Higashino Keigo là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản với những tác phẩm trinh thám. Các tác phẩm của ông thường lôi cuốn người đọc bởi sự mới lạ, tính logic và lắt léo. Tuy Bí mật của Naoko không mang nhiều màu sắc trinh thám như những tác phẩm khác, nhưng vẫn cuốn hút người đọc và gợi mở nhiều điều bất ngờ một cách nhẹ nhàng.
Một cốt truyện táo bạo mà trớ trêu
Là một nhà văn đầy sáng tạo với những cốt chuyện mới lạ, táo bạo, Bí mật của Naoko đưa người đọc đến một câu truyện trớ trêu: Sau vụ tai nạn, người vợ tưởng đã mất của Heisuke lại tỉnh dậy trong thân xác cô con gái mới 12 tuổi của hai người. Để rồi cả câu chuyện, người đọc vẫn day dứt với câu hỏi Heisuke tự hỏi mình: anh đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy?
Đang có cuộc sống bình dị cùng người vợ đảm đang và cô con gái ngoan ngoãn bỗng nhiên tai họa ập xuống khiến Heisuke rơi vào một tình huống oái oăm. Anh sẽ phải hành xử như thế nào đây. Nếu anh coi người tỉnh dậy là vợ mình, liệu hai người có thể thân mật như vợ chồng khi vợ anh lại ở trong cơ thể cô con gái bé bỏng. Đã có lúc người đọc lo sợ có tình tiết loạn luân trong câu chuyện. Còn coi đó là con gái mình, và bắt đầu cuộc sống hôn nhân với người phụ nữ khác thì người vợ ‘không thể lộ diện” kia của anh sẽ như thế nào? Để rồi anh cứ sống trong sự giày vò của một người đàn ông đang trong độ tuổi sung mãn, sau đó lại là sự ghen tuông khi Naoko trong cơ thể con gái bắt đầu trưởng thành ra dáng thiếu nữ và có những mối quan hệ riêng. Heisuke có phải là người cao thượng khi anh không đi bước nữa với người khác – sống như một ông bố độc thân nuôi con gái ăn học, đồng hành cùng Naoko thực hiện ước mơ của cô, lý giải cho điều này anh nói một câu đơn giản với vợ: “Bởi vì anh có Naoko rồi”. Hay anh là người ích kỷ khi giữ Naoko cho riêng mình, ngăn cản cô có cuộc sống riêng. Có lẽ mỗi người đọc sẽ có những suy nghĩ của riêng mình.
Bi kịch của gia đình Heisuke suy cho cùng là hậu quả của vụ tai nạn giao thông. Ngày nay, khi lĩnh vực giao thông phát triển vượt bậc, thì an toàn khi tham gia giao thông vẫn là một bài toán khó. Hàng ngày trên thế giới có biết bao nhiêu người thiệt mạng, bao nhiêu người bị thương tật vĩnh viễn, bao gia đình nhà tan cửa nát vì tai nạn giao thông. Ngoài bi kịch của gia đình Heisuke và bi kịch của những gia đình nạn nhân khác trên chuyến xe định mệnh ấy, tác phẩm còn khắc họa cả bi kịch của gia đình người lái xe. Gia đình ấy cũng mất người thân như các gia đình khác, nhưng họ không được than khóc, không được trách móc, người vợ ấy phải đứng ra xin lỗi và bị gọi là “kẻ giết người” vì chồng cô là người lái chiếc xe bị tai nạn. Bên cạnh đó, tác giả đưa ra một vấn đề mang tính thời sự cao đó là việc đàm phán tiền bồi thường sau vụ tai nạn. Số tiền nào được đong đếm cho mạng sống của con người, cho nỗi đau mất đi người thân. Số tiền ấy có thể cứu cánh cho công ty sắp phá sản của một người bố, nhưng liệu có thể lắp đầy nỗi đau vĩnh viễn mất đi hai cô con gái sinh đôi để lại trong tim ông.
Tình nghĩa vợ chồng và được sống lại cuộc đời thứ 2
Heisuke và Naoko đã thực sự yêu nhau, có thể khẳng định như vậy, ngoài tình yêu đó họ còn gắn bó với nhau bởi tình nghĩa vợ chồng. Vì tình nghĩa ấy, Naoko luôn làm tròn trách nhiệm của một người vợ trong thân xác con gái. Vừa phải đi học Naoko vừa nấu cơm, dọn dẹp, nhà cửa và chăm sóc Heisuke.
Nhưng cô cũng coi việc tỉnh dậy trong thân xác con gái như một cơ hội được sống một cuộc đời mới. Và cô đã cố gắng làm những điều mà cô không thể làm hoặc bỏ lỡ khi còn là Naoko ở vào độ tuổi ấy. Dù trong thân thể Monami nhưng trí óc vẫn là của Naoko – một bà nội trợ 36 tuổi, đòi hỏi Naoko phải chăm chỉ và cố gắng rất nhiều. Thời gian của cô, vừa phải đóng vai trò của một người học sinh vừa phải đóng vai trò của một người vợ. Cô phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba những người khác để có được những thành quả cho con đường cô hướng tới – một phần toại nguyện cho bản thân cô và một phần cho con gái cô nếu có ngày cô bé trở lại, Monami đã có sẵn tiền đề để bước tiếp.
Và cuối cùng, Naoko đã lựa chọn cách giải thoát cho cô và Heisuke của riêng cô.
Tác giả miêu tả tâm lý nhân vật quá xuất sắc. Người đọc như bị cuốn vào thế giới nội tâm của nhân vật, cảm nhận được sự đau khổ, giằng xé của họ. Tưởng đã có một cái kết toàn vẹn nhưng không, đến lúc kết nhà văn Higashino Keigo vẫn mang đến cho độc giả sự bất ngờ không nói thành lời và người đọc hiểu ra tại sao tác giả đặt tên tác phẩm là bí mật của Naoko. Đến cuối cùng Naoko vẫn có những bí mật của riêng mình.
Đừng vội vàng phán xét ai
Đừng quên bạn đang đọc một tác phẩm của Higashino Keigo, nếu không bạn sẽ bị sa vào cái bẫy tâm lý của tác giả, để rồi đau đáu theo cuộc sống, tâm trạng của nhân vật. Đôi lúc, người đọc tưởng chừng như đã hiểu ra mọi chuyện, hiểu rõ nhân vật, nhưng không, tác giả vẫn nhẹ nhàng mở ra những tình tiết mới. Con người không đơn giản như những gì ta nhìn thấy.
Đừng vội vàng phán xét bất cứ một ai cả, người lái xe hay người bố mất hai cô con gái,… Mỗi người sống đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, người ngoài sẽ khó mà có thể hiểu được rõ ràng. Những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi, cuộc sống của mỗi người trải qua khó khăn và trắc trở gì, đứng tại vị trí của mình, chúng ta cũng không biết được, …
Mèo Mun
Nguồn : https://www.reader.com.vn/review-sach-bi-mat-cua-naoko-bi-mat-khong-the-noi-ra-a134.html
Đọc thêm sách cùng tác giả Higashino Keigo đã được review: