Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeSách Văn Học Cổ ĐiểnRắn Và Khuyên Lưỡi – Bức tranh tuổi trẻ tăm tối và...

Rắn Và Khuyên Lưỡi – Bức tranh tuổi trẻ tăm tối và dữ dội

“Rắn Và Khuyên Lưỡi” là tác phẩm của tiểu thuyết gia Nhật Bản Hitomi Kanehara. Sách xuất bản lần đầu vào năm 2003, giành Giải thưởng Akutagawa, bán được hơn một triệu bản ở Nhật và được dịch ra mười sáu thứ tiếng. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của Lui – một cô gái trẻ ở Tokyo – về hành trình sở hữu lưỡi rắn và xăm mình sau khi gặp Ama – một thanh niên punk có sở thích xăm và xỏ khuyên khắp người.

Khắc họa trần trụi văn hóa của một bộ phận thanh niên Nhật Bản thời kỳ hậu bong bóng

“Biết split-tongue không?”

“Gì thế? Lưỡi chẻ đôi?”

“Ờ. Giống lưỡi rắn hay lưỡi thằn lằn ấy. Lưỡi người cũng có thể làm thế được.”

(Trích đoạn)

Nhật Bản được biết đến là quốc gia phát triển, có nền văn độc đáo khiến các nước khác thích thú. Quay trở về thập niên 70, 80 thời kì văn hoá đại chúng Nhật sản sinh ra nhiều thể loại làm đẹp kì lạ, ẩn giấu trong đó là sự trống rỗng bất lực của người trẻ Nhật mà để khoả lấp nó, họ phải thể hiện vẻ ngoài đầy bất cần nổi loạn. Tác phẩm Rắn và khuyên lưỡi là lát cắt của thời đại đó, cuộc sống của ngừoi trẻ Nhật thời kỳ hậu bong bóng – hay còn gọi là “Thập niên mất mát” – những đứa trẻ ở đó tìm kiếm cảm giác mạnh lẫn khẳng định bản ngã bằng cách khoác lên mình những hình xăm, những chiếc khuyên mày, khuyên tai, khuyên lưỡi và để những kiểu tóc quái lạ, rời khỏi gia đình để sống theo ý mình, thoát khỏi luân thường đạo lý. 

Có thể nói “Rắn và khuyên lưỡi” có phần khá giống với trào lưu văn chương “thế hệ Beat” hậu Thế chiến II ở Mỹ. Những người trẻ thời đó có nhiều cách thể hiện cái tôi. Phải làm những điều khác biệt, thậm chí đầy đau đớn. Ama xăm trổ hình rồng và đeo khuyên khắp gương mặt mà không hề tiếc cho vẻ ngoài ưa nhìn của mình, trải qua quá trình đầy mạo hiểm và điên rồ để có được chiếc lưỡi chẻ đôi “sành điệu”. Vẻ ngoài của Ama vô cùng quái dị, một tiếng gào thét để thu hút sự chú ý giữa một xã hội mà người ta hờ hững đi lướt qua nhau, còn gia đình thì không hẳn là nơi để trở về? Anh ta xăm trổ khắp mặt để bỏ đi nhân dạng cũ của bản thân, để trở thành một con người khác, sống một cuộc đời không bị làm phiền bởi quá khứ hay định kiến?

Còn Lui, nhân vật chính, ngay từ khi nhìn thấy chiếc lưỡi chẻ đôi như lưỡi rắn của Ama, mọi triết lý sống của cô đều vụn vỡ. Cô lao vào chinh phục split-tongue và xăm mình để cảm thấy bản thân tồn tại. Cô không yêu Ama nhưng lại sống chung với anh vì say mê cái lưỡi rắn ấy. Cũng như sẵn sàng chung đụng với người lạ để có chỗ ở.

Dường như không có nhân vật nào thể hiện tình cảm của mình đối với người khác một cách bình thường. Những đoạn hội thoại thường nhật đáng ra phải có một cách tự nhiên khi người ta yêu nhau lại luôn vắng mặt. Tình yêu của Ama dành cho Lui thể hiện bằng bạo lực. Ama vì Lui sẵn sàng đánh người đến chết, lấy hai cái răng của kẻ thù để làm bằng chứng tình yêu của anh, dẫu anh ta thường ngày là một cậu trai trẻ con hay làm nũng và thích nói những điều lãng mạn không ăn nhập gì với hoàn cảnh. Một thứ tình yêu ngây thơ đáng sợ của một người vị thành niên mất phương hướng cuộc đời. 

Nhân vật quan trọng thứ ba trong truyện là Shiba-san, người thợ xăm đã làm khuyên lưỡi cho Ama và xăm hình cho Lui. Anh biết nhiều về tín ngưỡng và nể sợ Thượng Đế nhưng muốn thách thức số phận khi nghĩ mình có bàn tay của Chúa Trời, nhận lời xăm hình kì lân cho Lui dù biết ở con vật đó mang lời nguyền. Mọi sự trên đời đối với anh ta chẳng quan trọng, nếu có bàn tay của Chúa Trời, anh ta “sẽ không thay đổi gì hết, sẽ tạo ra một bọn ngu, ngu như gà ấy, để chúng đừng bao giờ biết đến sự tồn tại của Thượng Đế”.

Cuộc khủng hoảng hiện sinh

“Chỉ khi đau tôi mới thấy mình đang sống.”

Bầu không khí xuyên suốt câu chuyện lúc nào cũng u ám và mờ đục đầy tuyệt vọng. Lui là người trẻ – chỉ mới mười chín tuổi – nhưng có xu hướng chống đối xã hội, luôn sống trong bóng đêm – nơi ánh nắng mặt trời và tiếng cười của trẻ con không bao giờ chạm tới. Cô thấy tương lai vô vọng, hào hứng theo đuổi trò bấm khuyên và xăm mình để thể hiện bản ngã, nhưng sâu trong lòng biết rằng điều đó là vô nghĩa thôi. Cô gian dối sau lưng Ama qua lại với Shiba-san, sợ hãi Ama phát hiện nhưng đồng thời cô đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để chết. Cô muốn xăm hình rồng và kỳ lân lên lưng nhưng không muốn Shiba-san vẽ mắt cho chúng vì sợ chúng sẽ bỏ cô mà bay đi mất. Cô cho rằng mình không yêu Ama nhưng lại lo lắng khi Ama dính vào nghi án giết người vì mình, cố làm mọi cách xóa dấu viết để che dấu cho Ama.

Nhưng điều thể hiện khủng hoảng hiện sinh rõ ràng nhất là cao trào của truyện: một ngày Ama mất tích, Lui muốn nhờ cảnh sát tìm nhưng phát hiện ra mình không biết tên Ama.

Chi tiết này không hẳn là plot twist nhưng làm độc giả kinh ngạc không kém. Dù hai người sống bên nhau, bám víu lấy nhau để tồn tại, cùng nắm tay nhau chạy qua những bão giông tuổi trẻ, nhưng họ lại không biết tên thật của nhau. Tình cảm của họ dành cho nhau dựa trên những câu nói thẳng thắn và những hành động hết mình vì nhau: Ama yêu thương, nuôi dưỡng và bảo vệ Lui, Lui tìm cách che dấu cho anh ta và an tâm miễn là nhìn thấy nụ cười của Ama. Điều họ quan tâm là con người thật của nhau đằng sau lớp vỏ đầy hình xăm và khuyên. Nhưng sự cam kết nghiêm túc – danh tính – thì bị thiếu mất trong mối quan hệ. Mối quan hệ của họ hầu như cũng tuyệt vọng y hệt cái cách Lui nhìn về tương lai của mình.

Chuyện chẳng biết tên nhau của 2 ngừơi trẻ Nhật Bản thập niên trước khá giống những mối quan hệ “tình một đêm” của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay. Người ta tìm đến nhau lúc cô đơn, trò chuyện như tri âm tri kỷ nhưng lại không cần biết tên nhau hay cuộc sống ngoài đời thực của đối phương. Những mối quan hệ hữu danh ngoài đời thì lại vô thực, khó mà mở lòng tin tưởng. Sự tồn tại của một người thật ra là qua cái tên, qua những gì họ làm được, hay qua ký ức lưu giữ sống động trong tim người khác?

Khủng hoảng hiện sinh trong truyện còn được khắc họa qua nhân vật Shiba-san. Cũng như Lui, anh ta sống mà không có mục đích gì. Mọi quyết định quan trọng trong đời đều được đưa ra như những câu đùa, như lời đề nghị Lui chia tay Ama để làm người yêu mình, làm chiếc nhẫn đầy chất punk để cầu hôn Lui, hay quyết định bỏ nghề sau khi đã xăm được hình kỳ lân ưng ý và muốn thử bắt chước Ama yêu thương một ai đó.

Những niềm hy vọng đầy tuyệt vọng

Có thể nói những kết thúc trong truyện, từ hành trình xăm mình và xỏ khuyên của Lui đến việc biến mất của Ama đều là những niềm hy vọng đầy tuyệt vọng, phảng phất tính phi lý của những tác phẩm chủ nghĩa hiện sinh. Lui điên cuồng theo đuổi split-tongue để cố thay đổi cuộc sống nhưng khi đã sở hữu được nó rồi lại nhận ra mọi thứ xung quanh vẫn vậy, không hề thay đổi, không thể có một tương lai tốt đẹp nào.

“Vấn đề là tôi không còn sức lực để cười nhạo ý nghĩ ấy nữa.” Cảm xúc đối với Ama cũng thế, Lui luôn nghĩ mình không yêu anh ta, nhưng sâu trong lòng có lẽ không phải như vậy. Độc giả cảm nhận được cô luôn yêu Ama, chỉ là không muốn thừa nhận vì cuộc sống đối với cô tăm tối và mờ đục quá, cô không đủ can đảm để nhìn sâu vào đáy lòng mình, không xem tình yêu là một điều đáng trân trọng giữa thế giới này và cũng chẳng biết cách giữ gìn thứ tình cảm quý giá đó. Đến tận cùng, khi đã mất Ama cô mới thừa nhận rằng mình đã yêu anh. Nhưng đâu còn ai reo lên mừng rỡ vì cô sắp hoàn thành split-tongue nữa?

Nửa sau câu chuyện, có lẽ độc giả cũng đoán được Ama biết chuyện gian dối của Lui sau lưng anh, nhưng anh chọn cách không nổi giận bởi vì tình yêu của anh là một tình yêu ngây thơ và đầy bất lực. Anh luôn biết mình không thể mang lại tương lai tốt đẹp cho Lui. Anh chỉ biết khóc khi Lui buông xuôi mọi thứ mà thôi, cũng giống như khi dừng lại giữa đại lộ và buồn bã hỏi cô rằng: “Tao thảm hại lắm phải không?”

Niềm hy vọng ở cuối truyện xuất hiện khi Lui quyết định quên nỗi đau quá khứ và hướng về Shiba-san, người ở bên cạnh bảo bọc cô lúc này. Nhưng quyết định đó cũng chứa đầy tuyệt vọng, thay vì lật tẩy danh tính kẻ sát hại Ama, cô lại che dấu giúp hắn. Điều này cũng dễ hiểu thôi: nếu sự thật phơi bày ra ánh sáng, liệu có còn ai bên cạnh  chở cho cô nữa không.

“Sáng hôm sau, ánh nắng rực rỡ làm tôi choàng tỉnh. Khát khủng khiếp, tôi đành trở dậy và đi vào bếp. Tôi tu chai nước lấy trong tủ lạnh, nước tràn qua cái lỗ. Dòng nước tươi mát chảy trong cơ thể tôi như một con sông. […] Tôi nhìn Shiba-san vẫn chưa chịu chui ra khỏi chăn và nghĩ, nếu tôi nới đến cỡ 00G, liệu dòng sông có dữ dội hơn không? Tôi hơi nheo mắt, vì ánh nắng quá đỗi chói chang.”

Với giọng văn thẳng thắn và gai góc, “Rắn và khuyên lưỡi” hiện lên như một bức tranh tuổi trẻ đầy dữ dội. Dẫu nhận nhiều ý kiến trái chiều, tác phẩm vẫn được các nhà phê bình nổi tiếng ghi nhận tầm quan trọng trong văn học Nhật Bản đương đại: một bức tranh về giới trẻ Nhật Bản thời hậu bong bóng. Cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim năm 2008 với sự tham gia của nữ diễn viên Yuriko Yoshitaka.

Nguồn : https://reviewsach.net/ran-va-khuyen-luoi/

admin
adminhttps://chuonchuon.net
Xin chào, mình là admin của chuồn chuồn nét, chấp cánh ươm mầm tri thức việt bay xa
Sách Liên Quan
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Sách Ngẫu Nhiên