Ánh sáng vô hình là cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh do nhà văn Mỹ Anthony Doerr chấp bút. Tác phẩm vinh dự được xướng tên cho giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết giả tưởng năm 2015. Lấy bối cảnh nước Pháp bị chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ hai, cuốn tiểu thuyết xoay quanh một cô gái mù người Pháp và một chàng trai người Đức. Những tưởng cuộc đời họ là hai ngã rẽ riêng biệt nhưng đến cuối cùng, con đường của họ cũng giao nhau. Những con người đã tìm thấy nhau trong thứ ánh sáng vô hình của định mệnh, song lại mạnh mẽ và gắn kết bền chặt.
Khai thác đề tài quen thuộc theo góc nhìn mới
Đề tài chiến tranh không còn là cảm hứng mới lạ, viết về chiến tranh có rất nhiều, đa số không vượt khỏi cảnh tượng hào hùng bi tráng của những chiến thắng, cách con người mạnh mẽ vượt qua sự tàn khốc của chiến tranh, hoặc làm nổi bật sự mất mát của nó. Tuy nhiên, “ánh sáng vô hình” có cách nhìn rất mới mẻ về chiến tranh. Vẫn làm nổi bật được cảnh chia cắt, cảnh mưa bom, nhưng lại tập trung vào những con người nhỏ bé, vào suy nghĩ của họ về những sự kiện đời thường đôi khi không liên quan đến chiến tranh. Chiến tranh tàn bạo với những đứa trẻ như Frederick – người bạn thân của Werner trong học viện – cậu bé có cái nhìn mơ mộng và giàu lòng trắc ẩn với những người mà Đệ tam Đế chế của Hitler xem như kẻ thù. Chiến tranh tàn bạo với những đứa con như Marie-Laure, những đứa con phải chịu cảnh cha bị bắt lại vì nghi ngờ là gián điệp, suốt nhiều tháng ròng chỉ biết những lời nói dối an ủi của cha qua những lá thư. Còn Werner phải nhìn thấy đồng đội mình trút hơi thở cuối cùng ở tầng hầm khách sạn nơi đội quân của cậu đồn trú – cái khách sạn đã bị sập và không còn chút ánh sáng nào vì bom rơi. Rõ ràng, chiến tranh vẫn được miêu tả với đầy đủ sự tàn khốc của nó, nhưng nhân vật thì lại có những tư duy mới mẻ, họ có suy nghĩ độc lập cá nhân rất cao, không phụ thuộc vào sự áp đặt khi viết về chiến tranh của những tác giả khác.
Đặc biệt, xen lẫn giữa những tình tiết rất thật là hình ảnh giả tưởng của hòn đá “Lửa biển”, vật được cho sẽ đem lại sự sống vĩnh hằng cho người sở hữu nó. Sự tranh giành viên đá cũng khốc liệt không kém với trận chiến thật đang diễn ra ngoài kia. Sự đối nghịch giữa hai luồng tư tưởng, Marie-Laure cô gái có tấm lòng lương thiện, vô tình có được sự bảo vệ của viên đá nhưng lại sợ hãi chính năng lực này, bởi lời nguyền của nó có thể là lý do khiến những người thân xung quanh cô chết; đối ngược với viên thiếu tá người Đức Reinhold von Rumpel, bằng mọi cách tìm được viên đá để tìm lại cuộc sống vĩnh hằng, chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo. Có thể nói, hình ảnh viên đá tượng trưng cho những tham vọng của con người, kẻ giữ nó thực chất chịu nhiều bất hạnh hơn là niềm vui. Yếu tố giả tưởng này khiến tác phẩm mang màu sắc trinh thám, đồng thời tăng sự hồi hộp cho những độc giả.
Sự giao nhau của hai mảnh đời song song
“Ánh sáng vô hình” được kể chuyện theo cách rất lạ, khi nhà văn cắt đôi cốt truyện. Cuộc đời của hai nhân vật được kể hoàn toàn song song và tách rời nhau, dường như không có mối liên kết nào ngoại trừ việc họ sinh ra ở hai đất nước đang đối đầu nhau trong chiến tranh. Werner-Marie Laure, Marie Laure-Werner, đan xen giữa hiện tại và quá khứ, những tình tiết không được kể theo bất cứ một trật tự thông thường nào, có những đoạn cao trào thì chương sau tác giả đã vội vàng chuyển cảnh, tạo sự tò mò của người đọc. Hai mảnh đời song song như vậy, hoàn toàn không có điểm chung nhưng vẫn giao nhau và yêu nhau, trước cả khi họ kịp biết mặt nhau.
Cuộc đời của hai nhân vật chính được kết nối bằng đài radio, chàng trai Werner đã lắng nghe giọng nói của cô gái suốt một thời gian dài, không biết mặt nhau, không biết đối phương ở đâu, nhưng cậu đã đồng cảm với cô gái ngay trước cả khi câu nhận ra đó là định mệnh của cậu. Câu chuyện tình yêu đẹp đẽ, không được miêu tả nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tình yêu của họ, dẫu cô gái chỉ nhận ra tình yêu của mình chưa đầy một ngày, song, đó vẫn là một định mệnh. Câu chuyện kết thúc khi tình yêu của cả hai còn chưa kịp nở, nhưng dường như họ cảm nhận được tình yêu của đối phương, một cách triển khai cốt truyện rất lạ, không theo bất cứ trình tự nào, nhưng lại thích hợp để miêu tả một mối tình trong chiến tranh, ngắn ngủi nhưng cao thượng.
Tác giả để cả hai nhận ra nhau quá muộn, nhưng sự ám ảnh thì lại quá dài, giống như muốn nhấn mạnh sự khắc nghiệt của chiến tranh vậy, mấy ai được hành phúc trước cơn bão của nó?
Ánh sáng vô hình
Ánh sáng của viên đá “Lửa biển”, hay ánh sáng của định mệnh là thứ mà tác giả muốn nhắc tới trong tác phẩm của mình, không ai biết, nhưng dù là của thứ gì thì nó cũng là biểu tượng cho niềm tin:
“Bằng cách nào mà bộ não chẳng hề biết chút ánh sáng nào, lại dựng nên cho chúng ta một thế giới ngập tràn ánh sáng”
Tác giả muốn khẳng định rằng, chiến tranh đen tối, nhưng nếu biết cách thắp sáng ta vẫn sẽ tìm được ánh sáng cho riêng mình, kể cả khi đó là một người mù. Đó là niềm tin về định mệnh, về tình yêu có khả năng chiến thắng mọi kẻ thù. Chiến tranh cướp đi nhiều thứ, nhưng cũng chính chiến tranh đưa hai người xa lạ trở thành định mệnh của nhau, dường như chiến tranh cũng trở thành ánh sáng. Điều tiếc nuối nhất của tác phẩm là có quá ít những khoảng khắc tươi đẹp, hội ngộ trong hành phúc, những người quan trọng với nhân vật chính đều không trở về, có lẽ vì vậy mà có tên là ánh sáng vô hình. Hạnh phúc đôi khi quá mơ hồ khiến người ta quên mất sự hiện diện của nó. Cả thảy những cảm xúc ấy gói gọn trong hơn sáu trăm trang truyện, thậm chí đọng lại và chợt lóe lên ở một nơi nào đó trong cuộc đời của một người xa lạ. Hơn sáu trăm trang sách và không có một từ ngữ thừa thãi nào.
Đây là một cuốn sách khá khó để có thể hiểu và tiếp thu bởi trật tự thời gian bị rối loạn. Nhưng không vì vậy mà thiếu đi sự kịch tính. Sự đan xen giữ thật và ảo làm cho tác phẩm trở nên thú vị, xứng đáng với những giải thưởng nó đạt được.
Thảo Nguyên