn tác phẩm hơn 200 trang, gần như chưa một lần, hai người xích mích hay to tiếng. Họ yêu nhau bằng trọn vẹn trái tim, tâm hồn và thể xác. Họ thương nhau trong quá khứ, ở hiện tại và cả tương lai mai này.
Những tưởng, cuộc đời hai con người vốn sống đời bình thường như bao người khác sẽ cứ thế bình lặng trôi đi. Nhưng bi kịch ập đến, cướp đi của đôi vợ chồng trẻ tháng ngày bình yên cùng tương lai phía trước, buộc họ ngày ngày đối mặt với sinh ly tử biệt, với cái chết đang mỗi lúc một gần kề: Yuko bỗng mắc hội chứng thu nhỏ bất thường không rõ nguyên do. Và nếu theo đà cơ thể thu nhỏ ứng với từng độ tuổi như vậy, sẽ tới ngày Yuko biến mất khỏi thế giới mà chẳng để lại chút gì của thân xác đã từng hiện hữu.
Tuy nhiên, trước khi đối diện với bi kịch sinh ly tử biệt, chuyện tình của Satoshi và Yuko đã phải đối diện với hàng loạt bi kịch khác mà tất cả, đều trở thành vết thương hằn sâu trong trái tim, tâm hồn hai người mãi không khép miệng.
Đấy là sai lầm thời tuổi trẻ bồng bột, ham khám phá những điều mới lạ nhưng lại thiếu đi kiến thức bảo vệ bản thân, và cũng vì còn quá trẻ mà chẳng thể tự quyết định cuộc sống của chính mình; hai người đã đánh mất đứa con còn chưa thành hình thành dạng. Thương đau đó, thực sự trở thành ám ảnh trở đi trở lại trong tâm hồn hai người trẻ tuổi. Để họ mãi dằn vặt: họ có thể tiếp tục sống, nhưng đứa con của họ đã vĩnh viễn biến mất rồi. Họ có thể an ủi lẫn nhau, “chia ly để gặp lại”, tương lai người con ấy sẽ quay về một lần nữa. Song “cái chết” cùng “sự biến mất” “đã phủ bóng đen lạnh lẽo xuống những ngày tháng tiếp” trong cuộc sống hai người.
Từ sai lầm dẫn đến bi kịch, từ bi kịch sẽ tạo nên những hệ lụy và kéo theo bi kịch khác. Satoshi không còn được gia đình Yuko chào đón. Kể cả khi anh trưởng thành, có thể tự lo cho cuộc sống cá nhân, bố mẹ Yuko vẫn coi anh như một tên tội đồ. Và hai bạn trẻ, muốn ở bên nhau, chỉ còn cách ra ở riêng, cắt đứt toàn bộ liên hệ với gia đình đôi bên.
Không có đám cưới chính thức, không nhận được lời chúc phúc từ đấng sinh thành, họ gần như chỉ còn sống trong thế giới hẹp – thế giới hai người. Và dẫu chẳng ai nói ra, dẫu xuyên suốt hơn 200 trang truyện, hai con người ấy gần như chẳng ai đề cập tới gia đình xưa kia, đồng thời coi cuộc sống hiện tại là hạnh phúc, thì việc chối bỏ nơi họ đã khôn lớn cũng như cách, hai người đang cố trốn tránh quá khứ thương đau khi xưa.
Nhưng đâu chỉ có vậy, bi kịch của hai người yêu nhau lớn hơn thế khi thể hiện ở góc độ, một người phải ngày ngày chứng kiến hiện thực người mình yêu thương dần dần tan biến vào hư vô mà chẳng thể làm gì. Đau thương đi cùng sự bất lực tới tuyệt vọng xen lẫn nỗi day dứt, dằn vặt đến khắc khoải cho cả người sắp ra đi lẫn người còn ở lại. Bởi hai người, đã chẳng thể chống lại số phận, Satoshi cũng chẳng thể lưu giữ một phần về thân thể Yuko trong hiện thực nữa. Bi kịch ngày chia xa hiện hữu trong mọi khoảnh khắc cặp đôi bên nhau, hóa thân thành hành động giao hòa thể xác đau đớn và vô vọng, hiện hình trong nỗi cô đơn sâu thẳm khi quỹ thời gian cuộc đời Yuko dần dần cạn kiệt.
Bằng bút pháp vừa hiện thực vừa kỳ ảo, giọng văn khi ngọt ngào đan xen chút hài hước, lúc thương tổn giằng xé, qua lời kể của chàng trai trẻ Satoshi xưng “tôi”, tự kể lại cuộc đời chính mình, bi kịch tình yêu trong tiểu thuyết Nơi em quay về có tôi đứng đợi hiện lên đẹp đến đau đớn. Bởi giữa dòng đời xô đẩy, bon chen, thật lòng yêu thương nhau đã khó, có thể cùng nhau trải qua khổ đau, nước mắt mà vẫn giữ trọn chữ “yêu” lại càng khó hơn.
Chính vì thế, những điều cặp đôi Satoshi – Yuko trải qua là bi kịch đấy, song cũng là liều thuốc thử cho tình yêu hai người. Để họ nhận ra, bi kịch cũng có thể hóa ngọt ngào, đớn đau cũng có thể vợi bớt, khi họ vẫn còn nắm tay nhau cùng tiến bước. Câu chuyện Yuko thu nhỏ và biến mất là sự hư cấu huyền ảo của tác giả Ichikawa Takuji, song quá trình đôi vợ chồng trẻ cùng đi qua bi kịch lại như tiếp thêm hi vọng, tin tưởng cho độc giả, nhất là người trẻ thời hiện đại vào hai chữ “yêu thương” thuần khiết, trong sáng, không vụ lợi.
Cho đến khi cái chết cũng không thể chia lìa đôi ta
Dẫu rằng chuyện tình của Satoshi và Yuko là chuỗi những bi kịch kéo dài nhuốm màu bất lực và vô vọng thì tới tận cùng, điều tác giả Ichikawa Takuji hướng đến vẫn là “hi vọng”, cho độc giả, cho chính nhân vật ông xây dựng.
Hi vọng ấy, có lẽ gói trọn trong hai từ “yêu thương” và “duyên phận.” Những người còn yêu nhau, nhất định sẽ gặp lại nhau. Vì dù có lìa xa, cách biệt đôi bờ âm dương, thì họ vẫn luôn được nối kết với nhau bằng sợi dây thương nhớ. Và bởi tạo hóa vốn rất công bằng. Hai cá nhân tưởng chừng như hai đường thẳng song song, không quen biết, nhưng sự thật, cuộc đời họ đã luôn xuất hiện hàng loạt dấu hiệu báo trước một ngày nào đó, giao điểm sẽ xuất hiện.
Ngỡ rằng ngẫu nhiên, mà sự thực, có lẽ tất cả đều xuất phát từ nguyện ước, khát vọng ẩn giấu của con người. Cho nên, người ta còn yêu, còn hi vọng thì “chia ly cũng không còn đáng sợ”. Vì ngày hạnh ngộ, chắc chắn sẽ tới. Như Satoshi, trải qua thời gian, vẫn “đứng đợi” Yuko ở đình nhỏ nơi khu rừng ghi dấu tình yêu thời vụng dại cũng như tháng năm hai người tranh đấu với đau đớn, cô độc, cho đến ngày, Yuko “quay về” chốn cũ. Câu chuyện khép lại với một kết mở, tựa ánh nắng hé lên trong cuộc đời Satoshi cho phép anh, cũng như độc giả, nghĩ tới hai chữ “happy ending” sau tất cả bi kịch cùng những ngày u ám Yuko rời nhân thế.
Cuốn tiểu thuyết nhỏ, nhân vật và không gian gần như đều thu hẹp tới tối đa xoay quanh hai nhân vật trung tâm cùng thế giới sinh hoạt, nội tâm của hai người. Song cả Satoshi và Yuko có thể thêm kiên định mà vững bước, thẳng thắn đối diện bi kịch đời người, đâu chỉ xuất phát từ tình yêu bền chặt của cả hai, mà còn bởi bên họ, vẫn luôn hiện hữu những cá nhân sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, sẻ chia. Để họ biết rằng, giữa cuộc đời này, đau thương đến đâu, hai người cũng không đơn độc. Họ vẫn có “tương lai” phía trước để tiếp tục yêu và tiếp tục đợi chờ không hối tiếc.
Tới một ngày “nơi em quay về có tôi đứng đợi, cho đến khi cái chết cũng không thể chia lìa đôi ta.”
Mọt Mọt
Nguồn : https://reviewsach.net/noi-em-quay-ve-co-toi-dung-doi/