Antoine Marie Jean-Baptiste Roger de Saint-Exupéry, thường được biết tới với tên Antoine de Saint-Exupéry hay gọi tắt là Saint-Ex (sinh ngày 29 tháng 6 năm 1900 – mất tích ngày 31 tháng 7 năm 1944) là một nhà văn và phi công Pháp nổi tiếng. Saint-Exupéry được biết tới nhiều nhất với kiệt tác văn học Hoàng tử bé. Hoàng tử bé là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới, được đông đảo độc giả đón nhận. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm này có độ phổ biến lớn đến như vậy, có thể nói, đây là một tác phẩm phải khiến người ta suy ngẫm rất nhiều.
“Gửi Léon Werth khi ông ấy còn là một cậu bé”.
Hoàng tử bé – Hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống
Hoàng tử bé là một cuốn sách kì lạ được viết bởi một tác giả kì lạ. Saint Exupéry đâu phải là một nhà văn thường, mà là một nhà văn phi công! Ông sáng tác Hoàng tử bé trong thời kì lưu vong khi nước Pháp bị chiếm đóng, ông không được bay theo đúng nghĩa. Cuốn sách là một cuộc hành trình đi tìm lại trí tưởng tượng của bản thân mình, mà chính tác giả đã bỏ quên trong quá khứ. Ông khẳng định, thế giới của trẻ con khác với thế giới của người lớn. Khi người lớn có quá nhiều thứ phải suy nghĩ, nhưng lại nhàm chán bởi các vấn đề họ quan tâm chỉ là tiền bạc, quyền lực, đôi khi không biết mình đang làm gì. Thì thế giới trẻ con đơn giản hơn nhiều, song cũng màu sắc hơn nhiều. Trong đôi mắt chúng bao giờ thế giới cũng được nhìn bằng lăng kính của trí tưởng tượng. Cuốn sách chứa đựng tư duy đạo đức sâu xa qua lăng kính của một cậu trai không có nhiều va chạm. Cậu ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thế giới xung quanh của cậu nhỏ hẹp cỡ chừng một ngôi nhà, nhưng bên trong cậu chứa đựng những cảm nhận tuyệt vời vượt xa sự tưởng tượng.
Cuốn sách hẳn là sự nhận thức vỡ òa của tác giả trong những năm tháng lưu vong, khi ông nhận ra rằng cuộc sống của trẻ con tươi đẹp và giàu có biết nhường nào, bản thân ông lại quên đi bản thân mình cũng từng là trẻ con, vì vậy, có lẽ ông đã tìm thấy được bản thân mình bên trong Hoàng tử bé. Ta có thể thấy, cuốn sách thể hiện sự cố gắng quay trở về với bản thể con người một cách nguyên sơ nhất, nhìn nhận sự vật sự việc đầy hình ảnh và màu sắc mà người lớn ít khi nào thấy được, dù họ cũng từng là trẻ con.
Cuốn sách của trẻ con – tư duy của người lớn
Cuốn sách kể về hành trình tìm lại hành tinh của cậu bé Hoàng tử, câu chu du và thám hiểm những hành tinh xung quanh, và qua con mắt và cách miêu tả của cậu, ta sẽ thấy một hành tinh tượng trưng cho một cách sống của người lớn. Ở thiên thạch thứ nhất là một ông vua trị vì hành tinh mà chẳng có lấy một thần dân. Ông vui mừng khi cậu hoàng tử đến thăm. Ông phong cho cậu làm thượng thư bộ thư pháp, ông cho cậu xử án chú chuột – sinh vật duy nhất có trên hành tinh của ông. Ông vua tượng trưng cho những kẻ say mê quyền lực, nguyên tắc và chỉ mong muốn áp đặt luật lệ lên người khác, chỉ muốn chỉ đạo ngay cả khi họ không có bất cứ ai muốn theo sau.
Thiên thạch thứ hai là một kẻ khoác lác. Hắn coi cậu là một người hâm mộ mình đến thăm. Gã khoác lác là người muốn được người khác ngưỡng mộ mình, nhưng lại sống cô đơn trên hành tinh của chính ông ta. Gã chẳng nghe thấy gì ngoài những câu ca ngợi. Tượng trưng cho những kẻ tự phụ, đam mê danh tiếng và không quen nghe những lời nói thật, bởi bản thân luôn là nhất, là vĩ đại nên luôn nghĩ mình là trung tâm của mọi người, lâu dần, thành kẻ cô độc vì ngoài bản thân họ không nhìn thấy gì khác.
Thiên thạch thứ ba là một gã nát rượu, hắn uống rượu suốt ngày để quên nỗi xấu hổ của mình về việc uống nhiều rượu, tượng trưng cho những kẻ không bao giờ thừa nhận khuyết điểm và luôn đổ tội cho hoàn cảnh, hèn nhát và không dám phá bỏ giới hạn. Hoặc có doanh nghiệp chỉ ngồi đếm sao sáng, tượng trưng cho những kẻ đam mê đồng tiền, đam mê vật chất kể cả những thứ chẳng bao giờ thuộc về mình.
Mỗi hành tinh tượng trưng cho một kiểu người, và Hoàng tử bé chán ngán tất thảy những kẻ đó, bởi không ai, nhận ra được rằng hạnh phúc đôi khi phải cho đi chứ không phải để giữ lại. Và mỗi kiểu người này được xây dựng dựa trên những tình huống đối nghịch, thế cho nên, khiến ta phải nhìn nhận lại, cuộc sống này có vẻ sai trái và cần được chỉnh sửa lại.
Nhìn nhận sự việc bằng con mắt của yêu thương
Đi qua những con chữ được tác giả viết lại, ta nhận ra được rằng, bài học cuối cùng tác giả muốn truyền tải lại cho chúng ta, là nếu muốn thực sự có được thứ gì đó, ta phải yêu thương nó bằng cả trái tim. Khi nhìn lại sự việc bằng con mắt của yêu thương, ta nhận ra có những điều thật giản đơn nhưng lại không dễ phát hiện. Mỗi người đều có một bông hoa của riêng mình, một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai. Người cậu bé yêu là độc nhất, bởi cậu yêu người ấy, vậy thôi! Người ấy quan trọng, vì người ấy là tình yêu của cậu. Và ta nhận ra rằng thuần hóa không phải là dùng quyền lực và bạo lực để làm họ phải tuân theo ý mình, mà phải thuần hóa bằng trái tim và tình yêu thương, có những thứ chỉ trái tim mới có thể giải quyết được:
“Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”.
Đây là bài học xuyên suốt tác phẩm, xâu chuỗi những sự kiện với nhau, nói cho cùng tác giả cũng muốn khuyên chúng ta phải yêu thương và cảm thông với mọi người.
Hoàng tử bé là một cuốn sách xuất sắc trong việc truyền tải tri thức và những bài học nhân văn dành cho độc giả, khéo léo, sự đan xen giữa những suy nghĩ của trẻ nhỏ và những lời khuyên dành cho người lớn chính là điểm hấp dẫn người đọc không phân biệt thế hệ.
Thảo Nguyên
Nguồn : https://www.reader.com.vn/review-hoang-tu-be-mot-kiet-tac-van-hoc-danh-cho-thieu-nhi-a462.html